Dễ vỡ - Tạp chí Đẹp

Dễ vỡ

DELETED

Sau nhiều ngày chầu chực mà vẫn không kiếm được việc làm thêm ngoài giờ học, cuối cùng, nhờ một thằng bạn có ông anh làm đạo diễn, tôi được sung vào một việc thật nhẹ nhàng: dẫn người đẹp đi dạo qua sân khấu!

Tất nhiên, đó là một công việc chỉ kéo dài trong mấy tuần từ giai đoạn luyện tập cho đến đêm chung kết thi hoa hậu. Nhưng đó là một công việc thú vị, an toàn mà lại có thù lao hậu hĩ. Mà cho dù không có thù lao, cũng khối người giành nhau chen vào bằng được.

Cũng nhờ thế mà tôi gặp nàng: một cô bé xinh như mộng có đôi mắt lúc nào cũng bỡ ngỡ nhìn lên, với hai hàng lông mi óng ả cứ chới với như đôi cánh bướm. “Em tên là gì?” “Em tên Thương”. “Thương học lớp mấy?” “Dạ, năm thứ nhất trường Luật” “Vì sao em đi thi hoa hậu?” “Vì…” Thương cắn môi, cười rồi lại chớp chớp mắt, không nói nữa. Môi nàng hồng và ướt như môi con mèo tam thể. Tôi ngẩn người nhìn nàng. “Này anh…” “Gì hả Thương?” “Lúc nãy anh nắm tay em chặt quá. Cánh tay em không nhúc nhích được nên bước đi cứ lúng túng”. Tôi giật mình: “Vậy hả? Cho anh xin lỗi. Anh cứ tưởng…”

Thực lòng, tôi thấy Thương đi giày cao gót chưa quen, chập chà chập chững nên cứ sợ nàng té. Không ngờ nàng lại trách. Tôi tự hứa, lần sau sẽ không vụng về như thế nữa.

Đạo diễn Khôi là người kỹ tính. Mà không kỹ tính không được. Cuộc thi lớn như thế. Huấn luyện toàn những người đẹp, nếu không hằm hằm nét mặt để cho các nàng sợ mà nể nang, thì các nàng sẽ leo lên đầu lên cổ ngay! Tiếng Khôi sang sảng:
 – Ngẩng cổ lên! Thẳng lưng lên! Đừng có vừa đi vừa nhìn mũi giày như thế!

Con gái Việt Nam có thói quen nhìn xuống. Âu là một cái tật đã nhiễm vào máu thịt từ bao đời, với quan niệm “Yểu điệu thục nữ”. Đạo diễn Khôi phát cho mỗi cô một cái chén, bắt để lên đầu. “Không được để rơi!”. Trong khi các cô tập, cánh con trai chúng tôi được ngồi chơi, ngắm nghía và thầm thì…

Hai mươi cô gái đã lọt qua vòng sơ tuyển, hai mươi bông hoa. Mỗi người mỗi vẻ. Tất nhiên, người đẹp ít, người đẹp nhiều, và lạ thật, có cả vài cô chẳng đẹp tí nào. Đội chén được chừng hai mươi vòng thì các cô gái bắt đầu quen, những cái cổ trắng ngần vươn thẳng, đầu ngẩng cao kiêu sa, khuôn mặt đẹp lồ lộ vẻ duyên dáng – và ở một vài cô, cũng lộ rõ ra cái răng mẻ, đôi mắt hấp háy… không rõ lý do gì mà lại lọt được vào vòng sơ tuyển. Vì số người đẹp thực sự quá ít chăng? Tội nghiệp cho thằng Hải, thằng Trí. Hai đứa nó bị phân công dẫn hai cô có phom người giống như cây cau.

Hết mục đội chén lại đến mục tập đi sải bước dài, hai mũi giày tuần tự đặt trên cùng một đường phấn vẽ. Mục này có tụi con trai chúng tôi tham dự. Tôi một tay đặt sau lưng, một tay đỡ tay Thương.

Đầu ngẩng cao, ngực ưỡn ra oai vệ. Chà, đáng tự hào lắm chứ. Đâu phải dễ mà được tuyển làm công việc ngọt ngào này. Phải cao hơn một mét bảy, đẹp trai, cân đối và… tất nhiên cũng phải thông minh sáng sủa mới có thể vào vai vệ sĩ cho người đẹp.

