Quyền lực tối giản duy mỹ ở Dior - Tạp chí Đẹp

Quyền lực tối giản duy mỹ ở Dior

DELETED

Dior đã khiến rất nhiều người sửng sốt khi chọn Raf Simons – cựu giám đốc sáng tạo của Jil Sander (2005-2012), sau khi đã từng định mời Marc Jacobs, Alber Elbaz và Pheobe Philo. Đồng thời cũng có rất nhiều bất mãn khi những người kế thừa một trong những nhân vật thời trang huyền thoại nhất không chọn Bill Gaytten đảm đương vị trí này. Gaytten đã đóng góp cho Dior rất nhiều, nhất là trong giai đoạn hậu John Galliano. Thế giới thời trang, bắt đầu tràn ngập những thiết kế theo phong cách tối giản, đều biết Raf Simons là một người Bỉ học thiết kế công nghiệp và nội thất chứ không phải thời trang.


Raf Simons


Bộ sưu tập Xuân – Hè cuối cùng ở nhà Jil Sander, do anh trình làng runway hồi cuối tháng Hai vừa rồi đã khiến khán phòng rộ lên những tràng pháo tay không ngớt trước cái gọi là sự thuần khiết tột bậc của nữ tính trong những bộ váy áo nhẹ nhàng và mong manh màu hồng, nâu hay xám nhạt. Dù thế, thảy đều tự hỏi làm sao một anh chàng bắt đầu sự nghiệp bằng việc thiết kế quần áo nam, lấy tên người khác (eponymous) lại có thể đảm đương vị trí Giám đốc sáng tạo cho ba mảng quan trong nhất (trừ trang phục nam): Haute Couture (hàng thửa đặt may), Prêt-à-Porter (hàng may sẵn) và các phụ kiện, mỹ phẩm? Hơn thế, của một nhãn hiệu nổi tiếng bậc nhất thế giới vì tính lịch lãm và sang trọng như Dior? Làm ơn đi! Ít nhất phải làm xong bài tập rồi thì mới tới trường chứ! Simons thậm chí chưa làm một bộ Haute Couture bao giờ! Mặc cho những hoài nghi rất có cơ sở ấy, Bernard Arnault, giám đốc LVMH (sỡ hữu nhà Dior) đã công bố trên www.nytimes.com rằng: “Cuộc cưới gả của Raf Simons vào nhà Dior sẽ mở ra một hành trình ghi dấu ấn của cả hai vào thế kỷ 21”. Bản thân Simons, khi chia sẻ với tờ Menkes, nói: “Tôi muốn có một Dior thực sự hiện đại, nhưng cuối cùng, tôi vẫn giữ một cách nhìn hoài niệm”. Và gọi đó là chủ nghĩa hiện đại giữa thế kỷ (Mid-Century Modernism).


Thuật ngữ này bắt nguồn từ lĩnh vực trang trí nội thất sở trường của Simons, ám chỉ cuộc cách mạng giữa thế kỷ 20, khi những đồ đạc chạm trổ cầu kỳ được thay thế bằng những món thẳng thớm, đẹp giản tiện nhưng vẫn rất kiểu cách và duyên dáng.


Nếu để ý một chút, giữa Christian Dior và Raf Simons cũng có khá nhiều điểm tương đồng. Ít ai biết tượng đài Dior từng học Đại học Khoa học – Bách khoa Paris trước khi làm chủ một phòng trưng bày nhỏ với bạn là Jacques Bonjean, bày bán các mặt hàng thời trang của các nhà thiết kế tiên phong của thế kỷ 20 như Raoul Dufy, Georges Braque, Paul Klee, Salvador Dali, Alberto Giacometti, Juan Miro và Maurice Utrillo. Vâng, hiển nhiên, một chủ tiệm thời trang không phải là dân thiết kế thời trang rồi.


Những đường nét nổi bật trong BST Dior Xuân – Hè 2013


Ngài Dior nổi tiếng vì những tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp nữ tính và phong cách tinh tế toát lên từ phép biến hóa màu sắc. Raf Simons – trong suốt thời gian 10 năm làm việc ở Jil Sander – cũng đã được ghi nhận như một thầy phù thủy trong việc sử dụng màu sắc. Những thiết kế của cả Dior và Simons đều mang hơi hướng táo bạo trong từng đường cắt, tạo nên những bộ trang phục hết sức độc đáo và hướng ngoại, dù vẫn rất thực dụng. Trang phục dù nổi bật đến đâu, vẫn phài hài hòa và phù hợp với vóc dáng. Trên hết, phải tôn lên những nét riêng và tính cách đặc trưng của người mặc. Có thể thấy rõ điều này trong BST Haute Couture đầu tiên Simons thiết kế cho nhà Dior vào tháng Bảy vừa rồi. Chỉ với bộ sưu tập đầu tiên ấy thôi, làng thời trang quốc tế đã như ngừng thở. Sao lại có người biết “ngoảnh mặt nhìn quá khứ bằng con mắt hiện đại, theo đúng điệu của Ngài Dior đến thế!”. Haute Couture được coi là sản phẩm của những giấc mơ, có thể lấy lại những gì thời gian đã mang đi và đặt vào tay ta những gì ta mong muốn trong tương lai. Và ít ai thực sự hiểu rằng, những bộ áo quần vốn được may cắt tay rất cầu kỳ ấy cũng có thể là những sản phẩm của thế giới hiện đại. Vì những người làm ra chúng và những người mặc chúng đều là những con người sống và bay lượn trên thế giới phẳng và dùng smart phone.


