Thủy Raugi và sự cám dỗ "khó lường" từ rau củ quả - Tạp chí Đẹp

Thủy Raugi và sự cám dỗ “khó lường” từ rau củ quả

Sống

Xem một số tác phẩm từ rau củ quả chị Thủy Raugi chia sẻ với Đẹp Online

Chị Thủy Raugi là chủ nhân của fanpage Beautyfood by Thuy, admin nhóm Nấu ăn – Chơi hoa – Handmade. Với đôi tay khéo léo và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ, chị Thủy Raugi đã tạo ra những tác phẩm đẹp mê hồn từ những nguyên liệu rau củ quả cực kỳ gần gũi với các bà nội trợ. Nhìn những tác phẩm được tỉa từ rau củ quả của chị, chắc chắn bạn sẽ phải thốt lên “Đẹp quá!” và ngẩn người vì không hiểu sao chị Thủy lại có thể nghĩ và làm ra được những tác phẩm đẹp nhường vậy.

– Chào chị Thủy Raugi, chị có thể giới thiệu một chút về bản thân mình với độc giả Đẹp Online?

– Tôi là người Việt Nam, hiện đang sống ở Cannes, Pháp. Tôi sống bên này được 10 năm rồi. Tôi sinh năm 79, trước khi sang Pháp du học, tôi từng công tác tại trường Đại học Bách khoa, Hà Nội. Sau khi học xong cao học ở Pháp, tôi làm việc cho một ngân hàng. Thời gian còn là sinh viên tại đây, tôi thường xuyên đi làm thêm tại các nhà hàng châu Á. Ngay từ thời đó, chủ bếp của các nhà hàng đã nhận thấy tôi có khiếu trong việc bày biện các món ăn và bàn ăn. 
Vì lấy chồng Pháp nên tôi quyết định ở lại Pháp. Tuy nhiên dù đã ở Pháp 10 năm rồi, nhưng thói quen ăn uống của tôi không thay đổi được, vẫn thích ăn đồ Việt. Rất may là ông xã tôi cũng khoái ăn đồ Việt. 

Ngoài sở thích về tỉa rau, củ, quả và sáng tạo từ đồ ăn, tôi thích đọc sách, và đi du lịch. 



Chị Thủy Raugi

– Chị tỉa các loại củ quả rất đẹp, chị đã làm quen với việc cắt tỉa từ bao giờ và tại sao chị lại mê đến vậy?
– Thật ra từ ngày nhỏ, thấy hai chị gái tỉa mấy bông hoa từ đu đủ, tôi đã bắt chước làm theo, nhưng chỉ nghịch một hai lần rồi quên hẳn. Cách đây một năm rưỡi, trong một lần họp ở cơ quan, trong giờ giải lao, tôi thấy mấy chị bạn đồng nghiệp người Pháp chăm chú nhìn vào màn hình máy tính. Họ đang xem một số tác phẩm rất đẹp từ rau, quả, củ. Tôi bị cám dỗ ngay lập tức. Từ hôm đó, tôi dành thời gian rảnh tìm xem trên Internet các ảnh, các bài viết và clip dạy tỉa. Tôi tự mày mò học tỉa với một con dao nhỏ mình có. Sau này khi về Việt Nam chơi, tôi mới mua được dao tỉa chuyên dụng hơn đấy. 
– Việc tỉa củ quả đòi hỏi phải rất tỉ mẩn, chị dành thời gian nào trong ngày để làm những việc này?
– Đúng là việc tỉa cần kiên nhẫn, tỉ mẩn và cả đam mê nữa. Nhưng khi đã biết làm và làm quen thì tỉa không mất nhiều thời gian đâu. Tôi thường tỉa vào buổi tối hoặc cuối tuần. 
– Mọi người trong gia đình phản ứng thế nào với niềm đam mê của chị?
– Người thân của tôi ai cũng thích thú khi ngắm các tác phẩm tôi làm. Chồng tôi luôn cổ vũ tôi vì biết tôi yêu thích việc đó. Chồng tôi là kỹ sư tin học, anh ấy đã tạo cho tôi một website để tôi tập trung các tác phẩm của mình. Website này có 3 bản: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Website đã gần hoàn thành xong và chúng tôi sẽ sớm sử dụng. 
– Trong việc tỉa rau củ quả, chị có bị ảnh hưởng bởi ai không?

– Lúc đầu tôi xem rất nhiều ảnh, các bài báo và các clip của nhiều người. Tôi học của mỗi người một chút. Nhưng tôi thích sự sáng tạo và mục đích của tôi là sáng tạo. Vì thế dần dần khi đã tỉa quen rồi, tôi luôn muốn tự nghĩ ra mẫu của mình. 

