Phan Anh (Esheep): "Blogger muốn kiếm tiền, phải tạo nên giá trị khác biệt" - Tạp chí Đẹp

Phan Anh (Esheep): “Blogger muốn kiếm tiền, phải tạo nên giá trị khác biệt”

Sống

Phan Anh (Esheep) 
Tên thật: Phan Ngọc Anh
Công việc hiện tại: Biên tập viên tại báo Hoa Học Trò; food blogger – chủ nhân trang FB page Esheep Kitchen
Các cuốn sách đã phát hành: 

– “Ngọt” (Esheep Kitchen – Mật Mã Yêu Thương Vol.1) – xuất bản Tháng 3/2014 

“Cảm hứng sống” (Esheep Kitchen – Mật Mã Yêu Thương Vol.1 Phiên bản đặc biệt) – xuất bản tháng 11/2014
“Korean Restaurant guide in Vietnam” (Cẩm nang ẩm thực và nhà hàng Hàn Quốc tại Việt Nam) – xuất bản tháng 1/2015
“Vị yêu” (Esheep Kitchen – Mật Mã Yêu Thương Vol.2) – xuất bản tháng 3/1015
Hầu như không tham gia các hội, nhóm, diễn đàn, ấy vậy mà, trong những năm gần đây, cộng đồng ẩm thực không mấy ai còn xa lạ với cái tên Phan Anh (Esheep). Với những bước đi vững chắc và có kế hoạch, định hướng, chị hiện là một food blogger, tác giả sách có lượng fan đông đảo nhất hiện nay.

Sự khác biệt giúp tôi chiến thắng và thành công

– Chúc mừng chị vừa chiến thắng trong Cuộc thi ẩm thực Hàn Quốc tại Việt Nam, trở thành người đại diện của Việt Nam sẽ sang Hàn Quốc và được đào tạo để tham gia vòng thi chung kết thế giới về ẩm thực Hàn Quốc năm 2015 giữa 17 nước trong đó có Việt Nam. Làm thế nào chị có thể vượt qua từng ấy đầu bếp chuyên nghiệp để giành chiến thắng?

– Thú thực, trước đó tôi không hề biết đến cuộc thi này cho tới lúc một bạn trong fanpage gửi cho tấm poster cuộc thi cùng lời khuyến khích tôi nên tham gia. Lúc đó, chỉ còn đúng 1 ngày nữa là hết hạn gửi hồ sơ đăng ký. Tôi đã hỏi cả chồng và những người thân quen, hầu như mọi người đều không ủng hộ vì cho rằng để chiến thắng ở một cuộc thi tầm cỡ như vậy là quá hão huyền. Thế nhưng, như có điều gì thúc giục. Tôi đã đăng ký vào những giờ phút cuối cùng trước khi ban tổ chức đóng sổ.

Tới khi lọt vào top 10, tôi vẫn còn lâng lâng và không thể nào tin nổi. Bạn biết không, xung quanh tôi đều là các đầu bếp chuyên nghiệp với món Hàn, thậm chí có người 20 năm kinh nghiệm hoặc bếp trưởng của các nhà hàng Hàn Quốc có tiếng tại Việt Nam. Tôi cũng từng hoang mang và tự hỏi, làm sao mình có thể đấu với họ chứ. Tôi đã hỏi chồng như thế, anh ấy đùa rằng: “Họ là đầu bếp, nghĩa là nấu ăn rất giỏi. Còn em, ngoài biết nấu, em còn là họa sĩ cơ mà”. Tôi ngẩn cả người vì lời đùa đó, trước kia, tôi là một họa sĩ, và chắc chắn, ngoài việc cầu toàn trong nấu nướng, tôi sẽ phải là người biết cách làm thế nào để món ăn trở nên vừa đẹp vừa độc đáo. Có lẽ  sự khác biệt, đó là yếu tố giúp tôi giành chiến thắng.

