Men of The Year 2017 - NSƯT Hữu Châu: Nghệ sĩ là người không bao giờ chỉ biết ngủ, biết ăn mà còn phải biết nạp - Tạp chí Đẹp

Men of The Year 2017 – NSƯT Hữu Châu: Nghệ sĩ là người không bao giờ chỉ biết ngủ, biết ăn mà còn phải biết nạp

Sao

Có được Lệ Liễu là do tổ đãi

Nhiều ý kiến cho rằng anh đã cháy hết mình với Lệ Liễu trong “Lô tô” và nhận được tình cảm của khán giả lẫn giới chuyên môn. Thành công này mang lại điều gì lớn nhất cho anh?

Nói về nghề thì với tôi vai Lệ Liễu là một may mắn. Đến bây giờ tôi vẫn suy nghĩ một điều: hình như lứa của tôi, ngoài chuyện tài năng còn là sự may mắn. Ở sâu khấu, tôi đã đóng nhiều vai chính lẫn phụ và tự hào mình là một diễn viên giỏi. Nhưng với điện ảnh, tôi vẫn phải học hỏi từng chút một và chưa bao giờ có suy nghĩ đóng vai chính. Nói cách khác, tôi được Tổ đãi!
Vai Lệ Liễu mang đến cho tôi hạnh phúc, giúp tôi khẳng định hơn nữa về nghề nghiệp, về kỹ thuật biểu diễn, chứng minh con đường mà mình đã đi từ hồi nào tới giờ. Tôi luôn tâm niệm: Mình cứ đi, nếu có duyên thì vai diễn đó sẽ đến, không cần phải giành giật với ai cả.

huu-chau-2
Trang phục: V.82Store

Đã qua một quãng thời gian đủ dài để nhìn lại, anh thấy Lệ Liễu của mình đã trọn vẹn chưa, còn gì để tiếc nuối nữa không?

Sự nhìn nhận của khán giả tôi rất cảm kích, nhưng khi xem phim ngoài rạp, tôi giật mình tự hỏi: “Ủa, sao mình lại diễn như vậy?” Có vài chỗ đối với tôi là không hay, tôi muốn diễn kiểu khác. Tuy nhiên, trong nghệ thuật cái gì đã làm rồi, đã trưng ra với khán giả rồi thì không còn sửa được nữa.

Nên lúc đó, tôi chỉ biết tự nhủ trong lòng: “Phải chi trong quá trình quay, mình bớt bạc nhược một chút”. Bạc nhược ở đây là gì? Do phải quay đi quay lại nhiều lần, tôi hơi mệt nên mới thỏa hiệp, chỗ này quay như vậy là được rồi. Phải chi lúc đó, tôi ráng một chút thì vai diễn sẽ trọn vẹn hơn.

Có thể anh hơi khắt khe với mình, còn cá nhân tôi lại thấy nếu không phải là Hữu Châu thì không ai có thể diễn được Lệ Liễu. Thậm chí vài ý kiến cho rằng, đây là một trong những vai diễn xuất sắc nhất của Điện ảnh Việt Nam. Để có sự nhập tâm một cách xuất thần như vậy, xin hỏi anh đã vận dụng kỹ thuật hay cảm xúc là nhiều?

Cảm xúc chắc chắn có, nhưng vẫn không thể thiếu kỹ thuật. Kỹ thuật đó là do cả một quá trình đúc kết. Tôi học được nhiều từ cô Thanh Nga – một hình tượng đào chánh của nghệ thuật sân khấu, ngay cả dáng ngồi của Lệ Liễu cũng là tôi học được từ cô. Rồi năm tháng diễn cùng cô Kim Cương hay nhiều nữ nghệ sĩ khác giúp tôi tích lũy kinh nghiệm để dồn toàn lực cho Lệ Liễu.

Sau Lệ Liễu, anh đang chờ đợi một vai diễn như thế nào?

Tôi luôn xác định mình là diễn viên sân khấu, còn phim ảnh là nơi cho tôi được đi đây đi đó, được làm việc với một tập thể đông đúc ngoài sân khấu. Tôi không bao giờ chờ đợi, nhưng nếu vai diễn đến thì tôi sẵn sàng đón nhận. Tôi mong muốn được đóng vai một nhân vật lịch sử của triều đại nào đó, một vai phản diện giống như Thừa tướng trong phim “Tấm Cám” chẳng hạn.

