Nương nhờ bắt khách - Tạp chí Đẹp

Nương nhờ bắt khách

DELETED

Cô có mặt trong đám thiếu nữ đứng bên đường vẫy chào và tặng hoa khi đoàn quân giải phóng thủ đô tiến vào những đường phố Hà Nội, tháng 10/1954. Không lâu sau cô lấy một anh bộ đội trong đoàn quân ấy.

Gái Hàng Bông, Hàng Gai, khu phố tiểu thương sầm uất ngày trước, nhưng từ khi hòa bình, thỉnh thoảng cô lại đánh một cái áo cánh màu nâu non. Da trắng ngần, tác phong thanh lịch lộ rõ gốc gác, nhưng mặc áo nâu non. Như một cô nông dân. Như chứng tỏ sự hòa nhập của mình với chế độ mới, chế độ của công nhân, của chiến sĩ, đặc biệt là của nông dân.

Thời ấy, người ta tự hào nguồn gốc nghèo khổ. Rất nhiều người khai lý lịch mình thuộc thành phần bần cố nông. Tức là những người cùng khổ, bị địa chủ cường hào trong làng và thực dân tay sai ở trên bóc lột, đàn áp. Cô mấy đời ở Hà Nội, nhưng để cho môn đăng hộ đối với anh chồng bộ đội ngày ấy, cũng khai vào lý lịch – thành phần: bần nông.

Không chỉ cô mà thôi, trang phục chủ đạo của bình dân khi ấy là quần áo bộ đội, công nhân, sang ra thì bộ đại cán công chức. Có khi một ông công chức, một bà nghệ sĩ, một ông chính khách cũng cao hứng mặc bộ đồ nâu. Cho ra vẻ bình dị. Cho ra vẻ hòa đồng với quần chúng. Cho ra vẻ thời trang, đôi khi.

Chất quê đã trở thành chủ đạo, bao trùm đời sống, trải rộng trong các đô thị, xâm nhập vào tinh thần tình cảm của nhiều người. Hà Nội thủ đô mà nếp sống vẫn ra cái làng. Những đô thị miền Nam sau này cũng thế. Nếp sống làng xã. Quản lý, thiết kế kiểu việc làng, miếng giữa làng. Dân cư thì từ nếp nghĩ, nếp cảm cho đến thói quen ẩm thực, đến giọng nói đều vẫn giữ thuần quê. Có ông sếp, cuối đời quan chức được một chuyến đi sứ như sự bù chì.

Ông khoe trước khi đi sứ, ông từng công cán hơn ba chục nước trên thế giới. Như thường thấy ở quan chức các ngành, đi rất nhiều mà học chẳng bao nhiêu, thậm chí tinh thần tự cao ếch ngồi đáy giếng làng khiến họ chẳng thèm học. Ăngten chỉ có phát mà mất khả năng thu. Tôi tháp tùng ông đến làm việc tại Bộ Ngoại giao bạn. Trên hành lang, ông giáng đế giày, bùm bùm bùm. Người thì bé mà khua giày như pháo đùng.

Nhắc, đi giày kiểu gì thế? Ông đáp vô tư hồn nhiên, giày Tiệp đấy. Ngày ấy giày da Tiệp Khắc nổi tiếng bền đẹp. Tôi về nhắc khéo vợ ông: Chị lấy miếng cao su, đệm vào đế giày anh ấy. Quý phu nhân gốc Hà Nội hiểu ngay vấn đề: Khốn nỗi, chân ấy có đệm cao su vào đế giày thì đi vẫn cứ kêu… Chà, vấn đề ở chỗ: không phải cái chân mà là cái đầu.

Thời ấy, người ta tự hào nguồn gốc nghèo khổ. Rất nhiều người khai lý lịch mình thuộc thành phần bần cố nông. Tức là những người cùng khổ, bị địa chủ cường hào trong làng và thực dân tay sai ở trên bóc lột, đàn áp.

Người Việt, ở quê thì chỉ mong thoát ly, tức là đi khỏi làng, kiếm việc ở thành phố, ở trong quân ngũ, có lương có bổng. Mấy chục năm công chức, người ở đây mà hồn về đấy. Về đấy, tức là hồn ngược về quê. Có chút tiêu chuẩn vải vóc, đồ tiêu dùng… ăn nhịn để dành, gửi về quê. Cái đài cũ, cái tivi cũ, gửi về quê. Cũng giống như người quê thì chắt bóp, cho chồng cho cha cân gạo mới, chút mắm muối tương cà mang lên thành phố.

