Kỳ quan trong tủ kính - Tạp chí Đẹp

Kỳ quan trong tủ kính

DELETED

 

Và bầu trời tưởng tượng ấy còn bao phủ những tủ kính trưng bày dọc theo các dãy phố đầy hơi gió hoặc ngập mưa tuyết tháng Mười Hai. Nếu có dịp tới New York, bạn chắc không chỉ một lần thở dài trước những câu chuyện cổ tích được kể lại trong tủ kính tiệm Macy’s lớn nhất nước Mỹ ở Phố 34, New York, hoặc ngây người trước những giày những túi đung đưa bên đầu hươu nạm pha lê trước Saks Fifth Avenue ở chính Đại lộ số 5 lừng danh. Bao quanh tòa bách hóa đồ sộ này luôn có những hàng người dài dặc nối đuôi nhau xem các trưng bày tủ kính mùa Giáng sinh.

Thu mình trong áo ấm, bạn sẽ không ngần ngại đứng vào dòng người đó để chờ đến lượt thưởng thức cảnh chú-bé-không-bao-giờ-lớn Petter Pan bay lượn trong các cuộc phiêu lưu, hay những màn nhào lộn trong tiếng nhạc chuông vui tươi của các chú hề. Rồi lập tức tưởng như mình đang ở trong một rạp phim hay một nhà hát và không cảm thấy bất kỳ sự chào hàng cố tình nào. Trưng bày tủ kính (window display) cho các cửa tiệm, nhất là vào dịp lễ cuối năm, là sự pha trộn giữa hai hoạt động – sáng tạo nghệ thuật và quảng bá sản phẩm. Những tủ kính trưng bày không chỉ thu hút khách xem, mà còn khiến số đông ghi nhớ thêm hình ảnh của các thương hiệu thời trang. Và hơn nữa, thôi thúc họ thực sự bước chân vào tiệm. Trong mười năm trở lại đây, trưng bày tủ kính đã dần trở thành một bộ phận đáng tự hào của nghệ thuật sắp đặt, nhiếp ảnh, thậm chí điện ảnh, với những tác phẩm tĩnh hoặc động vô cùng đặc sắc và gây ấn tượng mạnh.

Song ít ai hình dung được, những tác phẩm nghệ thuật và kỹ thuật này lại chiếm nhiều công khó của không ít người. Từ giới chủ, các nhà quản lý kinh doanh, đến các nhà thiết kế và các nghệ sĩ cộng tác, trong việc lên ý tưởng và thực hiện, có khi kéo dài nhiều tháng trời. Mùa hè vừa qua, ở góc đường hẹp nhất Manhattan, góc Đông Bắc giữa Đại lộ số 5 và Phố 37, trên một phần tường tòa nhà của tiệm Louis Vuitton, đã xuất hiện một công trình đẹp mắt – bức tranh tường khổng lồ với những chấm tròn polka nổi tiếng đang cuộn những vòng xoáy kỳ ảo. Lúc thì như bọt nước tung tóe, khi lại trông như chiếc nơ điệu đà trên mái tóc một thiếu nữ. Tác giả của bức tranh tường ấy chính là một trong những nghệ sĩ lớn nhất sau Thế chiến Hai, một phụ nữ Nhật đã 83 tuổi – Yayoi Kusama.

