Lãnh Thanh: Đọc "Trạng Quỳnh" để giải tỏa căng thẳng và tìm kiếm năng lượng tích cực - Tạp chí Đẹp

Lãnh Thanh: Đọc “Trạng Quỳnh” để giải tỏa căng thẳng và tìm kiếm năng lượng tích cực

Sao

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng để tạo nên một thói quen mới con người ta phải mất tối thiểu 66 ngày, tối đa khoảng 254 ngày. Thời gian này sẽ còn thay đổi dựa vào hành vi, tích cách và hoàn cảnh của chủ thể. Nghĩa là chúng ta sẽ cần từ 2 đến 8 tháng để thay đổi một hành vi nào đó. Trong quyển sách yêu thích của nhiều tỷ phú mang tên “Sức mạnh của thói quen”, tác giả Charles Duhigg lật giở những câu chuyện kỳ diệu về thói quen và tuyệt đối nhấn mạnh rằng: thành công của một người phụ thuộc phần lớn vào những thói quen tích cực của họ. Chuyên đề “Bao lâu cho một thói quen mới?” hi vọng sẽ giúp bạn gạt bỏ những hoạt động tùy hứng lặp đi lặp lại liên tục, để sẵn sàng tạo nên những thói quen tích cực có thể thay đổi bản thân đồng thời đưa bạn đến gần hơn với những mục tiêu vốn đã đeo đuổi từ lâu.

Đọc thêm các bài trong chuyên đề:

Xây dựng và duy trì các thói quen có lợi liệu có thực sự khó?

“Bỏ túi” bí kíp học nhảy tại nhà từ gợi ý của biên đạo Quang Đăng

Cùng Lifestyle & Food Blogger Lê Ngọc “Nhà có hai người” “phá vỡ” lời nguyền hôm nay ăn gì

Jay Quân – Chúng Huyền Thanh gợi ý cách tập luyện tại nhà hiệu quả dành cho các couples

MC Liêu Hà Trinh: Hãy để viết lách là một “khoái lạc”!

Lãnh Thanh: Đọc “Trạng Quỳnh” để giải tỏa căng thẳng và tìm kiếm năng lượng tích cực 

Ít ai biết Lãnh Thanh có một thú vui là đọc sách. Trung bình với mỗi quyển sách anh sẽ đọc ít nhất 3 lần để lĩnh hội trọn vẹn cái hay của tác phẩm ấy. Anh cũng hé lộ mỗi lúc cần giải tỏa căng thẳng anh sẽ đọc “Trạng Quỳnh” – đó cũng là cách thức anh tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực.

Với nam diễn viên Lãnh Thanh, đọc sách mang đến cho anh nhiều điều bổ ích hơn là lớp nghĩa hiển hiện trên mặt giấy, vì mỗi lần đọc sách anh có cơ hội trải nghiệm một câu chuyện mới: “Tôi nghĩ đọc sách cũng như việc mình đang hoá thân vào nhân vật, mỗi lần đọc là một lần diễn xuất. Việc hoá thân vào mỗi nhân vật khi đọc sách rất hữu ích, nó giúp Thanh hiểu cách phát triển tâm lý nhân vật, từ đó hiểu cặn kẽ nguyên nhân của những hành động và cảm xúc của nhân vật”.

Tính cách cũng ảnh hưởng đến việc chọn sách

Lãnh Thanh cho rằng, việc lựa chọn một cuốn sách phản ánh rất nhiều về tính cách của người đọc. Giả dụ, một người luôn lạc quan, vui vẻ thường có xu hướng chọn những cuốn sách với nội dung nâng cao tinh thần, phát huy sức mạnh bản thân. Bản thân là một người yêu thích sự vui vẻ, Lãnh Thanh thích những cuốn sách có năng lượng tích cực, bên cạnh đó việc nghiền ngẫm những cuốn sách nhẹ nhàng, trầm lặng và nhiều cảm xúc cũng giúp anh có thời gian nhìn nhận và khám phá nội tâm bản thân nhiều hơn.