Icon of The Year – NSƯT Hữu Châu
– Hoạt động nghệ thuật từ năm 1985
– Vai diễn sân khấu: Nguyễn Trãi (“Bí mật vườn Lệ Chi”), Lỗ Quý (“Lôi Vũ”),…
– Vai diễn điện ảnh: Lệ Liễu (“Lô tô”), Thừa tướng (“Tấm Cám – Chuyện chưa kể”)…

Nghệ sĩ càng giỏi thì càng khiêm tốn

Là thế hệ đi trước, hiện cũng đang đứng lớp giảng dạy diễn xuất cho các bạn trẻ mới vào nghề, khi nhìn về thế hệ sau, cảm giác trong anh là lạc quan hay bi quan?

Nói chung, thế hệ sau này vẫn có những em tốt chứ không phải không. Nhưng bên cạnh đó lại có rất nhiều em sống “ảo”, mà tiếp tay chính là truyền thông đã cổ súy cho sự dễ dãi.

Bây giờ, các em chỉ cần nhắm mắt ngủ một đêm, sáng dậy thành người nổi tiếng. Trong khi đó, nghề hoàn toàn không có. Đừng quên, những gì đến dễ dàng và nhanh chóng thì cũng trôi qua rất nhanh, không bền đâu.

Làm một người diễn viên nổi tiếng dễ lắm nhưng để người ta yêu mình, tôn trọng mình, tìm đến mình để được an ủi khi xem một vai diễn nào đó của mình, điều đó mới khó.

Bây giờ danh xưng nghệ sĩ được dùng một cách vô tội vạ, thậm chí có bạn trẻ còn tuyên bố cứ cầm mic lên là thành ca sĩ. Theo anh, điều gì làm nên một người nghệ sĩ lớn?

Người nghệ sĩ đừng bao giờ tự mãn. Ông bà nói hay lắm, càng giỏi thì càng khiêm tốn. Người nghệ sĩ khi làm nghề, người ta nhìn vào vai đó, thấy cả một quá trình luyện tập và biết được người nghệ sĩ đó sống như thế nào.

huu-chau-1

Thêm nữa, nghệ sĩ là người không bao giờ chỉ biết ngủ, biết ăn mà còn phải biết nạp. Nạp cái gì? Nạp cái hay và nạp những gì để mình học, giúp cho bộ óc của mình được linh hoạt. Thậm chí, cho dù đã ở vào vị trí thầy bà nhưng đừng quên còn phải học ở tụi nhỏ nữa. Và nhớ lúc nào cũng vậy, nổi tiếng thì dễ nhưng để người ta thương yêu, kính trọng mình mới là khó.

Anh thấy tình yêu nghề của các bạn trẻ hiện nay như thế nào? Có những gương mặt nào mà anh đang đặt lòng tin ở họ?

Phải nói thẳng là không bằng thế hệ tôi và trước tôi. Tụi nó yêu tụi nó nhiều hơn nhưng không phải đa số vì có những em rất tốt. Gần đây tôi thấy có Huỳnh Lập. Trong mắt tôi, Lập là một người thông minh, ham nghề mặc dầu có vài chỗ, do Lập còn trẻ nên chưa chín muồi về diễn xuất. Rồi Hải Triều nữa. Về nữ thì có Hoàng Vân Anh.

Đó là những em yêu nghề thực sự và mong muốn được làm nghề. Các em ấy có cái tai biết lắng nghe người lớn, biết lắng nghe lời hay lẽ phải của mọi người xung quanh. Tôi tin các em sẽ còn tiến xa trong nghề.

Trước khi có một Hữu Châu bây giờ, ai là người đã truyền cảm hứng cho anh?

Có một người nghệ sĩ mà tôi vừa thương vừa kính trọng và kêu bằng Ngoại. Nhiều năm nay, ngày đầu tiên ở bất kỳ lớp học nào, sau khi giảng về đạo đức của người diễn viên, tôi đều cho học trò xem phim về người nghệ sĩ ấy. Đó là NSND Bảy Nam.

