Tất cả những gì Bảo có thể làm được là mua giúp cho tôi cặp vé khứ hồi và cái túi địu con bằng vải jean màu xanh nhạt. Màu xanh nhạt, đúng màu tôi vẫn thích. Bảo có cảm quan tinh tế và một trí nhớ ân cần. Tôi gắn bó với Bảo lâu dài là vì thế.
Vẫy tay chào Bảo, tôi một mình qua cửa cách ly, bé Ni thiêm thiếp dựa vào ngực. Tôi thầm cảm ơn sáng kiến của Bảo. Cái túi kiểu này sẽ giúp tôi tương đối thoải mái suốt hành trình từ Sài gòn ra Huế. Tôi nghĩ đến bao nhiêu đời đàn bà miền núi phải địu con phía sau, xương sống oằn xuống như cánh cung. Rồi bao nhiêu đời đàn bà miền xuôi phải bồng nách con thơ bên sườn, hông lệch đi, dáng vẹo vọ. Cái túi jean của tôi văn minh hơn nhiều, trong suốt mấy tiếng đồng hồ tay tôi bận xách hành lý nhưng bé Ni vẫn nép vào bầu vú me ấm áp, cái miệng nhỏ vẫn cười như lúc được bế bồng.
Chị Niết chờ tôi ở sân bay. Thấy tôi, chị đưa tay vẫy, cánh tay khép một góc hẹp như không dám sãi rộng ra, khiến tôi không lẫn chị với ai được. Mắt chị lấp lánh vui, chợt như chững lại:
– Na đem luôn cả bé về à …
– Em bỏ nó ở Sài Gòn cho ai được?
– Sao không nhờ bên nội vài ngày … Hoặc là để cho ba nó giữ …
"Không!" Tôi nói, cảm giác tủi thân chợt hóa thành bực bội. Bảo cũng như tôi, từ miền Trung vào, mỗi đứa là một con ốc nhỏ trong biển bao la. Làm gì có nội, có ngoại mà nhờ. Lại càng không thể nhờ Bảo. Cả ngày anh chúi mũi ở cái trường dân lập nơi anh dạy. Ngoài những giờ dạy, anh đi đâu tôi không thể biết, không thể trách anh.
Tôi là người mẹ đơn thân, người mẹ địu con trước ngực, thẳng lưng mà đi. Vinh quang thuộc về một mình tôi và vất vả cũng dành cho một mình tôi. Mỗi lần gặp con bé, anh vuốt má, nựng tóc nó, như người ta âu yếm một nụ hoa chợt thấy bên cửa sổ. Tôi không đòi hỏi gì ở anh, tôi vui vì thấy anh thoải mái khi ở bên tôi, vì anh thương mến bé Ni, vì có anh tôi rũ bỏ được cái cảm giác trống trải của hạt cát hòa tan trong biển.
Tôi không chịu nổi cảm giác mỗi tối, sau một ngày làm việc mệt nhoài, tôi buông mùng đi ngủ và khi nhìn lên, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn chong, tôi nhận ra hình khối chữ nhật của chiếc mùng đang chụp lên mình trông rất giống phía trong một chiếc quan tài. Làm việc, làm việc, làm việc rồi chết. Không có đứa con, cuộc đời chỉ còn đơn giản tóm gọn trong mệnh đề ấy. |
Với tôi thế là đủ. Tôi mãn nguyện và hạnh phúc. Vậy mà bây giờ, thật khó xử.
Trên taxi, chị Niết đỡ lấy bé Ni, hai tay bồng trẻ luống cuống. Tôi mỉm cười, bày cho chị quàng tay trái vòng qua hai chân bé. Trông chị nhỏ thó, mái tóc đã có nhiều sợi bạc, chiếc áo dài tím than làm nổi bật làn da trắng xanh. Giọng nói vẫn rụt rè và nhỏ nhẻ… Những cô gái Huế lỡ thì thường có một nét chung: dù đến bao nhiêu tuổi, chỉ có nét mặt họ già đi, còn điệu bộ của họ vẫn mãi mãi dáng vẻ trinh nữ. Bất giác tôi hỏi:
– Dạo này anh Chinh ra sao, chị có biết không?
