Benoit Duvignacq: Người Paris không trầm lặng - Tạp chí Đẹp

Benoit Duvignacq: Người Paris không trầm lặng

DELETED

Tôi gặp Benoit Duvignacq trong một phòng họp nhỏ của ĐSQ Pháp ở Hà Nội, được biến thành showroom thời trang cấp tốc. Anh vừa nói không nghỉ, khua tay sôi nổi diễn tả cảm xúc bất bình hay vui sướng, vừa trải những chiếc túi da mềm mang các tông màu trông như trong tranh bột màu. Đó là các loại da được chế biến và nhuộm thủ công bằng chất liệu tự nhiên. Xanh nước biển, xanh lá cây, xám (một trong những tông màu được giới hipster châu Âu ưa chuộng), đen (tất nhiên) và nhất là tông vàng kim kết hợp rất đẹp với những đường vân li ti trên mặt da dê (tôi thích tông màu phô trương này hơn cả). Chất liệu do những xưởng sản xuất hàng đầu của châu Âu cung cấp. Da bê và da bê lộn từ Bodin-Joyeux, Pháp. Da trăn, da cá sông Nil (sau khi tróc vảy trông giống như bề mặt được cố tình “cào xước”, đây là niềm tự hào của NTK vì anh tìm được số da hiếm hoi còn sót lại trong kho từ vài thập kỷ) của công ty HCP-TCIM do Hermès sở hữu. Hoặc da trăn của Caravel – nhà cung cấp các chất liệu da hàng đầu của Ý.  Túi du lịch, túi xách tay, clutch, túi bọc ipad, cho nữ, nam hay unisex được sản xuất tại vùng Albi phía Nam nước Pháp nổi tiếng với nghề làm đồ da, có phong cách “low fashion” của các sản phẩm làm thủ công.

 

Rõ ràng, sản phẩm của Benoit Duvignacq mang một tinh-thần-rất-Pháp. Anh giải thích: “Tôi nghĩ mình đã không có nhiều cảm hứng với Paris tới vậy, nếu không có dịp đi du lịch thường xuyên, cả ở Pháp lẫn ra nước ngoài. Paris chắc chắn là trung tâm mọi sáng tạo của tôi. Bởi tôi sinh ra ở đây, hít thở trong không gian đặc thù này.” Tôi tự hỏi, những người như Benoit  Duvignacq – người Paris gốc, sinh ra và lớn lên ở kinh đô thời trang này, sẽ có mối quan hệ với thời trang như thế nào: nảy mầm như một sự tất yếu, lớn nhanh như một cái cây mọc trên mảnh đất quá màu mỡ; hay choáng ngợp trước tất cả những di sản thời trang đồ sộ, những luồng trào lưu khắp thế giới đổ về? Với Duvignacq, đó là “một sự điên rồ”.

Có lẽ sự “điên rồ” đầu tiên là việc anh nộp đơn xin học thiết kế thời trang tại ESMOD – trường mốt và thiết kế lâu đời nhất của Pháp, trái với mong muốn của gia đình có nguồn gốc quý tộc như để “chọc tức” bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại Sonia Rykiel – thương hiệu nổi tiếng của Paris, trên cương vị trợ lý truyền thông cho Nathalie Rykiel (con gái của người sáng lập ra thương hiệu, khi ấy đang đóng vai trò giám đốc sáng tạo). Tại đây, anh còn là stylist và thiết kế các dòng sản phẩm nhỏ. Anh đánh giá đây là quãng thời gian rất quan trọng với mình, là giai đoạn tích lũy rất nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc thiết kế, sáng tạo, cũng như quản lý thương hiệu.

Khi tham gia thiết kế phụ kiện, Benoit Duvignacq đã “tìm thấy tình yêu” với da thuộc. Sau khi rời Sonia Rykiel để làm việc tự do, anh cộng tác với tạp chí mốt Citizen K, nhiếp ảnh Sarah Moon nổi tiếng, cùng NTK Udo Edling, tham gia thực hiện chiến dịch quảng cáo của Longchamp và Paule Ka. Năm 2007, khi trở thành Giám đốc Nghệ thuật tại công ty SAMPLES của Ý, anh bắt đầu thiết kế dòng sản phẩm mang tên mình. Năm 2009, BST đã mang lại cho anh giải thưởng “NTK đồ da của năm” tại hội chợ Accesorie Avenue tại Paris. Năm 2010, anh là người đoạt giải thưởng của trung tâm hỗ trợ phát triển ngành sản xuất đồ da của Pháp Centre Technique du Cuir.

“Châu Âu thật sự đã chán ngấy logo từ lâu rồi” – Duvignacq nói khi tôi nhắc đến việc Louis Vuitton công bố chiến lược mới, nhấn mạnh dòng sản phẩm da thuộc chất lượng cao. Khi một thương hiệu quan trọng bậc nhất trên thế giới thay đổi đường lối kinh doanh cũng là lúc xu hướng đó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến thời trang. (Tuy vậy, tôi nghĩ rằng những thương hiệu nhỏ, độc lập, với lượng khách hàng hạn chế nhưng có đòi hỏi “độc”, khác thường, được gọi là “niche”đã làm điều đó từ nhiều năm nay).  Anh cho biết những thương hiệu nhỏ không dễ tồn tại trong ngành công nghiệp thời trang đang được toàn cầu hóa. “BST của chúng tôi quá nhỏ để các xưởng sản xuất có uy tín để mắt tới. Khi có đơn đặt hàng của các thương hiệu lớn là họ phớt lờ tôi ngay”. Duvignacq đã mất hơn một năm để tìm được nhà sản xuất thích hợp, nơi có những người thợ may thời trang da thuộc. Túi xách của anh cũng giống như quần áo da vậy. Bạn có thể xếp gọn vào va li 1, 2 chiếc túi nhỏ để có thể thay đổi khi đi du lịch. “Tôi hỏi bạn bè xem họ cần những thứ gì, rồi những thiết kế của tôi ra đời”.

 

Túi da của Benoit Duvignacq 

Benoit Duvignacq cũng như các niche thường hướng đến thị hiếu của thị trường địa phương để cạnh tranh với các siêu thương hiệu toàn cầu, và một phần cũng do gu của họ. “Tôi rất thích cửa hàng đầu tiên của Bottega Veneta ở Venice – nó trông như một ‘phòng riêng’ của các bà các cô. Nhỏ và rất ít đồ, nhưng ai cũng thích đến đó. Tôi cũng hay đến cửa hàng đầu tiên của Gucci hay Prada mỗi khi có dịp”. Trong mắt của Benoit Duvignacq – một “người tiêu dùng toàn cầu”, chúng ta nên dừng việc toàn cầu hóa thời trang. “Không có lý do gì để đến một cửa hàng khi nó có thiết kế giống hệt những cửa hàng khác trên thế giới, bán sản phẩm giống nhau. Đây là điều tôi muốn thực hiện, tuy không dễ dàng chút nào”.


Bài: T.L

Bạn am hiểu về thời trang, đam mê cập nhật và tìm hiểu những thông tin xung quanh các bộ sưu tập mới nhất, vậy thì còn chần chừ gì mà không gửi ngay cho chúng tôi những bài viết chia sẻ cảm nhận của bạn về các bộ sưu tập. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn. Mọi thông tin xin gửi về e-mail: thoitrang@dep.com.vn

 

Thực hiện: depweb

08/05/2013, 15:15