Phim TH dài tập - đẩy khán giả đến bờ vực! - Tạp chí Đẹp

Phim TH dài tập – đẩy khán giả đến bờ vực!

DELETED

Vậy là đã 3 năm kể từ khi phim truyền hình xã hội hóa (từ 2005). Số lượng phim càng lúc càng phát triển với tốc độ chóng mặt (đặc biệt là HTV ở Tp.HCM). Nhưng tỷ lệ nghịch với số lượng là… thảm họa về chất lượng phim, với vô số lời kêu ca phàn nàn từ báo chí lẫn khán giả – mặc dù khán giả Việt Nam xưa nay dễ tính và ít khắt khe với sản phẩm nội địa. “Các nhà làm phim truyền hình đang để mất những khán giả trung thành cuối cùng!”, một nhà sản xuất phim kỳ cựu đã phải thốt lên như vậy!

Từ “Giờ chết” trở thành “Giờ bạc”!

Trước nhu cầu bùng nổ phim truyền hình và viễn cảnh hấp dẫn với sự tham gia của hàng loạt công ty vào lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, đài truyền hình Tp.HCM (HTV) đã đưa ra một quyết định sáng suốt, chấm dứt việc đăng ký giành sóng vô tội vạ của các “đại gia”, và mở rộng sân chơi bằng cách cho mở thêm giờ phát sóng mới từ 22g30 đến 23g30 mỗi ngày.

Đến cuối năm 2007, chỉ có hai khung giờ phát sóng phim Việt Nam hàng tuần là 18g – 19g được dân quảng cáo gọi là “Giờ bạc” (TFS, M&T Pictures, Cát Tiên Sa… chia nhau vệt giờ này). Từ 21g30 – 22g30 được gọi là “Giờ vàng” (vệt giờ này đến nay vẫn được xem là… độc quyền của Lasta).

Biết khung giờ mới 22g30 – 23g30 rất khó thu hút quảng cáo, HTV đã đưa ra những chính sách ưu đãi rất hấp dẫn cho vệt giờ này. Hầu như tất cả những nhà sản xuất mới nhảy vào lĩnh vực phim truyền hình đều “ngán ngẩm” trước “Giờ chết” này, nhưng họ không còn sự lựa chọn nào khác bởi những giờ kia phim đã được phủ kín mít, nên đành phải liều “nhắm mắt đưa chân”.

Điều không ai ngờ tới – kể cả HTV – đã xảy ra! Vệt “Giờ chết” 22g30 – 23g30 bất ngờ thu hút đông đảo khán giả. Chỉ qua vài phim, chỉ số rating (thống kê số lượng và sự quan tâm của người xem) đã vượt qua, rồi thế chỗ vệt “giờ bạc”, và chỉ kém “giờ vàng” chút đỉnh. Tất nhiên quảng cáo cũng tăng mạnh. “Vệt giờ 22g30 – 23g30 chắc chắn sẽ ăn khách, vì người Sài Gòn từ xưa đến nay có thói quen sinh hoạt và giải trí rất khuya. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng nó lại thu hút người xem nhanh chóng như vậy”, một nhà sản xuất phim truyền hình hồ hởi – nói.

Thật ra, thói quen sinh hoạt và giải trí khuya của người Sài Gòn chỉ là phụ, mà góp sức lớn nhất cho thành công của giờ chiếu 22g30 – 23g30 chính là bộ phim mở màn cho vệt giờ này: “Kiều nữ và đại gia” (đạo diễn Duy Ngọc). Có thể nói, “Kiều nữ và đại gia” là bộ phim “Khai quốc công thần” tạo nền tảng vững chắc cho vệt giờ 22g30 – 23g30. Nhưng chỉ tiếc một điều, bản thân bộ phim lại đón nhận một kết cục đáng buồn. Nhà sản xuất Blue Planet gần như mất trắng khoảng 4 tỷ đồng tiền làm phim, vì vệt giờ quá mới dẫn đến việc không bán được đủ số “spot” quảng cáo.

Một trong những lý do thua lỗ quan trọng khác là do “anh lính mới” Blue Planet thiếu kinh nghiệm trong việc thương lượng với đối tác Hãng phim truyện Việt Nam – chi nhánh phía Nam, để kinh phí sản xuất đội lên một con số làm giật mình giới sản xuất phim: 140 triệu đồng/tập!