Bên cạnh tôi, Thương bước những bước dài nhẹ nhàng. Tôi nhận ra, nàng rất thông minh, tập cái gì cũng mau thuộc, mau hiểu. “Anh… anh gì ơi…” “Anh tên Kim” “Anh Kim ơi…” Nàng ngập ngừng kéo tà váy lên, nó bị xoạc một đoạn, lấm bụi. “Chết, sao vậy?” “Lúc nãy anh dận gót giày mạnh quá, đạp lên váy em”. Tôi giật mình, cuống quýt xin lỗi. Thương cười rất hiền: “Không có sao, về nhà em lấy kim chỉ vá lại một chút thôi mà”.

Tôi chở nàng về. Té ra nàng thuê phòng trọ trong xóm nhỏ. Nhìn cô gái mịn màng trắng nõn trong chiếc váy tha thướt, cứ tưởng đâu nhà nàng phải là một biệt thự cao sang lắm. Ngọc, cô bạn trọ chung phòng, một cô gái trông như con trai, mở cửa đón chúng tôi. Thấy cái áo rách, cô ta dãy nẩy lên:
 – Chết! Làm sao mà đem trả cho tiệm thuê đồ.
 Thương từ tốn:
 – Vá được mà.
 
Tôi hiểu ngay trách nhiệm của mình. Nhận hộp kim chỉ từ tay Ngọc, tôi hí hoáy khâu díp. Là con trai nhưng tôi cũng khéo tay lắm. May lại tà váy liền y chang. Ngọc và Thương ngồi xem, tấm tắc khen đẹp. Hứng chí, tôi xách luôn chiếc áo đến dưới vòi nước. Thương gọi với:
 – Để em giặt. Ai lại bắt con trai…
 
Ngọc bấm bấm Thương, ý bảo mặc kệ. Tôi cũng chẳng nề hà, sốt sắng ngồi xả nước giặt chiếc váy cho kỳ sạch. Ngọc bảo trong lúc tôi phơi áo lên dây:
 – Anh Kim đúng là người đàn ông hiện đại, không có cái tính lười những việc lặt vặt như ba em ở nhà…
 – Hiện đại cái gì, chẳng qua anh làm anh chịu thôi.
 
Tôi biết thừa Ngọc cho tôi đi tàu bay giấy, nhưng mà chấp trách làm gì. Mình là đàn ông, nhằm nhò chi mà trách móc nữ nhi ba cái chuyện lẻ tẻ. Làm cho Thương đỡ vất vả là được rồi, chắc cô bé mệt lắm, sáng nay đội chén mấy chục vòng, khuôn mặt non tơ cứ lấm tấm mồ hôi. Cầm cái khăn bông xốp đưa cho tôi lau tay, Thương mỉm cười, đôi môi đỏ ướt thầm thì hai tiếng cảm ơn.
 
Cầm chén bánh canh nóng hổi Ngọc đưa, tôi vừa ăn vừa nhìn quanh căn phòng. Phòng trọ đơn sơ, vách dán đầy giấy báo, trần nhựa thấp lè tè tưởng chừng với tay tới nơi. Trời dạo này còn nóng. Cánh quạt quay vù vù làm không gian càng thêm nực nội. Thương tài thật. Ở trong gian nhà như thế này mà da cứ trắng nõn, như thể được cưng dưỡng trong phòng máy lạnh. Tôi hỏi tò mò:
 – Đi thi hoa hậu thế này, mẹ có gửi thêm tiền cho mà sắm sửa không?
 Thương cười:
 – Mẹ không biết… Em giấu. Mẹ cứ bảo, hồng nhan bạc phận, hay ho gì cái chuyện sắc đẹp mà đua tranh.
 Ngọc hắt xì một cái lớn:
 – Bây giờ khác rồi, hồng nhan bạc triệu. Trúng cái giải, ẵm luôn mấy chục triệu, đủ học mấy năm trời…
 
“Nhưng mà mệt quá”. Thương bảo. “Hồi hộp, lo lắng… Mà chẳng biết có được gì không”.
 
Tôi nhìn Thương. Bây giờ cô bé mặc bộ áo quần vải phin mộc mạc, mặt không phấn son. Vẫn xinh. Tôi thấy nàng xinh nhất trong cả đoàn con gái tập đội chén sáng nay. Chắc chắn là Thương hoa hậu rồi, chỉ trừ khi ban giám khảo mù lòa hay có thị lực rất kém mà thôi.
 
