Sôi sục mùa yêu dưới biển - Tạp chí Đẹp

Sôi sục mùa yêu dưới biển

DELETED

Sứa – bông hoa biển vừa là đực, vừa là cái trên một cơ thể.

Tháng Valentine, nói chuyện yêu đương của loài người mãi cũng cạn. Xin kể về những câu chuyên yêu đương của các cư dân dưới biển khơi, may ra còn có điều mới lạ và biết đâu cũng đầy bất ngờ thú vị. Vì mấy ai đã có dịp “rình mò” để chứng kiến ở dưới nước, chúng yêu nhau ra sao.

Biển chiếm đến 2/3 bề mặt trái đất. Đó là một vương quốc chứa bao điều bí ẩn. Có lẽ người ta chẳng bao giờ thống kê được trong vùng lãnh thổ mênh mông ấy có bao nhiêu cư dân sinh sống, từ những con phù du li ti đến các bác cá nhà táng khổng lồ. Những số liệu điều tra cứ tăng lên hàng năm đến chóng mặt. Thế nhưng, ai cũng biết rằng có bao nhiêu loài thì có bấy nhiêu tập tính.

Mà loài nào thì cũng đều phải sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống của mình và cũng có những mùa yêu đương sôi nổi. Trong một bài báo nho nhỏ này chỉ có thể kể những cuộc tình điển hình hoặc kỳ lạ.

Độc đáo sinh vật bậc thấp…

Thấy những cặp san hô tuyệt đẹp, hình dáng độc đáo, màu sắc đẹp đẽ bày trong tủ kính các phòng khách sang trọng, nhiều người nghĩ rằng, san hô là một loại khoáng vật. Thực ra, đó là bộ xương còn lại của một loài sinh vật bậc thấp, ruột rỗng sống dưới đáy biển khơi.

Hai hôm sau kỳ trăng tròn đầu tiên của mùa xuân, tất cả các loài san hô bước vào một cuộc giao hoan lớn: chúng cứ nối tiếp nhau phóng ra các đám tinh trùng và các túi noãn nổi lên mặt nước, toả xa đến hàng trăm kilomet. Sự kết hợp giữa những giao tử ấy xảy ra để nở ra hàng tỉ tỉ ấu trùng nhưng chỉ có một số rất ít may mắn chìm xuống đáy biển, bám trụ để phát triển thành những tập đoàn san hô mới.

 
Cuộc giao hoan "vĩ đại – san hô đực và cái "tung" tinh trùng và trứng ra biển khơi phó mặc sự tác thành cho biển cả.

Còn kia, trên rạn san hô là lũ hải quỳ, loài “giun” khá đẹp, một đầu bám vào đá, đầu kia xoè ra như một đoá hoa rực rỡ đang phơ phất những “cánh hoa” mềm mại. Dưới sự chỉ huy của một số nhạc trưởng – những con trưởng thành – phát tín hiệu bằng một hoá chất gọi là pheromon để kích thích – cả bầy nhất loạt phóng những noãn và tinh trùng vào nước biển, rồi hàng tỉ giao tử ấy lượn lờ để tìm gặp nhau.

Nhưng pheromon lại bị một loài cá khôn ngoan phát hiện, rủ nhau bơi đến để thưởng thức một bữa tiệc linh đình mà chẳng mất công săn đuổi. Kết quả là 90% số trứng đã hoặc chưa thụ tinh bị những chú cá tàn bạo chén no căng bụng. Âu cũng là một quy luật khắc nghiệt của đại dương.

Song cảnh tượng giao phối “siêu thực” nhất lại thuộc về loài rươi. Rươi palolo – thuộc loài giun đất nhiều tơ sống ở Thái Bình Dương. Chọ hàng gần gũi với loài rươi xuất hiện ở vùng nước lợ miền Bắc) có cuộc sống tình ái đầy bi kịch. Đầu xuân, rươi palolo cả đực lẫn cái mọc ra những đốt đuôi để chứa tinh trùng hoặc noãn hình thành theo thời gian lớn lên của chúng. Cái đuôi đó có nhiều sợi và thớ cơ co giãn để giúp chúng bơi trong nước.

Đúng vào ngày thứ ba sau tuần trăng hạ huyền tháng mười âm lịch, cuộc hoan lạc của vương quốc rươi diễn ra. Rươi cái tiết ra một loại pheromon, thúc giục rươi đực rụng những chiếc đuôi đầy ắp tinh trùng ấy. Vừa rụng đuôi, rươi đực vừa thả vào nước biển loại pheromon khác, làm rươi cái điên đảo và cũng… rụng các đuôi trứng béo ngậy. Triệu triệu cái đuôi của “nhà trai” lẫn “nhà gái” nổi lên mặt nước, uốn éo và hối hả tự bơi đi tìm nhau trong một lễ hội tưng bừng. Đuôi nhiều đến độ trắng xoá mặt biển bao la.

