Tôi cảm ơn số phận vì đã là dân quê - Tạp chí Đẹp

Tôi cảm ơn số phận vì đã là dân quê

DELETED

 Tôi nghĩ rằng họ đã rất thiếu tự tin khi chê ai đó “nhà quê” với giọng miệt thị.

Cân bằng di trú là trách nhiệm của những nhà quản lý và phải điều chỉnh bằng sự công bằng điều kiện sống và công bằng về điều kiện phát triển cũng như cơ hội cho mỗi cá nhân. (Nhà văn Võ Thị Hảo)

Sự miệt thị sai lầm

Thưa nhà văn, xin chị cho biết lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, lúc đó, cảm giác sâu sắc để lại ấn tượng đến giờ của chị là gì?

Tôi vốn dân xứ Nghệ, chính thức sống tại Hà Nội năm lên 16 tuổi. Hà Nội trong sự tưởng tượng của một đứa bé là một nơi chốn đầy sức quyến rũ, lung linh ảo mộng. Rốt cuộc, chỉ còn đọng lại trong tôi mấy cái hồ, cây cối và những ngôi nhà từ thời Pháp cùng với Nhà hát Lớn.

Hà Nội thời tôi mới đặt chân đến, là những người ở chen nhau trong những ngôi nhà giấy dầu mái xập xệ, những người trí thức và công nhân ăn ở năm này qua năm khác ngay trên bàn công sở, nấu bếp bằng dầu hỏa, trấu và lá khô hoặc bất cứ cái gì có thể và một cuộc sống tập thể hóa từ đầu đến chân. Nhưng Hà Nội là một cái hồ lớn hơn cái ao một chút. Là cá ở hồ thì có không gian thở tốt hơn ở ao.

Theo chị, nên hiểu đơn giản nhất khái niệm quê và thành thị là thế nào?

Khái niệm giữa quê và phố hoàn toàn không có ranh giới rõ ràng. Sự so sánh hơn thua, phải chăng là chỉ là sự khác nhau về không gian địa lý và tính cách vùng miền. Việt Nam, chưa hình thành nổi một tầng lớp quý tộc quý phái. Mấy chục năm qua, chúng ta lấy công nhân và nông dân làm chuẩn mực. Cả một thời kỳ dài chúng ta khoe nguồn gốc nghèo để dễ thăng tiến. Sự thô lậu đã ăn vào máu của những người theo chủ nghĩa cào bằng. Và đâu đâu cũng thấy có thể thừa nhiều thứ nhưng quá thiếu sự tinh tế và lịch lãm.

Theo các nhà nghiên cứu, những người dân gốc Hà Nội ngày trước chưa xa, vốn là dân chài lưới và làm lúa nước. Sau đó, phát triển từ chài lưới thành ra chợ nhỏ rồi thành làng xóm làng nghề, thành phố thành phường buôn bán. Tôi dám chắc trong từng móng chân của những người miệt thị dân quê vẫn còn đầy bùn của sự lầm lụi và thô lậu. Tôi nghĩ rằng họ đã rất thiếu tự tin khi họ chê ai đó “nhà quê” với giọng miệt thị.

Nói thế, lại làm tôi nhớ đến một lần đi ăn phở tại một quán khá nổi tiếng lâu đời ở phố cổ. Vậy mà trong lúc chờ đợi, tôi đã đếm được hai mươi lăm lần nói tục chửi thề trong chỉ mấy câu thoại của đôi vợ chồng chủ quán. Ghê quá, tôi phải viện lý do có việc gấp nên không kịp ăn, trả tiền bát phở rồi đi ngay khỏi quán. Mốt tục tĩu đã và đang phát triển rầm rộ khủng khiếp ở thành phố đấy chứ!

Chị có gặp trở ngại nào không khi mình là một người Nghệ An và sống ở thành thị?