Thương qua được vòng bán kết. Như thế có nghĩa là tôi cũng qua vòng bán kết cùng nàng.

Bây giờ các cô gái đã thuần thục trên sàn diễn. Không còn những bước chân ngắn ngập ngừng trên những đôi giày cao gót mới cứng. Không còn những ánh mắt rụt rè, ngượng nghịu trước đám đông… Thương cũng vậy, ung dung và kiêu sa, sải những bước dài khoan thai. Mỗi lần tập, tôi dẫn nàng, tay nương nhẹ như cầm một cánh hoa. Từ trong vòm cung ở đáy sân khấu bước ra, nện gót giày trên tấm thảm nhung tưởng tượng, vòng một vòng qua góc trái sân khấu. Từ đó, tôi buông tay cho nàng tiến ra một mình, nhẹ nhàng đảo qua, đảo lại mấy vòng, mỉm cười, cúi đầu, ngoái lại, liếc về phía khán giả trước khi quay lại chỗ xuất phát để tôi lại đưa nàng vào bên trong cánh gà… Nhìn nhau, cười thoát nạn.

Từ vị trí chờ đợi, tôi quan sát được không những Thương mà còn ngắm nghía được chín nàng còn lại trong đội tuyển. Nàng nào mới nhìn cũng trẻ trung, nõn nà. Nhìn kỹ thì cũng có nàng có bộ răng khấp khểnh, có nàng mắt đã nhỏ lại đeo cặp lông mi um tùm, trông như một loài gì đó đang ngủ đông. Có một nàng miệng hơi méo…

Sau giờ tập, tôi ghé tai hỏi nhỏ Hải. Hải xua tay:
 – Mày cứ bới lông tìm vết thì ai mà hoàn hảo.
 May cho nó, cô gái có phom người như cây cau vẫn còn dính bảng, vì vậy nó mới không bị loại. Tôi thì thầm:
 – Nhiều cô xinh hơn mà lại không lọt đến được vòng này, vậy mà…
 Hải cười khà khà:
 – Nói chuyện đúng sai thì dễ, chứ nói đẹp xấu thì tùy mắt mũi từng người. Mày mà thắc mắc chuyện đó, thắc mắc đến khuya! Cũng không ai giải đáp cho đâu mà mong!
 Ư, mà mình cũng ngốc thật. Càng nhiều người đẹp vào vòng thì cơ hội của Thương càng ít lại. Hôm nào Thương cũng lo âu bảo:
 – Chẳng biết có được gì không… Người ta hùng hậu quá trời, mình thì…
 
Hôm nào Ngọc cũng mua dưa leo về đắp mặt cho Thương. Tôi thì mua hạt muồng sắc nước cho Thương uống kẻo Thương không ngủ được. Những đồng tiền nhận được từ ban tổ chức cũng biến đi rất nhanh cùng với tiền thuê xống áo, phấn son, giày vớ.

Tôi an ủi Thương: “Không lỗ đâu, thế nào em cũng được giải. Đội vương miện rồi, lên báo, lên đài, thành người nổi tiếng, đừng quên anh nghe”. Thương cười hiền: “Quên sao được”. Ngọc thì vừa soi gương nặn mụn gần đó, vừa góp chuyện:
 – Trúng giải, bà nhớ cho tui mượn tiền nạp học phí kỳ sau đã.
 Thương cười:
 – Nhớ. Nhưng còn phải trích tiền tặng quỹ người nghèo nữa.
 Ngọc xí một tiếng:
 – Mình là người nghèo đây, còn tặng ai nữa.
 Tôi không nín được cười. “Thôi, khi nào cầm giải trong tay hẵng hay, cứ viển vông…”.
 
Bỗng nhiên lòng tôi nao nao buồn. Nếu Thương là hoa hậu, nàng sẽ thành người của công chúng. Rồi biết bao nhiêu đại gia sẽ chú mục vào nàng. Và biết đâu, cô Tấm sẽ trở thành Hoàng hậu. Chuyện đó cũng thường xảy ra lắm. Mà nếu như vậy thì cũng là phúc phận của Thương, mình phải mừng cho Thương mới phải…
 
“Nghĩ cái gì mà thừ người ra vậy anh?” Thương nhỏ nhẻ hỏi tôi. Tôi giật mình. Lại buồn cười: Mình vừa chê hai cô gái viển vông, vậy mà giờ đây mình cũng thế.
 