Những lúc buồn, tôi thường lấy đĩa của gia đình, của cô Thanh Nga hoặc nghe câu vọng cổ của ông nội để tôi tựa lòng. Lúc khác, tôi xem đĩa của bà Bảy Nam. Đó chính là nguồn cảm hứng của tôi. Một nữ nghệ sĩ hơn 90 tuổi mà vẫn còn yêu nghề đến như thế thì tôi không là nghĩa lý gì hết. Và mỗi lần làm điều gì không phải, tôi tự cảm thấy mắc cỡ với những người mà tôi đã ái mộ, với bà Bảy Nam, với cô Thanh Nga, với ông nội.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh luôn an vui!

MEN OF THE YEAR 2017

Cứ mỗi cuối năm, theo thông lệ, Ban biên tập Tạp chí Thể Thao Văn Hóa & Đàn Ông lại cùng nhau ngồi xuống mạn đàm câu chuyện ai sẽ là người đàn ông của năm. Công việc vừa khó vừa dễ nhưng không phủ nhận là vô cùng hứng khởi. Đơn giản vì chúng tôi có dịp tìm kiếm những người đàn ông tạo chú ý không chỉ bởi thành tích cá nhân nổi trội mà còn truyền cảm hứng trong cộng đồng từ chính đam mê và lý tưởng mà họ đang đeo đuổi. Chẳng thế mà chủ đề của Men Of The Year năm nay là “Be A Man. Be Inspiring” – “Là một người đàn ông, hãy truyền cảm hứng” được tán thành nhiệt tình.

Trong danh sách dưới đây, chúng tôi tôn vinh 15 nhân vật ở các lĩnh vực khác nhau từ ẩm thực, thể thao, kinh doanh cho đến âm nhạc, điện ảnh. Những con người này, không chỉ tạo dấu ấn tại chính địa hạt của họ mà còn để lại ấn tượng mạnh trong cái cách mà mỗi người kiên trì với mục tiêu của chính mình. Là đầu bếp Jack Lee dẫu thành danh ở trời Tây vẫn quyết tâm hồi hương để đưa ẩm thực Việt ra thế giới, là đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh dám “cả gan” trái lời cha từ bỏ 4 năm đèn sách để chạy theo giấc mơ trở thành đạo diễn. Hay như doanh nhân Lê Đăng Khoa luôn ấp ủ tham vọng tạo nên nhiều thương hiệu nông sản Việt chất lượng cho thị trường quốc tế…

Lựa chọn nào cũng đều mang tính tương đối và Men Of The Year của TTVH & Đàn Ông không hề là ngoại lệ. Nhưng chúng tôi tin rằng, mỗi câu chuyện mà các nhân vật đem đến trong loạt bài đặc biệt này sẽ khiến độc giả nhận thấy, đàn ông Việt không chỉ ngày càng tài năng, đầy bản lĩnh mà còn truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng. Đúng như ước nguyện của chúng tôi “Là một người đàn ông, hãy truyền cảm hứng”.

Nội dung: Phạm Huyền – Giám đốc sáng tạo: Cúc Phương – Sản xuất: Đinh Nguyên

 

logo-moty-2017-2
Đọc thêm

– Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: Người dám tạo sóng thì sẵn sàng đương đầu với sóng

– Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Khi những “mong manh” cất lời

– Nhạc sĩ Khắc Hưng: Người tạo hit

– Siêu đầu bếp Jack Lee: Bữa ăn cuối cùng của tôi phải là món Việt

– Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Biết mình biết ta, trận nào cũng qua

– Đạo diễn Lê Thanh Sơn: Sự trở lại với “cú đấm hoàn hảo” đầu tiên

– Diễn viên Kiều Minh Tuấn: Tôi độc, lầy & lành

– Huấn luyện viên Mai Đức Chung: Vị thuyền trưởng luôn sẵn sàng vào vai phụ

– Vận động viên Dương Văn Thái: Không phải huy chương vàng, chiến thắng chính mình mới là mục tiêu cuối cùng

– Doanh nhân Lê Đăng Khoa: Dừng lại cũng là một bản lĩnh

– Trần Đặng Đăng Khoa: Không có con đường nào đi đến hạnh phúc, mà hạnh phúc là con đường mình đang đi

-Travel Blogger, Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi: Dịch chuyển để bình an

– Hoàng Lê Giang: Kẻ thích thách thức chính mình bằng những mục tiêu “điên khùng”

– Pretty Woman of The Year 2017 – Ninh Dương Lan Ngọc: Từ em gái thôn quê đến quý cô ưa mạo hiểm

Thực hiện: depweb

13/01/2018, 17:40