Nguyệt VA: "Mê làm bánh thì cứ phải làm hàng ngày để giải nghiện" - Tạp chí Đẹp

Nguyệt VA: “Mê làm bánh thì cứ phải làm hàng ngày để giải nghiện”

Sống

Chị Nguyệt cũng là tác giả cuốn sách “Bakingfun – Hành trình bếp bánh” – best seller trong một thời gian dài trên Tiki và các nhà sách toàn quốc. Trong nhiều năm nay, chị đã truyền cảm hứng cho rất nhiều những chị em yêu thích bánh trái khắp cả nước. Nếu chưa gặp, bạn có thể nghĩ chị có vẻ “sang chảnh” nhưng đã tiếp xúc, bạn sẽ vô cùng quý mến. Tôi luôn thấy chị làm mọi việc với sự tận tâm và chân thành nhất có thể, có lẽ vì thế, những người yêu mến chị vẫn luôn dành cho chị những từ như “đại ka”, “sư phụ”…

– Chị có nhớ thời điểm mình bắt đầu đến với bánh trái không?

– Cách đây cũng hơn chục năm rồi đấy. Mình đến với bánh trái tình cờ lắm, ấy là thời điểm mình đang đau đầu vì lo con còi cọc và muốn tìm cách làm thế nào để tẩm bổ cho “nàng” ấy. Một cô bạn đã giới thiệu mình với webtretho, thế là mình tham gia và tìm hiểu những công thức nấu nướng của các mẹ. Hồi đó, mình đã tìm thấy topic về làm bánh của Khai Tâm, thực sự đó là một topic truyền cảm hứng và mình âm thầm theo dõi, nghiên cứu topic này.

Món bánh đầu tiên mình làm là món bánh quy chocolate chip được làm từ bằng lò vi sóng đấy.

Chị Nguyệt và các con

– Thành phẩm món bánh ấy “ổn” chứ?

– (Cười) Tuy có cháy chỗ này, sém chỗ kia chút nhưng nói chung là ngon lắm, nhìn thấy con gái gặm từng chiếc bánh nhỏ, thấy có động lực hẳn lên. Mình làm bằng lò vi sóng nên chỉ được vài chục cái thôi, nên nó hết vèo trong chốc lát.

– Chị có thể kể thêm một chút nữa về con đường dẫn chị tới niềm đam mê bánh ấy không?

– Hồi đó trên Webtretho có một cộng đồng nấu nướng và bánh trái vui vẻ và nhộn nhịp lắm. Bọn mình có thể ngồi hàng giờ trao đổi kinh nghiệm với nhau qua mạng, rồi còn tổ chức cả các buổi offline, cùng nhau làm từng chiếc bánh, chia sẻ thật chân tình với nhau những kinh nghiệm bếp núc. Ngoài các buổi offline, chúng mình tổ chức những cuộc thi online gọi là Baking Challenge. Bạn có biết không, mỗi lần cuộc thi diễn ra, là mạng toàn bị nghẽn thôi đó. Mọi người trao đổi cực kỳ sôi nổi, và topic này được các bạn yêu bánh trái rất ưa thích. Cứ như vậy, niềm đam mê của tụi mình ngày càng được nhân rộng ra.

– Hẳn bữa cơm nhà chị cũng thiên về món Âu?

– Không đâu, bữa cơm của gia đình mình thuần Việt lắm. Ông xã mình chỉ thích dưa cà, canh riêu cua… thôi chứ món Âu cũng không ưng bụng lắm. Còn tụi nhỏ thì bánh trái cũng chỉ thi thoảng mới ăn thôi.

– Vậy chị làm bánh thì ai sẽ thưởng thức chúng chứ?

– (Cười lớn) đây là câu hỏi mà rất nhiều bạn hỏi mình. Đúng vậy, nhà thì không có ai hảo ngọt, nhưng mê làm bánh thì cứ phải làm hàng ngày để giải nghiện. Vì thế, việc làm thế nào để bánh được giải quyết thật nhanh, để mình có thể tiếp tục làm những loại khác, luôn là nỗi “đau đáu” trong lòng. Cứ làm ra mẻ bánh nào, mình lại mang lên công ty, hoặc mang cho anh em bạn bè xử hộ. Cũng may ông xã tuy không ghiền bánh nhưng lại rất ủng hộ đam mê của vợ.

– Đến bây giờ, chị có nhớ là mình đã làm qua bao nhiêu loại bánh không?

– Nói thật là mình không thể nhớ hết được vì mình làm rất nhiều.

– Chị thích những món bánh như thế nào?

– Mình thích chinh phục những loại bánh khó.

– Cảm giác của chị khi làm ra được những chiếc bánh của mình?

– Rất vui và hạnh phúc. Bạn có biết không, có những mẻ bánh, mà khi cho vào lò nướng, mình thường xuyên ngồi trước lò nướng và chăm chú quan sát  bánh nở dần từng chút, từng chút một trong lò. Đôi khi, những cảm giác hồi hộp xen lẫn, và nó vỡ òa thành niềm hạnh phúc khi lò kêu “tinh tinh” báo mẻ nướng kết thúc. Lúc đó rất vui ấy.