– Chị có nghe …
Chị cúi xuống, khuôn mặt trắng xanh thoáng ửng hồng. Chinh bây giờ là luật sư tòa Tỉnh, vợ là cô giáo cấp hai, con đã học lớp tám. Tết nào cũng đưa vợ con sang nhà thăm. Mặt chị Niết từ đỏ hồng chuyển sang nhợt nhạt tím, một màu tím tê người.
Thời Chinh hai mươi hai tuổi, đến làm gia sư cho hai chị em, chị Niết mười tám, tôi mười sáu. Những lần ngồi nghe anh Chinh giảng về sin, cos và các thứ căn, bình phương… chị Niết thường ngồi ngay ngắn rất ngoan hiền, hai con mắt đen láy nhìn đăm đăm lên bảng. Chị có tật luôn luôn đưa móng tay cái lên miệng nhâm nhi, anh Chinh nhắc mãi không được, có hôm anh cầm tay chị gạt phắt ra. Mặt chị Niết đỏ bừng như quả dâu chín.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy ghen tỵ vô cùng. Học lớp nhỏ hơn nên bao giờ tôi cũng được nghe giảng sau. Trong khi bận giảng bài cho chị Niết, Chinh thường kê ra cho tôi một lô một lốc những bài tập. Khi anh xong việc với cô học trò lớn, quay ra với cô học trò nhỏ thì thường chẳng nhìn thấy đáp số nào cả, thay vào đó là những con thiên nga bằng giấy, những con thuyền giấy mà tôi đã tỉ mẩn xếp cả giờ sau góc khuất của chiếc bàn dài. Chinh dùng cái thước kẻ lớn đập vào bàn tay tôi, anh chỉ dám bắt tôi ngửa lòng bàn tay ra chứ không dám đánh vào lưng bàn tay. Vì vậy tôi không đau, không hứa, không chừa…
Chị Niết thi đậu rồi, ba me không mời anh đến dạy nữa, nhưng mỗi tuần anh vẫn đến thăm. Ba chúng tôi khi ấy đã vô cùng thân thiết, nhưng anh Chinh giống như con lừa của Buridan trong truyện ngụ ngôn, một bên là lúa, một bên là nước, chẳng biết nên ăn hay nên uống nên cứ lưỡng lự hoài.
Cuối cùng, tôi đi… Nếu chị Niết biết tôi đi với tâm trạng như thế nào, chị sẽ không thể tự tha thứ cho mình khi đã để vuột mất hạnh phúc. Ngày tôi về, mắt chị vẫn đen nhưng không trong vắt như xưa. Hỏi chuyện Chinh, chị chỉ buông xuôi, lạnh lẽo:
– Ba me không cho. Ba nói, không muốn làm sui với mụ bán khoai sắn.
Tôi chưng hửng. “Me không khuyên can gì ba à?”. “Na cũng biết đó, me làm sao cãi được ba”. Tôi nhìn chị, tức anh ách. Sao chị có thể để hư bột hư đường một cách giản đơn chóng vánh như thế.
Không một lời phản kháng, nhưng nhiều năm qua, chị Niết vẫn còn buồn. Sau này, chị cũng mong lấy chồng cho yên, nhưng có lẽ năng lượng từ bản thân chị tỏa ra quá yếu ớt, đôi mắt sau một lần thất vọng đã không còn những tia nhìn mở đường duyên phận. Có lần, tôi về thăm, chị rủ rỉ:
– Người ta nói mộ bà cô nhà mình có dòng nước chảy qua, nên con gái muộn màng lắm. Na cũng sắp ba mươi rồi mà đã thấy gì đâu?
– Thời này ba mươi chưa lấy chồng không phải là muộn!
