Những kẻ... homestay bất đắc dĩ - Tạp chí Đẹp

Những kẻ… homestay bất đắc dĩ

DELETED

Được sự đồng ý của chủ nhà, chúng tôi quyết định ngủ lại một đêm để mai lên thuyền sớm. Dựng xe dưới sân, bước lên mấy bậc tam cấp là thấy trước mắt một khoảng không thoáng đãng, thật quá xa xỉ với những kẻ quen ngồi trong 4 bức tường như chúng tôi.


Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ lên thuyền ngược sông Đà từ Cửa Nánh (xã Bưa Sen, Đà Bắc) lúc 1 giờ chiều, nhưng một trong hai chiếc “cào cào” bỗng dưng dở chứng giữa đường. Thời tiết vốn chẳng ủng hộ, hết ngày phóng xe băng đèo trong mưa nhão đất nhão cát, rồi nắng lên cháy bỏng rát tay.

Vậy mà còn hỏng xe giữa khúc đường không một bóng người. Và giữa trưa của cái nắng vùng cao ấy, sau 30 phút hì hục tăng bo, chúng tôi ngồi vạ vật ăn cơm nắm mang theo, và bát canh mùng tơi chị chủ nhà nấu tạm, trong cái lán nhỏ để anh thợ đánh vật với xe.

Hai vợ chồng người thợ sửa xe vốn quê Hải Dương, lên Hà Nội sinh nhai. Rồi không hiểu lý do gì mà vợ anh nhất định đòi đưa cậu con trai, nay đã 5 tuổi, lên đây sống.

Cả gia đình 3 người ở trong cái lán gỗ sàn đất, tối tăm và đồ đạc tuềnh toàng, thậm chí công trình phụ còn không có. Nhưng anh bảo đã quen rồi. Còn chị thì cả ngày cứ bế con đi ra đi vào, nhưng gương mặt có vẻ hài lòng với cuộc sống bình dị này. Cũng may, nhờ có vài năm làm thợ ở Khâm Thiên mà anh đặc trị được các loại cào cào.

Anh bảo Tây balô hỏng xe dọc đường suốt, các thợ khác thì chắc chắn bó tay.
Chậm 4 tiếng so với kế hoạch, đến được Cửa Nách đã là 4 giờ chiều. Thật tình là đi muộn mà tôi lại khấp khởi trong lòng, hy vọng thuyền có thể đi xuyên đêm, thêm viễn cảnh ngắm trăng sông Đà trên thuyền.

Chúng tôi lò dò xuống con dốc sâu hút từ chân núi xuống gần bãi sông, vào sân một nhà sàn. Cậu chủ nhà trẻ măng, chỉ tầm 20 tuổi, lắc đầu: Lòng sông nhiều đá ngầm lắm, ngày xưa các cụ thuộc lòng vị trí từng dòng chảy, từng dãy đá nên có thể cho thuyền đi đêm. Nhưng từ ngày làm thủy điện, dòng nước thay đổi nên chẳng ai dám mạo hiểm đâu.

Năm nào cũng có tàu đâm phải đá đấy. Vậy là tiêu tan viễn cảnh. Bù lại, chẳng biết có được gọi là Tái ông mất ngựa không, chúng tôi lại được trải qua một buổi tối đáng nhớ khác.

Được sự đồng ý của chủ nhà, chúng tôi quyết định ngủ lại một đêm để mai lên thuyền sớm. Dựng xe dưới sân, bước lên mấy bậc tam cấp là thấy trước mắt một khoảng không thoáng đãng, thật quá xa xỉ với những kẻ quen ngồi trong bốn bức tường như chúng tôi.

Căn nhà sàn toàn bằng gỗ nằm cách bờ sông chừng 100m, chia làm 2 gian. Gian chính rộng chừng 100m, sạch sẽ và giản dị, toàn bộ sinh hoạt của các thành viên trong gia đình diễn ra ở đó. Gian ngoài là nơi chứa lương thực, chạn và bếp lửa.

