Mua mỹ phẩm theo nhóm: Rước toàn hàng nhái - Tạp chí Đẹp

Mua mỹ phẩm theo nhóm: Rước toàn hàng nhái

Tin Tức
Không còn đơn điệu với các dịch vụ thông dụng như ăn uống, spa, tour du lịch…, hình thức “bán hàng theo nhóm” đã được “nâng cấp” với mặt hàng được gọi là cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng (NTD). Thế nhưng sự đa dạng này lại khiến cho NTD không phân biệt được đâu là hàng thật và đâu là hàng giả.

Chị Trần Thanh Hằng (quận Tân Bình, TP.HCM) – nhân viên kinh doanh ở một khách sạn, kể: “Vừa rồi, tôi muốn mua sữa rửa mặt TheFaceShop trên một trang bán theo nhóm, giá chỉ còn 75.000 đồng so với giá gốc 100.000 đồng. Tuy nhiên, khi gọi điện thoại đến cửa hàng TheFaceShop, nhân viên cho biết sản phẩm của họ không bán trên trang này, chỉ giảm giá khi đến cửa hàng mua trực tiếp”. Còn chị Nguyễn Hằng Nga – nhân viên kế toán một công ty bất động sản (quận 11, TP.HCM) bức xúc: “Mang danh là xách tay nhưng khi tôi đến nơi chọn hàng thì nhân viên chỉ vào một đống vất vưởng dưới đất. Thật không ngờ!”.


Nhà phân phối chính hãng lên tiếng

Trưởng đại diện đơn vị phân phối độc quyền nhãn hàng Calvin Kelin tại Việt Nam – Công ty TNHH Quốc tế Phước Mỹ nói rõ: “Chúng tôi không hề có hoạt động bán hàng trên trang mua hàng theo nhóm nào”. Sau khi người viết gửi đường link trang Nhommua.com có bán sản phẩm Calvin Klein Euphoria EDT, vị này nói: “Sản phẩm của Calvin Klein trong trang Nhommua.com rất lạ vì chai nước hoa 3,4 OZ chính hãng có dung tích 100 ml nhưng trên đó ghi là 30 ml”. Liệu đó có phải là hàng xách tay? Vị này cho biết: Hàng xách tay có nhiều kích cỡ giống như hàng chính hãng nhưng chai Europhia đơn vị 3,4 oz thì chắc chắn phải là 100 ml chứ không thể là 30 ml được!

Nhiều nước hoa cao cấp bán với giá rẻ, coi chừng hàng không rõ nguồn gốc.

Còn ở trang Toithich.vn có đăng tin bán nước hoa Lancôme – Trésor Midnight Rose 75 ml với giá 129.000 đồng thay vì giá gốc là 258.000 đồng. Đại diện hãng Lancôme tại Việt Nam khẳng định: Giá sản phẩm chính hãng là khoảng 2 triệu đồng!

Chị Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc đối ngoại truyền thông Công ty L’Oreál Việt Nam, cũng xác nhận: “Công ty không làm việc với các trang bán hàng theo nhóm. L’Oreál Việt Nam phân phối mỹ phẩm của nhiều thương hiệu, trong đó nước hoa Lancôme, chỉ bán ở Trung tâm thương mại Parkson và Diamond”.

Tương tự, đại diện tại Việt Nam của các thương hiệu mỹ phẩm khác như Burberry, Salvatore Ferragamo đều khẳng định không có hoạt động mua bán gì với các trang bán hàng theo nhóm. “Chúng tôi có cái khó khi không kiểm soát được vì sản phẩm chỉ rao bán trên trang X một hai ngày, rồi chuyển sang trang Y, Z, thậm chí có những trang chủ nằm ở nước ngoài”.

Nhà mạng: Cứ “níu áo” nhà cung cấp?

Bà Trương Tố Linh, Giám đốc trang Hotdeal, giải thích: Hàng mỹ phẩm thường có nhiều nguồn nhập về. Do đó, “có thể các sản phẩm này có giá thấp do nhà cung cấp không mất chi phí quảng bá, thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại lớn. Cũng có trường hợp sản phẩm là hàng nhái, tùy thuộc vào khả năng thẩm định của mỗi trang bán hàng theo nhóm”.

Đại diện Nhommua thì chỉ phản hồi về mặt hàng nước hoa Calvin Klein là có ủy quyền kinh doanh của nhà cung cấp Merchant, được đảm bảo không có hàng giả, hàng nhái.

Còn đại diện Toithich.vn không giấu giếm: “Sản phẩm chúng tôi bán trên mạng cũng có thể là hàng nhái, hàng giả do nhà cung cấp trộn vào. Vì vậy, chúng tôi có điều kiện ràng buộc nhà cung cấp cam kết chịu trách nhiệm trước NTD nếu có sự cố”. Ông cũng thừa nhận: Bản thân DN của ông cũng như chủ những trang web bán hàng theo nhóm thường không đủ nhân lực và kinh nghiệm để xác minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm mà chỉ duyệt giá phù hợp hay không mà thôi.

Như vậy, NTD khi phát hiện hàng giả, hàng nhái thì cứ “níu áo” nhà cung ứng hàng cho nhà mạng? Khi đó, nhà mạng sẽ rất khỏe để chối trách nhiệm, còn NTD e được vạ má đã sưng!

Theo Pháp luật TP.HCM

Thực hiện: depweb

27/07/2012, 11:30