Bộ phim tiếp theo sau là “Tình yêu còn lại” (đạo diễn Quang Đại) đã chính thức xác định vệt giờ 22g30 – 23g30 là bước đi táo bạo và thành công của HTV. Ban lãnh đạo đài xoa tay hoan hỉ đồng thời nó cũng khẳng định một điều quan trọng: Nếu bộ phim có nội dung hay và hấp dẫn, thì khái niệm “vệt giờ đẹp” sẽ không còn nhiều ý nghĩa nữa.

   
 Cảnh trong phim "Cỏ đuôi gà" sắp được công chiếu  

Sân chơi chỉ dành cho các đại gia

Sau 3 năm xã hội hóa phim truyền hình, cục diện đã rõ ràng kẻ thắng người thua. Các công ty cũng tỉnh táo và thận trọng hơn, không còn cảnh ào ào nhảy vào đăng ký giờ phim, bất chấp thực lực tài chính và sản xuất của mình có hay không. Thị phần phim truyền hình hiện nay đang thuộc về những công ty quảng cáo lớn, có khả năng mua bán thời lượng quảng cáo.

Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có VTV và HTV (Tp.HCM) là có thực lực mạnh nhất để sản xuất phim truyền hình và cả hai không có đối thủ với tất cả các đài còn lại trên cả nước. Ngoài việc HTV và VTV đương nhiên là chủ đầu tư của tất cả các dự án, hiện sản xuất phim truyền hình ở Việt Nam phân chia thành hai nhánh rõ rệt.

Nhánh thứ nhất được xem như đồng sở hữu bộ phim với HTV và VTV là những cá nhân đơn vị đầu tư trực tiếp sản xuất. Trong các “đại gia” hiện chỉ có Lasta và BHD là có năng lực sản xuất phim, còn M&T Pictures, Cát Tiên Sa, Sao Thế Giới, Sóng Vàng, Kiết Tường… vẫn phải nhờ vào các công ty khác sản xuất hộ, hoặc mua lại phim của các hãng nhỏ để “lấp” sóng. Nhánh thứ hai là các hãng chuyên làm dịch vụ sản xuất phim. Điểm mạnh của các hãng này là quy tụ những cá nhân có kinh nghiệm tổ chức đội ngũ sản xuất. Điểm yếu chung là không có vốn nên phải chấp nhận làm dịch vụ cho các “đại gia”. Có thể kể đến: Vifa, HK Film, Fanatic, Senafilm, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim truyện Việt Nam…

Tuy nhiên, bất luận là công ty lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, điều dễ thấy nhất hiện nay là tất cả các bộ phim Việt đang phát sóng trên truyền hình đều… dở và yếu một cách thảm hại!


Phim truyền hình… thời chụp giựt!

Khát kịch bản là căn bệnh trầm kha. Nói chính xác là thừa kịch bản dở thiếu kịch bản hay. Các hãng đăng ký sóng với Đài thường không tổ chức kịch bản mà hầu như phải dựa vào các hãng chuyên làm dịch vụ. Có công ty chỉ cần thấy có kịch bản, chẳng cần biết hay dở là lập tức nháo nhào đưa vào sản xuất.

“Mùa chim én xôn xao”, bộ phim vừa làm “xôn xao” dư luận vì… dở hết chỗ chê là một ví dụ điển hình. Khởi đầu kịch bản có tên là “Hoa hậu chân không”. Bộ phận duyệt kịch bản của Đài đã trả về vì… chẳng hiểu kịch bản muốn nói gì! Sau khi đi lòng vòng các nơi, cuối cùng công ty Sóng Vàng đồng ý sản xuất với tên gọi mới “Mùa chim én xôn xao”!

Bộ phận duyệt kịch bản của Đài lại tiếp tục hết hồn vì “Bình mới, rượu… “Hoa hậu chân không”! Công ty Sóng Vàng đã phải cam đoan sửa chữa nâng cấp kịch bản và hứa hẹn khi phim ra sẽ khác!?

