Từ cống hiến mơ một Grammy Việt Nam - Tạp chí Đẹp

Từ cống hiến mơ một Grammy Việt Nam

DELETED

Ngày 11/3, giải thưởng âm nhạc cuối cùng của năm 2008, giải Âm nhạc Cống hiến 2008 (*) sẽ được trao cho những người chiến thắng ở 4 hạng mục quan trọng, cơ bản làm nên diện mạo và đời sống của một thị trường âm nhạc: Album của năm, Chương trình của năm, Nhạc sĩ của năm và Ca sĩ (nhóm hát, ban nhạc) của năm.

Không ai ngớ ngẩn tới mức đem so một giải thưởng do các nhà báo (và cũng không phải của các báo chuyên ngành âm nhạc, vì lấy đâu ra những tờ báo chuyên ngành như thế trừ 2 tờ tạp chí ít người đọc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TP.HCM) với một giải thưởng do các thành viên Viện thu âm nghệ thuật và khoa học quốc gia Hoa Kỳ bầu chọn.

Nhưng mơ có một Grammy Việt Nam, một giải thưởng âm nhạc nghiêm túc, đồng thời vẫn có tính đại chúng, được cả nghệ sĩ lẫn khán giả “tâm phục, khẩu phục”, từ đó góp phần quan trọng vào việc định hướng thẩm mỹ âm nhạc của thị trường và thúc đẩy nền công nghiệp âm nhạc phát triển theo tiêu chí nghệ thuật hướng tới công chúng, như Grammy đã làm, lại là chuyện khác…

Grammy: Rõ ràng

Nhạc sĩ Trần Tiến là người đầu tiên khởi xướng ý tưởng chính thức về một Grammy Việt Nam. Đó là vào mùa hạ năm 2001, một đêm nhạc được tổ chức (Cuộc phiêu ly mùa hạ), có đề cử ca khúc, có băng rôn chăng ngang sân khấu với dòng chữ thể hiện ý chí rõ ràng: Hướng tới giải Grammy Việt Nam, và sau đó, theo lời nhạc sĩ, có đề án xây dựng Grammy hẳn hoi, gửi Bộ Văn hóa – Thông tin (bây giờ là Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch).

Đề án ấy, không biết có thật, hay chỉ là một cú “phiêu linh” của nhạc sĩ. Nhưng một điều chắc chắn có thật: đấy là sự mong mỏi của giới nhạc và của cả công chúng về một giải thưởng âm nhạc nghiêm túc, đồng thời vẫn có tính đại chúng. Điều tưởng như rất khó, mà khó thật, vì tới nay hàng năm ở Việt Nam có đến gần chục giải thưởng khác nhau được trao tặng cho giới âm nhạc, nhưng để có được MỘT mà HƠN TẤT CẢ ấy thì vẫn chỉ là giấc mơ…

Vậy Grammy đã làm thế nào để biến giấc mơ thành hiện thực?

Tương tự như Oscar bên điện ảnh (Grammy được mệnh danh là “Oscar của âm nhạc”), Grammy không phải là giải thưởng đẻ ra từ cuộc bầu chọn của công chúng. Dù ở Mỹ và trên thế giới thỉnh thoảng người ta vẫn làm cuộc thăm dò (chủ yếu trên mạng) về những ca khúc được yêu thích nhất, những ban nhạc được yêu thích nhất… nhân một dịp nào đó, có công bố kết quả, nhưng không trao giải thưởng.

Những kết quả đó chỉ mang tính chất thăm dò. Mà đúng là thăm dò thật, vì không ai có thể kiểm soát được độ khách quan và chính xác của các phiếu bầu như thế, ngay cả ở Mỹ. Ở đây cần mở ngoặc để nói thêm, về khoản bầu chọn tự do, nhất là thời nay bằng cách nhắn tin hoặc bầu chọn qua email thì Việt Nam chúng ta được xếp hàng gần vô địch thế giới.

Cụ thể trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế, tuy chưa dành được giải nào chính thức nhưng người đẹp Việt Nam đã nhiều lần dành danh hiệu Hoa hậu được yêu thích nhất thông qua bầu chọn qua mạng, chỉ thua Philippines! Lẽ dĩ nhiên, người ta không đánh giá cao giải bầu chọn kiểu này, thậm chí có thể loại bỏ kết quả này ra khỏi hệ thống chấm giải (lý do khiến Á hậu Thiên Lý không lọt vào top 15 Hoa hậu Thế giới 2008 vừa qua).

Những giải thưởng được trao tặng một cách trân trọng, được xem như những thang giá trị chính thức, ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, đều là những giải thưởng mang tính hàn lâm (academy), được thực hiện thông qua các vòng bầu chọn khắt khe, với lá phiếu từ một danh sách có tên tuổi cụ thể (có thể được công bố hoặc không nhưng nếu muốn, công chúng hoàn toàn có thể kiểm soát được danh sách này).