– Có chiếc bánh nào mà chị có thể tự hào vì nó mang dấu ấn “made by Nguyệt VA”?

– Như bạn biết đấy, để làm được một chiếc bánh ngon, thì ngoài có một công thức tốt, bạn sẽ phải học hỏi kinh nghiệm rất nhiều từ những người đi trước, từ những kinh nghiệm bạn tích lũy và trau dồi mà có được, từ chính khẩu vị của chính bạn nữa. Từ đó, bạn điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với bản thân và những người xung quanh. Riêng cá nhân mình, thì từng chiếc bánh mình làm, nó đều chứa đựng cả tình cảm và đam mê của mình trong đó. Có lẽ vì vậy, mà nó mang dấu ấn “Nguyet VA” chăng. (Cười to)

– Tại sao chị lại lập Baking Fun và lại có cái tên đó?

– Với mình, làm bánh là một cuộc vui chơi, là việc “được làm”, là niềm vui, niềm đam mê. Vì thế, một cái tên mang đúng tư tưởng, tiêu chí và đúng quan điểm của mình, luôn làm mình đau đáu và suy nghĩ rất nhiều. Ngày đó, cái tên Nguyet VA cũng đã được các bạn yêu bánh biết đến và các bạn đã khá quen thuộc với cái tên đó. Tuy nhiên, mình mong muốn có một cái ID (tên miền) mang tính cộng đồng hơn. Có một ngày mình vô tình nhìn thấy cái logo “OtoFun”  trên đuôi của một chiếc xe oto. Thế là cái tên Baking Fun nảy ra luôn trong đầu mình. Ngay lập tức, mình quyết định “chốt” cái tên đó và nó gắn liền với mình trong những năm vừa qua. Đây thực sự là một cái ID mà mình rất tâm huyết bởi nó mang đúng tiêu chí và quan điểm của mình đối với sân chơi này.

– Chị đã từng có ý nghĩ nghỉ việc và mở tiệm bánh chưa?

– Có nhiều người hỏi mình như vậy lắm. Tuy nhiên mình chưa có  ý định đó. Bởi mình nghĩ rằng, nếu mở tiệm thì sẽ có rất nhiều vấn đề chi phối đến đam mê của mình, như vấn đề tài chính chẳng hạn. Mà mình hiện tại không muốn có sự chi phối nào ảnh hưởng đến niềm đam mê đó.

– Tôi thấy chị mở nhiều lớp dạy làm bánh lắm, cũng không phải vì tiền sao?

– (Cười) Nếu tôi nói là chẳng liên quan gì đến tiền, thì bạn có tin không???

Các lớp học làm bánh đem lại cho tôi niềm vui, niềm vui được giao lưu và chia sẻ niềm đam mê với các bạn có cùng sở thích. Bạn có biết không, nhờ những lớp học làm bánh đó mà tôi có thêm rất nhiều những người bạn, thậm chí trở thành chị em thân thiết, được mọi người gọi một cách tin tưởng là “sư phụ”, là “đại ca”. Thậm chí, giờ đi tới đâu, tôi cũng có rất nhiều bạn và luôn có những người bạn sẵn sàng làm “xe ôm” để chở tôi đi chơi nữa đó. Học viên của Baking Fun không chỉ ở Hà Nội đâu, còn có các bạn ở các tỉnh rất xa nữa, các bạn ấy đã phải lặn lội về Hà Nội để học, mình rất trân trọng và xúc động với những tình cảm các bạn dành tặng cho mình.

– Để làm bánh Âu, nhất là những dòng bánh đòi hỏi nguyên liệu đắt tiền, rõ ràng cũng phải có điều kiện mới có thể làm được chứ? Chị có nghĩ đam mê của mình là một đam mê cực kỳ tốn kém không?

– Tất nhiên là tốn kém chứ. Tốn nhất, chính là thời gian đó bạn. (Cười). Nói vậy thôi, chứ theo mình thì niềm đam mê nào cũng có “nhiều sự tốn kém”. Tuy nhiên, cái sự tốn kém trong đam mê này có thể mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh, thì tôi thấy nó hoàn toàn xứng đáng với những gì bạn bỏ ra.

– Chị có bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng yêu thích bánh trái như bây giờ không?

– Tôi không nghĩ vậy. Với tôi, đơn giản đó là sự chia sẻ của những người đi trước đối với những người đi sau. Bởi bản thân tôi cũng vậy, cũng từ việc học hỏi và nhận được rất nhiều sự chia sẻ kinh nghiệm của những người bạn, người chị đi trước, và dần dần ngấm sự đam mê từ chính những người bạn đó. Và bây giờ cũng vậy, những gì tôi học hỏi, đúc kết được, thì tôi muốn chia sẻ với các bạn đến sau, để các bạn có thể thực hiện được niềm đam mê, yêu thích ấy, cũng giống như tôi ngày xưa.  Thật may mắn là tôi được các bạn tin tưởng và ủng hộ trong suốt thời gian qua.

