Mỗi năm chỉ tiêu Tết có một lần là quan niệm của không ít người, đặc biệt là các đôi vợ chồng trẻ. Thế nên, kể cả khi kinh tế có khó khăn, lương ít, thưởng cũng ít, nhiều người vẫn có thể móc ví một cách thoải mái mỗi dịp Tết đến xuân về. Vợ hoang đường vợ, chồng chi tiêu kiểu chồng. Để rồi khi ngày vui nhanh chóng đi qua, trở lại với bồn bề cuộc sống, nhiều gia đình đã nảy sinh mâu thuẫn cũng vì trót “vung tay quá trán”.
Năm ngoái, dù thu nhập dịp cuối năm không được nhiều như mọi khi, thế nhưng vợ chồng anh Bình, chị Thu (quận Thủ Đức, Tp.HCM) vẫn quyết định phải sắm một cái Tết thật hoành tráng. Nghĩ là làm, trong khi chị Thu mua toàn bánh kẹo với rượu ngoại, vừa để làm quà biếu, vừa để chuẩn bị cho gia đình tiếp khách thì anh Bình cũng mạnh tay “tút tát” lại phòng khách với chiếc tivi và dàn loa mới. Kết quả là sau Tết, ngồi tính toán lại, thấy khoản tiền chi ra gấp đôi thu nhập một tháng của cả hai, anh chị mới bắt đầu quay ra trách móc nhau.
Bạn sẽ có rất nhiều khoản phải chi tiêu trong những ngày Tết
Thực ra, bằng cách chi tiêu thật hợp lý, tiết kiệm và khoa học, các cặp vợ chồng như anh Bình, chị Thu vẫn có thể đón một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn. Và dưới đây là một vài lời khuyên mua sắm tết của chúng tôi:
Lên danh sách những đồ cần mua
Đây là việc nên làm đầu tiên khi bạn bắt đầu có dự định mua sắm Tết. Không chỉ giúp bạn kiểm soát được chi tiêu của mình, xác định được những món đồ thực sự cần mua, với một danh sách cụ thể và chi tiết, bạn còn có thể cân đối được tài chính cũng như lên kế hoạch mua sắm hợp lý. Tất nhiên, đây không phải là một bản danh sách cố định, bạn hoàn toàn có thể linh động thêm hoặc bớt những món đồ trong đó. Mặc dù vậy, hãy đưa ra quyết định thật hợp lý và tỉnh táo. Khi muốn bớt đi một thứ gì, hãy nhớ gạch ngay khỏi danh sách.
Trong lần đầu tiên đón Tết ở nhà chồng, vì muốn chứng minh mình là dâu thảo chuẩn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chị Hoàng Dung (quận 2, TP,HCM) đã sắm sửa khá nhiệt tình. Gạt đi lời khuyên ban đầu của mẹ chồng, chị mua không biết bao nhiêu là thực phẩm, bánh kẹo. Để rồi sau đó, Tết thì hết mà đồ thì vẫn còn, để ăn không được mà cũng chẳng dám cho. Kể từ sau lần đó, chị đã biết lên một bản danh sách những thứ cần mua dịp Tết. Người đã hướng dẫn chị không ai khác chính là bà mẹ chồng tâm lý.
Chi tiêu làm sao để có cái Tết đầm ấm là điều quan trọng nhất
Bắt đầu mua sắm từ sớm
Nếu có thời gian, bạn nên bắt đầu mua sắm chuẩn bị từ trước Tết một tháng. Bởi ngoài thực phẩm dự trữ, những thứ khác như quà Tết, đồ trang trí, đồ khô, bánh mứt, kẹo, rượu bia… đều có thể mua được từ sớm. Như vậy, bạn vừa tránh được việc phải chen lấn xô đẩy khi mua hàng những ngày giáp Tết, lại có dư thời gian để kiểm tra xem mình đã mua đúng, đủ với bản danh sách đã lên hay chưa. Không những thế, càng cận ngày 30 Tết, do sức mua tăng vọt mà hầu như năm nào, giá cả dịp này cũng bị đẩy lên nhiều, đặc biệt là ở các chợ dân sinh. Vì vậy, bắt đầu sắm sửa từ sớm, bạn còn có thể tiết kiệm được một khoản tiền.
Chỉ vì chủ quan, muốn đợi đến sát giao thừa xem tình hình giá cả có hạ đi chút nào không mà chị Thanh Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) từng phải cắn răng mua những món đồ đắt gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường.
Tranh thủ mua đồ khuyến mãi
Cứ đến dịp cuối năm, các siêu thị và trung tâm mua sắm lớn đều tung ra những chiến dịch khuyến mãi rầm rộ. Do đó, bạn nên tranh thủ cơ hội này để sắm sửa cho gia đình mình. Vì xác định sẽ không “vung tay quá trán” nên bạn đừng quên mang theo bản danh sách mà mình đã lên từ trước khi đến những nơi này. Bên cạnh đó, tốt hơn hết, bạn hãy định hình luôn trong đầu những quầy hàng mình sẽ đến để tránh việc la cà, dễ bị cuốn vào sức hấp dẫn của những thứ không cần thiết khác. Ngoài ra, bạn cũng nên tỉnh táo trước những món hàng được khuyến mãi. Bởi bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn tử tế thì cũng có không ít nơi tranh thủ dịp này để tẩu tán hàng lỗi, hàng tồn kho, hàng hết “date”… Hãy quan sát thật kỹ sản phẩm về hình thức, bao bì và hạn sử dụng trước khi quyết định có nên bỏ chúng vào giỏ hay không.
Mua chung theo nhóm
Trước tình hình khó khăn chung về kinh tế, nhiều chủ shop đã lôi kéo người tiêu dùng bằng cách giảm giá cho những đơn hàng lớn. Chính vì thế mà cũng có không ít các mẹ đã đứng ra lập hội để được hưởng ưu đãi này. Hội càng nhiều người, ưu đãi càng lớn. Không chỉ xuất hiện những hội trong khu phố, hội cùng cơ quan mà nhiều người còn tìm đến với nhau và thành lập những hội online. Do đó, chỉ cần để ý một chút, bạn cũng có thể tìm cho mình một hội mua sắm ưng ý.
Theo tìm hiểu, nếu mua với số lượng lớn, mỗi cân giò, chè khô sẽ giảm được 20,000 đến 30,000 đồng, hạt bí giảm khoảng 30,000 đồng, bánh kẹo thì tùy loại nhưng mức giảm thấp nhất là 10%… Mặc dù mức giảm này chia ra cho từng người thì không đáng kể nhưng nếu mua nhiều món hàng khác nhau, bạn cũng sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá.
Nhóm hàng ưu tiên
Thông thường, một bản danh sách những thứ cần mua sẽ gồm những nhóm sản phẩm sau: nhóm thực phẩm tươi và khô; nhóm rượu bia, bánh mứt kẹo; nhóm trang trí, vệ sinh nhà cửa; nhóm thời trang, nhóm gia dụng… Hãy liệt kê các nhóm theo thứ tự cái gì quan trọng nhất đặt lên đầu. Đây chính là nhóm hàng ưu tiên. Sau đó, hãy lên con số dự chi cho từng nhóm để có thể cân đối tài chính theo ý mình. Hãy tính dư ra một chút so với con số dự định ban đầu để đề phòng trượt giá. Khi mua sắm, nếu có nguy cơ sẽ phải tiêu nhiều hơn số tiền đã chuẩn bị, hãy tập trung vào những món đồ ưu tiên và loại bớt những thứ chưa thực sự cần.