Các ngư dân Trung Quốc và Malaysia vớt hết ghe này đến ghe khác mà không xuể. Họ đưa về thành phố được các đầu bếp kinh nghiệm chế biến thành những món ăn nổi tiếng, phục vụ cho những khách sành ăn mà mỗi năm chỉ có thể thưởng thức một lần.

Mùa yêu của cư dân bậc thấp của biển khơi đại khái là như vậy. Nó ào ạt, sôi nổi và kết quả của Tinh yếu – các ấu trùng – hoàn toàn phó mặc cho may rủi, mà rủi nhiều hơn may, đến cả trăm lần. Luật trời đã định, ngàn đời “họ” yêu nhau “phí phạm” như thế!

Nhưng dù bất hạnh, “họ” còn có nam có nữ, có nếp có tẻ. Vô duyên hơn là những nàng sứa lược (nếu bạn muốn gọi là chàng thì cũng chẳng sai), một loài sứa khá đông đúc ở những đảo san hô phía nam Việt Nam. Dung nhan chúng lộng lẫy đến mức người ta gọi là “những bông hoa biển” khi nổi chìm tấm thân tha thướt giống như những chiếc dù nhiều tua lập lờ trên mặt biển trong xanh.

Các nàng bị… lưỡng tính, một mình đảm đương cả hai giới, nghĩa là trong cơ thể đã có một “của quý” để sinh trứng, lại thêm một “của quý” tạo tinh trùng… Đến mùa sinh sản cũng bày vẽ chuyện gối chăn, cho cái nọ “đụng” vào cái kia để thụ tinh. Ấu trùng sẽ tìm cách – nếu sống sót – chìm xuống rạn san hô, bám vào đá mà trưởng thành.

Loài cua “cua” nhau như thế nào?

Thật khó hình dung ra loài giáp xác – loài mà bộ xương không nằm trong thân mà lại nằm ngoài, bao bọc lấy thân thành một lớp vỏ cứng như tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến – bước vào mùa yêu như thế nào. Thân hình kỳ quái nên chuyện yêu đương của chúng cũng lạ kỳ không kém.

Cái giống “tám cẳng hai càng, không đi mà lại bò ngang suốt ngày” khi đến tuổi dậy thì sẽ kéo nhau di chuyển dần đến vùng nước có độ mặn ổn định làm chốn hẹn hò. Tại đây, các nàng cua gửi vào dòng nước chất pheromon như những “thông điệp kén chồng”. Các chàng cua lang thang nhận được tin, vội vã phóng đến trong cuộc chạy marathon đông nghịt.

Chẳng kén chọn gì hết, gặp nàng nào gần nhất, chàng xán lại, dùng bốn cặp chân cùng chiếc càng chắc nịch ôm chặt lấy lưng nàng. Từng cặp uyên ương hình thành. Anh ả cứ thế, ôm cứng nhau ngao du theo dòng nước trong vài ba ngày, chẳng hiểu lời đường mật từ miệng chàng có tuôn trào không, chỉ biết nhờ động tác này kích thích mà các noãn bào của nàng thêm thành thục. Đến lúc cua cái đã “chịu”, nàng hẩy cua đực ra, để lột xác, một quá trình tựa như vứt bỏ bộ đồ cồng kềnh cứng nhắc để thay bộ áo cưới mềm mại thuận tiện cho việc ái ân.

Cua đực kiên nhẫn đợi. Nàng lột xác xong, trở thành một nàng cua bấy, liễu yếu đào tơ. Chàng khẽ lấy chân lật ngửa nàng ra. Cả hai cùng nhau mở yếm, lật ra sau lưng (chàng cũng có yếm, ngạc nhiên chưa, có điều yếm chàng nhỏ hơn) và cả hai áp bụng vào nhau. Chàng đưa “thằng bé” của chàng, hình lưỡi kiếm nằm ở gốc chân bụng thứ nhất vào “con bé” của nàng, chẳng qua chỉ là hai cái lỗ sinh dục nằm ở gốc chân thứ ba, sau đó một dòng tinh trùng của chàng cứ thế chảy vào.

Làm tình xong, chàng vẫn đeo nàng dưới bụng một vài ngày để bảo vệ “vợ” vì nàng vẫn vô cùng “bấy”, nếu không có vệ sĩ đi kèm để che chắn, ắt bị xâm hại. Đến khi nàng cứng cáp, bộ áo cưới mềm nhũn đã rắn lại, đủ sức nghênh chiến trước kẻ địch, vợ chồng mới rời nhau. Nhưng bịn rịn gì nữa, anh bạn! Hãy “biến” cho nhanh, nếu không sẽ trở thành món ăn khoái khẩu của chính vợ.