Chính giám đốc sáng tạo nhà Louis Vuitton, Marc Jacobs, người trước đây từng mời không ít nghệ sĩ Nhật như Takashi Murakami, đã mời bà thiết kế trưng bày này. Bà cũng nhận lời đồng thiết kế một số sản phẩm đặc biệt có họa tiết polka dot của Louis Vuitton, được tung ra trước và trong mùa lễ năm nay. Không ai có thể lý giải rõ ràng, đây là câu chuyện sáng tạo nghệ thuật hay câu chuyện kinh doanh thu bộn tiền bạc. Và cũng không cần tận mắt thấy bức tượng sáp của bà ở Đại lộ số 5, vẫn có thể thấy dấu ấn của bà ở nhiều nơi khác mà Louis Vuitton có cửa tiệm. Ở Paris, Cannes, Singapore, Thượng Hải và cả Tokyo nữa, những ô kính mang sắc màu rực rỡ và những chấm tròn nhảy nhót rất Kusama. Ở góc mỗi mặt kính trưng bày đều trang trọng để tên bà, cứ như chữ ký trong các bức tranh nổi tiếng vậy. Nhưng không đâu có bức tranh nổi tiếng ở Phố 57. Để hoàn thành nó, kiến trúc sư tài danh Jun Aoki đã dùng phương pháp tối giản đơn điệu để dựng nên những dòng thác kính mỏng màu trắng ngà. Cách trình bày tương phản với các gam màu rực rỡ ở các tiệm Louis Vuitton khác cho thấy sức mạnh phản chiếu của cái gọi là nghệ thuật tối giản mong manh. Chính những màu sắc và đường nét nhạt nhòa nhất lại làm cho hình ảnh Louis Vuitton nổi bật và đậm nét hơn trong lòng người.

 

Tác giả của bức tranh tường ấy chính là một trong những nghệ sĩ lớn nhất sau Thế chiến Hai, một phụ nữ Nhật đã 83 tuổi – Yayoi Kusama.

Nếu bạn tới Paris, thì không thể không ghé đại bản doanh của nhà Hermès ở số 24 phố Faubourg Saint-Honoré. Đối với các tay mua sắm ngó (window shopper) hoặc thứ thiệt sành sỏi, thì cửa tiệm này vẫn là nơi có một trong những màn trình diễn tủ kính tuyệt nhất.

Giống như những vẻ đẹp thần thoại thường trở nên ngày càng cuốn hút, những tủ kính ở đây không bao giờ khiến ta thất vọng. Chúng được thay đổi bốn lần trong một năm và mỗi lần thay đổi như thế đều là một sự kiện. Chúng được thiết kế để “tạo nên một bầu khí quyển xa xỉ và mơ mộng”. Có lần những ô kính trưng bày mùa hè của Hermès là hình ảnh của một chuyến đi biển tuyệt hảo, có tiếng sóng, có cát, những tác phẩm điêu khắc, những chiếc quần ống bó duyên dáng và thậm chí còn thoảng mùi nước hoa Eau Verte trong không khí nữa. Vào một dịp mùa thu, dường như trong những ô kính ấy lại có tiếng reo vui của củi lửa lách tách trong một lò sưởi hoàng tộc, với da thuộc màu sắc đậm đà, những chiếc khăn lụa, những trang sức và đồ kim loại chạm khắc tinh tế, những bức tranh và những tay áo bằng nhung.

Chỉ với một cái nhìn qua lớp kính, bạn có thể cảm nhận được cả một nền văn hóa, một thế giới đặc thù với những giá trị và cách thức làm việc riêng. Chắc Jean Louis Dumas Hermès, hậu duệ đời thứ năm, sẽ nói bằng giọng rất mềm mỏng vốn có của ông, rằng “phải làm cho truyền thống trường tồn bằng cách khuấy động nó lên”.

Leila Menchari, Giám đốc thiết kế trưng bày và quảng bá thương hiệu của Hermès từ hơn 30 năm qua đã nhấn mạnh rằng, trong việc trưng bày tủ kính, Hermès tạo ra các sản phẩm, chứ không phải những mặt hàng thời trang. “Sự khác biệt giữa một tác phẩm và một món thời trang là tác phẩm thì được sáng tạo một cách tinh tế, không tuân theo trào lưu thời thượng và không bị thời gian đào thải. Tác phẩm thường tăng giá trị với thời gian, tồn tại lâu dài trong một đời người, rồi truyền qua đời khác. Tác phẩm có thể trở nên rất vô giá, vì nó dẫn dắt trí tưởng tượng và tình yêu thương”.

Leila đã không hề nói quá, khi gọi nghệ thuật trưng bày tủ kính là một hành động của đức tin. Nhìn ngắm những ô kính trưng bày của nhà Hermès, ta có thể cảm nhận được lòng tin vào vẻ đẹp vĩnh cửu của nghệ thuật, vượt lên trên những giá trị nhất thời của thời trang. Nếu lạc vào một cuộc thảo luận trên một blog thời trang nào đó, bạn sẽ tưởng người ta đang nói về các bức danh họa trong một triển lãm, chứ không phải đang nói về những tủ kính bày hàng năm 1961 của Madame Beaumel nhà Hermès.

