Mắt của mưa - Tạp chí Đẹp

Mắt của mưa

DELETED

Cho đến tận hôm nay, những người thân của tôi vẫn không hiểu tại sao tôi buông bỏ tất cả để đi làm hộ lý bệnh viện ở cái tỉnh sơn cước heo hút này. Mỗi năm tôi đều tằn tiện để ra đúng chín triệu một trăm ngàn đồng và như thế tôi phải mất mười năm. Người yêu tôi trước khi lên xe hoa lấy một nam ca sĩ tóc nhuộm màu vàng rơm có giải thích là tôi đã vỡ nợ vì lô đề cờ bạc.

Đúng, tôi có một món nợ bởi vì tôi không bao giờ quên nổi người đàn ông ấy, người đàn ông có ánh nhìn của màu mưa mà tôi chỉ gặp một lần rồi vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.

Nếu tôi không gặp ông ta thì hẳn tôi đã có một cuộc hôn nhân phẳng phiu thậm chí một sự nghiệp vừa nhiều danh vừa nhiều lợi. Tôi sẽ không bị đau đớn, bị lang thang, dằn vặt.

Ông ta là ứng viên mang số báo danh mười bảy, một con số gập ghềnh của sự bất trắc mà ngay từ hồi học phổ thông tôi đã rất không thích.

Đó là một người đàn ông khó đoán tuổi, khí sắc và phong độ trông nhợt nhạt khác thường. Không rõ vì lý do nào mà ông ta đã vượt qua những vòng sơ loại gồm những trắc nghiệm vừa lồng cồng vừa rắc rối.

Bản đăng ký cá nhân của ông ta bị thiếu khá nhiều những thông tin bắt buộc như năm sinh, nghề nghiệp, ở dưới tấm ảnh 4×6 mờ mờ nhầu là dòng chữ viết tay cụt lủn “Với những câu hỏi vớ vẩn của các ông, tôi sẽ chắc chắn đoạt được giải nhất. Nếu không phải như thế thì cứ chặt mẹ cái đầu của tôi đi”.

Thằng cha này bố láo thật. Bộ câu hỏi dành riêng cho chương trình được ban cố vấn gồm ba tiến sĩ và hai phó giáo sư loay hoay chuẩn bị kỹ lưỡng. Nó đã uyên thâm tích hợp từ vô số nguồn kiến thức tinh hoa Đông Tây, rất nhiều lần chính tôi đã xem đi xem lại trước đáp án mà vẫn lơ mơ không hiểu. Ví như, “người ta làm cốc uống nước từ những gì dưới đây”. Sơn Tinh, Thủy Tinh, Hỏa Tinh hay Linh Tinh.

Đáp án đúng là Thủy Tinh, nhưng tôi nhớ mang máng Thủy Tinh là người, thậm chí còn là đàn ông, bởi chẳng có cái cốc uống nước nào lại vất vả đi cầu hôn rồi ghen tuông giận dữ vì không lấy được vợ. Nói chung, trong nhiều bản lý lịch trích ngang đăng ký tham gia cái “ghêm sô” (gameshow) do tôi làm “em xi”, có kha khá những tuyên bố gây sốc của các ứng viên với mục đích nông nổi nhằm tạo ấn tượng với ban tổ chức.

Sếp của tôi khi đọc thì bật cười khẩy, vò vò ném vào thùng rác dưới chân, ông khét tiếng là một đạo diễn truyền hình lọc lõi và lạnh lẽo. Thế mà ông lại chọn chấm cái tay đàn ông này. Không hiểu sao tôi không dám nhìn thẳng vào ông ta. Mắt của ông ta sẫm một mầu mưa, mà tôi thì sau cái tối thứ Bảy oan nghiệt ấy, tôi sợ và ghét mưa.

Không biết bao lần tôi tự an ủi rằng đấy không phải là lỗi của tôi. Tất nhiên sau buổi “pạc ti”, từ vũ trường ra tôi có uống kha khá Whisky, nhưng đường Tràng Thi là đường một chiều. Giữa mùa Đông mà trời mưa rào nặng hạt và thằng bé đạp xe sai đường lại phóng rất nhanh.

Chỉ thoáng “sầm” một cái, chiếc Vespa LX 150 của tôi đâm trực diện vào thằng bé. Nó ngã ngửa và mép trái của nó ứa một dòng máu đỏ sẫm. Đường phố vắng tanh và tôi bế thằng bé chạy bộ vào phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức.

