#Onharatvui: Dạy học trực tuyến vừa bận rộn vừa lý thú!

Chiến dịch “Ở nhà rất vui” (#onharatvui) mùa Coronavirus/Covid-19

Bước vào một năm mới nhiều hứa hẹn, chúng ta đã mong đợi những điều tốt đẹp và tháng ngày ngập tràn hạnh phúc sẽ đến. Thế nhưng “cơn bão” Corona đột nhiên quét qua, làm đảo lộn nếp sống thường nhật của chúng ta, từ công việc đến nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, một đồng xu luôn có hai mặt. Trong chuỗi ngày đầy biến động này, Đẹp khởi động chiến dịch “Ở nhà rất vui” (#onharatvui) nhằm lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến từ chính những người trong cuộc – người đang cách ly tập trung, cách ly tại gia, người làm việc tại nhà (work from home), du học sinh,… và gửi đến thông điệp: ngoài đường làm sao vui bằng ở nhà.

Trong khi phần đông người ca thán việc mình có quá nhiều thời gian đến mức có thể rơi vào trầm cảm vì chẳng biết làm gì để sử dụng cho bằng hết, thì vẫn có một số ít khác lại bận rộn tối mặt tối mũi. Làm việc tại nhà, nhất là với đặc thù nghề phải giao tiếp trực tiếp như giáo viên chưa bao giờ là một điều đơn giản, thậm chí còn được xem là một trải nghiệm hiếm có trong sự nghiệp.

“Có lẽ tôi thuộc vào diện đặc-biệt-bận-rộn trong chuỗi ngày mà mọi người đều than vãn rằng mình có quá nhiều thời gian nhàn rỗi. Kể từ ngày dịch bệnh bùng nổ, giáo viên như tôi phải chuyển sang dạy học online. Soạn giáo án dạy online tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nếu làm sơ sài thì học viên sẽ cảm thấy chán và không muốn học, vì vậy khi làm tỉ mỉ đến từng chi tiết, nhanh chóng ra bài giảng, còn phải diễn đạt sao cho dễ hiểu nhất thì gần như là một cuộc đua với thời gian. 

Phương Yên chia sẻ, vì thói quen soạn giáo án ngoài các quán cà phê để tập trung hơn không thể thực hiện được nữa, cô buộc phải tập làm quen với việc làm việc tại nhà có phần ngột ngạt hơn.

Là giáo viên và đặc biệt là giáo viên dạy ở trung tâm thì thu nhập mỗi tháng của tôi sẽ phụ thuộc vào số lớp và số tiết học. Khi các lớp học đóng cửa đồng nghĩa với việc việc giáo viên sẽ mất phần lớn thu nhập. Nhiều giáo viên trong mùa dịch sẽ quyết định làm thêm như bán hàng online, tự mở lớp dạy online cho các học viên có nhu cầu với mức học phí rẻ để có thể trang trải được một phần kinh tế. Nhưng không phải tất cả mọi giáo viên đều có thể làm được. Trước đây tôi cũng có bán hàng online, nhưng sau khi chuyển sang dạy học trực tuyến thì không đủ thời gian rảnh để làm tiếp. 

Tôi gặp thử thách trong việc quản lý và đảm bảo lượng kiến thức cho học sinh của mình. Bên cạnh đó, việc đột nhiên phải làm việc nhiều giờ trên máy tính liên tục cũng khiến tôi mỏi mắt. Nếu ngày thường tôi có thói quen làm bánh và nấu ăn thì nay cũng không rảnh tay để làm. Ban đầu tôi không quen với nếp sống mới này, thế nhưng cảm giác bị cuốn vào bận rộn cũng có cái thú vị của nó. Dạy học tại nhà bù lại không cần phải rong ruổi dưới trời nắng nóng, thoải mái hơn rất nhiều, và nhất là đỡ được một khoản chi phí order thức ăn, đồ uống bên ngoài. 

Thật ra mà nói, tôi không quá đặt nặng khái niệm “cách ly xã hội”, chỉ là trong mùa dịch này thì hạn chế ra ngoài nhiều nhất có thể mà thôi. Bình thường cuối tuần tôi sẽ đi ăn uống, mua sắm, đi chợ nhưng bây giờ ở nhà là ưu tiên hàng đầu; tôi chuyển sang đặt mua đồ trên mạng chứ tuyệt nhiên không đi đến những nơi đông người nữa. Sự bất tiện là điều không thể tránh khỏi nhưng dần dà ai rồi cũng thích nghi được thôi. 

Sự bận rộn trong chuỗi ngày dịch bệnh này với Phương Yên mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, nó nhắc cô nhớ mình may mắn ra sao khi vẫn còn công việc để làm.

Điều mà chúng ta cần chỉ là thời gian, không phải sao? Hãy nghĩ rằng mọi người đều như nhau, chứ mình không hề đơn độc trong nỗ lực chiến đấu lại dịch bệnh này. Trong thời gian này, tôi cảm thấy ý thức về việc tự bảo vệ bản thân cao hơn, không còn vô tâm với sức khỏe của mình nữa. Nếu có một điều mà tôi biết ơn nhất trong thời điểm biến động này thì đó là cảm thấy may mắn khi mình còn được bận rộn.”


From the same category