Ông công chức mấy chục năm ở thành phố, không thấy nói chuyện ơn nghĩa với điện với nước thành phố, chỉ nghĩ về quê. Giá bảo ông về quê mà xây dựng quê hương thì dứt khoát không. Không về. Muốn thành đạt phải rời quê. Thành công thì về xây cho làng cho xã cái đường, cái trường, cái nhà văn hóa. Thất bại thì thất thểu tìm về bám lấy vợ con. Cái bến cuối còn nguyên đấy, khiến khi ra với thiên hạ, người ta không hẳn đã chuyên tâm gắng gỏi hết sức. Qua cầu không rút ván. Thành thì nghĩ về quê mà bại cũng về quê.

Làng quê có văn hóa riêng của nó. Hồn cốt tinh hoa của làng quê vẫn được bảo tồn và lưu truyền. Đô thị là nơi tiếp nhận cái mới từ bên ngoài. Làng quê là cái bảo tàng sống, là nơi bảo tồn dai dẳng, kiên trì, quyết liệt. Nhờ làng quê, nhờ những ông đồ ông tú ở làng, nhờ tri thức bình dân mà họ lưu giữ, văn hóa một dân tộc mới trường tồn.

Đất lề quê thói, gia phong nếp nhà, phép vua lệ làng… vừa lưu giữ vừa cố thủ. Làng quê pháo đài văn hóa của một dân tộc. Rất nhiều ông bà nông dân, chữ nghĩa không nhiều, nhưng xử thế thì ra là người có văn hóa. Dạy con đạo đức làm người, dạy nền nếp văn hóa, dạy yêu lao động, yêu chữ nghĩa… Chính là họ góp phần sản sinh ra bao nhiêu thế hệ trí thức cho đất nước.

Nhưng không phải cái tinh hoa nào của làng quê cũng được chuyển vận lên thành thị. Rất nhiều khi chỉ tràn vào phố nếp sống nếp nghĩ tùy tiện, được chăng hay chớ, những mặc cảm thái quá hoặc gồng mình tự cao tự đại thái quá, những cong vênh giữa không gian đồng ruộng với không gian phố phường.

Thành ra, quản lý một đô thị không khác quản lý một cái làng; trí thức ở đô thị không khác một ông đồ ông tú giữa làng; đi trên đường phố không khác đi giữa vườn cây hay trên cánh đồng làng, có thể í ới gọi nhau trò chuyện ồn ào, tạt phải tạt trái là tùy ta, có thể nhổ bọt hoặc vén quần bất cứ nơi đâu. Ta có thể nói cho được việc mình mà không cần cảm nhận thái độ của người đối thoại. Có gì nói nấy. Hồn nhiên vậy thôi, chân chất vậy thôi. Đó là lý do bào chữa sau khi xử sự đường đột, thiếu tinh tế.

Không phải cái tinh hoa nào của làng quê cũng được chuyển vận lên thành thị. Rất nhiều khi chỉ tràn vào phố nếp sống nếp nghĩ tùy tiện, được chăng hay chớ, những mặc cảm thái quá hoặc gồng mình tự cao tự đại thái quá, những cong vênh giữa không gian đồng ruộng với không gian phố phường.  

Cũng cần phải nhắc lại, đó không phải là văn hóa làng quê, đó là những nhược điểm, những khiếm khuyết, những mặt trái bị chê trách ngay giữa làng quê, nhưng bị người ta du nhập vào đô thị.

Người Việt ra nước ngoài, tự trào trong một định nghĩa như thế này: Ăn nhanh, đi chậm, hay cười/ Hay mua đồ cũ là người Việt Nam. Một thời túng thiếu, ra nước ngoài chỉ đi tìm mua đồ rẻ đồ cũ thì đúng rồi. Ăn nhanh theo kiểu tranh thủ thời chiến, đi chậm theo kiểu đi thăm đồng, không việc gì phải vội… cũng đúng rồi.