Đêm chung kết đã đến.
 
Trong Nhà hát lớn nhất của thành phố, màu sắc, đèn và biển người nườm nượp. Đủ hiểu vì sao đạo diễn Khôi phải mướt mồ hôi cùng chúng tôi mấy tuần nay… Ngọc rất muốn đến xem nhưng không thể được. Vé đắt quá. Tôi rất tiếc không đủ khả năng mua cho Ngọc một chiếc vé. “Chờ đó đi, khuya bọn này ẵm giải về cho”. Tôi nói đùa để an ủi Ngọc.

Trong tiếng nhạc dìu dặt, tôi vào vai chàng vệ sĩ đưa nàng công chúa từ trong thâm cung đến với sân khấu rực sáng ánh đèn. Chưa bao giờ tôi phấn khích hơn thế. Tôi lấy hết sức tạo dáng uy nghi, đưa Thương ra sàn diễn. Hôm nay Thương đẹp diễm lệ trong chiếc áo dạ hội bằng sa-tanh trắng lộng lẫy… Đến góc phải sân khấu, tôi nhẹ nhàng buông tay, Thương một mình đảo qua sân khấu, tung tăng duyên dáng như cánh bướm. Khoảnh khắc này sáng rực rỡ trong suốt kỷ niệm tuổi thanh xuân của Thương. Tôi đứng nhìn mà lòng xúc động đến ngộp thở…
 
Trong khi ca sĩ hát một bài để chờ kết quả xem ai được lọt vào tốp 5 cuối cùng, Thương ngồi trong hậu trường, mặt lại lấm tấm mồ hôi. Tôi rút khăn giấy chấm nhè nhẹ lên mặt nàng. Chung quanh, những người đẹp khác lượn lờ xanh đỏ, nhưng tôi chẳng nhìn thấy gì, ngoài hai chúng tôi. Thật tuyệt vời khi ai đó đã nghĩ ra chuyện để cho mỗi thí sinh hoa hậu có một chàng vệ sĩ. Nếu không thì vào giờ phút chờ đợi này những cô gái sẽ cô đơn, thấp thỏm và chới với biết bao nhiêu!
 
“Xin giới thiệu với quý vị, đây là năm cô gái được vào vòng thi cuối cùng…”
 Các chàng vệ sĩ trong hậu trường đều bật dậy. Những người đẹp đã dàn hàng ngang trên sân khấu. Theo quy định của ban tổ chức, ai nghe đọc đến tên sẽ bước lên một bước.
 “Nguyễn Thùy Liên, Lâm Ý Nhi, Lê Thanh Mai…”
 
Bên cạnh tôi, thằng Hải nhảy cỡn lên, nhưng tôi cũng không kịp ngoái qua nhìn bởi đang quá ư căng thẳng! Năm cô gái trúng tuyển đã bước lên, rực rỡ, lóng lánh trước những ánh đèn flash đang chớp nháy liên tục. Một nhân vật trong ban tổ chức đang bước lên sân khấu, tặng quà cho những cô thi rớt… Một cách nói ý nhị: Thôi mời các nàng lui cho!
 
Đèn làm hoa mắt tôi. Khi định thần nhìn kỹ: trong năm cô gái trúng tuyển không có Thương! Tôi điếng người, nghĩ tới nỗi thất vọng ê chề của nàng khi bước xuống sân khấu.

Nàng đẹp như thế, không ai không nói rằng nàng cầm chắc giải trong tay. Mà nàng đâu rồi? Sao tôi lại hậu đậu đến thế, để nàng một mình trong lúc này!
 
Tôi tìm khắp hậu trường, nhưng Thương đã bỏ về. Vội vàng, tôi lấy xe phóng theo, lòng buồn da diết. Nhưng không hiểu sao tự đáy lòng tôi lúc ấy lại thấy vui vui… Thôi, không đổi đời được tức khắc thì Thương hãy ráng chờ. Một ngày kia, nhất định tôi sẽ thành hoàng tử!
 
Khi tôi chạy về đến phòng trọ thì Thương đang ngồi trên chiếc nệm ngủ. tóc nàng sổ ra, những hoa cài, kẹp giắt vất tung tóe trong phòng. Chiếc áo nhàu nhĩ, vẫn còn dính những hạt confetti lấp lánh… Những chấm giấy li ti đủ màu vương vãi trên nền sàn. Đôi giày Lọ Lem nằm lăn lóc trước cửa.