Còn để hoàn toàn khách quan và chính xác, người ta đã có các danh hiệu Đĩa vàng, Đĩa bạc, Đĩa kim cương… Hiệp hội công nghệ ghi âm Mỹ RIAA là tổ chức thương mại chuyên cấp giấy chứng nhận (giấy chứng nhận thôi, chứ không phải giải thưởng tôn vinh gì cả, cho dù đĩa của anh bán chạy nhất mọi thời đại) cho các loại đĩa vàng, bạc, kim cương này căn cứ vào số lượng các bản đĩa bán được theo báo cáo của các cửa hàng bán lẻ băng đĩa.

Billboard cũng có công bố danh sách đĩa bán chạy, nhưng cách tính có khác một chút: cộng báo cáo của các cửa hàng bán lẻ, tổng hợp lại bởi một công ty nghiên cứu – theo dõi thị trường ghi âm giải trí Soundscan.

Và để tôn vinh trên thảm đỏ, với những giải thưởng được trao tặng chính thức, chỉ có thể là những cuộc bầu chọn mang tính nghệ thuật cao, như của Viện Thu âm nghệ thuật và khoa học Hoa Kỳ đối với Grammy và Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ đối với Oscar.

Họ rất rõ ràng: công chúng yêu thích – mời bỏ phiếu bầu tự do – danh hiệu chỉ có tính tham khảo/bán chạy – căn cứ vào số liệu bán hàng – danh hiệu chỉ có ý nghĩa thương mại/sự tôn vinh giá trị nghệ thuật – qui trình bầu chọn khắt khe của những lá phiếu có uy tín chuyên môn – danh hiệu mang tính chính thống, chính thức và đầy uy lực.

Thế nhưng, cũng rất rõ ràng, cả Grammy và Oscar, hai giải thưởng mang tính hàn lâm và chuyên môn cao, đều không quay lưng với khán giả, đối tượng thụ hưởng và cũng là người nuôi dưỡng sự sống lâu bền của nghệ thuật, đặc biệt với âm nhạc và điện ảnh – hai ngành nghệ thuật có tính đại chúng cao. Tiêu chuẩn của các tác phẩm tham dự Oscar bắt buộc phải được “chiếu thương mại” tối thiểu trước đây là 2 tuần tại thị trường Mỹ, nay là 7 ngày tại thị trường có thể ngoài Mỹ – tức là phải là phim có khán giả.

Hollywood, một nền điện ảnh “không nhà nước”, nền điện ảnh thị trường hàng đầu thế giới, mục tiêu số một luôn là doanh thu, mà còn lập rào chắn cho tất cả những tác phẩm chỉ muốn làm để đi thi! Thi gì thì thi, trước tiên cũng phải phục vụ khán giả! Grammy cũng vậy. Các đề cử của Grammy đều được đưa ra bởi chính các nhà sản xuất – các hãng băng đĩa, và bắt buộc phải là những đĩa nhạc được phát hành từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm nay, nghĩa là ít hoặc nhiều, công chúng phải được thưởng thức chúng.

Còn chúng ta: Quá sức lùng nhùng

Giải thưởng hàng năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải của các hội Âm nhạc thành phố và địa phương, Làn sóng xanh, VTV Bài hát tôi yêu, Ngôi sao bạch kim, Mai vàng, Album vàng, Cống hiến… hàng loạt các cuộc bình chọn, các giải thưởng âm nhạc được trao tặng hàng năm. Nhưng sự lùng nhùng về tiêu chí, về cách thức tổ chức khiến giấc mơ Grammy Việt Nam mãi chưa thể tiến gần.

Có tính học thuật, hàn lâm duy nhất trong số các giải thưởng nêu trên là giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng sau nhiều năm trao, giải vẫn gần như không được ai biết tới trừ… những người được giải, bởi hầu hết các tác phẩm được trao có khi mới ở dạng “mộc” hoặc mới trình diễn nội bộ, thậm chí sau khi trao giải phần lớn vẫn tiếp tục “lưu hành nội bộ”.

Chỉ mãi 2 năm gần đây qui định tác phẩm phải được thu âm hoặc trình diễn mới được đưa vào tiêu chí giải, song có lẽ sự xa cách với đời sống của giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam phải cần một thời gian nữa mới có thể kéo gần.

Ngược lại, sự bùng nổ các giải thưởng khác sau này lại cực đoan sang chiều khác: đẩy quyền tự quyết vào tay công chúng qua những cuộc bỏ phiếu tự do. Kết quả mà ở nước ngoài người ta chỉ dùng để tham khảo, lại được đẩy lên thành giải thưởng nghiêm túc, mang tính tôn vinh. Bởi vậy, chẳng bao lâu tất cả các gót chân Achine đều lộ ra hết: đó là sự thao túng giải thưởng của một bộ phận công chúng dẫn đến sự lệch lạc những giá trị đích thực.

Chưa kể, do trình độ còn hạn chế, bộ phận công chúng (được coi là tất cả công chúng) này đã kéo giá trị giải thưởng xuống mức báo động khiến các nhà tổ chức cuống cuồng kéo những hội đồng nghề thuật, hội đồng cố vấn vào cuộc. Thực tế là khó có thể có một khung giải thưởng nào “vừa” với kiểu lắp ghép nghệ thuật và công chúng kiểu này.