Nó nằm thiêm thiếp và bác sĩ bảo nặng đấy rồi làm thủ tục hành chính hỏi tôi. Nước mưa lạnh làm tôi tỉnh hẳn và tôi bảo nó là em trai. Lúc ngồi chờ tôi đã kịp lục cái cặp to đùng nhốn nháo sách vở của nó. Chắc nó đi chát muộn về.

Nó mới học lớp sáu mà đã dám đi khuya khoắt thế này, chắc nhà nó cũng chẳng tử tế gì. Còn tôi, sau giờ chiều mai tôi đã phải bay đi Úc. Tôi đã nỗ lực suốt một năm mới giành được cái học bổng thạc sĩ chuyên ngành truyền thông. Tôi là của hiếm của một suất trong nhan nhản trăm rưởi ứng viên.

Run run, tôi đọc tên và địa chỉ của nó từ cái thẻ học sinh nhầu nát nằm lỏng chỏng giữa mấy cái thẻ chơi game “Võ lâm truyền kỳ”. Bác sĩ trực nhàn nhạt nhìn tôi nói rằng tốt nhất là cho thằng em trai chụp cắt lớp. Ngoài trời mưa vẫn sầm sập và trong phòng la liệt những người rên rỉ vì bị tai nạn giao thông. Tôi nộp tiền trước, trong túi tôi có chừng chín triệu đồng tiền mặt. Ngày mai tôi đã đi thật xa và liên hoan tối nay tôi đã nhận được thật nhiều quà.

Tôi lại gần thằng bé, khuôn mặt nhợt nhạt làm tôi bị nhớ rất lâu. Thằng bé lim dim mắt lẩm nhẩm vô thức đọc đi đọc lại một số điện thoại cố định. Tôi rút “mô bai” bấm số. Phía đầu dây kia choe chóe những tiếng văng tục cãi nhau. Một giọng đàn bà khê nồng vừa gọi tên thằng bé vừa chửi bậy. Tôi thông báo thằng bé bị tai nạn đang nằm ở đây. Người đàn bà đó lặng đi rồi tru chéo oà khóc. Người yêu tôi thường nói rằng tôi là người rất thông minh và tôi tỉnh táo cúp máy.

Tôi mở ví lấy hết tiền, có gì như là cắn rứt rồi nhét vào túi áo trong thằng bé. Tôi liếc quanh, lén lút hấp tấp đi ra cửa. Chợt tôi thấy rõ nét một ánh mắt đùng đục màu nước mưa, nhìn mãi theo. Nó cứ vơ vẩn đọng ở đâu đấy trong suốt cả hơn hai năm tôi học ở nước ngoài. Còn bây giờ, ánh đèn sân khấu chói gắt và tôi chuyên nghiệp nhìn thật thẳng vào ống kính máy quay.

 Người đàn ông sẽ đứng giữa ba người chơi bởi đơn giản hai người còn lại là phụ nữ. Cô gái đứng sát tôi hai mươi hai tuổi, kế toán viên có thâm niên chưa đầy một năm thuộc ngành ngân hàng. Cô có cầm theo vài cuốn hồi ký của ông Tổng giám đốc ngành cô đến tặng chương trình.

Ông Tổng không xa xỉ chơi gái cũng không đê tiện tham nhũng chỉ lành mạnh đơn giản ngồi viết tự truyện, vậy mà bị báo chí tơi bời cằn nhằn rất nhiều. Cũng giống như những ông Tổng khác, đương nhiên ông phải lấy tiền cơ quan ra in sách. Trước đó vô tình tôi có đọc qua. Khác hẳn với tự truyện của các nữ nghệ sĩ, hồi ký của ông Tổng không nói xấu bố mẹ không đá xoáy đồng nghiệp và cũng tuyệt không nhớ những người tình cũ.

Ông chỉ giải thích tại sao mà từ một cậu bé chăn trâu bỗng thành ông Tổng. Ông kể thuở thơ ấu vất vả đi bắt đom đóm đêm đêm ngồi học. Đến bây giờ tuy đang ở vila và trong phòng làm việc luôn sáng trưng các bóng ngắn bóng dài nhưng đôi lúc phải ký công văn tuyệt mật hoặc thăng hoa sáng tác, ông Tổng vẫn thích nhất là ngồi dưới ánh sáng của một ống bơ gỉ ở trong đựng đầy đom đóm.
 
Theo sự sắp xếp của chương trình, khi tôi hỏi về sở thích riêng của cô kế toán thì cô sẽ trả lời là vô cùng yêu thích thể loại hồi ký vì nó trung thực không giả dối bịa đặt. Tiếp đó, cô sẽ hát một bài ngành ca. Đại loại ca từ là lời của một cô thu ngân vừa đếm tiền vừa trữ tình tâm sự với một gã trai nào đó, rằng ngân hàng không chỉ túi bụi con số không chỉ lanh canh đồng tiền mà ở sâu xa luôn nhưng nhức một dịu dàng trái tim.

