Ngôi đền tranh chấp - Tạp chí Đẹp

Ngôi đền tranh chấp

DELETED

Có một địa điểm du lịch vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới nay lại càng trở nên nổi tiếng hơn vì suýt nữa gây ra một cuộc chiến tranh biên giới.

Nhưng tình hình đã nguội lại và có lẽ vài tuần tới, bạn có thể đeo balô đến đó tham quan: một ngôi đền xây dựng cách đây gần một thiên niên kỷ mà người Cămpuchia gọi là Preah Vihear và người Thái gọi là Khao Pra Viharn, nếu theo đường thẳng chỉ cách Việt Nam vài trăm kilômét.

Từ thế kỷ thứ 9, khi vua Jayavarman II của nước Cămpuchia xưa, bị quân Java bắt, vượt ngục trở về, chiêu mộ quân sĩ đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng được Thủy Chân Lạp, mở đầu cho thời kỳ thịnh trị – thời kỳ Angkor. Lấy lại được đất nước, nhà vua làm lễ cầu phong trên một ngọn núi có vách dựng đứng thuộc rặng Dângrek, phía Bắc Cămpuchia (hiện cách Phnom Pênh 625 km), xây một ngôi đền đặt tên là Preah Vihear, nhờ tu sĩ Bàlamôn cử hành lễ nhập tượng thờ thần Shiva của Ấn Độ giáo và các thần núi là Sikharesvara và Bhadesvara.

Lễ cầu phong có tên gọi là Devaraja (Thần + Vua hay Thần Vua đồng nhất). Còn thần Shiva là một trong ba vị thần cao nhất của Ấn Độ giáo, là Thần Phá hoại, đồng thời là Thần Tái sinh.

Tuy nhiên, ngày nay người ta không tìm thấy những dấu tích của thời kỳ này trong đền mà những hiện vật cổ nhất chỉ được xác định là thuộc thời Koh Ker khoảng 100 năm sau, tức là vào đầu thế kỷ 10, khi kinh đô của Đế chế Khmer đã chuyển đến gần Angkor. Và chứng cớ rõ ràng nhất là việc trùng tu đền được thực hiện dưới triều đại Suryavarman I (1002-50) đầu thế kỷ 11 và những bổ sung đáng kể sau này nữa của triều đại Suryavarman II (1113-50), nửa đầu thế kỷ 13. Mỗi quốc vương Khmer hồi đó, vị nào cũng cố gắng để lại một công trình nào đó để phô trương quyền lực ghi lại một dấu ấn, tỏ rõ sự thịnh trị của triều đại mình.

Đền Preah Vihear nằm chênh vênh trên đỉnh một ngọn núi có vách dựng đứng ở độ cao 525m so với mặt biển, theo bản đồ ngày nay nằm trên ranh giới giữa hai tỉnh Preah Vihear của Cămpuchia và Si Saket của Thái Lan. Khác với những đền đài khác của Khmer, đền được xây dựng trên một mặt bằng hình chữ nhật, mặt tiền hướng về phía đông, Preah Vihear lại kéo dài trên một trục nam – bắc, kéo dài 800m.

Thăm Preah Vihear
Muốn tham quan Preah Vihear (Thái Lan gọi là đền Khao Pra Viharn) để thỏa lòng hoài cổ, để hình dung lại sinh hoạt của các đời vua đã lừng lẫy một thời, du khách có thể đến từ hai phía: phía Thái Lan và chỉ mấy năm gần đây, từ phía Cămpuchia.

Nếu đi từ phía Thái, bạn hãy đến tỉnh Ubon Ratchathani, có con đường 121 chạy qua và đến đúng vị trí ngôi đền thì kết thúc, nhưng phương tiện giao thông công cộng tương đối hạn chế. Dễ dàng nhất là bạn hãy thuê một chuyến xe riêng, mất 1.000 bath công tài xế – nếu may mắn sẽ chọn được một một bác tài biết ngoại ngữ và từng làm hướng dẫn viên du lịch – cộng với việc tự đổ xăng để vừa đi vừa về và ghé thăm bất cứ nơi nào theo ý muốn.

Con đường tốt một cách lạ lùng, phụ thuộc vào tay lái lụa của bác tài, phanh ăn ra sao, phải tránh bao nhiêu chú trâu béo mượt nghênh ngang qua đường, bất chấp tiếng còi xe inh ỏi, thì chỉ một giờ rưỡi là bạn có thể đến Khao Phra Viharn, mà bác lái xe người Thái, rất có ý thức về chủ quyền của nước mình, gọi thế. Còn nếu túi tiền của bạn kém rủng rỉnh hơn thì có thể đến Kantharalak, đáp xe bus cứ 2 giờ một chuyến, đến Si Saket.