Nam diễn viên thích những cuốn sách có năng lượng tích cực hay những cuốn có nội dung nhẹ nhàng, trầm lặng và nhiều cảm xúc
Làm sao để “trị bệnh” lười đọc sách?

“Để tạo hứng thú với việc đọc sách, bạn nên bắt đầu từ những cuốn sách mà mình yêu thích, có nhiều cảm xúc lúc đọc”, nam diễn viên chia sẻ. Không cần để ý nhiều đến thể loại, chỉ cần là sách được đầu tư kỹ, đọc những quyển sách bản thân yêu thích vừa khiến tâm trạng trở nên tốt hơn, vừa là bước đầu hình thành nên thói quen đọc sách của bản thân. Sau khi đã quen với việc đọc sách, hãy dần thử tìm hiểu những đầu sách mới lạ hơn như sách về khoa học tự nhiên, xã hội, sách tâm lý, self-help… Việc này sẽ giúp bạn khó bị “nản” hơn so với việc đọc những thể loại “khó nhằn” ngay từ đầu.

Quyển sách mà Lãnh Thanh tâm đắc nhất là “Bố già” của nhà văn Mario Puzo. Anh thường đọc sách này mỗi khi rảnh và nghiền ngẫm thêm về ý nghĩa của cuốn sách. Mỗi lần đọc lại, anh phát hiện ra những chi tiết chưa hiểu được từ những lần đọc trước đó.
Đọc bất cứ lúc nào có cảm hứng

Những khi rảnh rỗi, nam diễn viên thường sẽ đọc sách bất cứ khi nào có cảm hứng. Vào những ngày lịch trình công việc bận trộn, anh sẽ sắp xếp một khoảng thời gian cố định cho việc đọc trong ngày dù cho đó chỉ là đọc truyện cười.

Lãnh Thanh cho biết, anh thường đọc những mẩu truyện cười như truyện Trạng Quỳnh như một cách giải tỏa sự căng thẳng: “Tôi thích đọc Trạng Quỳnh, đọc xong ngồi nghĩ ngợi mà cười một mình. Năng lượng tích cực từ đó mà được sinh ra”.

Lãnh Thanh cho rằng, việc quan trọng nhất trong việc xây dựng thói quen đọc sách là nên duy trì một khoảng thời gian đọc cố định trong ngày, đọc bất kỳ điều gì gây hứng thú
Những cách giúp ghi nhớ khi đọc sách

– Đọc ít nhất 3 lần đối với 1 cuốn sách
Lần đầu đọc nhanh để nắm bắt nội dung của sách; lần 2 cần thêm một bút màu để tô đậm nội dung cần quan tâm; đọc lần 3 để tập trung vào nội dung đã ghi chú.

Đọc theo từng chủ đề
Đọc theo từng chủ đề sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề, từ đó sẽ có cách nhìn tổng quát hơn. Đọc theo chủ đề giúp não hấp thu thông tin một cách có hệ thống giúp bạn nhớ lâu hơn.

– Hãy viết lại nội dung đã đọc
Việc làm này sẽ giúp bạn nhớ lại nội dung cuốn sách. Khi thực hiện thường xuyên, kỹ năng viết và cách bạn sử dụng ngôn từ sẽ chuyên nghiệp hơn.

– Chia sẻ
Hãy chia sẻ lại những thông tin hữu ích bằng các đến đồng nghiệp, người thân và những người xung quanh.

– Viết blog
Việc thường xuyên cập nhật các bài viết lên blog cá nhân là cách thể hiện quan điểm cá nhân cũng như xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng internet.

– Nên đọc sách giấy.
Đọc sách giấy tạo cho người đọc cảm giác thú vị, có thể cảm nhận hết giá trị của cuốn sách thông qua các giác quan. Duy trì đọc sách giấy cũng tạo một phản xạ tự nhiên về việc gợi nhớ nội dung khi bạn vô tình nhìn thấy cuốn sách.

Không chỉ là một thói quen, việc đọc sách và nghiền ngẫm một cuốn sách yêu thích giúp Lãnh Thanh có cơ hội được hóa thân vào nhiều kiểu nhân vật khác nhau

Thực hiện: Hồng Vân

20/05/2020, 14:00