Sinh sau đẻ muộn, giải âm nhạc Cống hiến đã cố gắng xác lập một “đường ray” riêng: đây là cuộc bầu chọn của các nhà báo viết về âm nhạc trong cả nước (từ đề cử đến bỏ phiếu bầu chọn cuối cùng), những công chúng đặc biệt và cụ thể của nhạc Việt. Đặc biệt ở chỗ, họ không chỉ nghe, xem, đánh giá những sản phẩm âm nhạc, những nhạc sĩ, ca sĩ… bằng cảm quan của một công chúng âm nhạc, mà còn bằng khả năng và chức năng phát hiện, tôn vinh những giá trị thật; tìm kiếm và dự báo những giá trị mới, những khuynh hướng của tương lai.

Ít nhất, trong thực tế hiện nay, cuộc bầu chọn của các nhà báo – cây cầu nối giữa công chúng và nghệ sĩ – đã kéo gần lại sự xa cách giữa tính đại chúng và tính nghệ thuật. Có thể nhìn thấy ngay sự nối kết này trong bảng đề cử những giải thưởng cho 4 hạng mục trọng yếu làm nên thị trường âm nhạc năm qua.

Ở hạng mục Album của năm, có thể không phải là những album bán chạy nhất, thậm chí có thể bán được rất ít, nhưng bắt buộc chúng phải được phát hành từ 1/1/2008 đến hết 31/12/2008, và chắc chắn chúng là những album được làm với chất lượng phòng thu (kỹ thuật) hàng tốt nhất hiện nay, có chất lượng về nghệ thuật và được các nghệ sĩ thực hiện với khát vọng làm nghề chứ không phải làm… tiền: “Bóng tối ly cà phê”, “Thời gian để yêu”, “Kiếp nào có yêu nhau”, “Trần Tiến 08”, “Trở lại”.

Một năm khó khăn cho các chương trình biểu diễn, song dù ít đi (về số lượng), chất lượng chương trình không vì thế giảm sút, mà với một trong số, thậm chí còn được chăm chút hơn cho cả phần nghe, nhìn. Sự bền bỉ, kiên nhẫn tôn vinh ca khúc mới sạch sẽ, đương đại, có những đóng góp cho sự phát triển của bài hát Việt Nam (Bài hát Việt) bên cạnh cố gắng làm mới mẻ, trong sáng những giá trị âm nhạc cũ, cổ điển đều nằm trong những nỗ lực làm nghề đáng được ghi nhận (Con đường tình ta đi, Chuyện tình yêu, Unlimited Symphony).

Và sự tươi mới, tính phát hiện và dự báo là một nét xuân trong những đề cử ở hạng mục Nhạc sĩ của năm và Ca sĩ (nhóm hát, ban nhạc) của năm. Lưu Thiên Hương, Nguyễn Đức Cường (nhạc sĩ), Hà Anh Tuấn, Unlimited (ca sĩ) bên cạnh các “ngôi sao của công chúng” Hồ Hoài Anh, Đỗ Bảo (nhạc sĩ), Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà (ca sĩ) chính là sự trân trọng ấy. (Nên nhớ rằng, ngay ở Grammy, việc phát hiện và tôn vinh tài năng mới luôn được đặt lên hàng đầu. Ở một giải thưởng hằng hà sa số các ngôi sao như vậy, 1 trong 4 giải quan trọng nhất và duy nhất dành cho nghệ sĩ (3 giải còn lại dành cho đĩa nhạc và bài hát) chính là giải Nghệ sĩ mới xuất sắc (Best New Artist).

Tất nhiên Cống hiến hoàn toàn không phải một Grammy Việt Nam, tính chuyên môn của nó còn khá thấp (do thực tế báo chí ở ta rất thiếu vắng những cây bút chuyên ngành phê bình âm nhạc). Mặt khác, để có một Grammy Việt Nam chuẩn sẽ còn rất nhiều vấn đề của thị trường và bản thân ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam (dành để nói ở một bài viết khác).

Nhưng nó cho biết giấc mơ ở Việt Nam về một giải thưởng âm nhạc nghiêm túc, đồng thời vẫn có tính đại chúng, được cả nghệ sĩ lẫn khán giả “tâm phục khẩu phục”, từ đó góp phần quan trọng trong việc định hướng thẩm mỹ âm nhạc của thị trường và thúc đẩy nền công nghiệp âm nhạc phát triển theo tiêu chí nghệ thuật hướng tới công chúng, như Grammy đã làm, vẫn chưa bao giờ tắt…

(*) Giải thưởng âm nhạc Cống hiến do báo Thể thao & Văn hóa khởi xướng từ năm 2004 – chính thức trao giải vào mùa xuân năm 2005 – nhăìm tìm kiếm và vinh danh những cá nhân, chương trình có nhiều đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc nước nhà.
Tiếp nối thành công 2007, Giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2008 do báo Thể thao & Văn hóa, công ty Le Bros và Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam VTC đồng tổ chức tại Nhà hát Tp.HCM vào 19h30 ngày 11/3 và được truyền hình trực tiếp trên VTC1.

Thủy Phạm

Thực hiện: depweb

16/03/2009, 14:01