Tự coi đây là một cuộc chơi của mình và đồng nghiệp, khi nhận được kịch bản, Trần Ly Ly cảm thấy đây đúng là một duyên nghiệp, hay nói đúng hơn, những người dàn dựng đi tìm êkip – đã tìm được đúng người cần phải có, không thể thiếu được trong êkip DFS bởi chính cô đang thực hiện nghiên cứu đề tài múa thiêng trong tín ngưỡng lên đồng dân gian của người Việt Nam để làm đề tài thạc sĩ văn hóa.
Trần Ly Ly thích màn múa lên đồng. Từ trước đến nay, chưa có ai từng đưa lên đồng đến với sân khấu biểu diễn một cách toàn diện, nếu có cũng chỉ là một phần rất nhỏ và mới chủ yếu ở phần âm nhạc.
DFS đã mang đến một làn gió mới của đời sống tâm linh, cả về thời trang, âm nhạc, và các màn hầu đồng. Ly Ly đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng đạo Mẫu ở Việt Nam và hiểu rằng, đây chính là đạo Mẫu của dân tộc mình, và cô tự tin đưa lên sân khấu những điệu múa hầu đồng có cách điệu đôi chút những giá chầu thường thấy ở các đền phủ.
"Mà các bạn đừng nhìn những diễn viên múa "nuột nà" trên sân khấu mà tưởng lầm họ thật là sung sướng, hãy thử theo sát họ trong những buổi diễn tập mà xem, mới thấy, ôi thôi…” Dàn diễn viên múa làm việc rất tốt, bởi biên đạo múa Ly Ly từng tự nhận mình là người khó tính, đòi hỏi sự nghiêm túc rất cao trong công việc, nên buộc các đồng sự của cô cũng phải cố gắng.
Nhận xét về DFS, Trần Ly Ly nói: "Đây là một show thời trang mang tầm quốc tế, nếu ta chỉ đánh giá ý đồ và sức vóc thể hiện còn nghệ thuật thì vô kể. Ai trong chúng ta mà chẳng phải cần mẫn đi trên con đường tìm tòi thực nghiệm nghệ thuật.
Nếu trước đây trên sàn catwalk, các người mẫu mặt lạnh lùng, chỉ đi đi lại lại thôi, thì nay ở DFS đã thay đổi. Lần đầu tiên các người mẫu diễn với khuôn mặt biểu cảm. Tất cả đều có nội dung logic với nhau, nghệ thuật và thời trang cùng tôn vinh nhau.
Không phải không có điều phàn nàn, nhưng thôi, dù sao chúng ta cũng cần nhiều thời gian hơn, kinh nghiệm hơn để tổ chức show lớn và một sân khấu quá lớn, có quá nhiều bậc thang để đi quá khó, quá mỏi, múa cũng quá khó!"
Thực hiện: depweb