Nhưng sao lại hay cười? Có bạn nước ngoài kết luận: một dân tộc vui vẻ. Đi xe, đâm phải hòn gạch, ngã lăn quay ra – cười. Trong lễ viếng, đến bắt tay tang quyến, mép cũng nhênh nhếch lên – cười. Làm sai một việc, gãi đầu – cười. Giẫm lên chân một người đi đường – cười. Dân ngoại quốc không hiểu, sao lại cười vào lúc ấy? Họ không biết cái cười có khi là bối rối vì sự vụng về của chính mình (ngã xe chẳng hạn), có khi là biểu lộ sự chia sẻ, có khi là lúng túng thay cho lời xin lỗi. Nhưng tóm lại, cười kiểu ấy là “quê”.

Vậy là, nói quê, tức là không chỉ nói đến tính chất “nhà quê” mà nói đến những phẩm chất ngay giữa đô thị, ngay giữa giới thị dân. Một chủ trương không hợp thời. Một quyết định kinh tế không thiết thực. Một sản phẩm văn chương nghệ thuật vụng về, non tay nghề. Một phong trào văn hóa xã hội giáo dục không hiệu quả, nặng tính cộng đồng, quá bình dân… Đó là non kém, và ở một mức độ nào đó, quê!

Với mỗi con người, nói và làm không đúng lúc đúng chỗ, diễn văn dài loằng ngoằng trùng lặp cũ kỹ… là vụng, là sai, là quê. Xử sự kém cỏi, thô thiển… là quê. Trang phục không trang nhã, không hài hòa… là quê. Văn hào Pháp Stendhal nói đại ý: người biết ăn mặc là khi anh ta đi khuất, mọi người không nhớ người ấy đã mặc gì.

Câu này được hiểu rằng trang phục phải hài hòa, màu sắc và kiểu dáng không vênh nhau cãi nhau đối chọi nhau. Quan niệm “biết ăn mặc” này chắc hẳn khó ứng dụng ở một xứ chưa có gu trang phục, trong đó có giới nghệ sĩ biểu diễn. Tư duy trang phục của họ chưa thoát khỏi ám ảnh sân khấu, tính nổi bật được đặt lên hàng đầu, và cái nổi ấy được bê ra giữa đời thường.

Không thiếu những ví dụ quê mùa khi lấn sân chuyên môn. Giới họa sĩ vẫn cười ngả nghiêng trước những triển lãm tranh của người tay ngang, phơi lộ sự yếu kém hình họa, sự non về đường nét, sự quê về màu sắc. Không thiếu những tập thơ chỉ ở mức phường quận nhưng tự in ra bằng giấy phép nhà xuất bản quốc gia.

Không thiếu những tiểu thuyết, nghệ thuật và kỹ thuật đều thô sơ, đơn giản; tác giả không biết gì về sự chuyển động của tiểu thuyết ở thế giới xung quanh. Ngay cả giới chuyên nghiệp cũng quê khi bộc lộ tay nghề non yếu vụng về. Kịch và phim và truyền hình, nghệ thuật và kỹ thuật nhiều lúc giả tạo vỡ lòng…

                                                  ***
Chính văn chương nghệ thuật cũng nói nhiều đến cái quê. Hí họa trên báo chí từ thời thuộc Pháp vẽ ra hai nhân vật Lý Toét, Xã Xệ, hai ông chức sắc nhà quê ra tỉnh. Bao nhiêu nhầm lẫn, ngộ nhận, ảo tưởng tức cười dồn góp vào cho hai ông. Dưới chế độ mới, nông dân là một lực lượng chủ chốt của cách mạng, tinh thần nông dân lên ngôi. 

Tinh thần nhà quê có khi phát triển thành chủ nghĩa nông dân. Vẻ quê rất nhiều khi được việc, trong nhiều ngành nhiều nghề. 

Nhân vật chính của xã hội và văn nghệ là người nông dân – nông dân mặc áo lính – anh lính thành sĩ quan – anh sĩ quan sau đó thành công chức ở các bộ các ngành. Tinh thần nông dân bền bỉ lưu truyền qua mấy sắc phục khác nhau, để bền vững chiếm lĩnh vị trí trung tâm trong đời sống xã hội. Kịch và phim nỗ lực xây dựng hình tượng người nông dân, thảng hoặc bắt chước tác phong và giọng nói nhà quê để tạo thư giãn.

Công chúng hưởng ứng không ngờ. Nhiều khi quá trớn mà vẫn hút người xem. Sau năm 1975, một đoàn kịch ở Sài Gòn có cảnh một anh chiến sĩ ở rừng về với gia đình, quen nếp cũ, anh ngồi đập hai bàn chân vào nhau phủi bụi, hai xoa ba đập, rồi ngồi xổm lên ghế. Bị phê phán tơi bời, thậm chí bị quy kết tư tưởng.

