Họng cái hố hứng... viêm - Tạp chí Đẹp

Họng cái hố hứng… viêm

Làm Đẹp

Nếu mũi là cửa ngõ đón khí thải độc hại vào cơ thể thì họng là nơi hứng chịu trước khi chúng đi tiếp vào cơ thể. Tai – Mũi – Họng như một hệ thống… thoát nước, tắc chỗ nọ thì tràn sang chỗ kia. Có rất nhiều biện pháp điều trị nhưng nội soi mở ống dẫn là phương pháp tối ưu và quan trọng để "thông tắc" các bộ phận.

• Viêm VA: VA nằm ở vị trí sau mũi, trên họng và cạnh tai. Có thể ví VA như một đồn biên phòng bảo vệ, chống lại "đội quân" vi khuẩn xâm nhập qua đường mũi. Khi bị vi khuẩn xâm nhập, họng hình thành phản ứng viêm, sưng, nóng, đỏ, đau, sốt.

Trẻ từ 2 – 6 tuổi hay bị sưng VA có mủ khiến trẻ ngạt mũi, khó thở. Mặt khác, VA sưng lại đè vào ống thông của tai khiến tắc ống thông, gây đau nhức tai. Chưa kể, dịch mủ ở VA, nếu chảy ra đằng trước khiến trẻ bị chảy mũi xanh.

Dịch mủ chảy xuống họng khiến trẻ mắc chứng ho. Mủ chảy vào lỗ thông tai gây viêm tai giữa. Dịch mủ chảy xuống đường tiêu hóa gây rối loạn tiêu hóa. Thế là, từ một bệnh của cái họng, tất cả các cơ quan tai – mũi – tiêu hóa đều mắc bệnh theo.

Hiện nay, các bà mẹ không còn phải lo lắng vì các loại kháng sinh điều trị cho trẻ đã kèm thêm các loại vi khuẩn tốt nên không sợ trẻ dùng kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa.

• Viêm Amiđan: Amiđan nằm ở cửa ngõ ra vào của họng, có chức năng bảo vệ như VA. Khi amiđan bị viêm cũng kéo theo gây viêm mũi, viêm tai, viêm thanh quản hoặc khí quản, thường do vi khuẩn liên cầu beta huyết nhóm A gây bệnh.

Bệnh này nguy hiểm ở chỗ khi cơ thể hình thành kháng thể chống liên cầu beta huyết nhóm A cũng có cấu trúc giống như liên cầu chống van tim và khớp nên dễ gây biến chứng thấp tim hoặc gây biến chứng đường ruột. Bác sĩ khuyên nếu viêm amiđan quá 5 lần trong một năm thì nên cắt.

Cả VA và amiđan đều nằm ở vị trí đường ăn và đường thở. Do đó, nếu trẻ đã lớn mà không ăn được cơm, hay nôn trớ, ngủ ngáy hoặc mắc chứng ngừng thở tạm thời khi ngủ là do VA hoặc amiđan to. Cha mẹ cần cho con đi kiểm tra để có những can thiệp y học kịp thời.

• Viêm thanh quản cấp: Bệnh này có ở mọi lứa tuổi, do một loại virút gây ra, biểu hiện bệnh khá "nghèo nàn" nên khó phát hiện bệnh sớm.

Với trẻ em: Bệnh này khá nguy hiểm. Nếu có triệu chứng khóc khàn tiếng, sốt, khó thở cần nhanh chóng tìm hỗ trợ y tế vì vị trí thanh quản nằm ở phần đầu đường hô hấp dưới và hẹp. Do đó, khi trẻ có biểu hiện khó thở tức là thanh quản đã bị sưng.

Chỗ sưng càng to khiến trẻ càng khó thở, càng khóc. Việc khóc lại kích thích thanh quản sưng to hơn dẫn đến tình trạng trẻ thiếu oxy, tím ngắt. Nếu cấp cứu kịp thời, trẻ sẽ được mở khí quản đặt đường thở. Tuy nhiên cách này để lại nhiều di chứng như sẹo hẹp, một vật cản của đưởng thở, phải phẫu thuật nhiều lần.

Viêm thanh quản ở phụ nữ trưởng thành thường chỉ có biểu hiện khàn tiếng, không ho sốt, thường gặp ở những người nói nhiều hoặc những người mắc hội chứng trào ngược cũng là yếu tố thuận lợi mắc bệnh này.

Nguyên nhân bệnh viêm thanh quản ở phụ nữ thường do u lành, hạt xơ, polipe. Cách chữa trị đơn giản bằng mổ nội soi. Tuy nhiên, ở đàn ông, nếu có biểu hiện khàn tiếng đa số thường liên quan đến các bệnh ung thư dây thanh quản, bạch sản, u ác tính.

