Làm đẹp kiểu Pop-art - Tạp chí Đẹp

Làm đẹp kiểu Pop-art

DELETED

 

 Tóc: Engene Souleiman – Trang điểm: Mark Carrasquillo – Hình thực hiện cho tạp chí POP

 Bạn có nghĩ, một lúc nào đó, ví như một ngày đẹp trời, bạn có hứng biến chính mình thành một tác phẩm nghệ thuật?

Pop-art là một trường phái nghệ thuật thị giác nổi lên giữa thập niên 1950 tại Anh, đồng thời bùng nổ ở Mỹ vào cuối thập niên này. Nhưng phải đến thập kỷ 60 và đầu thập kỷ 70, trào lưu này mới thật sự đi vào giai đoạn phát triển hưng thịnh.

Cụm từ “Pop-art” được sử dụng lần đầu tiên bởi nhà phê bình người Anh Lawrence Alloway trong một ấn bản vào năm 1958 của tạp chí Architectural Digest để chỉ những bức vẽ đánh dấu sự phát triển của xã hội tiêu dùng thời hậu chiến.

Xã hội tiêu thụ đã trở thành đề tài và cũng là tư liệu, chất liệu của pop-art: những mẫu quảng cáo đầy màu sắc, cộng với ảnh hưởng của trường phái trừu tượng Picasso. Có ý kiến cho rằng pop-art đã bác bỏ khoảng cách giữa ký hiệu và nghĩa nhằm mục đích triệt phá chiều sâu. Chính vì vậy pop-art – được coi là một loại hình nghệ thuật dễ hiểu, nghệ thuật của đại chúng – đã nhanh chóng nhận được sự đón nhận của công chúng.

Màu sắc là yếu tố đặc trưng của trường phái pop-art. Mỗi khi nhắc đến những gam màu sặc sỡ, tươi mới và hiệu quả thị giác tương phản mạnh mẽ người ta nghĩ ngay đến pop-art. Ấn tượng thị giác được tạo ra bởi các mảng phẳng và bảng màu cơ bản, hòa sắc kiểu bổ túc. Các hình khối chỉ diễn tả ở mức ám chỉ, ước lệ, gợi vừa đủ.

Nghệ sĩ tiên phong cho trường phái này ở Mỹ là Andy Warhol – một thiên tài lập dị. Ông đã đưa vào tác phẩm của mình những món hàng tiêu dùng quen thuộc như hộp carton, vỏ coca cola… và “trộn lẫn” với những người đẹp huyền thoại như Marilyn Monroe, Jacquelin Kennedy, những nguyên thủ quốc gia mà ông ngưỡng mộ như Che Guevara, Mao Trạch Đông… Tất cả hình ảnh đó cuốn vào nhau theo một dòng chuyển động của các màu sắc tươi mới đặc trưng.

Một nghệ sĩ khác cũng tiêu biểu ở Mỹ là Roy Lichtenstein nhưng ít được nhắc tới so với Andy Warhol. Còn ở châu Âu thì người ta thường kể tên Klaus Woorman, người Đức. Ông gắn bó với nhóm Beatles và thiết kế bìa đĩa cho nhóm cũng như nhiều nhóm nhạc ở Anh khác.

Đặc điểm của Klaus là việc sử dụng màu sắc sặc sỡ và những họa tiết của người da đỏ hoặc Ấn Độ, những hình ảnh hoạt họa. Đối với Klaus thì màu sắc không có giới hạn của nó, lá cây có thể màu tím thay vì màu xanh lá cây và con mèo có thể có cái đuôi màu đỏ và bộ lông màu xanh. Bên cạnh đó là những nghệ sĩ Anh như David Hockney, K.B.Kitaj.

Thời kỳ này, nhiều bìa đĩa đánh dấu sự kết hợp giữa âm nhạc và pop-art đã được đánh giá rất cao bởi tính sáng tạo nghệ thuật của nó như bìa đĩa "Sgt Pepper": với Beatles trong đồng phục quân nhân thời Victoria đứng chung với những gương mặt nổi tiếng của thế kỷ 20 trên nền một chiếc trống lớn hay hình mặt người được ghép từ 5 phần của năm gương mặt nhóm Bee Gees trong album "Idea" năm ‘68. Ngoài ra còn là các bìa đĩa của Cream, Jimi Hendrix…

Và bạn, nếu trở thành một đệ tử của pop-art và muốn mang theo mình âm hưởng ấy, cũng chẳng khó khăn gì. Người ta ví sự thâm nhập của pop-art vào thời trang như là một cách phiên dịch những bức tranh sơn dầu lên mặt vải. Những màu sắc, mảng miếng, đường nét của pop-art được các nhà thiết kế thời trang khai thác tối đa, đầu tiên là cho những ngôi sao Hollywood hàng đầu.

Như một vòng quay tất yếu của thời trang, mùa Xuân 2008 là sự thâm nhập trở lại của pop-art. Người ta thấy những sắc màu, mẫu in, ghép nối kiểu pop-art ngập tràn trong các bộ sưu tập ready-to-wear của Karl Lagerfeld, Alexander McQueen, Anna Sui, Burberry Prosum, Celine, Chanel, Christian Lacroix, Emilio Pucci, Fendi, Gucci, Jean Paul Gaultier…

 

 Nước hoa Silver Factory

Khoác lên mình một bộ đồ thật pop-art, còn gì nữa nhỉ? Một mùi hương thành thị chẳng hạn. Bạn hãy thử Silver Factory của Bond No.9, dòng nước hoa unisex ra mắt ngày 1/12, lấy ý tưởng từ cuộc sống của New York náo nhiệt (tham khảo www.bondno9.com). Một trong những tác phẩm của Andy Warhol trong sê-ri Campbell Soup Can đã là nguồn cảm hứng để các họa sĩ thiết kế nên chai nước hoa Bond No.9s Silver Factory này.

Và chẳng cớ gì, cơn sốt pop-art không tỏa hơi nóng của những sắc màu lên cây cọ trang điểm. Pop-art là một trong 6 xu hướng trang điểm catwalk Xuân 2007 (cùng với Môi đỏ kiểu Diva, Ánh kim loại Metallic, Gothic, xu hướng Khuyếch đại lông mày). Nói đến đây, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới John Galliano – một trong những nhà thiết kế cá tính (và cả quái tính) nhất trong thế giới các nhà thiết kế đầy cá tính.

Trong những show diễn mới nhất, những người mẫu của ông đã làm người ta liên tưởng tới bức tranh Marilyn Monroe nổi tiếng của Andy Warhol: mái tóc lọn búp, đôi môi đen bóng mướt gợi cảm, đôi lông mày vòng cung, đôi mắt bật lên bởi hai sắc vàng và hồng. Điên khùng quá chăng? Không lo, bạn hoàn toàn có thể tự điều tiết.

 Các hãng mỹ phẩm danh tiếng (Gucci, Chanel, YSL, Givenchy…) luôn nhanh nhạy đã tặng bạn những màu sắc tươi rói. Và bạn, người vẽ nên bức tranh của chính mình, hãy như một nghệ sĩ mà tung hứng với những sắc màu ấy.

 Vũ Thủy (tổng hợp)
Ảnh: Pop, Amica

 

Thực hiện: depweb

14/01/2008, 09:43