Trên gác mái đầy bồ hóng là vài túm ớt khô. Bỗng nhiên thèm cảm giác nhìn và hít hà những tảng thịt trâu, thịt lợn hong khô nguyên màu khói. Cậu chủ nhà bảo ở đây không làm thịt gác bếp.

Dưới sân gà và lợn con, lợn mẹ dắt díu nhau đi kiếm ăn. Ngộ nghĩnh nhất là đàn lợn con đen sì, con nào con nấy bé như quả dưa non, chạy lũn cũn, bụng õng xuống và đuôi ngoáy tít. Ngoài sân có vòi dẫn nước sạch từ trên núi, trong veo và mát lạnh, chảy không ngừng.

Còn mọi nhu cầu… giải quyết khác đều được chỉ… xuống dưới. Cứ thế mà lần theo dốc, len lỏi giữa tre và lau lách, tự tìm cho mình một chỗ (!)

Khi chúng tôi tới nơi, nhà chỉ có cậu thanh niên lúc nãy và một người phụ nữ chừng 24 tuổi đang cho con bú. Bảo nhau, ái chà, cậu chàng trông trẻ măng mà đã có con rồi sao. Hỏi ra mới biết đó là chị dâu, anh trai cậu đang đi săn chưa về.

Chủ nhân căn nhà là gia đình người Thái, chuyển về đây thời lập bản kinh tế mới. Ông Chàn và bà Tay năm nay đều đã gần 50, sống bằng nghề chài lưới. Cả ngày ông bà ở trên con thuyền neo dọc sông, đến bữa cơm mới lên nhà. Chàng trai mà chúng tôi gặp ban đầu là con trai út. Chị gái cậu đã lấy chồng, dựng một căn nhà sàn ngay bên cạnh, con gái cũng đã gần 7 tuổi.

Ngồi nghỉ ngơi một lát thì người anh trai về, trên tay là khẩu súng kíp đen dài chừng 1,5m, cán gỗ bóng lên vì mồ hôi, trái ngược hẳn với gương mặt hiền lành của anh. Anh cười hơi ngượng ngùng, chào chúng tôi và kể, ngày nào anh cũng xách súng đi săn, nhưng chủ yếu bắn chim, thỉnh thoảng được con sóc hoặc gà rừng là may, nhưng cũng lâu lắm rồi!

Người đàn ông ít nói này sau đó gây ấn tượng khá mạnh cho chúng tôi. Anh treo khẩu súng lên, lấy vải buộc thành chiếc xích đu cho cô cháu gái. Rồi cả buổi tối thấy anh hết chăm sóc con lại quay ra dọn dẹp, đun nước. Buổi tối, sau khi giăng màn cho vợ con, anh lục đục trải chăn đệm tinh tươm cho chúng tôi, còn pha sẵn ấm trà mạn mời khách.

   

Thấy chúng tôi nhất định đòi ngủ trong bếp, anh có vẻ áy náy lắm. Hai chị em chúng tôi gật gù bảo nhau, một người đàn ông mà phụ nữ mơ ước có khi cũng chỉ vậy.

Rửa mặt bằng thứ nước mát lạnh thật sự làm mọi giác quan được tỉnh táo. Chúng tôi đi chợ bản cách đó vài trăm mét. Những người ở nhà hồi hộp, chắc mẩm phen này chắc được ăn “gà núi” luộc nguyên con xé tay. Nhưng cuối buổi nên cả chợ hầu như chỉ còn lại toàn… cá biển đông lạnh.

Ở rừng chỉ 5 giờ là trời đã đổ tối. Đi chợ về lại nhớ ra lâu lắm mới phải xoay vần mổ cá, đánh vẩy. Biết vậy chắc ban đầu chỉ mua toàn trứng, luộc lên chấm mắm là gọn nhất. Đổi lại, cái thú nổi lửa nấu cơm không phải lúc nào cũng có được. Nhà chỉ có một bếp lửa nên chúng tôi hì hục đến 8 giờ tối mới xong bữa cơm với mấy món đơn giản.