Có lẽ là không. Hoặc có, như người ta hay nói, nhưng tôi không để ý thấy. Cho dù tôi có sống bao nhiêu năm ở đây, hoặc ở nước ngoài, ở nơi nào văn minh hơn đi chăng nữa thì tôi vẫn chỉ là tôi, một người gốc quê. Tôi cảm ơn số phận vì đã sinh ra ở nông thôn. Mãi mãi, tôi vẫn chỉ là một cô bé chạy chân đất trên những gốc rạ nhọn đẫm sương và thích thú ngắm mây trời. Nông thôn cho người ta sự mơ mộng. Và mơ mộng là khởi phát cũng như nuôi dưỡng tâm hồn và sáng tạo.

Vâng, tôi hiểu, đôi khi từ “đồ nhà quê” được sử dụng một cách hơi bị lạm dụng, nhưng nhiều khi nó cũng chỉ để trêu đùa thôi phải không chị?

Những người nào còn phân biệt, khinh miệt người ở quê lên thành phố, trước những hành động không giống mình của người ta, thì người đó quả không còn gì để tự tin hơn về bản thân. Con người, có ai chọn nơi sinh ra được đâu? Nếu anh sinh ra từ một bà mẹ ăn xin, thì anh phải chấp nhận anh có một bà mẹ ăn xin. Anh sinh ra từ một bà mẹ da đen, anh nên hiểu rằng anh mang trong mình dòng máu da đen.

Vậy thì tại sao họ lại lôi cái cội nguồn của một người mà người ấy không được chọn lựa, người ấy không có lỗi gì trong việc đó ra để miệt thị? Tại sao nỡ dè bỉu những người từ nông thôn lên thành phố lao động để tìm cơ hội được lương thiện và phải sống ở gầm cầu?! Tôi cho rằng, khi người ta sử dụng nó để hạ nhục nhau, thì người miệt thị kẻ khác mới là người đáng bị thương hại. Người đó không nhìn xa hơn ngón chân cái của mình!

Quyền được di trú

Tôi biết có nhiều người ở quê khi làm việc tại những khu đô thị, họ thường ít sử dụng từ, ngôn ngữ quê hương họ, mà thường cố sử dụng giọng chuẩn, còn chị thì sao?

Tôi cho rằng họ có lý do của họ. Họ phải phân thân giữa hai điều: một do là nhu cầu tiếp xúc ở quê nhà, một là do giao tiếp nơi công cộng, họ buộc phải sử dụng từ chuẩn để giao tiếp cho dễ dàng hơn, tránh gây sự khó hiểu với người đối thoại, tất cả, tôi nghĩ, cũng là sự tôn trọng người khác đấy chứ. Và con người ngày càng toàn cầu hóa sâu sắc.

Tiếng nói các vùng miền ngày càng pha trộn. Điều đó rất tốt. Riêng tôi, mặc dù tôi thấy giọng điệu của tiếng Hà Nội hay, nhưng tôi vẫn thích vị mặn, chất nằng nặng của giọng điệu miền Trung. Tôi giữ lại vị ấy, và chỉ nói cho đúng thanh điệu là đủ.

Một số người thường lo ngại về vấn đề sự lấn át dân số của nông thôn lên thành thị, theo chị thì điều này có cần phải chú ý không?

Trong số người cực kỳ thành đạt, không ít, hay nói đúng hơn, đại đa số là dân các vùng miền khác. Họ phát triển và giỏi một cách đáng kinh ngạc. Chính họ đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của các thành phố lớn và thủ đô. Bởi sao? Bởi quê hương nếu là một nơi ao tù nước đọng còn nghèo khổ và kém phát triển thì khi ra thành phố, nó là một môi trường khắc nghiệt buộc người ta phải gắng gỏi, giỏi giang để sống.

Con người, cũng như muôn loài, đều có quyền di trú. Tại sao con người lại không có quyền ra đi, tìm một thế giới khác, tìm lạc thổ. Đó là bản năng sống và quyền của muôn loài. Chúng ta hãy thử nghĩ, nếu ai cũng bằng lòng với cái vũng của mình thì người ta chỉ đi bộ thôi và không có máy bay, không có Internet và bao nhiêu thứ khác.

Trước mỗi sự việc xảy ra không hay đổi với người lao động ngoại tỉnh, người ta lại thấy thương cảm và tự hỏi rằng, hẳn chốn quê nhà không phải là nơi để họ phát triển tốt, chị nghĩ sao về điều này?

