"Ngựa sắt" phiêu lưu ký - Tạp chí Đẹp

“Ngựa sắt” phiêu lưu ký

DELETED

Xe đạp bước ra từ dĩ vãng “phủ bụi” để rong ruổi trên khắp nẻo đường đất nước. Cái thú bon bon trên ngựa sắt mà ngơ ngẩn ngắm ruộng lúa vàng trĩu hạt, hà hít thoả thuê khí trời mát trong của thôn quê, len lỏi trên những con đường nhỏ gồ ghề sỏi đá dẫn đến những khe suối mát… chẳng gì thì cũng thú vị gấp trăm lần gà gật trong không gian ngột ngạt hơi người và động cơ.

Ngẫu hứng xe đạp

Thay vì những chú ngựa sắt sờn sơn tróc vảy, không phanh, chuông và gác-đờ-bu…, những “tuấn mã” bảnh chọe, oai phong thời nay chạy hàng ngàn kilômét mà sức lực vẫn dẻo dai, nhỏ thó khi gấp trong túi du lịch, nhẹ tênh khi ở trên vai, lại thêm điều chỉnh tốc độ linh hoạt. Tậu ngựa sắt là cả một vấn đề phải suy ngẫm, bởi giá trị một số “anh em” trong họ có thể khiến ngựa sắt sport có động cơ như Suzuki GSX – R750 phải “gờm gờm”.

Tuy vậy, cứ dòng “chinh chiến” và giá phải chăng như Trek, Giant, Asama… thì cũng đã làm cho khối kẻ phải mơ ước. Một kho các loại ngựa đủ màu sắc, kích cỡ và thể loại mà các hãng du lịch cho thuê cũng giảm bớt nỗi lo thiếu ngựa, hơn nữa lại có cả các các phụ kiện như quần áo, găng tay, giày, mũ… đi kèm. Chỉ cần kỵ sĩ với tinh thần “nhong nhong” phơi phới và một lịch trình đã được lên kỹ càng, thì cứ thế mà lên đường!

Đổi tấm vé phi cơ sang trọng hay xe lửa tốc hành có điều hòa mát rượi lấy vài ngày (có khi vài chục ngày) để cùng ngựa “đội trời đạp đất”, hẳn không phải chuyện giỡn. “Xa quê lâu quá, đâu còn thiết mấy cảnh nhà chọc trời, xe hơi… Giờ mỗi dịp trở về chỉ muốn du lịch xe đạp để có thể chiêm ngưỡng nhiều phong cảnh thiên nhiên và con người Việt, tuy rất đơn sơ nhưng đẹp tuyệt vời”, Minh Phạm (M.P) – một Việt kiều Mỹ nói. M.P đã đạp xe trên khắp nẻo đường Việt Nam từ năm 2002, cây số lên tới hơn bốn ngàn.

Chẳng được đủng đỉnh như di chuyển bằng phi cơ hay xe lửa, đi một mạch đến nơi rồi tham quan, ăn nghỉ tính tiếp…, cưỡi “ngựa sắt” giúp các “thượng đế” kết hợp đồng thời giữa di chuyển, ăn nghỉ và tham quan… Di chuyển xong thì hành trình cũng vừa vặn kết thúc, âu cũng là vì bao nhiêu cảnh đẹp thiên nhiên đã thưởng ngoạn hết dọc đường. Sướng hơn cái anh phi cơ, xe lửa là thích dừng đâu thì dừng, ngắm gì thì ngắm…

Gặp cảnh đẹp, lỡ có xao lòng quá thì cũng có thể rút máy ảnh ra mà “chớp chớp” tức thì, hay có thèm khoai nướng thì cũng có thể mò vào làng xin vài củ… Gặp cô gái xinh xinh quẩy gánh hoa quả cho kịp phiên chợ, bà già nhai trầu bỏm bẻm bán nước ven đường, phanh kít xe lại mà chỉ muốn nán lại lâu hơn một chút.

Khi chùng chân mỏi gối thì sao nhỉ? Mỗi cây xanh bên đường là một ốc đảo, cứ ốc đảo nào lớn xanh mát nhất thì sà vào, nghỉ ngơi và ăn uống no nê lại tiếp tục lên đường. Chẳng thế mà du lịch xe đạp được coi là du lịch “can feel, can see, can touch” (cảm nhận được, nhìn thấy được và… chạm vào được).

