Buổi sáng bạn thức giấc và thấy vô cùng thiếu tự tin khi vuốt tay lên mái tóc khô ráp, xơ xác. Càng hoảng hốt khi thấy những sợi tóc rơi xuống mặt sàn dường như mang theo cả tuổi xuân của bạn.
Các chuyên gia về tóc, bác sĩ da liễu, bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ thẩm mỹ và Đẹp sẽ đưa ra những lời khuyên quý giá để cứu mái tóc hư tổn của bạn.
Chỉ dẫn cho mái tóc
Tóc không chỉ có nhiệm vụ che chở cho da đầu tránh những chấn thương nhỏ, tránh tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc làm đẹp của mỗi người. Để làm được điều đó, bạn cần tuân thủ theo các chỉ dẫn sau:
– Chế độ dinh dưỡng hàng ngày gồm thịt, cá, rau quả tươi là đủ chất cần thiết cho sự nuôi dưỡng tóc.
– Dầu gội đầu tốt là mỹ phẩm cần thiết làm cho sạch tóc, tuy nhiên, nếu có thời gian vẫn nên gội lại bằng hương liệu tự nhiên sẵn có như chanh, bồ kết…
– Khi đi biển hoặc những ngày nắng nóng chớ quên mang mũ bơi hoặc mũ rộng vành để bảo vệ tóc khỏi ánh nắng gay gắt của mặt trời. Nên sử dụng dung dịch dưỡng tóc trước khi xuống biển hay xuống bể bơi. Đồng thời sử dụng dầu gội, dầu xả dành riêng cho tóc sau khi đi bơi.
– Không nên lạm dụng việc sấy, uốn, nhuộm… để tránh làm tóc bị hư tổn.
– Khi thấy tóc và da đầu có hiện tượng bất thường, bạn không nên hoang mang, tự ý dùng thuốc điều trị khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Phục hồi tóc bị hư tổn
Tóc sẽ hư tổn nghiêm trọng khi bạn dùng sai các sản phẩm cho tóc hoặc khi nhà tạo mẫu tóc sử dụng hóa chất không phù hợp, để hóa chất tồn tại trên tóc trong thời gian quá dài…
Cho dù các hóa chất đã từng tác động đến tóc của bạn ở mức độ nhẹ như thế nào thì tất cả các hình thức tạo kiểu như uốn, nhuộm hay duỗi đều làm thay đổi cấu trúc tóc và gây ra những mức độ tổn hại khác nhau.
Bạn nên hạn chế để tóc tiếp xúc với quá nhiều hóa chất trong thời gian dài vì tóc bị đứt đoạn, dễ gãy, khô, rối và rất khó phục hồi.
Các dấu hiệu hư tổn dễ nhận thấy như: tóc trở nên xỉn màu và mất độ bóng, khi sờ vào sợi tóc thấy khô ráp và dễ gãy, tóc rối rất khó chải và phần đuôi bị chẻ ngọn.
Một cách kiểm tra đơn giản nhưng cũng chính xác về tình trạng hư tổn tóc của bạn là quấn một sợi tóc quanh ngón tay, sau đó, thả sợi tóc vào ly nước, nếu sợi tóc nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu là còn giữ được độ khỏe nhất định.
Nếu không, có thể kết luận tóc bạn đã bị tổn thương và cần biện pháp chăm sóc phục hồi thích hợp. Để loại bỏ các hư tổn cho mái tóc, cùng với các công nghệ chăm sóc tóc hiện đại, bạn cần có cả sự nỗ lực và thời gian.
Một số giải pháp chăm sóc tóc bị hư tổn
– Tránh gội đầu hằng ngày trừ khi thực sự cần thiết (việc này chỉ được khuyến khích đối với những người tham gia hoạt động ngoài trời hoặc vận động viên thể thao). Để tóc sạch và dễ chải, chỉ nên gội đầu 2 ngày/lần để tránh làm mất đi lượng dầu tự nhiên của da đầu.
– Không vò tóc quá mạnh khi gội đầu vì chính sự ma sát quá mức có thể khiến sợi tóc bị gãy.
– Luôn luôn sử dụng lược có răng thưa và chải tóc nhẹ nhàng. Không nên chải đầu quá nhiều khi tóc còn đang ướt vì khi đó tóc rất yếu.
– Giữ ẩm cho tóc với dầu gội có tính tẩy nhẹ và dầu xả giàu dưỡng chất.
– Để tóc khô tự nhiên: Nếu phải sử dụng máy sấy, nên chọn chế độ nhẹ nhất hoặc chế độ gió mát. Nhiệt độ từ máy sấy, kẹp uốn và các thiết bị tạo kiểu khác đều gây ra hư tổn cho tóc.
– Luôn gội đầu với nước mát vì nước nóng sẽ phân rã lượng dầu ở da đầu, thành phần chính bảo vệ và cung cấp độ bóng tự nhiên cho sợi tóc.
– Chải tóc trước khi gội để giảm tóc rối. Khi gội đầu cũng không nên gom hết tóc lên phần đỉnh đầu, tránh gây ra tình trạng rối không cần thiết và dẫn đến gãy tóc.
– Không sử dụng lượng dầu gội quá nhiều vì hóa chất có khả năng gây ra tổn hại cho tóc trong thời gian dài. Dầu gội đầu lý tưởng không nên có hàm lượng axit hay kiềm cao.
– Thường xuyên tỉa tóc để tránh chẻ ngọn. Sử dụng loại kéo có chất lượng tốt cũng rất quan trọng trong quá trình chăm sóc tóc.
Bs Da liễu Huỳnh Huy Hoàng |