– Chị nghĩ thế nào khi những tác phẩm của mình đã truyền niềm đam mê cho không ít các bà nội trợ khác?
– Tôi thật sự rất vui mỗi khi có ai đó học và làm theo một mẫu tác phẩm nào đó của mình. Tôi cố gắng làm những gì dễ, đơn giản hơn để mọi người dễ học, vì tôi biết các chị em nội trợ không có nhiều thời gian dành cho việc này. 
– Việc tỉa rau củ quả mang lại cho chị điều gì?
– Nhiều điều có ích đấy: khi tôi tỉa, hay trang trí một món ăn, tôi tập trung hết sức và đôi khi quên hết mọi thứ lo âu, buồn phiền. Đây là cách giải stress hữu hiệu của riêng tôi. Khi một tác phẩm mới ra đời, tôi thấy phấn khởi lắm. Rồi khi tôi chia sẻ nó với mọi người, họ like và cổ vũ, niềm vui còn nhân lên nữa. 
Cách đây 3 tháng tôi có tạo một group về nấu ăn và handmade trên Facebook, lượng thành viên chỉ sau gần 3 tháng đã là 38 nghìn. Chứng tỏ các chị các em rất quan tâm đến nội trợ phải không? Tôi muốn nhiều người hướng đến điều này: chúng ta không chỉ ăn ngon mà cả phải ăn… đẹp nữa. 
– Có nhiều người cho rằng, tỉa rau củ quả, có những sản phẩm nhìn rất đẹp mắt nhưng lại không ăn được và cho rằng như thế rất lãng phí. Chị có nghĩ vậy không?

– Với ai tôi không biết, chứ riêng tôi, tôi chỉ chọn làm những thứ đơn giản, những nguyên liệu quen thuộc hàng ngày, tôi mua khi đi chợ, phục vụ chính bữa ăn của gia đình. Vì thế, kể cả bông hoa từ rau, quả, củ, tỉa xong, chụp ảnh xong, có thể tôi để bày một hôm, rồi tôi vẫn cho vào nấu ăn đấy. Mọi người xem tác phẩm của tôi thường thốt lên “Chị ơi, đẹp thế này ai dám nỡ ăn?”. Hi hi, nhưng tôi và chồng tôi quen rồi, ngắm xong thì ăn chứ. Sao lại không ăn, để chúng sẽ thối rữa, vất đi phí lắm. Tôi đặc biệt hạn chế sử dụng các nguyên liệu không tự nhiên hay không liên quan đến đồ ăn. 

– Tỉa rau củ quả cũng là một bộ môn nghệ thuật, chị có định tiến xa hơn trong việc này không? Chẳng hạn mở lớp dạy hay ra sách?
– Mẹ chồng tôi đã khuyến khích tôi mở lớp dạy các bà nội trợ Pháp đấy. Nhưng tôi còn băn khoăn vì tôi thuận tay trái, với lại người Pháp họ có cách cầm dao khác hẳn mình. Họ đưa dao từ ngoài vào trong, còn mình từ trong ra ngoài… Việc tỉa cũng đòi hỏi phải khéo tay một chút, nếu không sẽ chóng nản. Thế nên tôi không có ý định mở lớp. Chỉ hướng dẫn cho những ai tôi gặp và có ý muốn học. Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ cho xuất bản sách đấy, bằng tiếng Pháp trước, còn tiếng Việt thì để tính sau. Bên Việt Nam mình bộ môn này không xa lạ, cũng đã có nhiều sách và rất nhiều người tài, giỏi hơn tôi. Ở châu Âu thì nghệ thuật này rất mới mẻ. 
– Tỉa rau củ quả đòi hỏi sự tỉ mẩn, vậy ngoài đời, chị có phải là người kỹ tính và nghiêm khắc không?
– (Cười) Tôi nghĩ tôi là người “kỹ tính”, luôn hướng đến sự hoàn thiện trong mọi thứ. Nhưng tôi không “nghiêm khắc”. Tôi tiếp xúc với văn hoá Tây từ sớm, lại sống ở Pháp đủ lâu, nên thuộc tuýp người hiện đại, tự do. Tôi luôn tôn trọng việc làm và quyền lựa chọn cũng như quan điểm sống của người khác, ngay cả khi họ suy nghĩ hoàn toàn khác mình. 
– Sống ở nước ngoài lâu, chị thấy nhớ món Việt?

– Ôi tôi nhớ nhiều món lắm. Tôi đã sống ở Pháp 10 năm rồi mà thói quen ăn không thể thay đổi, gần như chỉ ăn đồ Việt. Khi đi du lịch, tôi vẫn luôn để ý chỗ nào có quán ăn Á để vào, 2 ngày mà không ăn cơm là khó chịu lắm rồi. Món mà tôi nhớ nhất là canh cua và cà đấy. Mỗi khi về Việt Nam, mẹ tôi luôn làm món này hàng ngày, và bữa nào một mình tôi cũng ăn gần hết một bát cà. Mẹ tôi cứ sợ ăn nhiều cà nóng, không tốt nhưng cả năm mới ăn như thế một lần thì đâu có sao nhỉ. 