Viêm thanh quản tuy là cùng biểu hiện nhưng ở mỗi đối tượng người lớn, trẻ em, nam, nữ lại có những nguyên nhân khác nhau nên mức độ nguy hiểm cũng khác nhau.

• Nước súc miệng, họng thủ phạm của hơi thở khó chịu
Nhiều người nghĩ rằng nước súc miệng có khả năng chống sâu răng, sát trùng răng miệng nhưng thực tế, dung dịch này chỉ có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Dung dịch này hỗ trợ cho việc chải răng, làm sạch những khe kẽ mà bàn chải không đến được. Nó có tác dụng làm giảm nguy cơ sâu răng.

Một thời gian sau khi dùng loại nước này, miệng có cảm giác rất khô. Trong nước súc miệng thường có hàm lượng cồn khá cao. Chính cồn đã làm giảm tiết nước bọt, gây khô miệng. Trong nước bọt có các men ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh răng miệng. Vì vậy, nước bọt ít đi đồng nghĩa với việc giảm “đội quân” bảo vệ này.

Các vi khuẩn bám trên răng sẽ được dịp hoành hành và khiến hơi thở có mùi hôi.
Thuốc súc họng thường được sử dụng dưới 10 ngày (trừ nước muối). Nếu sử dụng dài ngày cũng gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Chỉ nên pha nước muối để súc họng nhạt như nước canh. Nếu pha nhạt quá, nước muối sẽ ít tác dụng sát khuẩn và trung hòa pH, nếu mặn quá lại gây tổn thương niêm mạc vùng họng.


Những loại thực phẩm giúp hơi thở “ngọt ngào”

Bạn không cần phải dùng đến những loại nước súc miệng đắt tiền, chỉ cần ăn uống lành mạnh cũng có thể làm giảm lượng vi khuẩn và mảng bám gây nên hơi thở kém “ngọt ngào”.

• Trái dứa (thơm): Có chứa bromelin, một loại enzym tiêu hóa cũng có tác dụng làm sạch đường miệng tự nhiên.

• Sữa chua: Có axit lactic là chất có tác dụng diệt vi khuẩn làm giảm mảng bám và bệnh viêm lợi cũng như khí H2S làm cho hơi thở có mùi hôi. Bạn nên chọn những loại sữa chua không đường, nguy cơ mắc bệnh răng miệng sẽ giảm 50%.

• Dâu tây tươi: Ăn dâu tây tươi giúp tăng sự tạo nước miếng khiến các axit và các mảng bám thức ăn bị tống đi và không dính vào răng.

• Bạc hà: Tiêu diệt 60% vi khuẩn sau 30 phút.

• Kẹo cao su: Diệt 43% vi khuẩn sau 40 phút.

• Vỏ cây mộc lan: Phát hiện của các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho thấy chất từ vỏ cây mộc lan có thể chống lại 3 loại vi khuẩn trong cơ thể. Chỉ sau 5 phút, nó có thể tiêu diệt hết 99,9% vi khuẩn gây hôi miệng.

• Trà xanh: Chứa chất polyphenol có tác dụng chống ôxi hóa giúp ngừa các mảng bám trên bề mặt răng và giảm các bệnh về nướu răng, khoang răng, giảm bệnh hôi miệng do tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây mùi hôi, nhiều loại trà còn chứa fluoride giúp bảo vệ lớp men răng và giảm sâu răng hữu hiệu.

Tuy nhiên, cách tốt nhất để giữ gìn vệ sinh răng miệng vẫn là thường xuyên đánh răng, cạo sạch lưỡi, ăn ít thịt và hạn chế bia rượu.

Chăm sóc răng miệng thường xuyên là cách tốt nhất để chống lại miệng hôi. Thường xuyên đánh răng, dùng chỉ nha khoa và cạo lưỡi để loại bỏ vi khuẩn. Trừ nước muối, còn các loại thuốc súc miệng – họng khác chỉ nên sử dụng dưới 10 ngày. Việc dùng quá lâu sẽ gây mất cân bằng vi khuẩn, gây nấm, viêm loét họng…

Các dấu hiệu cho thấy mùi trong miệng bạn chẳng dễ chịu chút nào: 1. Thường xuyên có vị chua trong miệng 2. Lưỡi đóng bợn và có màu hơi vàng 3. Bạn thường thở bằng đường miệng, cảm thấy khô miệng do thiếu nước miếng.

Thực hiện: depweb

12/06/2009, 15:31