Ngày tháng trôi qua, dần dần trong số những hộ đã về sống ở nhà Z1 từ thuở ban đầu khu Thành Công chỉ còn lại có gia đình Vinh. Xưa kia tuy chưa phải chốn nhất phẩm cao sang, song Thành Công cũng là nơi đầy danh giá. Như là ở nhà Z1 thì để được cấp một căn “hăm tư mét vuông” bét ra cũng phải diện có tiêu chuẩn tem phiếu bìa C.
Nay thì khác. Thời gian đã làm biến dạng sự đời. Tất cả các toà chung cư năm tầng thuở nào nổi bật một cách kiêu hãnh đều ít nhiều đã lún, đã rạn, xương xóc hoen rỉ, mã ngoài lở lói. Bây giờ hộ khẩu ở khu này không còn là một trong những cái mác chứng tỏ sự thành công nữa mà ngược lại. Không phải đã gần đất xa trời thì cũng đã về hưu, đã hết đà thăng tiến, cạn tiền cạn chức cạn quyền. Một khu tập thể lão thành. Do vậy nếu vẫn còn đang tiềm năng vươn lên thì trước sau gì người ta cũng bỏ Thành Công để dọn về những tổ ấm xứng tầm hơn. Nhà riêng mặt phố trong nội thành. Biệt thự bên các bờ hồ. Trang trại miền ngoại vi. Nếu có là chung cư cũng phải chung cư cao cấp, mặt bằng mênh mông nhiều phòng, thang máy, người bảo vệ, nhà để xe, bóng lộn như khách sạn năm sao.
Ông nọ bà kia đi hết, bây giờ đến nhà Z1 chỉ gặp rặt những hạng người linh tinh xập xí xập ngầu. Viên chức cỡ mọn sau nhiều năm chắt bóp cạy cục mua sang tay được căn hộ hoặc nửa căn hộ cũ của những đồng liêu đã lên đời. Sinh viên con cháu những nhà có tiền ở các tỉnh miền trong. Các em vũ nữ, các em mát xa, bia ôm. Nhân tình hoặc gái bao của quan chức cỡ nhỏ… Nói chung bây giờ lên xuống cầu thang toàn chạm những bộ mặt lạ hoắc.
Ngay căn hộ 306 của Vinh cũng chẳng phải chính chủ. Ông anh cả của Vinh mới là chính chủ thuở ban đầu. Hồi đó, trở về sau chiến tranh, Vinh giải ngũ và rời quê ra Thủ đô học đại học, tốt nghiệp, được bổ về cơ quan Bộ, nhưng không nhà, chuyên ngủ bàn. Anh chị thương tình cho về sống ké. Căn hộ hăm tư mét gồm hai ngăn với bếp và toa lét. Anh chị ở ngăn ngoài, san sẻ cho Vinh ngăn trong. Không rộng rãi gì nhưng mấy năm đầu cũng dễ thở. Sau, anh chị có cháu, một đứa, hai đứa, ba đứa. Phải cơi nới. Đời sống của Vinh lui hẳn ra chuồng cọp lồng sắt mà vẫn càng ngày càng chật chội và bức bối. Tình nghĩa anh em âm thầm lụn bại dần đi trong cuộc chung đụng triền miên. May thay, đến thời điểm bà chị dâu đã hết sạch sức chịu đựng thì anh trai Vinh bất ngờ đoạt được ghế Tổng Giám đốc. Chức lớn, nhà mới, một biệt thự to vật ở Nghi Tàm, do vậy anh chị dễ dàng nhượng lại cho Vinh toàn bộ căn hộ Thành Công.