Bây giờ thì việc nhại giọng quê đã trở thành mốt. Ăn khách là ở đấy. Văn nghệ sang trọng thì không thể hút khách, muốn dễ nổi danh phải chọn cách vùng vụng quê quê. Bình luận văn nghệ mà mượn giọng bình tán nhà quê là được hưởng ứng, dễ đọc dễ hiểu. Sân khấu nhại giọng quê. Truyền hình đưa ra mấy nhân vật điển hình, anh nào cũng quê, những là anh Còi, anh Tèo… phô trương những đui què mẻ sứt quặt quẹo của người Việt – con bài chủ để thu hút khán giả. Người thành thị cười ngả
nghiêng. Người nhà quê tấm tắc chờ đến giờ phát sóng.

                                                   ***
Tinh thần nhà quê có khi phát triển thành chủ nghĩa nông dân. Vẻ quê rất nhiều khi được việc, trong nhiều ngành nhiều nghề. Giống như thời trước, phải đến chợ giời mới gặp được người Hà Nội nói ngọng. Một nhóm người tạo vẻ thật thà buôn bán, giả ngọng giả quê để làm cho người mua thương hại và yên tâm. Trong nhiều lĩnh vực, người ta đã biết nương vào chủ nghĩa nông dân để tìm khách, bắt khách, câu khách. Nghệ sĩ gốc quê thì càng được đà đem buôn cái quê của mình. Không chỉ ở ta, văn nghệ sĩ Âu Mỹ cũng đã biết tận dụng nó từ lâu.

Trong phim Những chiếc cầu ở quận Madison, Meryl Streep nhại giọng Anh của một thiếu phụ nhà quê người Mỹ gốc Ý. Mộc mạc, dễ thương. Tiếng Anh theo kiểu Mỹ da đen cũng được nhại trong phim Ray, người Mỹ ngồi trong rạp cứ cười rộ lên từng đợt. Trong phim Điệp vụ báo hồng (The Pink Panther), diễn viên Mỹ Steve Martin vào vai thanh tra Clouseau người Pháp, ông nhại luôn lối phát âm tiếng Anh của người Pháp, I will continue bị nói thành Ái uyn công-ti-nhuy, khán giả Mỹ bò lăn ra cười. Gần đây nhất có bộ phim Anh: Borat – đi học văn hóa Mỹ để làm lợi cho đất nước Kazakhstan vinh quang (Borat: cultural learnings of America for make benifit glorious nation of Kazakhstan).

Anh chàng Borat sang đất Mỹ, bê nguyên xi thói quen từ một xứ sở Hồi giáo, làm kinh hãi dân Mỹ bản địa. Đàn ông Hồi giáo có thể ôm hôn nhau trên tinh thần bạn hữu, nhưng cái ôm hôn của Borat ngoài đường làm dân Mỹ chạy như vịt. Bộ phim được ca ngợi là bóc trần sự kỳ thị chủng tộc, kỳ thị dân tộc, kỳ thị giới tính của xã hội Mỹ. Nhưng những tràng cười trong rạp là dành cho một anh chàng nhà quê ra tỉnh, không hơn.

                                                   ***
Người viết này đem tặng sách một dịch giả. Bố vợ dịch giả cũng là nhà văn. Thế là bỏ hai cuốn sách vào chung một phong bì và đưa tận tay dịch giả. Dịch giả mở phong bì ra, giãy nảy lên: Không, tôi không chuyển đâu. Bố vợ mà không chịu chuyển giúp. Hiểu ngay, có chuyện gì rồi. Phải lấy lại cuốn sách chứ không nhờ chuyển nữa. Thiếu thông tin. Thì ra dịch giả và nhà văn vừa mới không còn là con rể và bố vợ – cuộc sống là vô thường. Mỗi khi nghĩ lại việc dịch giả giãy nảy, lại ngường ngượng với mình.

Vậy, đang nói chuyện quê, thì chính mình cũng có lúc quê.

Bài: Nhà văn Hồ Anh Thái
Ảnh: Nguyễn Tường Quân, Vũ Quỳnh

Thực hiện: depweb

13/10/2008, 16:31