Khác với chị Niết, tôi không còn nhớ Chinh. Chị Niết tình cảm đằm sâu, nhẫn nhịn mà dai dẳng. Tôi như cơn lốc, qua rồi là thôi, như trang sách đóng lại, có mở ra cũng không phải là trang sách cũ. Cuộc sống ở thành phố lớn cấp tập, vội vã, sáng đi sớm, chiều về muộn, tối lại cũng muốn đi chơi để kiếm ý trung nhân nhưng đôi mắt đã trĩu nặng bởi cơn buồn ngủ.
Ngày gặp Hiệp là một ngày thật kỳ lạ, một bữa tiệc sinh nhật mà có đến năm người thuận tay trái. Năm chúng tôi kết thành một nhóm. Tôi bỗng nhiên nhận ra, hóa ra mình vẫn có nhiều thời giờ dành cho riêng mình lắm. Những tối cả nhóm không gặp nhau, tôi nghe nhạc, cắm hoa, thấy đời nhẹ nhõm hơn, không buồn ngủ díp mắt như dạo nào. Rồi Hiệp ngỏ lời. Định mệnh đã gõ cửa… Tôi bảo Hiệp: "Cho em suy nghĩ thêm một tháng". Hai tuần sau, đi công tác Hà Nội về, tôi ngỡ ngàng thấy Hiệp tay trong tay với cô bạn tôi, một thành viên khác của nhóm thuận tay trái. Cuộc sống đang trôi đi với tốc độ chóng mặt, những bài bản xử thế tôi đã học thời thiếu nữ dường như đuối sức, hụt hơi.
Cũng muốn có tình yêu, hạnh phúc, nhưng bản lĩnh chụp giựt không có, đành thúc thủ, tìm quên trong một ngàn lẻ một công việc cấp tập lu bù mỗi ngày. Rồi Hiệp lấy vợ. Hai vợ chồng cùng thuận tay trái, mỗi Giáng sinh vẫn mời câu lạc bộ thuận tay trái họp mặt ở nhà, giờ đây số thành viên có tăng thêm vài ba người. Mỗi lần gặp, tôi bắt tay Hiệp, mặt thì tỉnh queo mà lòng nhói lên vì cảm giác của người thất trận. Nghe nói ở nhà, me sửa mộ bà cô và làm lễ tạ lăng cho chị em tôi sớm có chồng. Chị Niết viết thư kể tỉ mỉ. Tôi đọc, chỉ thấy buồn cười.
Bây giờ, bên tôi, chị Niết thở dài:
– Bà cô không phò hộ thì thôi, sao lại xui ra dở dang thế ni.
Ý chị muốn nói về Bảo. Tôi phật lòng:
– Em không phàn nàn thì thôi, việc gì chị phải hối tiếc.
Chị ôm bé Ni, băn khoăn:
– Không biết me nghĩ sao …
– Ba năm nay em mới về, me không mừng à?
– Chị vẫn giấu, me có biết chi đâu… Hay là mình tạm gởi cháu ở nhà o Phướn rồi xem ý me sao đã.
Tôi sa sầm mặt. Chị thủ thỉ:
– Đừng giận chị. Chỉ vì chị lo cho me. Me đang bệnh mà.
Câu nói thiết tha của chị làm nước mắt tôi ứa ra. Bước xuống taxi, tôi ngần ngại đứng ôm con trước cổng.
"Thôi, vô mau đi em!". Chị Niết giục . Tôi vẫn chôn chân trước cổng. Chị Niết kéo áo tôi:
– Lúc nãy biểu gửi con Bé thì không chịu. Chừ thì bước mau vô đi, hàng xóm láng giềng nhìn thấy bây giờ.
Tôi chợt hiểu ý chị, lẹ chân bước qua cổng. Mái hiên với hàng cột gỗ đã xù xì mối mọt… Thuở tôi mười ba tuổi, ôm cột hiên nhìn bong bóng mưa rơi vỡ trên sân, những cây cột hàng hiên không như thế này, nó trơn nhẵn và bóng như gương.