Nhưng cũng phải kể cho bạn nghe tới một câu chuyện thú vị khác trước khi tôi bước vào vòng thi trong. Đó là một ngày, trong khi khá lo lắng và căng thẳng vì chờ mãi không có thông báo kết quả vòng chung kết Top 10 từ cuộc thi, tôi cùng một người bạn đi ngang hồ Tây. Trên đường đi, chúng tôi vô tình nhìn thấy một đám mây ngũ sắc sau mấy ngày Hà Nội mưa bão. Vốn là người yêu thích thiên nhiên và khá phù phiếm, tôi rất thích cầu vồng, mây ngũ sắc và tin rằng những người nhìn thấy những hiện tượng thiên nhiên đẹp đẽ đó đều sẽ rất may mắn. Lúc ấy, chúng tôi dừng lại để ngắm nhìn sự tuyệt diệu đó. Tôi nhìn thẳng vào đám mây đó và thiền rất sâu trong 60 giây. Trong 60 giây ấy, tôi đã tìm thấy, nhìn thấy trọn vẹn những ý tưởng cho món ăn sắp tới tôi sẽ làm. Nghe thì có vẻ phù phiếm nhưng quả thực con người tôi luôn như vậy, tin vào những điều kì diệu tốt đẹp và tạo ra những điều tốt đẹp từ những sự có vẻ như rất phù phiếm (cười lớn).

food blogger, blogger nổi tiếng, Phan Anh Esheep, blogger gốc Việt

Vượt qua rất nhiều đầu bếp khắp cả nước, Phan Anh (Esheep) đã giành chiến thắng trong cuộc thi về ẩm thực Hàn Quốc

– Tôi tò mò không biết đó là món gì vậy?

– Món ăn tôi chọn để dự thi từ đề bài “chọn một trong bốn món ăn truyền thống của Hàn Quốc” là món cơm trộn Dolsot Bibimbap. Đây là một món cực dễ làm, ai cũng có thể thực hiện được nhưng để đưa nó lên đến đỉnh cao của sự ngon miệng thì cần đến sự cầu kì, tỉ mẩn, và kỹ thuật xử lý nguyên liệu điêu luyện cũng như dùng gia vị hòa hợp. Tôi làm cơm trộn trong thố nóng (Dolsot Bibimbap) với các nguyên liệu truyền thống của Hàn Quốc như giá đỗ xanh, rau bina, cọng dương xỉ, nấm shiitake tươi, thịt bò… nhưng sử dụng thêm các nguyên liệu đặc biệt và “bí mật” từ hoa sen trắng rất Việt Nam như hạt sen (hầm), ngó sen (kho tương mặn và trộn chua), nhị và gạo sen (ăn kèm). Tôi bọc xung quanh thố đất nóng những cánh hoa sen tươi, sao cho ngay khi thố cơm được dọn ra, mùi thơm từ cánh sen sẽ tỏa hương ngào ngạt. Phần giữa món, chính là lòng đỏ trứng sống, tôi rắc hạt vừng rang và xếp nhị sen còn nguyên gạo sen để thố cơm giống hệt một đài sen đang tỏa sắc. Như thế, món ăn của tôi trông như một bông sen tuyệt đẹp và không những vậy, còn tỏa mùi hương hoa rất đỗi dịu dàng, thuần khiết. Món ăn của tôi đã chinh phục được ban giám khảo như vậy đấy.

– Chị cũng được chính phủ Hàn Quốc chính thức bổ nhiệm là đại sứ danh dự của ẩm thực Hàn Quốc tại Việt Nam, có phải vì chị đã giành chiến thắng?

– Đúng vậy, mục đích cuộc thi ẩm thực này, ngoài việc tìm kiếm người đại diện mỗi quốc gia tham dự vòng thi chung kết thế giới về ẩm thực Hàn, thì người chiến thắng cuộc thi sẽ được chính phủ Hàn Quốc đánh giá và bổ nhiệm để trở thành đại sứ danh dự của ẩm thực Hàn Quốc, dựa trên những đóng góp, cống hiến của người đó trong lĩnh vực ẩm thực. Với giới đầu bếp chuyên nghiệp, đó là  dựa trên việc sáng tạo ra các món ăn và kinh nghiệm làm việc. Còn đối với tôi hay các đầu bếp không chuyên, là dựa trên những đóng góp và hoạt động tích cực trong lĩnh vực ẩm thực. Cụ thể với tôi trong vai trò một food blogger Việt Nam, họ đánh giá trong những năm qua tôi đã có nhiều hoạt động thành công trên lĩnh vực ẩm thực và có ích đối với xã hội, là tác giả của những cuốn sách nấu ăn được họ đánh giá là có giá trị và thẩm mĩ cao.   

food blogger, blogger nổi tiếng, Phan Anh Esheep, blogger gốc Việt

Muốn kiếm tiền, phải tạo được giá trị

– Nói về food blogger, tôi thấy hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, có rất nhiều food blogger thành công, chị cũng từng có một thử thách trên fanpage là “How to be a food blogger?”, vậy chị nghĩ, food blogger, họ là ai?