Hai vợ chồng chủ nhà ghé về cũng chỉ kịp chuẩn bị mấy thứ đồ ăn cũ rồi quay lại thuyền. Đêm nào họ cũng phải ngủ lại trông thuyền. Sáng hôm sau, hai ông bà về lúc 5 giờ, chỉ đánh được 3 con cá măng nhiều xương ít thịt.

Ngoài bà mẹ, cả gia đình không ai còn mặc đồ truyền thống nữa. Tất cả đều đã quần áo váy vóc như người Kinh cả. Nhưng trong gia đình với nhau, họ vẫn nói tiếng Thái. Cả gia đình người Thái này có vẻ bẽn lẽn. Bữa cơm gần chục người lớn và 2 đứa trẻ con mà chỉ nghe thấy tiếng nói chuyện thủ thỉ.

Cậu em trai có vẻ là người xông xáo và bạo dạn nhất, mang ra can rượu ngô – thứ rượu thơm và ngọt nhẹ, nhưng uống vào ngấm từng ngụm – rồi trân trọng rót vào bộ ly thủy tinh chân cao được cất kỹ, chắc chỉ dùng khi có khách và lễ Tết. Một lúc thì thấy 3 người thanh niên bản đến chơi, ngồi xem tivi.

9 giờ, xong bữa là gia đình người anh đã buông màn đi ngủ. Cậu em trai sau khi ngồi nán lại uống ngụm trà thì lấy xe máy đi chơi cùng thanh niên bản. Cậu bảo vào tận khu trung tâm, chính là nơi chúng tôi đã sửa xe ban sáng. Tôi nghĩ lại quãng đường quanh co và xóc nảy người ban chiều mà toát mồ hôi. Cậu đi đến sáng hôm sau mới về, không biết vì có mặt chúng tôi hay ngày nào cũng vậy.

Mấy người chúng tôi dọn dẹp chỗ nằm đối diện bếp, cạnh những bao tải ngô. Đêm đến, thứ mùi khen khét của tro bếp và sàn gỗ mới khe khẽ bốc lên. Tôi nằm hướng đầu ra cửa sổ. Tất cả bên ngoài là một màu đen đặc quánh. Hôm đó trời mưa nên trăng cũng không ló. Chỉ có tiếng ếch nhái và côn trùng kêu râm ran.

Cả người bây giờ mới thấy mỏi nhừ nhưng lạ nhà và… muỗi nên mãi không ngủ được. Mà cũng có thể chỉ vì tiếc nuối cái cảm giác được ngủ trong một căn nhà sàn, bên cạnh là bếp lửa vẫn đang lặng lẽ nhả sợi khói mỏng từ đám tro tàn, nên không đành chợp mắt. Mơ màng một lúc đã thấy gà gáy sáng…

Đà Bắc là một huyện thuộc tỉnh Hòa Bình, Tây Bắc Việt Nam. Huyện lỵ là Thị trấn Đà Bắc, cách thành phố Hòa Bình khoảng 20km.

Tỉnh lộ 433 (của Hòa Bình) dài 90km, chạy xuyên suốt dọc theo sông Đà và qua Đà Bắc, từ thành phố Hòa Bình lên điểm mút là xã Đồng Nghê, qua các địa danh: Tu Lý – Ênh – Mường Chiềng – Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh – Cửa Nánh – Đồng Nghê.

Bên kia sông Đà là huyện Mộc Châu và huyện Mai Châu. Ngược lên hết đất Đà Bắc là huyện Phù Yên (Sơn La) và huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Dọc tỉnh lộ 433 có nhiều bản của người Tày, Mường, Thái.

Vũ Thủy
Photo: Passion/361studios.vn; XuanlamHN

Thực hiện: depweb

18/08/2009, 17:42