Chị nhìn tôi, hạ giọng:
– Em vô thăm me đi, đưa chị bồng cháu xuống chơi dưới nhà ngang, từ từ rồi tính…
Tôi ngần ngừ. Sau này con tôi lớn lên, nó sẽ nghe người ta kể về phút giây này. Tôi không muốn nó nghe kể rằng nó đã phải trốn chui trốn nhủi khi lần đầu về thăm những người ruột thịt. Bên tôi, chị Niết thủ thỉ:
– Chịu khó đi em, mình đã lỡ lầm, thì chịu khó nhẫn nhịn một chút.
Tôi bảo:
– Mệt chị ghê. Cứ làm như em mới mười tám tuổi.
Vứt cái túi xách xuống đất, tôi ngồi phịch xuống thềm hiên. Bé Ni lùa hai cánh tay bụ bẫm ra sau cổ tôi, mùi sữa thơm dìu dịu. Hồi đó khi tôi quyết định có con, me tôi nhất định không chịu. "Có con làm gì, đứa con lớn lên, nó lại cười chê đức hạnh của me mình…". Tôi từ bỏ ý định làm me độc thân cho đến hơn ba năm sau. Cuối cùng bé Ni cũng ra đời. Bởi vì tôi không chịu nổi cảm giác mỗi tối, sau một ngày làm việc mệt nhoài, tôi buông mùng đi ngủ và khi nhìn lên, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn chong, tôi nhận ra hình khối chữ nhật của chiếc mùng đang chụp lên mình trông rất giống phía trong một chiếc quan tài. Làm việc, làm việc, làm việc rồi chết. Không có đứa con, cuộc đời chỉ còn đơn giản tóm gọn trong mệnh đề ấy.
Có con rồi, tôi vất vả trăm bề. Túi bụi cuống cuồng vì nuôi con, tôi không hề về quê mẹ. Vả lại, lúc quyết định có con, tôi đã tự xem như bước qua một cuộc đời khác… Me tôi, chị Niết tôi, mỗi hành động việc làm đều phải tự cân nhắc xem người chung quanh có chấp nhận không. Còn tôi, tôi ở đây, sống một đời sống khác, hành vi của tôi là nhằm giải toả những ám ảnh của chính bản thân tôi, là để phá vỡ những lực nén của cuộc sống quanh tôi.
Khi bé Ni đầy tháng, chị Niết lén vào thăm, đem cho tôi dầu tràm và long não xứ Huế.
– Me có nói chi không?
– Chị giấu, không nói cho me biết. Từ khi ba mất, me khó tính lắm…
Đêm nào ngồi bên giường tôi, chị cũng khóc. Tôi không chịu nổi nước mắt của chị. Nó làm cho tôi có cảm giác như mình đang gặp nạn, trong khi tôi cần thêm can đảm chứ không cần sự xót thương. "Thôi chị về đi. Từ nay em không về nhà nữa đâu".
Bây giờ, bồng con đứng trước hiên, tôi phân vân đến mức hối hận. Sao mình lại về đây. "Me đang đau mà, mấy ngày ni chị dỗ lắm mới húp được mấy miếng cháo. Mi cứ ương bướng, không nhịn người già được một chút à?". Nghe chị nói, lần này, người chảy nước mắt là tôi. Tôi ôm chặt con vào lòng, băng qua sân, vào nhà ngang ngồi tạm. "Để em lau mặt, thay áo, cho cháu ăn sữa đã rồi tính".
Từ nhà trên xuống, chị Niết hốt hoảng, hỏi người làm: "Mệ đi mô rồi, răng không thấy?". O Phướn giúp việc bảo, khi cô Niết vừa đi thì mệ cũng mặc áo dài, xách giỏ ra đường, không biết đi đâu? Chị Niết lẩm bẩm, mặt tái nhợt: "Hay là me biết hết rồi ?’