– Thực ra cũng chưa có định nghĩa chính xác nào về food blogger cả. Tôi thì cho rằng, food blogger, trước hết đó là những người thích chia sẻ những thứ liên quan đến ẩm thực, ví như chia sẻ cách nấu ăn, chụp ảnh món ăn, cách tạo hình món ăn, trải nghiệm món ăn hay review quán ăn, nhà hàng… Họ có thể chia sẻ một trong những thứ đó hoặc tất cả.

– Chị đang là một trong những food blogger và tác giả sách về nấu nướng nổi tiếng nhất Việt Nam  hiện nay, chị đã làm gì để đạt được điều đó?

– Trước khi chia sẻ mọi thứ về ẩm thực, tôi không đặt mục tiêu là phải “đạt được” điều gì. Nó giống hệt như một sân chơi tôi lập ra để thỏa mãn sở thích ban đầu là nấu ăn làm bánh của mình. Vậy nên, đến giờ những thứ tôi có lớn nhất là niềm vui mà thôi, chứ nói đến “thành công” hay “nổi tiếng” có lẽ không phải mục đích của tôi ban đầu. Tôi lập blog và fanpage là để chia sẻ đam mê về nấu nướng, bánh trái một cách vô tư và nhiệt thành nhất. Tôi cũng ý thức được rằng, mình phải làm một cách nghiêm túc và độc đáo. Khi đó, tôi tạo được giá trị riêng biệt cho bản thân và có lẽ vậy mà được nhiều người biết đến và yêu quý. 

– Từ bao giờ, chị có niềm đam mê với ẩm thực? Chị được truyền cảm hứng từ đâu?

– Tôi được truyền đam mê từ mẹ. Mẹ tôi là một người thành công trong cả công việc lẫn gia đình. Dù bận đến mấy, khi trở về nhà, bà vẫn chu toàn. Tôi đặc biệt ấn tượng với mẹ bởi có khi chỉ với vài lạng thịt, mẹ đã có thể biến tấu thành 3-4 món tuyệt ngon và đẹp cho gia đình.

Riêng với tôi, cách đây khoảng chục năm, bỗng nhiên, tôi không còn hứng thú với việc vẽ vời, tôi đã chuyển từ một họa sĩ sang làm một biên tập viên và dành thời gian nghiên cứu ẩm thực một cách chuyên sâu. Thật lạ phải không? Mới đầu là bánh trái, sau đó tôi khám phá thêm rất nhiều điều thú vị khác nữa ở ẩm thực. Hơn nữa, có con, bạn cũng sẽ có nhiều động lực và cảm hứng hơn để vào bếp. Chẳng còn gì tuyệt hơn là những món mình nấu ra được các thành viên trong nhà hưởng ứng nhiệt liệt.

– Trong nhà chị, ai là người khó tính nhất trong ăn uống?

– Thật may vì nhà tôi ai cũng dễ tính cả. Chồng tôi thì thích đồ Việt hơn đồ Âu.

– Vậy khi chị nấu thì anh sẽ làm gì?

– Chị em phụ nữ giờ thường mơ một người chồng mà khi mình nấu ăn, anh ta sẽ ở bên cạnh nhặt rau, hoặc chí ít là cũng giúp rửa bát. Tôi cũng mơ như thế nhưng… không thành! Anh ấy coi bếp là thánh địa của phụ nữ và ủng hộ tôi bằng cách thưởng thức tất cả những món tôi nấu mà không chê bai. Có chăng, anh sẽ góp ý để giúp tôi hoàn thiện hơn. Anh không đòi hỏi tôi phải nấu thế này thế nọ nên với tôi, như thế cũng là điều rất hạnh phúc rồi. Hơn nữa, có thực sự vui vẻ và thoải mái thì mới có thể nấu nướng một bữa cơm ngon.

food blogger, blogger nổi tiếng, Phan Anh Esheep, blogger gốc Việt

– Chị yêu thích nhất ẩm thực của nước nào? 

– Với tôi ẩm thực Việt vẫn là số một. Trước đây thì tôi dành sự quan tâm đặc biệt đến món Ý nhưng gần đây tôi thực sự bị thu hút bởi Hansik – ẩm thực Hàn Quốc.