Khi duyệt phim ai cũng ngã ngửa vì nó vẫn chẳng khác gì kịch bản gốc! Bản thân Hãng phim Giải Phóng (đơn vị thầu sản xuất bộ phim) khi xem duyệt cũng nhìn nhau… ngơ ngác, nhưng biết sao bây giờ, vì đạo diễn bộ phim là một quan chức của Hãng!

Năm nay, căn bệnh mua kịch bản nước ngoài để Việt hóa lại, đã giảm hẳn. Sự thất bại – đặc biệt ở thị trường phía Nam – của “Những người độc thân vui vẻ” (kịch bản gốc Trung Quốc), và “Cô gái xấu xí” (kịch bản gốc Columbia), sẽ khiến các nhà làm phim phải cân nhắc lại, bởi quá trình đầu tư cho một kịch bản như vậy quá tốn kém và thiếu hiệu quả – mà phần lớn là do chúng ta chưa đủ trình độ để Việt hóa kịch bản. Cho đến nay chưa có kịch bản nào mua từ nước ngoài mà thành công ở Việt Nam.


Từ đầu 2008 đến thời điểm này, chỉ có 4 phim tương đối được khán giả yêu thích đều là những kịch bản Việt Nam: “Gọi giấc mơ về”, “Kiều nữ và đại gia”, “Tình yêu còn lại”, và “Chạy án 2”. Quá ít so với sự kỳ vọng của khán giả!

Nhưng căn bệnh trầm kha nhất khiến cho phim truyền hình Việt Nam càng lúc càng yếu kém, đó là quá cẩu thả trong quá trình sản xuất. Thời kỳ đầu, các hãng đưa ra chỉ tiêu quay 5 ngày/tập, sau đó nhanh chóng rút xuống 3 ngày/tập. Nhưng hiện nay các hãng thi nhau rút ngắn thời gian xuống còn 2 ngày/tập, thậm chí rất nhiều phim giờ chỉ quay từ 1 ngày rưỡi đến… 1 ngày/tập! Thử hỏi nếu không gọi đó là cẩu thả, thì chắc trình độ của chúng ta giờ đã bỏ xa Hollywood!

Chuyện khôi hài là bây giờ thước đo trình độ của các đạo diễn và quay phim ở ta, không phải là tư duy sáng tạo mà là quay… càng nhanh càng được các nhà sản xuất đánh giá cao và săn đón như một món hàng “hot”! Phim vừa phát sóng mà vẫn còn đang quay và hối hả làm hậu kỳ, giờ là chuyện xảy ra như cơm bữa!

Hậu kỳ vẫn luôn là điểm yếu muôn đời của điện ảnh và truyền hình Việt Nam, nhưng với phim truyền hình thì mức độ tệ hại đã đến mức nghiêm trọng.

Thu tiếng trực tiếp dần dà đã trở thành xu hướng chung và người xem đã tạm chấp nhận. Nhưng nói chung chất lượng giọng nói của diễn viên vẫn là nỗi ám ảnh của khán giả. Tốc độ quay quá nhanh, nên đạo diễn chẳng còn thời gian để chỉ đạo diễn xuất và uốn nắn đài từ cho diễn viên. Còn diễn viên thì khỏi bàn, xuất hiện trên phim 80% là diễn viên nghiệp dư thì nói được đã là phúc lắm rồi!

Một vài người nước ngoài khi thử xem phim truyền hình ở Việt Nam, đều lấy làm lạ là hầu hết phim ở Việt Nam, ngoài lời thoại ra ít khi có tiếng động và tiếng môi trường xung quanh! Thiếu sót trầm trọng này khiến phim không còn là phim nữa, mà giống như diễn viên đang tập đọc… rap trên hình ảnh!

Vấn nạn thiếu hụt đội ngũ làm phim đã khiến các nhà đầu tư mới phải tìm kiếm những đối tác có khả năng sản xuất. Các hãng có đội ngũ làm phim hùng hậu đều bận việc quanh năm, nên các nhà đầu tư đã tìm đến các hãng phim Nhà nước với những lời cam kết về đội ngũ và chất lượng sản xuất.

Thực chất, các hãng phim Nhà nước như Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng đều thiếu hụt nhân sự trầm trọng, ngay cả những phim của hãng còn phải khó nhọc để tìm người. Lý do đơn giản, các anh tài đã bỏ đi hết, hoặc chạy sô ở ngoài không ăn lương hãng.