Hành trình dẫu lắm gian nan…

Đã lên xe, là có thể tới bất cứ nơi nào, miễn là… đủ sức. Nhẹ nhàng nhất thì đi đường phẳng trải nhựa từ thành phố tới ngoại ô, nhưng các kỵ sĩ có độ dạn dĩ sánh ngang tầm với các “cua-rơ” chuyên nghiệp lại chẳng bao giờ màng tới những đoạn đường đi quá dễ dàng như vậy. Đạp xe mà cát bụi phải tung lên, sỏi đá phải nảy bôm bốp dưới lốp mới đã.

Nhóm du lịch xe đạp tự phát Xe Đạp Xuyên Việt (XĐXV) với 9 thành viên là Việt kiều nhưng tiếng mẹ đẻ vẫn đủ “sõi” để… hỏi đường, tổ chức du lịch xe đạp xuyên Việt thường niên, lần đầu tiên năm 1999. Không đến mức “nằm gai, nếm mật”, nhưng vượt thác, băng rừng, leo đèo, lội suối, thậm chí ngủ rừng, ngủ võng với các thành viên đều là… chuyện nhỏ.

M.P, thành viên tích cực của nhóm vẫn nhớ về kỷ niệm đạp lên đèo Hải Vân. Lần đầu M.P rất sợ nhắc đến tên đèo này, vì nghe nói nơi đó là cửa "thiên đàng", các loại xe hơi, xe tải, xe bò… và bất cứ loại nào mà sử dụng bánh xe tròn để lăn trên đường đều phải hết sức cẩn trọng. M.P vượt qua Hải Vân với biết bao lời xin xỏ các "thần" dọc đèo.

Dưới chân đèo thì xin các thần cỏ, thần cây đừng có che khuất mắt mấy ông tài xế xe hơi đang đổ dốc, tới lưng đèo thì xin thần "chuột" đừng để cặp giò bị "chuột rút". Còn xuống đèo thì xin mấy ông thần xe tải đừng có liều mạng… Từ đỉnh đến km 899, sườn đèo quanh co giữa vách núi và vực sâu. Đoạn này thường có mây bay là là trên những đỉnh đồi nhưng lại ngưng tụ dưới những vực sâu có nhiều cây rừng rậm rạp.

Từ km 898, sườn đèo vươn ra uốn lượn quanh co giữa vách núi và biển. Vượt qua đoạn này là có thể yên tâm và cảm thấy không đến mức “sởn gai ốc” như thiên hạ đồn đại. Thật thú vị, tại đoạn cách chân đèo khoảng 600m, lữ khách đường xa có dịp sững sờ trước vẻ đẹp thơ mộng và êm đềm của bãi biển Lăng Cô được sánh ngang với những bờ biển đẹp nhất ở Địa Trung Hải, nằm dưới chân đèo phía Bắc.

Các kỵ sĩ để khỏi “ngã ngựa” giữa đường đã chuẩn bị khá nhiều lương thực và nước uống để đảm bảo cơ thể vừa không mất nước vừa hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất… Một chai nước uống luôn thường trực ở càng xe, cứ vài phút lại một ngụm là cần thiết vô cùng.

Và còn nữa, vài thanh kẹo lạc “made in Việt Nam”… là thứ các cua-rơ ghiền nhất. Đến bây giờ cũng không cắt nghĩa nổi tại sao kẹo lạc lại… hay thế, chỉ biết là cứ ăn vào là đạp rất… bốc, ngay cả khi trong xe tải đã chất chứa vô số kể các loại thức ăn nhanh đầy dinh dưỡng và calo sản xuất ở nước ngoài.

Du lịch xe đạp – Câu chuyện còn dài…

Những câu chuyện về du lịch bằng xe đạp còn dài, bình dị, chất phác như chính chiếc xe đạp và có thể kể ra được… trên từng cây số. Không sang trọng, mỹ miều như du lịch bằng phi cơ; cầu kỳ, xa xỉ như du lịch bằng tàu thủy, những gì đọng lại sau mỗi hành trình du lịch xe đạp chính là tình yêu với quê hương, con người Việt Nam ngày một thêm sâu nặng, gắn bó.

Cùng các thượng khách “mắt xanh, mũi lõ” rong ruổi trên các nẻo đường đất nước, sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu như các “tuấn mã” có dịp phục vụ chính những người con của đất Mẹ, khắc họa trong tâm khảm mỗi người về một dân tộc với thiên nhiên và con người tuyệt đẹp bằng những hành trình gian nan nhưng thú vị.


Bài: Phương Liên
Ảnh: Passion – vietnambiketours.com

Tin liên quan:
Hành trình du lịch với xe đạp
 

Thực hiện: depweb

10/02/2009, 10:23