Chuyện này xưa như Trái đất. Đương nhiên là có sự chênh lệch về điều kiện sống giữa nông thôn và thành thị. Cân bằng di trú là trách nhiệm của những nhà quản lý và phải điều chỉnh bằng sự công bằng điều kiện sống và công bằng về điều kiện phát triển cũng như cơ hội cho mỗi cá nhân.

Sẽ là hẹp hòi và nhẫn tâm nữa, khi nói tại sao những người ở quê mà không về quê sinh sống, lại lên thành phố làm gì. Việc phải từ bỏ làng quê, có khi là nỗi đau của họ, thực ra, nó cũng chẳng phải của riêng ai, mà của xã hội. Nếu ta cứ thờ ơ với nỗi đau của họ, thì hãy nhìn lại chính mình. Tôi nghĩ, cái gì cũng phải nghĩ đến quyền của con người đầu tiên đã.

 
 Tôi vẫn thích vị mặn, chất nằng nặng của giọng điệu miền Trung.

Tôi cần một khoảng không gian

Điều gì đã khiến chị dời nhà từ trung tâm ra… ngoại thành Hà Nội?

Đó là vì ở trong trung tâm thành phố quá chật hẹp. Hồi đó, tôi quyết định bán nhà đi và mua đất ở ngoại thành để xây nhà. Tôi cứ đi về hướng tây, dường như có điều gì mách bảo chứ tôi không hề định hướng trước gì hết. Và khi đến vùng này, thấy có nhiều di tích văn hóa đẹp, rộng thoáng, ít người, tôi quyết định rẽ vào một con đường, và hỏi một người nông dân đang cắt cỏ dưới mương xem ở đây có ai bán đất không.

Ông ta chỉ cho tôi. Và tôi đi theo hướng đó. Cuối cùng, tôi cũng tìm được một mảnh đất. Cuộc mua bán chỉ diễn ra trong vòng 15 phút và đến lúc đó tôi mới biết được tên của vùng đất này.

Nhà chỉ có ba mẹ con (gái), lại đi xa trung tâm thành phố, hàng ngày đi lại như vậy, liệu có vấn đề gì không?

Hoàn toàn không. Tôi thích như vậy. Bởi tôi không cảm thấy thích thú khi ở trong thành phố mà phải thiếu không khí. Tôi thà đi xa một chút, vừa đi, vừa nghĩ, có thể mơ tưởng, vận động cả trí óc lẫn tay chân, và quan trọng là phản xạ tốc độ, đó cũng là một cách rèn luyện phản xạ. Về đến nhà, là nơi chốn thân quen bình yên xanh. Ở đây, khi mở cửa ra, tôi gặp hoa nở và những gương mặt người nông dân chất phác.

Hình như nhà… xa trung tâm cũng là một lợi thế, vì như thế, chị sẽ có nhiều thời gian sáng tác hơn?

Vâng, một “ốc đảo”. Trước đây thì một số bạn bè ngạc nhiên, xót xa cho mẹ con tôi bởi đường xa gió bụi, nhưng bây giờ thì họ tán đồng.

Trong nhà chị hiện đang có rất nhiều tranh sơn dầu. Đã viết văn, kinh doanh, viết báo, chị lại còn vẽ tranh? Chị bỏ “Dạ tiệc quỷ” để vẽ tranh ư?

“Dạ tiệc quỷ” đã xong và trong khi chờ giấy phép xuất bản (không biết có được hay không đây?!), thì tôi vẽ tranh. Tự dưng thế, như số phận, chứ tôi không định, vì tôi đã quá bận. Có lẽ cũng là do không gian này rất tĩnh lặng và thuận lợi cho việc viết và vẽ. Tôi còn đang chuẩn bị cho triển lãm tranh sắp tới tại Việt Art ngày 3/11/2008. Giờ đây, đến ăn tôi còn phải nuốt thật nhanh để còn vẽ. Chẳng hiểu sao ấy, và vẽ là một thú vui rất tuyệt.

Bài: Codet – Ảnh: Trần Đoàn Linh

Thực hiện: depweb

14/10/2008, 11:27