Tôi phừng mặt: "Thôi để em đi. Me đã đứng dậy tránh mặt em được thì chắc bệnh tình cũng không đến nỗi". Chị Niết mếu máo, ôm chặt lấy tôi. Bé Ni lẫm chẫm chạy chơi một mình giữa sân, mái tóc xoăn xoăn, đôi mắt đen tò mò nhìn lên những cái tượng tí xíu đỏ xanh trên hòn non bộ.
Cánh cổng mở. Me tôi về. Cái dáng mảnh khảnh đã hơi khum khum về phía trước. Một tay xách cái giỏ mây… Chị Niết kêu lên một tiếng thảng thốt: Bé Ni đang ở ngay giữa sân.
Giữa vùng sân nhà cũ kỹ, bé Ni đứng đó, nhỏ xíu trong bộ quần áo mới tươi màu: cái sơ mi chim cò và chiếc quần jean tí hon… Thấy me tôi, con bé chùn lại một bước rồi dạn dĩ chạy tới, đưa tay sờ vào vạt áo dài của bà, vạt áo có những chữ thọ lấp lánh trên nền lụa cũ màu khói hương ánh bạc.
Chị Niết lo lắng dìu me ngồi xuống giường. Me tôi xua tay:
– Để me đi, đừng dắt. Me có đau ốm chi mô.
– ??!!
– Tau không giả đò đau, làm răng hắn chịu về.
Cúi xuống cái giỏ mây dưới chân, me tôi mở ra. "Cuối năm trời lạnh lắm, me đi sắm thêm cái mền cho ấm”. Tôi lôi cái mền len nhỏ ra khỏi giỏ, dưới lớp mền len còn có một cái ủ sữa dành cho trẻ con.
Me không nhìn tôi, dường như tự đáy lòng vẫn còn chút giận chưa phai. Giận vì tôi đã không nghe lời me. Giận vì tôi đã không về… Còn nữa, giận vì tôi đã giấu đứa cháu của bà suốt mấy năm trời.
Bà ôm bé Ni vào lòng, hôn lên má bé, say sưa như người ta hít một bông hoa. Thấy tôi sụt sịt khóc, me tôi ngẩng lên bảo (đó là lần đầu bà nhìn vào mặt tôi từ lúc bước vào nhà):
– Cháu ngoại trai vẫn chống gậy, đội lư hương cho mệ ngoại được, đó con!
Tôi giật mình. Me tôi không nhận ra bé Ni là con gái! Sau lưng me, chị Niết lại đưa tay suỵt suỵt, ý bảo tôi để yên, đừng cải chính làm gì.
Tôi gật đầu cho chị yên tâm. Rồi trước sau gì me tôi chẳng biết. Nhưng có hề gì, chiều nay, khi me tôi đi mua cái ủ sữa, bà đâu đã biết con tôi là trai hay gái.
Đêm vắng lặng. Me tôi ngủ yên bên bé Ni, cả hai bà cháu đều thoáng cười. Tôi nhìn ra cửa sổ. Mùi hoa nguyệt quý sau mưa ngọt quá. Ngoài kia là những mái nhà, những lùm cây xanh, tất cả hiền hoà, yên tĩnh, nhỏ bé, nhỏ bé đến ngậm ngùi. Phía chái nhà bên tả, chị Niết đang nằm, trong bộ đồ ngủ lụa trắng trông chị như một xác ướp thơm tho và cao quý. Một xác ướp trinh nữ đang tiến dần đến tuổi năm mươi… Tôi ngồi xuống bên chị, cầm bàn tay nhẹ và mỏng tanh, cảm giác như đang nâng những cánh ngọc lan khô héo mà hồi còn trẻ con tôi vẫn lấy xuống từ dĩa thờ sau những ngày đầu xuân.
Tôi đưa mắt nhìn cái túi xanh nhạt treo trên vách. Sau Tết mẹ con tôi đi rồi. Thương nhà, thương me, thương chị lắm nhưng vẫn phải đi./.