Đứng phía bên kia của người đàn ông là một thiếu phụ, cô giáo dạy văn cấp hai đã có hôn nhân nhưng lại đang độc thân. Nếu chỉ nhìn cách ăn mặc và cách bôi son phấn thì vài người nông nổi sẽ đoán chồng cô đã rất phấn khởi khi viết đơn ly dị. Nghề của thiếu phụ trùng với nghề của người yêu tôi, mà sau khi phát sóng chương trình này chúng tôi vĩnh viễn chia tay nhau.

Cũng như người yêu tôi, thiếu phụ cô giáo thích làm thơ, yêu sự cô đơn, ghét điều dung tục và trân trọng kiến thức nhân loại. Ở phần tự bạch, cô giáo sẽ ngâm một đoản thi nhang nhác giống của người yêu tôi, nó có bơ vơ mùa thu, có tình yêu cay đắng và đặc biệt phải có một người con gái vị tha cao thượng. Tôi đã nhiều lần thua khi tranh luận về thi ca với nàng.
“Anh chẳng hiểu gì cả, thơ là một khái niệm rất sâu”.

 Tôi để tay rất sâu vào trong người em. Chúng tôi đang ở trên sàn nhảy của một vũ trường lớn. Tôi thật sự say mê em bất cần sự để ý của xung quanh vì kha khá đám đông nhẵn cái bản mặt của tôi.

Sau khi học ở Úc về, tôi là phát thanh viên của mục kinh tế thị trường nhưng rồi chị MC của chương trình này nhân lúc chồng đi xa bỗng đột ngột có bầu nên lãnh đạo tạm điều tôi sang để vá chỗ.

Thật đúng ra thì tôi phải làm ở chương trình dự báo thời tiết. Đạo diễn mới học ở Mỹ về đã nảy ra một ý tưởng độc đáo. “Dự báo thời tiết” sẽ không khô khan theo kiểu một người cắm cúi ngồi đọc nữa mà sẽ là một loạt sáu đến bảy nam thanh nữ tú lần lượt đi ra đi vào tùy theo tình hình khí tượng.

Ví dụ, nếu ngày mai là một ngày nắng đẹp trời trong thì sẽ là cô Á hậu người gốc Tuyên Quang. Nếu là áp thấp nhiệt đới còn đang lảng vảng ngoài biển Đông thì sẽ là một nữ sinh mắt môi huyền bí vừa đoạt giải người đẹp trung học.

Theo đạo diễn, mặt tôi có nét buồn rười rượi rất thích hợp ở những ngày âm u mưa thu dầm dề. Giống như nhiều đàn ông thông minh, tôi tự biết rằng muốn người khác thấy mình là sâu sắc thì không có cái gì bằng mặt mũi phải ngân nga cô đơn miên man buồn.

Khi quay thử thì tôi bị loại, một nam ca sĩ chuyên hát nhạc sến đã được chọn. Anh này mặt còn ướt nhão hơn tôi và đã từng nhiều lần đi chụp quảng cáo cho hãng sản xuất máy hút ẩm.

 Hôm tôi học xong thạc sĩ quay về, trời Hà Nội cũng đang lê thê mưa phùn ẩm ướt. Tôi bí mật đi đến địa chỉ của thằng bé. Nó là một đoạn rìa ô đang từ làng lên phố rất đông những gia đình làm nghề lao động chân tay.

Bố của thằng bé là liệt sĩ, bà bán trà chén ở đầu phố khi tôi khôn khéo hỏi thì bảo, đấy là chị vợ nói thế chứ chẳng rõ thật không. Đàn bà không chồng mà có con thì xóm này đầy. Cái thằng cu ấy bị tai nạn người ta bỏ trốn bây giờ phải dùng xe lăn.

Tôi hơn một lần ngồi ở hàng cà phê chênh chếch nhà thằng bé. Qua cửa sổ xộc xệch cánh gỗ tối sẫm, thằng bé lờ mờ như đang chơi “ghêm”. Thỉnh thoảng nó ngước nhìn ra và tôi thảng thốt giật mình thấy cái nhìn đó sũng một màu nước mưa. Tôi không bao giờ quay lại đấy nữa. Tôi đang có rất nhiều dự định bận rộn dang dở và tôi đang yêu. Cô giáo dạy văn của tôi nói rằng yêu nhất ở tôi là sự thông minh đầy trong sáng trung thực.