– Tại sao lại có sự dịch chuyển này vậy?

– Người Hàn rất thông minh, và có chiến lược cực tốt về văn hóa mà cụ thể là làn sóng Hàn Quốc Hallyu. Chính xác thời điểm này là lúc ẩm thực đang là trọng tâm của làn sóng ấy. Tôi đoán định được và nghiên cứu, tìm hiểu về Hansik rất kỹ lưỡng từ cách đây vài năm, khi “đánh hơi” được Hansik chính là đỉnh cao mới trong ẩm thực thế giới. Tôi nghĩ rằng, đón đầu xu hướng sẽ giúp một food blogger thành công hơn. 

– Chị có học nấu nướng hay chụp ảnh qua trường lớp nào?

– Tôi tự mày mò, tìm hiểu là chủ yếu. Cũng may mắn vì luôn được các đầu bếp hướng dẫn, chỉ bảo trực tiếp. Trước tôi là một họa sĩ, nên tôi luôn hướng tới cái đẹp và sự cầu toàn.

– Về các công thức, chị học chúng từ đâu và biến tấu nó như thế nào?

– Hầu như công thức nào tôi học hỏi cũng có những nghiên cứu riêng để làm nên sự khác biệt. Biến tấu ở đây không phải là thêm bớt đi vài gram để tạo ra sự “có vẻ khác” đâu nhé, nó là một quá trình thử nghiệm để có được một công thức mình hài lòng nhất.

– Chị có thấy mình bị ảnh hưởng bởi một blogger nào đó?

– Hầu như không, tôi như một miếng mút hấp thu những điều tốt đẹp từ nhiều người. Từ đó phát triển tốt nhất nội lực của bản thân tạo ra một bản sắc riêng cho Phan Anh (Esheep).

– Tình yêu và đam mê với ẩm thực rõ ràng cho Phan Anh rất nhiều thứ, chị có nghĩ, sẽ tới lúc, blogger ở Việt Nam cũng sẽ trở thành một nghề hái ra tiền như ở một số nước khác?

– Không phải một lúc nào đó mà chính là bây giờ rồi đó. Tôi xác định mình là một food blogger chuyên nghiệp và tôi cũng có thu nhập khá tốt từ công việc đó. Một khi bạn đã xem đó là công việc, thì nó không còn là thú vui, sở thích đơn giản nữa. Bạn sẽ cần đầu tư công sức, thời gian và làm việc nghiêm túc. Tôi cố gắng duy trì những chia sẻ của tôi trên mạng xã hội một cách miễn phí để duy trì một sân chơi ẩm thực lành mạnh. Nhưng bên cạnh đó tôi xây dựng những dự án chia sẻ cộng đồng cùng các nhãn hàng, thương hiệu liên quan đến ẩm thực để có thu nhập tốt và thường xuyên. Điều đó đồng nghĩa với những áp lực và bạn phải có tư duy, năng lực “ngoài ẩm thực”. Khi đã là một food blogger chuyên nghiệp thì không thể thể thích thì làm, không thích thì thôi đâu nhé, bạn luôn cần đặt mình trong tâm thế “phải làm” chấp nhận mọi áp lực như bất cứ công việc nào khác. Thậm chí áp lực còn cao hơn bởi công việc này đòi hỏi sáng tạo như khi bạn làm nghệ thuật vậy. Bạn chính là một nghệ sĩ! 

– Nhưng rõ ràng, muốn kiếm tiền, phải tìm ra hướng đi riêng, mà đa số blogger Việt Nam hiện nay đều vẫn dạng “amateur”?

– Thực ra cũng cần có thời gian, nhưng cứ làm việc một cách nghiêm túc thì mọi sự sẽ tới, hữu xạ tự nhiên hương. Bản thân tôi cũng vậy thôi. Cũng như không phải ai đến với việc trở thành một food blogger cũng phải có mục tiêu là “chuyên nghiệp”. Rất nhiều người muốn duy trì nó là một sân chơi “tay mơ” để thỏa sức bay bổng và chia sẻ.  Điều đó cũng thật đáng quý.

– Đằng sau Phan Anh  có bao nhiêu người trợ giúp?