Mặc dù những đồ nội thất và các tiện nghi sang trọng chị dâu đã gỡ hết mang đi nhưng cái xác nhà vẫn còn là quá tươm đối với Vinh. Và nhất là quá rộng. Anh chẳng biết sống làm sao cho đầy hết những chừng ấy diện tích. Rốt cuộc, theo thói quen, anh vẫn chủ yếu ăn ngủ ở nửa căn hộ bên trong cộng cái chuồng cọp, ngăn ngoài bỏ không cho bụi. Phần vì đời độc thân chẳng thiết tha gì sự ấm cúng, phần vì công việc buộc anh hay phải xa Hà Nội. Vào những dịp tạm gọi là nhàn nhã, được trở về nhà tương đối thường xuyên hơn cả thì cũng cách nhật và luôn luôn về đến nhà, mở cửa phòng lúc đã lên đèn. Thành thử biết là các căn hộ cùng tầng ba và cả hai nhà láng giềng kề bên đã đổi chủ mà liền mấy năm trời Vinh chưa hề gặp, chưa hề chào hỏi được người ta một câu.
Vinh cũng đột ngột cảm thấy như một roi vút vào tim. Anh ngừng bặt không nói tiếp nổi. – Em ở nhà Z2 – Hạnh gần như thì thầm – Em đã tìm anh. Em đã vào làng Yên Vực quê anh. Làng bị bom tan nát hết. Em đã tìm anh. Em đã nhớ anh biết bao nhiêu. Em… Em ở nhà… nhà đấy anh. Phòng 407. Cũng ở đấy đến hai chục năm hơn. Anh ơi. Hoá ra chúng mình… |
Và hết sức là ngược đời, cùng khối nhà Z1 thì chẳng biết ai với ai, chẳng hiểu người ta sống thế nào, nhưng Vinh lại thấy được khá rõ đời sống của không ít gia đình bên nhà Z2. Nhất là vào mùa hè khi cửa giả các nhà mở toang đón gió, dù nhà nào cũng vướng cái lồng sắt, mà nhiều lúc Vinh vẫn vô tình nhìn thoáng thấy gần như cận cảnh hậu trường của mấy gia đình đối diện. Anh thấy được như thế bởi vì khác với hầu hết các khối nhà ở Thành Công mặt trước nhà số chẵn trông vào mặt sau nhà số lẻ, Z1 và Z2 lại xoay lưng vào nhau.
Năm này qua năm khác, nhìn thấy đám cưới, nhìn thấy đám ma, nhìn thấy bọn trẻ con lớn lên, nhìn thấy người ta cãi cọ, người ta ly hôn, nhìn thấy người ta quây quần ấm cúng bữa tối gia đình, nhiều lúc Vinh vui vui nảy ý nghĩ là nên tìm cách làm quen với mấy nhà bên đó. Nhưng chỉ là ý nghĩ thoảng qua thế thôi. Chưa bao giờ anh đi vòng sang bên Z2 cả.
Con người Vinh như thế, kém bặt thiệp, ít giao tiếp, luôn luôn ngần ngại, do dự, im lìm, lặng lẽ, càng năm càng im lìm hơn, càng khó tiếp xúc với thiên hạ hơn.
Anh cũng không nhớ tính nết của mình hồi trẻ ra làm sao nữa. Dĩ nhiên là anh cũng có một thời trai trẻ, một đời quân ngũ, song hình như quá nhạt, không đáng kể gì cả so với thời thanh xuân của bao người.
Năm năm, tuổi quân của Vinh không ít. Và suốt những năm ấy anh chiến đấu ở tuyến lửa Khu Bốn. Có điều do là lính hậu cần, chỉ chuyên một nhiệm vụ coi kho, kho quân trang, nên chuyện súng đạn anh còn kém tỏ tường hơn bọn trẻ con Hà Tĩnh. Quảng Bình. Cũng có những kỷ niệm thời chiến, nhưng thầm trong lòng thôi không đáng để kể với ai.
Đời anh ngẫm ra cũng tẻ nhạt cũng già cỗi nhanh như cái nhà Z1, như cái phòng 306 của anh. Trở về sau chiến tranh anh đã mất rất nhiều năm mới có thể lắng đi, quên đi được Hạnh. Nhưng dù đã nguôi ngoai mà bản tính lại dai dẳng ngăn trở anh giao thiệp làm quen với những người phụ nữ khác. Rồi cuộc sống chung đụng năm này sang năm khác với gia đình ông anh càng làm anh do dự và ngại ngần hơn.