Thị xã của tỉnh này chỉ còn cách đền có 34 km, nên cánh thanh niên thường chọn cách thuê một chiếc xe đạp mà guồng đôi chân cho dẻo dai, vì sức trai chỉ cần trên dưới tiếng. Còn nếu sợ mệt bạn có thể vẫy xe quá giang, ngồi xe “soong thẻo” (tiếng Thái nghĩa là hai hàng, tức xe bán tải, cải tạo lại bằng cách đặt thêm hai hàng ghế), xe ôm (người Thái gọi là moto-taxi).

Tiết kiệm nữa, với vài chục bath thì nhảy xe tuk-tuk, chậm một tí, tiếng nổ hơi điếc tai một tí nhưng tha hồ ngắm cảnh dọc đường, quan sát cuộc sống bình lặng của những người dân miền trung du. Những dãy đồi tương đối bằng phẳng, trồng sắn (để bán cho một nhà máy sản xuất mì chính đóng trong vùng) và dừa. Sẵn máy ảnh, có khi bạn có thể dừng lại chụp một chú khỉ ngồi vắt vẻo trên ngọn dừa để hái quả.

Xe dừng ở Vườn Quốc gia Khao Phra Viharn. Nếu ú ớ như một người Thái (mà người mình thì quá dễ), chỉ phải mua một vé vào cửa 20 bath, nhưng mũi lõ mắt xanh thì nhân 10 lần, xùy ra không kém (200 bath) mới được vào Vườn quốc gia. Rõ ràng, có phân biệt đối xử ta và tây, nơi nào ở Thái cũng thế.

Vậy mà đọc báo trong nước thấy cứ bảo phải xóa nhòa ranh giới này mới thu hút du khách nước ngoài. Nhớ tính toán, đừng đi muộn quá vì Vườn quốc gia chỉ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, không kể khi bạn muốn cắm lều ngủ rừng để có thêm trải nghiệm.

Nơi đây, giống như một thị xã thu nhỏ, có khách sạn, phòng trọ, nhà hàng, các kios bán đồ lưu niệm, những sản phẩm thủ công của cả Thái Lan và Cămpuchia. Trước ngày tranh chấp, người Thái thỏa mãn với việc thu lợi từ nguồn du khách đến tham quan đền, không thuộc đất mình mà lại được “hớt tay trên” từ dịch vụ ăn theo.

Muốn đặt chân lên di tích cổ Preah Vihear, bắt buộc phải đi bộ sang lãnh thổ Cămpuchia (không đầy 1 km), bạn phải trả thêm 10 bath cho các đồn biên phòng Thái, để họ thực hiện dịch vụ photocopy hộ chiếu của bạn lưu lại (theo thủ tục của các cửa khẩu nhưng không đóng dấu và cũng chẳng cần visa mà vẫn ung dung qua được biên giới).

Quên, tuy không đụng tay làm visa nhập cảnh nhưng đồn biên phòng Cămpuchia vẫn thu lệ phí thăm đền 200 baht một người. Đó cũng là cách chia đôi nguồn lợi từ việc du lịch, bên góp của, bên góp công.

Còn một cách thứ hai đi thăm đền Preah Vihear là đi từ phía Cămpuchia nhưng chưa mấy người biết đến. Có lẽ bởi nó vất vả và diệu vợi hơn nhiều, chỉ thích hợp cho những gã tây balô trẻ tuổi có máu phiêu lưu. Ấy là “hành hương” đến đền bằng một con đường mới khai phá mấy năm nay, nhưng vẫn gập ghềnh khó đi từ Xiêmriệp qua Anlong Veng và phương tiện thích hợp nhất chỉ là… chiếc xe đạp địa hình linh hoạt.

Phải mất khá nhiều ngày, nhưng là người ưa khám phá, biết đâu bạn lại lấy làm thú vị không chừng. Có người còn chọn phương tiện là chiếc môtô rất khỏe, phăm phăm phóng 3 ngày liền, xuất phát từ Kompong Thom.

Ngôi đền cổ kính
Đặt chân đến vùng đất thiêng rồi, hãy chuẩn bị tâm thế để trèo. Dù đến từ phía nước nào thì cũng chỉ có một đường lên. Đó là một cầu thang rộng 8m, dài 78m gồm 162 bậc đá là đủ để bạn nóng người lên mà cũng không đến nỗi mệt nhoài thở không ra hơi.

Kiểu kiến trúc ở đây đặc trưng cho Cămpuchia thế kỷ 10, 11, có những nét giống với Angkor. Một quần thể xây dựng bằng đá, rêu phong loang lổ, trên khoảng đất bằng phẳng, xung quanh là núi non, cây cối rậm rạp, đầy vẻ hoang sơ và cổ kính. Nhiều cột đá xiêu vẹo, nghiêng ngả, đa số ngôi đền không còn mái chẳng biết đổ từ bao giờ.

