Vâng tôi nhà quê! - Tạp chí Đẹp

Vâng tôi nhà quê!

DELETED

Ấy xin đừng khó hiểu, khi bạn nhìn thấy một quý cô mặc áo mỏng tang, rõ cái áo con bên trong là đồ hiệu gì, cỡ bao nhiêu. Hoặc mặc áo ngắn hở lưng, quần cạp trễ và ngồi nhất định phải trễ nải. Ở khoảng không giữa lưng và mông, là một hình xăm rất đỗi “ngông cuồng” nhằm khẳng định cá tính. Và vì quần cạp trễ, nên thò ra một miếng nho nhỏ hình chữ nhật.

Có một người, ít đi lên đường phố thành thị, chợt một lần nhìn thấy cái miếng nho nhỏ hình chữ nhật ấy từ cạp quần của một cô gái. Anh chạy xe máy lên, sát gần sau cô, rồi kín đáo liếc sang mấy lượt, rồi ngẫm, rồi nghĩ mãi. Mãi rồi anh chợt hét lên: “Ơ, cái của… nợ”. Bạn anh hỏi: “Cái gì mà là của nợ?”. Anh ta bảo: “Biết đấy là cái gì rồi!”. Bạn lại gặng, bảo: “Sốt ruột, nói mau! Mày nhìn thấy cái gì ở lưng cô ấy?”. Anh thủng thẳng: “Hóa ra, đấy là cái mác quần chíp ông ạ, mà sao con gái giờ hay thế nhỉ? Mặc lòi cả mác quần ra ngoài là sao? Mốt thành phố à?”. Điều này làm tôi nhớ tới một truyện ngắn của Nhật Bản kể về chuyện một cô gái tỉnh lẻ rất nghèo, lần đầu gặp gỡ chàng trai thành thị, cô đã cố gắng đi mượn một bộ váy rất đẹp.

Cuộc gặp gỡ sẽ cực kỳ lãng mạn, nếu không có chi tiết cô bị ngã, chiếc váy bị tốc lên, và hở ra một chiếc quần con cũ rách. Cô gái đáng thương đó đã phát khóc vì tủi thân. Dĩ nhiên, đó là chuyện của văn học, và là thời xưa. Còn thời nay, cái mác ở chiếc quần con áo con, đã là giá trị tính bằng tiền, để đo mức độ kinh tế của người sử dụng và đặc biệt, phải được trưng ra.

Người ta thường nói: giản dị ở đỉnh cao, để nhằm nói sự hài hòa, giản dị nhưng không tuềnh toàng, đơn sơ; giản dị nhưng không cẩu thả, mà vẫn dùng đồ hiệu nhá. Chứ không phải cách xáo trộn đồ hiệu một cách “ối giời ơi, lố bịch, và quê… hoàn quê!” Có một nhân vật trong giới giải trí, cô làm ăn tốt, khá khẩm, có chút danh tiếng, mọi việc cũng dễ dàng hơn. Đôi khi cô có vẻ một sự kết hợp, mix (xáo trộn) quần áo váy, giầy, tất, mũ, kính, túi với nhau, tạo thành một tổng thể mà nếu cô muốn làm kiểu người “không cao, nhưng ai cũng phải ngoái nhìn” thì điều ấy quả là thành công.

Rồi một ngày, chiến sự xảy ra, khi cô mải mê vừa đi vừa làm dáng, vấp phải một “con mẹ nạ dòng” (từ của cô ấy). Người đàn bà này, mười ngón tay, không phải mất mấy, còn mấy, mà đến tám cái nhẫn đậu lắc lư trên tám ngón tay nần nẫn. Chắc hai ngón cái thì thôi, tha!

Cô gái này dáng mong manh, điệu đàng nên đi va vào người đàn bà kia. Cô nhăn nhó, ôm chân lò cò một cách duyên dáng mà quên béng mất để “nhời” lại với người vừa va chạm với mình. Tức thì người đàn bà kia quay phắt lại, đi về phía người nổi tiếng, và nhìn cô. Cô ấy mắt chớp chớp, giọng rất dễ thương, cô bảo: “Bà đi dẫm vào chân tôi lại còn nhìn cái gì?”.

Nhưng không, trái ngược lại với những dự đoán của tôi, người đàn bà mà những tưởng rất nanh nọc kia lại nhẹ nhàng: “Ừ, lần sau vào đây rồi, thì cô bỏ cái kính râm ra, nhìn đường cho rõ, ở trong này đèn nó hơi… tối, cô ạ”. Người đàn bà quay lưng bỏ đi, còn người nổi tiếng phẩy tay, lẩm bẩm: “Con mẹ nạ dòng, quê quá!”.
Không rõ cô muốn nói ai.

Hẳn là mọi người còn nhớ tiểu phẩm một người nông dân từ quê lên phố. Đến một tòa nhà cao tầng, anh ta đứng ngẩn người ra đếm xem có bao nhiêu tầng. Lập tức, một người khác ở đâu tới đòi thu tiền người nông dân kia vì tội đứng ngắm tòa nhà đó. Chuyện về những người sống ở quê, có sự thật thà, ngờ nghệch, đáng yêu trước sự hào nhoáng bên ngoài của đô thị – “Lơ ngơ như bò đội nón; nhà quê ra tỉnh, quê một cục”, thường là những từ để miêu tả sự ngượng ngùng, ngỡ ngàng ấy (Dân miền Nam hay dùng từ Hai Lúa).

Quê thế, người ta có thể lắc đầu, bĩu môi, chê nhau như vậy. Quê một cục, cái quê nó lồ lộ ra, quê trở thành một phẩm chất, tính chất để so sánh, giễu ngầm. Nó khác với danh từ quê thiêng liêng, khác chất quê xịn khác. Một người mặc đồ hiệu, không nên ngồi ăn cơm bình dân đầu ngõ được, cũng như đi xe xịn, mà ngồi mấy quán cafe xổm thì… “quê” quá.

Hồi còn nhỏ, bọn trẻ con thường hay hát vui: “Vâng tôi nhà quê/ Vâng tôi nhà quê/ Vâng tôi nhà quê không biết gì, í i i/ Tôi ở nhà quê mới ra/ Tôi ở nhà quê mới ra/ Nhìn ôtô nó đi, tôi tưởng con trâu nó phi, ì í i/ Nhìn que kem bốc hơi, cứ tưởng là kem nó sôi, ì í i/ Tôi ở nhà quê mới ra, tôi ở nhà quê mới ra/ Nhìn photocopy cứ tưởng Olivetti, ì í i/ Nhìn Olivetti cứ tưởng là hai cái ti, ì í i/ Vâng tôi nhà quê, vâng tôi nhà quê ứ biết gì… Lời quê đáng yêu vậy đấy, nhưng cũng có lúc bị lạm dụng và sử dụng thật ác ý. Quê, vô hình chung đã trở thành một tiêu chí để đánh giá con người.


N.V.Hạ Lam

Thực hiện: depweb

14/10/2008, 15:07