 Tôi trong sáng thông minh cao giọng.
 “Xin chào mừng các quý vị khán giả đã đến với chương trình những ô chữ diệu kỳ – một chương trình được nhiều người mến mộ và được sự tài trợ của hãng thời trang…”

Tôi sang sảng phát âm rất Tây cái tên Ta viết không dấu của hãng chuyên làm đồ lót và băng vệ sinh phụ nữ. Người yêu tôi tuyên bố là sẽ không bao giờ dùng đồ của hãng này nhưng vẫn tha thiết yêu tôi.

Hãng có đề nghị chụp mặt tôi lên poster quảng cáo, phía trên đầu tôi bay rợp trời là băng vệ sinh được cách điệu thành những cánh chim én. Chạy ngang dưới cằm tôi là một trong hai dòng chữ tùy tôi chọn. Hoặc “mãi mãi là mùa Xuân”, hoặc “như có như không”. Nếu không vì tình yêu thì khi thấy giá tiền suýt nữa tôi đã đồng ý.

 Gameshow của tôi được mua bản quyền từ một nước chậm phát triển, nó có luật chơi tương đối đơn giản. Trước mặt người chơi là vài ngăn ô chữ chưa mở. Dưới từng ngăn sẽ là vài dòng giải thích về nội dung cái khái niệm mà người chơi phải luận đoán.

Người chơi sẽ đoán từng ô chữ, mỗi ô chữ được một lượng điểm nhất định, rồi cuối cùng sẽ ghép các ô chữ lại thành một khái niệm có nghĩa. Ví như, trong lần phát sóng trước có một ngăn gồm bốn ô chữ có chú thích “Đây là một thứ mà nhiều phụ nữ nghén thường thèm”.

Hôm đấy, có cô ca sĩ đã đoán được ba chữ. B, U rồi cách một ô đến chữ cuối cùng là I. Cô ca sĩ đã có số điểm rất cao hồi hộp bỗng đỏ mặt nhìn tôi căng thẳng thỏ thẻ “Em xin đoán chữ Ô”. Cả hội trường bên dưới bật vang rền tiếng vỗ tay của nhiều quý bà reo hò tán thưởng. Tôi nhìn lại đáp án, chẳng có chữ Ô nào cả mà đấy là chữ Ư. “Bưởi – một thứ mà nhiều phụ nữ nghén thường thèm”. Cô ca sĩ chưng hửng tuyệt vọng và tôi sâu xa thông cảm.

Trước khi vào phần đoán ô chữ thì ba người chơi phải trả lời một số câu hỏi trắc nghiệm bằng cách nhanh tay bấm chuông. Đại loại, “Nữ diễn viên Anh ửng Hồng đã từng đoạt giải Cánh Cung Vàng thì có mấy con”. Phương án A là 1, phương án B là 2, phương án C là 3, phương án D là 4. Người chơi sẽ chọn duy nhất một phương án.

Đây là câu mang tính kiến thức tổng hợp cao, hai phó giáo sư và ba tiến sĩ đã thề với nhà tài trợ là vô số người sẽ trượt ở câu này. Theo lô gích, nữ diễn viên phải giữ eo, nên đa phần người chơi sẽ chọn A hoặc B. Nhưng đáp án lại là D, bởi siêu sao này đã có ba đời chồng. Người chơi đi đến vòng cuối cùng sẽ lĩnh được giải thưởng chẵn một trăm triệu đồng.

Cho đến giờ, chương trình đã mười chín lần phát sóng nhưng chưa có ai đi tới vòng cuối. Và người lập được kỳ tích ấy chính là người đàn ông nhợt nhạt kia.

Ông ta làm tôi rất mất cảm tình vì cái vẻ uể oải trịch thượng. Ông ta luôn bấm chuông sau hai ứng viên nữ và nếu một trong hai người đó trả lời đúng thì ông ta mặt lạnh chờ câu sau. Cuộc thi đã đến những câu gần cuối và ông ta đang sở hữu một số điểm rất cao.

Cô kế toán đã bị loại, cô luôn hấp tấp bấm chuông đầu tiên nhưng trả lời thì sai. Ví như câu hỏi “Loài chim nào có thời gian sống ở trong nước nhiều nhất” thì cô vội vã không cần nhìn các phương án đưa ra mà khẳng định ngay là chim của Chử Đồng Tử.

Sau đấy cô có giải thích, ông Chử nghèo quá không có quần áo nên suốt ngày phải ngâm mình dưới nước để đánh dậm. Cô kế toán được nhiều tiếng vỗ tay cảm tình của các quý ông nhưng vẫn phải ra về với phần quà của nhà tài trợ.

