#Onharatvui: Đi chợ nấu ăn mùa dịch bệnh – Làm sao cho khéo?

Chiến dịch “Ở nhà rất vui” (#onharatvui) mùa Coronavirus/Covid-19

Bước vào một năm mới nhiều hứa hẹn, chúng ta đã mong đợi những điều tốt đẹp và tháng ngày ngập tràn hạnh phúc sẽ đến. Thế nhưng “cơn bão” Coronavirus/Covid-19 đột nhiên quét qua, làm đảo lộn nếp sống thường nhật của chúng ta, từ công việc đến nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, một đồng xu luôn có hai mặt. Trong chuỗi ngày đầy biến động này, Đẹp khởi động chiến dịch “Ở nhà rất vui” (#onharatvui) nhằm lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến từ chính những người trong cuộc – người đang cách ly tập trung, cách ly tại gia, người làm việc tại nhà (work from home), du học sinh,… và gửi đến thông điệp: ngoài đường làm sao vui bằng ở nhà.

Mua những loại thực phẩm nào, lượng thực phẩm ra sao để phù hợp với số lượng và khẩu vị các thành viên trong gia đình, làm sao để xây dựng một thực đơn dinh dưỡng, dễ ăn cho gia đình trong những ngày làm việc tại nhà… không phải là vấn đề đơn giản mà chỉ cần cầm tiền ra chợ là giải quyết được.

Cùng Đẹp khám phá những bí quyết đi chợ và nấu ăn mùa dịch bệnh của cô nàng chuyên viên truyền thông Hoài Thanh sao cho hiệu quả nhé!

1. Đừng bị cuốn vào tâm lý sợ hãi của đám đông

Tâm lý chung khi đi siêu thị mấy ngày hôm nay của phần đông mọi người là hoang mang, lo sợ vì không biết tình hình sắp tới như thế nào. Bởi vậy nên ai cũng mua một đống đồ với tâm lý tích trữ. Đừng để bị cuốn vào tâm lý sợ hãi, thay vào đó, điều đầu tiên trước khi đi mua sắm là nên biết mình cần gì và mua gì để tránh lãng phí. Bạn có thể đưa ra một danh sách những món đồ cần mua thông qua những câu hỏi: số lượng thành viên trong nhà, khả năng tích trữ và bảo quản thực phẩm của tủ lạnh nhà bạn, và quan trong nhất là tính toán chi phí cho mỗi lần đi chợ tích trữ (ăn trong bao lâu, mỗi bữa ăn khoảng bao nhiêu tiền…).

2. Mua các loại thực phẩm dựa trên hạn sử dụng

Tôi mua nhiều các loại thực phẩm có hạn sử dụng từ 1 tháng đến 6 tháng như: gạo, miến, mì, cá khô, lạp xưởng, các loại đậu khô (đậu phộng, đậu đen, đậu gà, đậu lăng…), các loại hạt (macca, hạnh nhân…), Granola, trái cây sấy, phô mai, bơ đậu phộng/bơ điều. Tôi cũng mua thêm bánh mì ngọt, sandwich để đổi bữa cho các buổi sáng. Tôi hạn chế ăn mì gói, snack vì hàm lượng muối, đường, chất bảo quản trong các sản phẩm này rất cao, sử dụng lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe.

Về thực phẩm tươi, tôi lựa chọn thịt mát của MeatDeli, tuy giá hơi cao hơn mặt bằng chung nhưng loại thịt này bảo quản được lâu hơn so với các loại thị trong siêu thị. Đặc biệt, dù đã qua hạn sử dụng tốt nhất ghi trên bao bì, nếu bảo quản thịt trong ngăn đá thì có thể sử dụng được thêm 10-15 ngày tùy loại thịt. Đối với cá, sau khi mua về, tôi rửa sạch, ướp muối, bảo quản ngăn đá và ăn trong 1 tuần trở lại.