Chẳng nên trách nàng, bởi mang túi tinh trùng để dùng dần trong suốt 1- 2 tháng, nàng có nhu cầu rất lớn trong việc tích luỹ chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi cơ thể và biến noãn bào thành trứng. Trứng thụ tinh nhờ hai “kho” tinh trùng chàng trao gửi trước khi lưu lạc giang hồ.

Số trứng nàng đẻ ra – như kết quả của tình yêu – rất lớn. Một cua cái trọng lượng chừng 300g có thể cho ra đời tới 1 triệu trứng thụ tinh, được mẹ ôm ấp cho đến khi nở thành ấu trùng.

Có lẽ sẽ thiếu sót nếu không kể lể đôi lời về cuộc tình của loại cua đỏ, vốn là cư dân của biển khơi, đã giã biệt họ hàng vào rừng lập nghiệp trên đảo Christmas trên Thái Bình Dương nhưng khi yêu đương lại trở về biển cả. Đó là loài cua to bằng bàn tay, toàn thân màu đỏ tươi rực rỡ.

Hàng năm, vào khoảng tháng 11, những trận mưa đổ xuống báo hiệu mùa tình yêu bắt đầu. Cả thế giới cua đỏ bừng lên chuyển động. Chúng đồng loạt ra khỏi hang sâu, lũ lượt lên đường tiến hành một cuộc di cư vĩ đại đến bờ biển để ái ân, đẻ trứng, làm thành một tấm thảm đỏ di động. Những chiếc chân mảnh mai khua như múa kiếm, cả một binh đoàn cua vượt núi, băng rừng, tiến ra biển, không sức mạnh nào ngăn cản nổi.

Khác hẳn với tính hiếu chiến thường ngày, bước vào mùa tình ái, lũ cua nhũn nhặn lạ thường. Dường như chúng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là hành hương đến “thánh địa yêu đương” để duy trì nòi giống. Tại hàng chục cây số bờ biển, lũ cua sống trong hang đào tạm và những cuộc ái ân diễn ra sôi nổi, rộn ràng.

Chàng cua nào đào hang càng gần biển, càng có cơ hội quyến rũ được nhiều bạn tình. Sau mùa ân ái, cua cái nghỉ ngơi khoảng 12-13 ngày để 10.000 quả trứng đã thụ tinh mà các nàng nâng niu trong chiếc yếm trước ngực có thời gian trưởng thành.

Thiên nhiên diệu kỳ đã dạy cho chúng tính toán sao cho gặp đúng mùa trăng, khi thủy triều lên ở mức cao nhất trong tháng thì trứng cũng vừa “chín tới”. Hàng triệu nàng cua kéo nhau đến sinh nở tại các mỏm đá chênh vênh ven biển. Cảnh sinh nở tập thể này vô cùng ngoạn mục.

Cua cái vươn mình đứng thẳng bằng chân sau, huơ loạn xị đôi càng, đôi khi trèo lên cả mai nhau, ra sức đẩy một lớp trứng hồng rơi xuống những con sóng trắng xoá, phó mặc số phận của bầy con cho biển cả.

 
Hàng triệu các chàng và nàng cua đỏ từ rừng hành quân ra bờ biển để…

Trứng nở thành ấu trùng, qua 4 tuần biến hoá, trở thành cua con. Sống chừng một tháng ở quê cũ là biển rộng, lớn dần, chân cẳng cứng cáp, chúng lại lục tục lên bờ, hành trình theo chiều ngược lại trở về quê mới, đợi đến mùa thu năm sau, lại làm những cuộc di cư màu đỏ truyền thống, tìm tình yêu và duy trì nòi giống.

Tình cua là thế. Tình trai ốc ra sao? Rạn san hô lại là nơi chứng kiến một gã trai voi Tridacna to bằng quyển vở học trò phơi ra trong làn nước hai mảnh vỏ phủ đầy rêu xanh. Qua ống sinh dục, gã phun ra một làn khói tinh trùng màu trắng sữa, lập lờ bốc lên cao đến hơn 1 mét để lũ trai cái đến đón nhận mà chẳng thèm biết khối tinh trùng ấy từ nguồn nào phát ra.

Đôi chỗ, những con trai, sò, hến bắt cặp với nhau theo phong cách giống như họ hàng thân mềm, chân bụng của chúng trên đất liền. Vốn là loài lưỡng tính, chúng quay ngược đầu đuôi để “chú bé” của con nọ gặp gỡ “cô bé” của con kia, thành hai máng xối dẫn tinh dịch vào cơ thể nhau. Các loài ốc biển cũng phát triển nòi giống tương tự như thế. Chúng sinh ra những dải trứng màu hồng hoặc đỏ như hạt thạch lựu xếp xoắn ốc, trông thật hoàn hảo!

(Tiếp theo kỳ sau)


Bảo Châu

Thực hiện: depweb

10/02/2009, 10:58