Cách nhà Hermès không xa, trước cửa tiệm Lanvin thường có những màn trình diễn tủ kính rất kịch tính. Bạn chưa hết giật mình vì cái lườm khá thám tử của hai anh mannequin đội mũ phớt sụp xuống mặt, thì lại phải bật cười khi thấy những chiếc đầm dài màu chói (block colors) của các cô mannequin khác, đang căng tròn hết cỡ trước gió từ hai chiếc quạt máy. Các cô cậu mannequin nhà Lanvin thường có các tạo dáng rất hài hước, khi ngồi nghiêm nghị trầm tư đọc sách, khi nằm thõng thượt tắm nắng. Lanvin chú trọng vào cách chiếu đèn kiểu sân khấu và tạo dáng của các mannequin trong tủ kính, trông như những con người thật. Kể cả gương mặt của Giám đốc sáng tạo Albert Elbaz bọc trong giấy ánh kim cũng được trưng bày trong tủ kính của Barneys New York nhân kỷ niệm 10 năm ông vào Lanvin.

Không thể kể hết sự đa dạng của các ý tưởng thiết kế tủ kính trưng bày. Có khi là một bữa tiệc ngụ ngôn của các chú cáo, giống như trong bức tranh The Last Supper cổ điển trước cửa bách hóa Bergdorf Goodman, hay hai chiếc gối trắng tinh “Pillows Talk Bed”, đề tên vợ chồng Tổng thống Obama: Barack và Michelle trong tủ kính Calvin Klein. Lại có khi là những tranh cắt giấy tinh xảo bên nhà Tiffany và Donna Karan, hay những cây kem mập mạp của J Crew, hay hình ảnh các chú thỏ với các cành cây khô trong rừng bên nhà Hermès. Những thông điệp nghệ thuật và nhân văn sau tủ kính ấy có liên quan gì đến việc kinh doanh thời trang?

 

Hermès tin vào vẻ đẹp vĩnh cửu của nghệ thuật với quan điểm Hermès tạo ra các tác phẩm, chứ không phải những mặt hàng thời trang. 

Nếu trước đây Monsieur Thierry Hermès phải đi dạo khắp châu Âu để tự chào hàng cho mình, thì ngày nay những nhân vật quyền lực nhất lại phải tự tìm đến thăm nhà Hermès và dừng lại chiêm ngưỡng những ô cửa kính ở tiệm cửa Phố Faubourg. Trong sổ lưu niệm khách hàng, giữa những cái tên của các công chúa Ả Rập, là Jacqueline Kennedy Onassis, Andy Warhol, Jimmy Carter of Georgia… Có nhiều người bị những ô kính – nhà hát ấy mê hoặc tới mức đòi mang chúng về nhà. Song những là bùa của Leila, nếu có, thì lại làm bằng những đồ vật rất hiện thực. Những thứ được bà trưng bày đều tồn tại trong đời sống và khách thăm luôn tìm ra món mà mình yêu thích.

Có một tay bán kim cương người Thụy Sĩ thích dùng các đồ vật có hình tê giác. Một hôm đi qua đi qua tủ kính phố Faubourg, bày con tê giác có sừng mạ vàng, mắt bằng đá mã não và các móng chân tráng men hồng. Nhà buôn kim cương cứ nằng nặc đòi mang chú tê giác về nhà, cùng với toàn bộ tủ kính trưng bày đó. Giống như chàng Santa – Kris trong phim Kỳ tích trên Phố 34, làm cho khối trẻ con và cả người lớn nữa cứ tưởng đây là ông già Noel thật; nhưng tủ kính trưng bày của Hermès, Louis Vuitton, Lanvin… khiến bao người háo hức bước vào trong các cửa tiệm may, có khi chỉ để dạo quanh, có khi để mua một thứ gì đó. Và bước ra với cảm giác đang rước một giấc mơ về nhà.

Bài: Tiệp Quyên
Theo f

Thực hiện: depweb

18/12/2012, 11:49