Với rau củ, bạn nên ưu tiên mua các loại củ vì để được lâu như: khoai lang, khoai tây, cà rốt, củ cải, bí đỏ, bí xanh, súp lơ, cà chua, bắp cải, ớt chuông… những loại rau củ này có thể để được từ 1-2 tuần nếu bảo quản tốt. Ở nhà, tôi sử dụng hộp Tupperware để bảo quản rau củ trong tủ lạnh.

Bên cạnh đó, tôi luôn lựa chọn các loại trái cây khá quân bình, không quá nóng và cũng không quá mát để tránh gây hàn cho cơ thể. Một số loại quả rất ngon và bảo quản được lâu như: bơ, thanh long, dâu tây, táo đỏ…

3. Cách chế biến món ăn nhanh chóng, bổ dưỡng

Cách chế biến tùy thuộc vào sở thích của từng cá nhân và gia đình. Riêng tôi, tôi chọn nồi sứ Minh Long để nấu ăn hằng ngày vì phương pháp nấu ăn từ nhiệt dạng hầm này tốt cho sức khỏe. Nồi sứ này rất đa năng: luộc các thể loại gà, khoai, bắp; hầm chân giò, xương siêu mềm; kho cá, thịt; nấu soup thực dưỡng…

Ngoài ra Hoài Thành cũng tự lên cho mình 10 gạch đầu dòng cần làm trong mùa dịch để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm “công dân gương mẫu” của mình:

1. Hãy kêu gọi mọi người không tụ tập đông người, không ra đường nếu không thực sự cần thiết. Chơi lúc nào chẳng được, chân cuồng đến mấy thì cũng phải sợ chết và sợ bệnh. Đây là lúc nên cột chân ở nhà!

2. Hãy nhắc nhở bạn bè của bạn ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang. Ở Ấn Độ chính quyền phạt roi những ai không đeo khẩu trang. Ở Việt Nam, nghị định xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng. Dù “não cá vàng”, vui lòng “nhớ khẩu trang”!

3. Đừng kỳ thị những người đang tự cách ly vì họ là những người tuân thủ và tự giác. Hãy động viên những bạn đang chủ động cách ly tại nhà và hãy giúp đỡ họ nếu được. Dĩ nhiên, đừng trốn cách ly.

4. Hãy nhắc mọi người rửa tay thường xuyên và không đưa tay lên sờ mặt, mũi, mắt. Giữ khoảng cách an toàn ở nơi công cộng.

5. Chủ động khai báo y tế, kêu gọi mọi người khai báo y tế với các trường hợp nhập cảnh từ 8/3 đến nay.

6. Hãy góp sức bằng một việc nhỏ nhất là: Ở nhà. Đây là cách đơn giản nhất để hỗ trợ nỗ lực chống dịch của chính phủ và Bộ Y tế. Chúng ta không thể biết tình hình bên ngoài đang rối ren và những người có nhiệm vụ đang vất vả chống dịch như thế nào.

7. Hãy kêu gọi đóng góp tài chính cho cuộc chiến này: hiện tại nguồn tài chính quyên góp được đã lên tới 500 tỷ. Lúc này đây, tất cả mọi đóng góp cho nhà nước để chống dịch là vô cùng quý báu. Bớt mua sắm những thứ không cần thiết bạn nhé!

8. Đừng share những tin tức gây hoang mang dư luận khiến chính những người thân của bạn cũng âu lo theo. Hãy cập nhật tin tức từ các báo chính thống.

9. Hãy trân trọng và biết ơn tất cả mọi người đang chung tay hành động và giúp sức trong cuộc chiến này. Chỉ khi trở về từ những vùng cách ly, bạn mới biết cả trăm ngàn y bác sĩ, cán bộ y tế, cảnh sát, các tình nguyện viên đang nỗ lực từng phút từng giây.

10. Hãy giữ cho chính bản thân bạn sự bình tĩnh. Chỉ khi bạn bình tĩnh, bạn sẽ sẽ mạnh mẽ hơn. Sự hoang mang, lo lắng sẽ làm sức đề kháng của bạn yếu đi.


From the same category