Đến lúc thực sự có được một cơ ngơi thì đã luống tuổi mất rồi. Và nhất là, không hiểu sao, từ ngày được sống trọn vẹn một mình một căn hộ, bỗng dưng hình bóng của cô gái ngày xưa tưởng đã hoàn toàn mai một lại trỗi dậy trong lòng. Kỷ niệm đã vụt tắt từ bao năm luôn chọn lúc anh từ cơ quan lầm lũi trở về nhà, mở khoá, đẩy cửa, bật đèn lên mà hiện dậy. Như để tự an ủi anh thường gượng nghĩ, có lẽ là cô ấy cũng đang nhớ tới mình, có lẽ là trong suốt bao nhiêu năm qua vẫn nhớ vẫn tìm. Nhưng chính ý nghĩ ấy lại khiến anh buồn càng buồn hơn.
Dần dần anh đã hiểu ra là mình không tài nào mà có thể quên được Hạnh. Không bao giờ tự dứt được ra khỏi ám ảnh những ngày hạnh phúc ấy.
Bấy giờ là mùa thu năm 72. Vinh bị thương. Không phải chiến thương mà là tai nạn. Tài xế của chiếc GAZ mà Vinh đang ngồi trên thùng ngủ gật làm xe lật nghiêng. Vinh bị hất bắn xuống ruộng ven đường. Ở trạm xá Cự Nẫm người ta bó bột cái cẳng trái của anh bị gãy rồi chuyển anh vào nằm điều trị tại nhà một bà cụ già trong xóm nhỏ bên bờ sông Son.
Các con của bà cụ đều là lính chiến trường Bê nhưng nhà cửa hầm hào rất vững chãi. Căn hầm mà bà cụ dành cho Vinh là loại hầm thùng, rộng và sâu, mái lát gỗ súc chắc chắn, vách dát phên tre. Lòng hầm rộng, được thông khí tốt, khô ráo, sạch sẽ. Chăn chiếu màn gối tinh tươm. Thoang thoảng hương thơm bồ kết. Ban đầu Vinh ngỡ đấy là hầm của con gái hoặc là con dâu bà cụ chủ nhà. Song hầm ấy là của Hạnh, cô giáo trường cấp 1 Cự Nẫm. Hạnh ở trọ nhà bà cụ.
Mùa thu năm ấy chiến sự tàn khốc, bom đạn ngút trời. Vậy mà chẳng hiểu sao cái xóm nhỏ đó trong suốt một tháng Vinh tá túc đã không hề bị bọn Mỹ đụng tới. Ban ngày võng của Vinh căng dưới tán cây ở cửa hầm. Hạnh rất ít khi phải dìu anh vào trong. Thời tiết cũng tuyệt diệu. Chỉ mưa về đêm. Sáng trưa chiều mặc cho máy bay gào hú quần đảo trút bom lúc xa lúc gần vẫn mây trắng trời xanh gió mát vô cùng êm ả. Hạnh thường xuyên bên võng của Vinh. Cô nhận đảm đương chăm sóc nâng giấc anh thay cho bà cụ chủ nhà.
Khi Hạnh đến trường ở địa đạo xóm bên, Vinh nằm trong hầm đọc sách dưới ánh sáng vào qua cửa thông gió. Hạnh có trong hầm hai rương gỗ đầy sách. Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ. Chưa bao giờ Vinh đọc văn chương nhiều như vậy. Đi dạy trở về, Hạnh đưa Vinh ra khỏi hầm và ngồi làm việc bên cạnh võng của anh. Vinh và Hạnh không trò chuyện nhiều. Hạnh lặng lẽ chấm bài, soạn bài hoặc may vá đan lát. Vinh lặng ngắm cô.
Hạnh năm ấy vừa tròn hai mươi. Cô người Hà Nội. Xong lớp mười, cô được đào tạo cấp tốc một năm Sư phạm rồi vào tuyến lửa. Đã được gần hai năm. Vinh cũng kể cho Hạnh về quê hương anh, về gia đình, về đời sống ở binh trạm. Tất nhiên chẳng có gì nhiều nhặn. Yên lặng bên nhau tận hưởng hạnh phúc không lời.