Thiếu phụ cô giáo thì thỉnh thoảng trả lời đúng ở câu trắc nghiệm nhưng khi đoán ô chữ thì lại toàn đoán trượt. Thiếu phụ cay cú nhìn số điểm đang tăng của người đàn ông và hơn một lần liều lĩnh giở tiểu xảo.

Cô giáo khéo léo làm như vô tình buột một khuy áo ngực rồi khẽ lúc lắc hướng về người đàn ông khi tay này đang lưỡng lự trả lời câu hỏi. Tôi cũng a dua bằng cách nhè đúng lúc ông ta đang cau mày ngẫm nghĩ là tôi đếm ngược. “5, 4, 3 …” nhưng đúng lúc đó thì ông ta trả lời và câu trả lời chính xác một cách lạ lùng.

Đã tới vòng cuối cùng, các ô chữ vừa được lật hết và chỉ cần thêm một câu hỏi phụ thì ông ta sẽ lĩnh trọn cả một trăm triệu. Ở bên dưới có loáng thoáng xì xào rằng giữa người chơi và người dẫn chương trình hình như có “tháu cáy”. Tôi ấm ức phẫn nộ.

Vị đại diện của hãng tài trợ ngồi ở hàng ghế đầu mặt mũi xám ngoét gượng gạo miệng meo méo cười. Tôi chậm rãi đọc “Trong liên hoan ca nhạc khu vực tám hồi tháng sáu vừa qua, nam ca sĩ có tên là Trường nhuộm tóc màu gì”. A là đỏ, B là xanh, C màu vàng rơm còn D màu tím sẫm.

Ông ta nhợt nhạt nghe, mũi lấm tấm đổ mồ hôi và tôi khoái thầm. Câu hỏi này mang đậm tính chuyên môn, nó đòi hỏi người chơi phải đọc và nhớ vô số những báo có bìa sặc sỡ. Ông ta khe khẽ nhắm mắt.

 “Tôi xin được dùng quyền trợ giúp”.

 Ô kê, có thế chứ, tôi hả hê hỏi “Anh sẽ gọi điện thoại cho ai”. Ông ta đọc một số điện thoại di động rồi vẫy tay ra hiệu là tôi có thể đếm giờ. Tôi hân hoan “60 giây trợ giúp bắt đầu”. Giọng đầu giây bên kia, tiếng loa được khuyếch đại rõ nét. “Alô, ai gọi tôi đấy ạ”. Người đàn ông nghiêm giọng.

 “Anh có phải nam ca sĩ có tên là Trường không”.

 “Vâng, xin lỗi ai đấy ạ”

 “Hồi tháng sáu vừa rồi khi đi hát anh nhuộm tóc màu gì”

 “Màu vàng rơm”.

 “Thế có bao giờ anh nhuộm tóc màu đỏ hoặc xanh hoặc tím sẫm”.

 “Thằng nào mà hỏi ngu thế. Có ai dở hơi lại nhuộm tóc theo những màu ấy”.

 Ông ta không đợi hết giờ, tự ấn nút ngắt máy, thong thả nói “Tôi chọn C, vàng rơm”.

Tôi cũng như khán giả, kinh ngạc đến chết lặng. Phải vài phút sau tôi mới lắp bắp

“Chúc mừng anh. Tiện đây xin hỏi, một trăm triệu là số tiền khá lớn, vậy nếu không bí mật xin anh cho mọi người cùng biết là anh sẽ dùng vào việc gì”.

Ông ta nhếch mép cười, rút trong túi ngực ra một tờ giấy đã viết sẵn đưa tôi. Tôi hoang mang cao giọng đọc.

 “Chín triệu đồng chẵn tôi từ thiện cho người dẫn chương trình. Số tiền còn lại tôi xin được chuyển đến địa chỉ…”.

 Tim tôi co thắt và tôi bàng hoàng đánh rơi tờ giấy, mặc kệ đạo diễn trong hậu trường hoa chân múa tay đang thất thanh gào thét. Cái địa chỉ của thằng bé, tôi luôn bị nhớ rất lâu. Tôi sững người chăm chăm nhìn ông ta. Người đàn ông nhợt nhạt nhìn lại, cái nhìn thăm thẳm mờ mờ của màu nước mưa.

 Hai ngày sau, không hề nói với ai, tôi rời Hà Nội. Hôm ấy, trời lãng đãng nhiều sương mù và sau đám dầy sương sớm ưng ửng vài vệt nắng nhẹ.
 

Thực hiện: depweb

24/04/2007, 15:32