Một đạo diễn khá nổi tiếng trước đây là người của Hãng phim Giải Phóng đã phải thốt lên: “Muốn đốt tiền thì cứ đến Hãng nhà nước mà nhờ làm dịch vụ sản xuất phim! Toàn là người ngợm ở đâu nhặt về, còn những ai ở lại bởi chỗ khác chẳng ai thuê”. Đó là chưa kể tiền làm phim rót vào hãng nhà nước là lập tức bị cắt ngay từ 20 đến 30%, gọi là… quản lý phí! Cuối cùng chất lượng thế nào thì ai cũng biết.

Phim làm ẩu và dở tệ hại, một phần cũng do Đài truyền hình quá dễ dãi trong khâu kiểm duyệt. Cứ quyết liệt không cho lên sóng những bộ phim kém chất lượng, chừng vài lần là trật tự sẽ được lập lại ngay. Nên hay không nhà Đài phải thành lập một bộ phận kiểu như KCS (Kiểm tra chất lượng sản phẩm) dành cho phim truyền hình?

Cái khó, ló… không nổi cái khôn!

Nói đi cũng phải nói lại, kiểu làm phim truyền hình thời chụp giựt này, chung quy cũng xuất phát từ việc tiền làm phim ở Việt Nam hiện nay quá bèo bọt, có thể nói bèo bọt nhất nhì thế giới!

Đài HTV trả cho mỗi tập phim là 180 triệu đồng/tập – tính bằng spot quảng cáo. Mức % chiết khấu tùy vào vệt giờ – Nếu tính trung bình 30 triệu một spot quảng cáo 30 giây, thì mỗi tập trị giá bằng 6 spot.

Ngoài ra trong hợp đồng còn quy định mỗi tập đối tác sản xuất phim bắt buộc phải tiêu thụ cho Đài thêm 3 spot nữa, tổng cộng là 9 spot. Giả sử một bộ phim 30 tập, nhà sản xuất phim phải tìm đủ mọi cách để bán 270 spot quảng cáo. Nếu bán không hết hoặc không bán được là… chết chắc!

Mức % chiết khấu cho mỗi spot vào khoảng 20 – 25%, nhưng thực chất để bán được spot các nhà sản xuất phim phải tăng mức chiết khấu cho các công ty quảng cáo lên đến 35%, mà bán cũng khó! Miếng bánh đã nhỏ bây giờ càng teo tóp lại!
180 triệu đồng/tập, đó là mức giá cách đây 3 năm. Bây giờ là thời điểm lạm phát tăng cao, vật giá leo thang vùn vụt mà giá đó vẫn còn giữ nguyên, thì thử hỏi các nhà sản xuất phim còn khó khăn đến chừng nào!

Đương nhiên, họ phải tự cứu mình bằng cách hạ giá thành sản xuất phim. Giá trung bình của các hãng hiện nay tự thỏa thuận ngầm với nhau là 120 triệu đồng/tập (khoảng 7.000 USD/tập) – tất nhiên bằng tiền mặt. Những hãng như Lasta vì làm nhiều phim, nên đã tích lũy cho mình cơ sở vật chất đầy đủ, do đó giá thành sản xuất mỗi tập phim của Lasta thường ít hơn 100 triệu đồng/tập.

Một nhà đầu tư mới, có phim chuẩn bị phát sóng vào trung tuần tháng 08/2008, đang phải vật lộn với trên 500 spot quảng cáo chưa tiêu thụ được, đã bắt đầu thấy “oải” và chưa biết có thể tiếp tục cuộc phiêu lưu với phim truyền hình nữa hay không!

Điều cần thiết khẩn cấp hiện nay, các nhà đầu tư phim phải đề xuất với Đài về việc tăng giá thành một tập phim, cho phù hợp với giá cả của thị trường hiện nay. Ngoài ra Đài cũng nên có hình thức phân loại xếp hạng dựa theo chất lượng của phim, và có mức trợ giá thích hợp để khuyến khích các nhà đầu tư làm phim tử tế, tránh tình trạng cào bằng đến một lúc nào đó sẽ đẩy khán giả ra xa màn ảnh nhỏ!

Mộc Lâm

Thực hiện: depweb

25/08/2008, 17:36