– Vậy mỗi khi thèm món Việt, chị sẽ làm gì?
– Cái khổ của tôi chính là chỗ này đấy. Tôi có thèm ăn canh cua cà hay ốc luộc đến mấy nhiều khi cũng không thể mua được. Cửa hàng châu Á không gần nhà, mà cũng hiếm lắm mới có mấy thứ rau tươi. Thôi thì nếu thèm đồ Việt mà không có sẵn nguyên liệu thì tôi chế biến bằng các nguyên liệu tôi tìm thấy ở siêu thị Pháp vậy. Tôi dùng nguyên liệu Pháp nhưng chế biến kiểu Việt Nam. Ăn không ngon bằng nhưng có vẫn hơn không. 
– Chị thấy ẩm thực Việt Nam như thế nào?

– Tôi đã đi du lịch một số nước và đến đâu cũng chú ý quan sát ẩm thực địa phương, nhưng quả thật, không ở đâu thấy người ta chế biến đồ ăn từ mọi thứ phong phú như ở Việt Nam mình. 

– Chị nghĩ như thế nào về những người phụ nữ mê bếp núc và chăm chút cầu kỳ cho bữa ăn gia đình?

– Họ thật sự nữ tính. Tôi nghe nhiều bạn bè kêu ca về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam, đúng là ăn ở ngoài hàng tiện thôi chứ không yên tâm chút nào. Khi người phụ nữ tự nấu một bữa ăn cầu kỳ cho gia đình, họ không chỉ thể hiện đam mê bếp núc đâu, họ dồn vào đó tình yêu thương nhiều lắm đến những người thân của họ. Tôi mến phục những người như thế. 


– Có khi nào chị nghĩ những người phụ nữ Việt, vừa đi làm vừa chăm sóc con cái lại vừa nội trợ như thế là rất thiệt thòi không?

– Thực lòng, tôi nghĩ là có. Một người phụ nữ vừa đi làm như chồng, lại vừa chăm con, vừa nội trợ thì rõ là không công bằng rồi. Tôi sống ở phương Tây nên không gặp vấn đề này. Ở nhà tôi, ông xã không biết nấu ăn nên tôi làm, nhưng anh ấy làm các việc khác như hút bụi, cho bát đĩa vào máy rửa, cho quần áo vào máy giặt và phơi phong… Các ông chồng Việt Nam nên chia sẻ việc nhà cùng vợ. Các bạn làm thế, sẽ là tấm gương cho con cái noi theo, sau này con trai sẽ học cách giúp vợ, và phụ nữ dần dần sẽ bình đẳng hơn về giới, sẽ có thời gian chăm chút cho bản thân họ hơn nữa. 

– Trân trọng cảm ơn chị!

Mời bạn cùng ngắm nhìn và trầm trồ với những tác phẩm từ rau củ quả của chị Thủy 

Thực hiện: Tiều Phu

Ảnh nhân vật cung cấp

logo

Rất nhiều phụ nữ gốc Việt là chủ nhân của các kênh Youtube đình đám, có lượng người follow rất lớn. Thông qua đó, họ đã truyền bá tinh hoa ẩm thực Việt Nam, giúp phụ nữ Việt thế hệ @ có thêm nhiều cảm hứng trong nấu nướng. Họ góp phần không nhỏ giúp các bạn trẻ người Việt sinh sống tại rất nhiều nơi trên thế giới có thể tìm hiểu, tự mày mò nấu các món ăn quê hương thật ngon, giúp các mẹ bận rộn chỉ bằng vài click là tự tin mua đúng nguyên liệu, chọn lựa công thức và nấu ngon đúng điệu…
Foodblogger, Vlogger không đơn giản chỉ là một thú vui, một đam mê mà còn là một nghề thú vị. Tại nước ngoài, sở hữu một kênh youtube nhiều người theo dõi cũng là một công việc hái ra tiền. Tại Việt Nam, bạn có thể vừa nấu ăn cho gia đình, vừa tranh thủ “décor” món ăn, gửi cộng tác với các báo là cũng có thêm một nguồn thu nhập nho nhỏ để trang trải cuộc sống và tiếp tục hứng thú với những thú vui tao nhã.
Hãy tìm hiểu về những câu chuyện thú vị của mỗi đầu bếp gia đình mà ngọn lửa và hương vị của họ đã lan tỏa khỏi căn bếp riêng để đi rất xa.

Đón đọc chùm bài về những bà nội trợ kiểu Việt:

Thực hiện: depweb

20/07/2015, 10:10