– Sự “nổi tiếng” có mang lại phiền lụy gì cho cuộc sống của chị?

– Có chứ, rất phiền là khác. Từ ngày “nổi tiếng” là từ ngày những từ như “đại ca” gắn liền với tôi. “Phiền” nhất là khi cùng bạn bè đi ra ngoài, tụi bạn cứ luôn miệng “đại ca đại ca” làm mọi người xung quanh quay lại nhìn mình, kiểu như “xã hội đen” ấy. (Cười to)

– Chị đi làm rất bận rộn, thời gian nào trong ngày chị dành cho bánh trái?

– Buổi tối và những ngày cuối tuần là thời gian tôi dành cho bánh trái.

– Tôi có nghe kể, trong thời gian thực hiện cuốn “Bakingfun – Hành trình bếp bánh” chị đã rất vất vả?

– Đó đúng là quãng thời gian rất vất vả nhưng cũng rất nhiều kỷ niệm thú vị. Tôi thường làm tới 10-11 giờ đêm, vì thế, đa số sản phẩm được chụp vào ban đêm, vừa làm vừa chụp không dễ dàng gì, nhất là đối với những tay chụp amateur như tôi. Rất may là có giai đoạn, cô em Tracy Leo (Đặng Trầm – brand manager của Ilovecookbook, đơn vị xuất bản sách) hỗ trợ mình để hoàn thành cuốn sách, thế mà nhiều hôm “đánh vật” tới 1 giờ sáng mới xong. Có đợt chụp ảnh làm tư liệu, hai chị em lê la khắp Hà Nội dưới cái nắng như đổ lửa để tìm không gian ưng ý đấy.

– Cánh đàn ông vẫn đùa nhau là nên yêu và lấy một cô nàng biết làm bánh, chị nghĩ sao?

– Đây là một ý kiến tuyệt vời đấy. Vì “đường đến trái tim của người đàn ông phải đi qua dạ dày” mà. Thêm vị ngọt ngào cho cuộc sống gia đình, tôi nghĩ ai cũng mong muốn chứ không chỉ cánh đàn ông đâu.

– Nói là thế nhưng nhiều ông chồng có vợ biết làm bánh lại không thích ăn bánh, có vẻ hơi “tréo ngoe” nhỉ?

– Không biết có phải bạn đang nói tới ông xã mình không đấy. Vì chính “lão ấy” là người không thích đồ ngọt, đặc biệt là bánh trái. Tuy nhiên anh vẫn luôn ủng hộ mình với niềm đam mê này. Vì thế, cái sự “tréo ngoe” đó vẫn được giải quyết, bởi cho dù “lão” không thích ăn, thì trong mắt “lão” vẫn ánh lên niềm vui xen chút tự hào, khi “lão” mang những chiếc bánh đó cho đồng nghiệp, hay bạn bè thưởng thức và nhận từ họ những lời tán dương.

– Chị có ý định phát triển hơn con đường bánh trái của mình không?

Có chứ, vì cuộc sống của tôi đã, đang và sẽ luôn gắn liền với những bơ, những bột này rồi.

– Trân trọng cảm ơn chị và chúc chị giữ mãi niềm đam mê này!
























Thực hiện: Tiều Phu

Ảnh nhân vật cung cấp


logo

 

Rất nhiều phụ nữ gốc Việt là chủ nhân của các kênh Youtube đình đám, có lượng người follow rất lớn. Thông qua đó, họ đã truyền bá tinh hoa ẩm thực Việt Nam, giúp phụ nữ Việt thế hệ @ có thêm nhiều cảm hứng trong nấu nướng. Họ góp phần không nhỏ giúp các bạn trẻ người Việt sinh sống tại rất nhiều nơi trên thế giới có thể tìm hiểu, tự mày mò nấu các món ăn quê hương thật ngon, giúp các mẹ bận rộn chỉ bằng vài click là tự tin mua đúng nguyên liệu, chọn lựa công thức và nấu ngon đúng điệu…
Foodblogger, Vlogger không đơn giản chỉ là một thú vui, một đam mê mà còn là một nghề thú vị. Tại nước ngoài, sở hữu một kênh youtube nhiều người theo dõi cũng là một công việc hái ra tiền. Tại Việt Nam, bạn có thể vừa nấu ăn cho gia đình, vừa tranh thủ “décor” món ăn, gửi cộng tác với các báo là cũng có thêm một nguồn thu nhập nho nhỏ để trang trải cuộc sống và tiếp tục hứng thú với những thú vui tao nhã.
Hãy tìm hiểu về những câu chuyện thú vị của mỗi đầu bếp gia đình mà ngọn lửa và hương vị của họ đã lan tỏa khỏi căn bếp riêng để đi rất xa.

Đón đọc chùm bài về những bà nội trợ kiểu Việt:

Thực hiện: depweb

13/08/2015, 10:35