BST Haute Couture đầu tay này đã được ra mắt trong một không gian lung linh sắc màu và thơm lừng mùi hoa linh lan xanh, mimosa trắng và hoa hồng. Một cuộc chào sân đầy hương sắc của Raf Simons. Sẽ là một ganh tỵ nhỏ cho nhiều nhà thiết kế khác, khi đã có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới thời trang tới chiêm ngưỡng nó. Từ những Pierre Cardin, Marc Jacobs, Diane von Furstenberg, Donatella Versace, Olivier Theyskens, Alber Elbaz, Christopher Kane và Azzedine Alaia, cho tới những nhà biên tập, những nhân vật nổi tiếng khác như Carine Roitfeld, Sharon Stone, Jennifer Lawrence, Marisa Berenson, Stella Tennant…


Tất cả đã lặng đi trước những bộ trang phục màu đen, váy peplum cứng cáp với những chít eo gấp ly tinh tế và tay áo phồng. Rồi những chiếc đầm dài cúp ngực, váy phồng điểm xuyến bằng nơ, hạt cườm và các họa tiết đính vào áo bằng tay với phong cách hoàn toàn mới mẻ. Những chiếc áo khoác chít eo thật khéo với cổ áo cổ điển nhưng phom áo lại rất hiện đại. Như mọi khi, Raf Simons lại chơi trò biến hóa khi sử dụng họa tiết màu nước. Rồi những chiếc váy đính cườm li ti, lấp lánh như bước ra từ các bộ phim cổ tích. Chúng khiến người ta nhớ đến BST của chính Raf Simons khi còn ở Jil Sander vào mùa trước, tuy nhiên đã pha trộn khéo léo với những điểm nhấn rất Dior. Và cũng không ai có thể phủ nhận thành công của anh, khi từng đường nét, màu sắc của BST Haute Couture này đậm chất Dior nhưng không hề có sự nhái lại hay bắt chước nhàm chán như nhiều phỏng đoán. Raf Simons vừa tôn vinh những tiêu điểm vốn đã là biểu tượng của nhà Dior nhưng cũng vừa đủ tự tin nâng BST Haute Couture của mình lên một bậc. Anh đánh một cú xoay vòng ngoạn mục và thổi một làn gió mới mẻ vào đó: Sự tối giản thuần khiết và duy mỹ.


Ngay sau thành công của BST Haute Couture, Raf Simons lại một lần nữa khẳng định tài năng của mình khi ra mắt BST Prêt-à-Porter trong một gian phòng hoàn toàn trắng trơn, đơn giản với những mảnh vải rủ màu hồng nhạt – hoàn toàn trái ngược với không gian của BST Haute Couture. Và cũng vậy, những bộ trang phục Prêt-à-Porter của Raf Simons sặc sỡ, trẻ trung với những đường cắt phóng khoáng, thanh thoát của những bộ vest rời màu đen, áo chít eo, những chiếc váy dạng đồng hồ cát và những chiếc quần thanh mảnh dạng bút chì dài tới mắt cá kết hợp với những chi tiết nhỏ đi kèm như một chiếc nơ đỏ thắt quanh cổ, những mảnh kim loại vuông, những mũi thêu tay…


 




 


Raf Simons đã cho cộng đồng thời trang thấy tài năng của mình.


Hai BST mang phong cách cách tân “New New Look” ấy đã là một cái cúi đầu chào nhún nhường đối với di sản kế thừa của nhà Dior và cũng là để phô bày những giá trị hiện đại một cách rất tự nhiên mà hài hòa. Đó là lời đáp trả đầy thuyết phục cho rất nhiều nghi ngờ rằng Raf Simons sẽ không vượt được cái bóng quá lớn của Ngài Dior và sẽ tạo ra một lối mòn nhàm chán. Biên tập viên thời trang danh tiếng Cathy Horyn của Tờ New York Times nhận xét ngay sau buổi trình diễn: “Điều khó nhất trong thời trang là nhận ra tương lai hiển hiện trong quá khứ như thế nào ở từng bộ trang phục. Điều khó thứ hai là phải quên đi quá khứ. Bước ngoặt trí tuệ ấy đã được Raf Simons thể hiện sau khi anh nắm quyền kiểm soát Dior vào ngày thứ Hai vừa qua. Không thể có từ nào chính xác hơn thế. Anh đã cai quản nhà mốt này và mới chỉ nhà thiết kế thứ năm kể từ khi Christian Dior sáng lập công ty làm được điều này.


Gánh trên vai nhiều công việc khác của nhà Dior, như quảng cáo và thiết kế cửa hàng, Raf Simons sẽ còn gặp nhiều thách thức. Không chỉ do cái bóng quá lớn của Ngài Dior, mà còn vì sự kỳ vọng của làng thời trang quốc tế. Nhưng chỉ với hai BST mới đây cho nhà Dior, anh đã phần nào chứng minh được quyền lực và ảnh hưởng của mình trong xu hướng thời trang đương đại. Có rất nhiều nhãn hiệu được các nhân vật nổi tiếng mặc, nhiều nhà thiết kế làm mưa làm gió trên sàn catwalk. Nhưng chỉ rất ít người có quyền lực thực sự và tạo dấu ấn trong lịch sử thời trang. Raf Simons của nhà Dior dường như đang và sẽ làm được chuyện này, bằng những thiết kế tối giản và duy mỹ tuyệt đỉnh của mình.





Bài: Scarletvn


Theo f 


Thực hiện: depweb

17/12/2012, 15:41