Đền gồm năm cụm vuông vắn ở những độ cao khác nhau theo chiều tăng dần nhưng cùng trên một trục, kéo dài 800m, cách nhau bằng những khoảng sân, và các đoạn cầu thang bằng đá, được đánh số từ 5 đến 1 kể từ khi bước vào đền. Cụm thứ năm theo kiến trúc Koh Ker, vẫn lưu lại những vết sơn đỏ từ thuở xưa, mặc dù mái ngói đỏ ngày nay không còn nữa. Cụm thứ tư được trùng tu vào triều đại Khleang/Baphuon có nhưng cột đá có trạm trổ các phù điêu đẹp và tinh xảo, được coi là “kiệt tác” của Preah Vihear. Cụm thứ ba lớn nhất, là nơi thờ các vị thần thánh, có thể coi là trung tâm của toàn bộ ngôi đền.

Vào những ngày nhất định, xưa kia đích thân nhà vua đến nơi này hành lễ. Hai bên là nơi nghỉ ngơi cho những khách hành hương. Đã có một thời cách nay cả thiên niên kỷ đây là nơi vô cùng nhộn nhịp, đông vui nhất là vào những ngày lễ hội trong năm nhưng nay chỉ là một phế tích điêu tàn, khiến người ta trạnh nhớ đến câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan thời trước: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Dấu cũ lâu đài bóng tịch dương”.

Sân Nagarraj lát đá rộng 7m, dài gần 32m có cầu thang dẫn lên cụm số 1 (là phần cuối đền). Đầu cầu thang bằng đá chạm hình một con rắn 7 đầu hướng về phía Bắc. Kiến trúc cụm này theo phong cách Hy Lạp với những nét đặc trưng ở những góc cạnh của công trình xây dựng…

Trong đền người ta còn lưu giữ được cả tài liệu ghi chép của nhà vua Surtavarman II, mô tả chi tiết cách nghi thức hành lễ, những lễ hội mang màu sắc tôn giáo, cách làm những tặng phẩm như ô trắng, bát vàng, voi để nhà vua tặng cho vị cố vấn tinh thần của mình là một tu sĩ Bàlamôn già, đạo cao đức trọng Divakarapanita, tương truyền là người đã chỉ huy việc xây dựng và tặng đền một bức tượng Thần Shiva bằng vàng ròng.

Đứng phía ngoài ngôi đền sẽ thấy được những phong cảnh ngoạn mục của rừng núi trùng điệp từ hai nước. Tuy nhiên, bên phía Thái Lan, cũng sát biên giới có thể tham quan nhiều địa điểm khác cũng không kém thú vị vừa có tính chất lịch sử, vừa là những cảnh thiên nhiên tráng lệ. Vườn quốc gia Khao Pra Viharn của họ cũng hết sức quyến rũ đối với những ai ưa du lịch sinh thái, khám phá bí ẩn của thiên nhiên.

Cuộc tranh chấp kéo dài
Lịch sử những nước láng giềng vùng Đông Nam Á là những cuộc chiến tranh xâm chiếm đất đai liên miên, đường biên giới luôn luôn thay đổi. Địa điểm của đền Preah Vihear, nơi giáp ranh giữa Cămpuchia và Thái Lan, không phải ngoại lệ.

Năm 1904, giữa nước Xiêm (Siam, tên gọi của Thái Lan hồi đó, mãi đến năm 1949 mới đổi tên như ngày nay) và chính quyền Pháp mà Cămpuchia là thuộc địa có Hiệp định phân chia ranh giới quốc gia. Hai bên làm việc trên nguyên tắc coi biên giới là đường phân thủy của rặng núi Dângrek, đặt đền Preah Vihear lên đất Thái với tên Thái là Khao Phra Viharn.

Năm 1907, sau khi nghiên cứu kỹ các tài liệu lưu trữ, phía Pháp vẽ lại bản đồ chính xác hơn, gửi công hàm cho Chính phủ Thái Lan, chứng minh Preah Vihear và vùng lân cận thuộc Cămpuchia và phía Thái Lan đã chấp nhận. Khi Pháp rút, trả lại độc lập cho Cămpuchia (1954), thấy mình mạnh hơn, Thái chiếm lại khu đền. Năm 1959 Quốc vương Sihanouk của Cămpuchia phản kháng lên Tòa án pháp lý quốc tế có trụ sở tại The Hague (Hà Lan).