– Nói ra không ai tin, vì nghĩ chúng tôi phải đông đảo lắm. Chúng tôi mới “nâng cấp” từ 2 người lên… 3 người. Sắp tới tôi có mong muốn kết hợp với nhiều người bạn cùng đam mê để cùng làm những dự án lớn hơn nữa. 

food blogger, blogger nổi tiếng, Phan Anh Esheep, blogger gốc Việt

Ẩm thực Việt không hề thua kém nước nào

– Tôi thấy bây giờ chị em phụ nữ chúng ta chuộng món Âu quá, diễn đàn hay group nào cũng tràn ngập món Âu, không lẽ món Việt đang bị mất giá?

– Cái mới thì bao giờ cũng gây ra sự tò mò, hấp dẫn cả, món Âu cũng thế. Nhưng tôi nghĩ, điều này không có gì là xấu cả. Nó sẽ là đòn bẩy, là hệ quy chiếu để khi soi lại, sẽ thấy ẩm thực Việt còn nhiều tinh hoa để khám phá đến mức nào. 

– Việt Nam mình có quá nhiều món đặc sắc nhưng lại không có sức ảnh hưởng lớn trong khi món nước ngoài thì lại được đón nhận, chẳng phải là rất đáng buồn hay sao?

– Đúng thế. Tôi thấy món Việt không hề thua kém gì món Nhật, món Hàn, thậm chí chúng ta còn nhiều ưu thế hơn vì rõ ràng là tài nguyên thiên nhiên nước mình phong phú hơn. Tiếc là, chúng ta chưa có tầm nhìn cũng như chiến lược dài hơi để quảng bá ẩm thực nước nhà.

– Tôi nghĩ rằng với tư cách là một food blogger, một tác giả sách có sức ảnh hưởng, có lẽ chị cũng cần góp phần vào việc đó chứ?

– Tôi và các food blogger khác vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho món Việt đấy chứ. Nhưng để làm một cách bài bản, tôi nghĩ cần sự đoàn kết của cộng đồng blogger và sự nghiên cứu về ẩm thực Việt một cách sâu sắc hơn. Như người Hàn và người Nhật, họ có cách quảng bá văn hóa ẩm thực rất tuyệt vời.

– Món Việt rất ngon và hay ho, nhưng liệu có phải tư tưởng “gia truyền”, không muốn chia sẻ bí quyết riêng của người Việt như nhiều người than phiền là một hạn chế cho việc quảng bá ẩm thực?

– Cũng có lý do đó, nhưng theo tôi, yếu tố “gia truyền” cũng tốt chứ, trên thế giới người ta cũng thế thôi. Quan trọng là làm thế nào để biến yếu tố “gia truyền” đó trở nên thu hút hơn.

– Chị có nghĩ một ngày nào đó chị sẽ ra một cuốn sách toàn những món Việt?

– Đó chính là mong ước và mục tiêu của tôi trong tương lai gần. Mong các bạn đón nhận. 























– Trân trọng cảm ơn chị, chúc chị gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa!

Thực hiện: Tiều Phu

Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo

Rất nhiều phụ nữ gốc Việt là chủ nhân của các kênh Youtube đình đám, có lượng người follow rất lớn. Thông qua đó, họ đã truyền bá tinh hoa ẩm thực Việt Nam, giúp phụ nữ Việt thế hệ @ có thêm nhiều cảm hứng trong nấu nướng. Họ góp phần không nhỏ giúp các bạn trẻ người Việt sinh sống tại rất nhiều nơi trên thế giới có thể tìm hiểu, tự mày mò nấu các món ăn quê hương thật ngon, giúp các mẹ bận rộn chỉ bằng vài click là tự tin mua đúng nguyên liệu, chọn lựa công thức và nấu ngon đúng điệu…
Foodblogger, Vlogger không đơn giản chỉ là một thú vui, một đam mê mà còn là một nghề thú vị. Tại nước ngoài, sở hữu một kênh youtube nhiều người theo dõi cũng là một công việc hái ra tiền. Tại Việt Nam, bạn có thể vừa nấu ăn cho gia đình, vừa tranh thủ “décor” món ăn, gửi cộng tác với các báo là cũng có thêm một nguồn thu nhập nho nhỏ để trang trải cuộc sống và tiếp tục hứng thú với những thú vui tao nhã.
Hãy tìm hiểu về những câu chuyện thú vị của mỗi đầu bếp gia đình mà ngọn lửa và hương vị của họ đã lan tỏa khỏi căn bếp riêng để đi rất xa.

Đón đọc chùm bài về những bà nội trợ kiểu Việt:

Thực hiện: depweb

06/07/2015, 16:30