Ngọc đang cúi lượm những mảnh trâm, mảnh hoa vứt trên mặt đất. Mặt mày cô lầm lũi, mấy nốt mụn dường như sưng to hơn bao giờ hết. Trên tấm nệm, Thương khóc, khóc sướt mướt.
 
Tôi chạy vào, ngồi xuống bên, cầm tay nàng, nắm chặt trong tay tôi. Ước gì vương miện là của tôi, tôi sẽ dâng nàng ngay lập tức. Xúc động, tôi lắp bắp:
 – Nín đi Thương. Đừng tiếc nữa. Với anh, em mới là hoa hậu! Hoa hậu của anh!
 Một lời an ủi, cũng là lời tỏ tình, thốt ra trong lúc xúc động tột cùng… Nó khiến Ngọc vừa nhặt xong đống hoa tàn phải lập tức lỉnh ra khỏi phòng, nhường lại không gian cho chúng tôi.
 
Thực bất ngờ, Thương giật phắt tay ra, xô mạnh tôi ra xa… Tôi không ngờ bàn tay mềm yếu tôi vẫn cầm lâu nay lại có sức mạnh như thế! Nàng sừng sộ:
 – Thôi đi, làm hoa hậu của anh thì được cái gì? Anh thì làm được gì cho tôi?
 
Tôi sững sờ, miệng cứng lại như người trúng gió độc. Đau khổ và thất vọng đã khiến Thương thay đổi nhiều đến thế? Hay đây mới chính là con người thực của nàng?
 
Mặc kệ vẻ mặt hãi hùng của tôi, Thương ôm mặt khóc nức nở như bắt đền:
 – Sao tôi ngu thế này hở trời. Sao tôi lại dựa vào một anh sinh viên kiết xác. Nếu mà có một ai nâng đỡ, tôi đã không bị ép như thế này… Hu hu…

Hình như ý nàng muốn trách vì tôi kè kè cạnh nàng nhiều quá mà không có đại gia nào hà hơi tiếp sức cho nàng thì phải. Tôi choáng váng. Bước lùi, bước lùi cho đến khi ra khỏi căn phòng nhỏ…
 
Tôi lử khử mất mấy tháng, cứ như người bị rơi xuống từ chín tầng mây. Cuối học kỳ đó từ một sinh viên giỏi, tôi rớt xuống gần chót lớp, thi rớt tới ba môn. Suýt một chút nữa thì lưu ban. 
 
Nhiều năm trôi qua, tôi đã trở thành một kỹ sư. Làm việc cho công ty nước ngoài, lãnh tiền đô, tuy không phải là đại gia nhưng cũng có thể kể vào hàng phong lưu tuấn tú trong thành phố. Những cuộc thi hoa hậu, tôi cũng đôi lần mua vé đi xem. Bây giờ thì không thiếu tiền mua vé xem thi hoa hậu nữa, chỉ lo thiếu thời giờ, thiếu hứng thú.

Tôi không gặp lại Thương từ ấy. Nghe nói nàng đã bỏ học và nay là một người mẫu, mỗi tuần xuất hiện trên sàn catwalk của thành phố. Tuy cô Tấm không thành hoàng hậu vì đã không có được một danh hiệu lớn, nhưng ngày ấy vẻ đẹp của nàng đã có dịp tỏa sáng và nhờ đó, đã kịp lọt vào mắt xanh của các nhà tạo mẫu. Tôi biết được tin tức là nhờ thỉnh thoảng ghé thăm Ngọc. Nay Ngọc đã là cô giáo, hết mụn và không còn than nghèo nữa. Đôi khi, có dịp tôi cũng mua vé mời Ngọc đi xem người ta thi hoa hậu cho vui.

Mỗi lần nhìn thấy các chàng vệ sĩ khôi ngô hãnh diện vươn đầu, ưỡn ngực đỡ tay người đẹp, tôi lại thấy lo lo trong lòng… lo thay cho những chàng trai măng trẻ với trái tim dễ vỡ: công việc họ đang làm là một công việc nguy hiểm, có thể chết người mà nào có chế độ bảo hiểm, bảo hộ gì đâu!

Thực hiện: depweb

30/11/2006, 11:21