Ngày 15/6/1962, Tòa xử. Tòa không đặt vấn đề di sản này thuộc nền văn hóa nào hoặc ai là người kế vị của Đế chế Khmer, mà căn cứ vào sự phân chia biên giới từ thế kỷ trước thể hiện trên giấy tờ, xác định biên giới giống như bản đồ Pháp vạch ra.
Xiêm bác bỏ phán quyết này, nói rằng Cămpuchia đã dùng Tổng chưởng lý Mỹ để thuyết phục chánh án cũng là người Mỹ, và họ đã thuê luật sư Anh bào chữa. Lúc đó những lập luận của phía Thái chỉ dựa trên “nguyên lý” và lời cãi, không ghi thành văn bản…

Kết quả là, Tòa phán quyết (9/3 trong tổng số 12 phiếu) ngôi đền này thuộc Cămpuchia và kèm theo điều kiện (7/5 số phiếu) là phía Thái phải trả lại những cổ vật như những bức tượng đá mà họ đã lấy đi từ ngôi đền. Thái vẫn phản đối mạnh mẽ.

Tháng Giêng năm 1963, Cămpuchia đã tổ chức một buổi lễ hội đầy màu sắc có gần 1.000 người tham dự, nhiều người đã trèo lên tới đền từ phía núi dốc bên Cămpuchia. Tuy nhiên, ngôi đến gần như hoang vu trong nhiều năm không người thăm viếng.

Năm 1979, khi Cămpuchia được giải phóng, tàn quân Khmer đỏ tháo chạy, chúng đóng lại ở đây, đặt pháo cao xạ để khống chế một vùng thuộc tỉnh Preah Vihear, biến một phần của đền thành bãi mìn để tự vệ (hiện nay vẫn còn những khu vực nguy hiểm quanh đền) và chúng chỉ rút khỏi nơi này khi Pol Pot đã chết và Khmer đỏ tan rã hoàn toàn. Từ năm 1998, phía Thái Lan đền được mở lại cho du khách đến tham quan.

Khi Cămpuchia gửi đơn đến Tổ chức Văn hóa – Khoa học – Giáo dục Liên Hợp Quốc đề nghị UNESCO công nhận đền Preah Vihear là Di sản Văn hóa thế giới thì UNESCO (được sự đồng ý của Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan vào tháng 6/2008 là Noppadon Pattama, sau ông này bị cách chức) xét thấy nó đầy đủ tiêu chuẩn lựa chọn: có ý nghĩa lịch sử (là một chốn tôn nghiêm xây dựng cách nay đã hơn 9 thế kỷ) được bảo tồn tốt (vì nằm sâu trong núi, khó leo lên qua những dốc đứng, kiến trúc hài hòa với phong cảnh thiên nhiên, các công trình điêu khắc tinh xảo với chất lượng nghệ thuật cao) nên ngày đã công nhận Đền Preah Vihear là Di sản văn hóa thế giới cùng với 27 di tích khác trên thế giới.

Vậy là cho tới nay Cămpuchia đã có 3 di sản được thế giới công nhận: khu đền Angkor Wat, điệu múa cung đình và bây giờ là ngôi đền này.

Người dân Cămpuchia rất vui mừng, phấn khởi, tự hào và thêm một điểm du lịch hấp dẫn để thu ngoại tệ, nhưng vấp phải sự phản đối của Thái Lan, cho rằng vi phạm chủ quyền của họ.

Hai bên mang quân dàn trận, chĩa súng vào nhau ngay tại chân ngôi đền. Người Thái sống ở vùng giáp ranh đuổi những người Cămpuchia đang chung sống. Cămpuchia phong tỏa ngôi đền. Căng thẳng leo thang. Preah Vihear xưa nay chưa nổi tiếng lắm, bỗng nhiên được xuất hiện trên bản tin hàng ngày trong mục Thời sự. Biết đâu trong cái rủi lại có cái hay theo quan điểm du lịch sau này!

Cămpuchia đã dự định đưa việc tranh chấp này ra Hội đồng bảo an LHQ, nhưng sau rút lại đề nghị này. Thủ tướng Cămpuchia Hunsen tuyên bố, hai bên nên sẵn sàng từ bỏ sự thù hận xung quanh việc tranh chấp và không được đưa hai nước đến chiến tranh chỉ vì tranh châæp biên giới.

Ngày 5/8/2008, nội các Thái Lan đã phê chuẩn nguyên tắc thỏa thuận rút quân do hai ngoại trưởng đã gặp gỡ vào đầu tháng, nghĩa là việc rút quân có thể tiến hành nay mai. Khi đó, có thể lượng du khách, qua sự kiện này, chọn Preah Vihear làm một điểm đến, sẽ tăng hẳn lên.


Tuấn Hà

Thực hiện: depweb

14/09/2008, 15:46