Gang tấc thời gian ngắn ngủi, một tháng trời yên ả trôi qua chóng vánh. Buổi chiều y sĩ trạm xá tới xem lại lần cuối chân cẳng cho anh và thông báo rằng rạng sáng đơn vị sẽ ghé xe qua đón anh về binh trạm.
Bữa cơm chiều chia tay chẳng những có thịt thà và rau xanh bà cụ chủ nhà còn kiếm được cho Vinh một cút nhỏ rượu trắng. Nhưng Vinh không biết uống rượu, anh không làm quá nổi một ly. Chỉ có bà cụ và Hạnh. Bom nổ lây chuyển bờ sông. Chớp lửa chạy nhằng nhằng. Nhưng vẫn một trời thu chiều tà và một vừng trăng non.
Anh không biết rằng mình vẫn chờ đợi giây phút gặp lại Hạnh… Giây phút ấy rồi cũng đã tới với đời Vinh. Tuy nhiên, chẳng phải tại địa điểm và trong khung cảnh mà đôi khi anh vẫn thoáng mường tượng. Nó đơn giản, sơ sài và tẻ nhạt hơn anh tưởng rất nhiều. Vậy mà không ngờ lại là một nhát khía đau buốt. |
Tối ấy, Hạnh không về ngủ bên hầm bà cụ chủ nhà. Cô thổi tắt ngọn đèn chai trong góc hầm rồi mềm mại nằm xuống bên Vinh.
Kho quân trang Vinh coi giữ ẩn trong một hang núi Phong Nha không xa Cự Nẫm. Cuối mùa thu năm ấy khi bọn Mỹ liền mấy đêm mở những trận càn kinh khủng bằng B52 vào vùng cư dân ấy, ở trong núi anh nghe rõ mồn một từng dây bom. Nhưng đầu 73, hoà bình ở Miền Bắc, đơn vị anh lại chuyển sâu vào tận Bù Gia Mập.
Cuối năm 75, ra Bắc, ngang qua Đồng Hới, Vinh xuống xe tìm đường lên Cự Nẫm. Xóm nhỏ năm nào không còn nữa. Một hố bom đìa ngập nước đã nuốt chửng túp nhà với hai căn hầm ngày ấy. Bà cụ đã mất trong trận bom cuối, nhưng cô giáo Hạnh thì mọi người đều cam chắc là còn sống bởi cô còn tiếp tục dạy ở Cự Nẫm tới hết niên học ấy. Anh muốn tìm cô nhưng tìm ở đâu được. Đất nước sau chiến tranh trời đất bao la tiêu điều.
Phố Khâm Thiên, ngày anh ra Hà Nội học, đã được san hết các hố bom và dọn quang những đống đổ nát. Nhưng số nhà của gia đình Hạnh đã cùng một loạt số nhà nữa trở thành một đoạn dài địa chỉ bị ngắt quãng của phố Khâm Thiên. Nạn nhân trong trận bom huỷ diệt là hàng trăm, nhưng người sống sót được cứu ra từ đống đổ nát cũng còn nhiều. Song Vinh không biết họ của Hạnh, không biết tên những người thân của cô. Những cư dân cố cựu của đoạn phố Khâm Thiên ấy thì không biết không nhớ có cô gái nào tên Hạnh là giáo viên từng dạy học ở Quảng Bình những năm chiến tranh.
Không hề trải qua chiến trận, nhưng suốt nhiều năm sau ngày giải ngũ Vinh thường nằm mộng thấy những hố bom.
Và suốt nhiều năm dù phải vòng đường xa, ngày nào Vinh cũng phải ít nhất một lần đạp xe qua Khâm Thiên. Ngay sát bên nền cũ ngôi nhà gia đình Hạnh người ta dựng lên một bia căm thù và một đài tưởng niệm. Đài tượng niệm nay cũng đã cũ rồi và nhỏ bé chìm lút trong đời sống mới ngồn ngộn của phố xá thay da đổi thịt.
Liên tục đều đặn qua lại Khâm Thiên. Hàng năm ngày tưởng niệm những nạn nhân của cuộc thảm sát anh đều tới đặt vòng hoa tại bia và luôn dừng ở đấy thật lâu lặng nhìn đám đông những người dự lễ viếng. Tuy nhiên thời gian dằng dặc đã khiến Vinh không còn tự ý thức được ý nghĩa của sự kiên tâm bền bỉ của mình. Anh không còn hiểu được sự kiên tâm của mình tức là niềm nhớ thương, và không chỉ nhớ thương, mà còn là nhớ mong, là nỗi trông chờ chưa bao giờ lụi tắt, chưa bao giờ hoàn toàn vô vọng. Anh không biết rằng mình vẫn chờ đợi giây phút gặp lại Hạnh…
Giây phút ấy rồi cũng đã tới với đời Vinh. Tuy nhiên, chẳng phải tại địa điểm và trong khung cảnh mà đôi khi anh vẫn thoáng mường tượng. Nó đơn giản, sơ sài và tẻ nhạt hơn anh tưởng rất nhiều. Vậy mà không ngờ lại là một nhát khía đau buốt.
Anh gặp Hạnh ở cổng Ủy ban phường! Anh đi bộ ngang qua còn cô dắt xe máy từ trong sân đi ra. Hạnh nhìn thấy anh, nhận ra anh ngay và gọi anh trước. Vui vẻ, bình thường, thân mến: “Ơ kìa, anh Vinh! Anh Vinh phải không ?”
Vinh nhìn. Đã bao nhiêu thời gian mất đi song Hạnh không đổi khác nhiều như Vinh. Anh nhận ra cô ngay. Và không hề như anh tưởng, tim anh vẫn bình thường, hơi thở bình thản. Và như thể đêm cuối của hai người mới là vừa trước buổi sáng nay, anh mừng rỡ và thân thiết: “Kìa, Hạnh, Hạnh hả, đúng Hạnh rồi, chào em!”. Và thậm chí, như tất cả mọi người chúng ta khi gặp gỡ nhau lớt phớt ngoài đường, anh hỏi: “Hạnh đi đâu thế? Cháu đây à?”. Anh xoa đầu đứa bé gái đang ngồi ở yên trước của chiếc xe máy.
– Em đi chuyển hộ tịch. Chuyển nhà đã mấy năm mà cứ lần chần chưa chuyển được. Vâng, con gái em đấy.
– Hạnh được mấy cháu ?
– Con gái đầu mà anh. Cháu mới bốn tuổi. Còn anh, mấy cháu rồi ?
– Trai chưa vợ, con với ai chứ ? – Vinh mỉm cười
– Sao lại thế anh, anh năm mươi rồi còn gì? Em cứ tưởng như em cao số thế là cùng. Mãi năm năm trước, ngoài bốn mươi mới rời được vòng tay của cha mẹ.
Bỗng dưng, vẻ tươi vui hồ hởi của Hạnh sững lại, nụ cười vụt tắt. Cô hỏi, giọng lạc đi: “ Nhưng… anh ở đây à… ở Thành Công à?”
– Ừ. Anh ở Z1. Phòng 306. Hơn hai chục năm rồi. Ban đầu mới bộ đội ra ở nhờ ông anh, sau thì…
Vinh cũng đột ngột cảm thấy như một roi vút vào tim. Anh ngừng bặt không nói tiếp nổi.
– Em ở nhà Z2 – Hạnh gần như thì thầm – Em đã tìm anh. Em đã vào làng Yên Vực quê anh. Làng bị bom tan nát hết. Em đã tìm anh. Em đã nhớ anh biết bao nhiêu. Em… Em ở nhà… nhà đấy anh. Phòng 407. Cũng ở đấy đến hai chục năm hơn. Anh ơi. Hoá ra chúng mình…/.