– Là người làm việc nhiều với trẻ em trong các show thời trang, chị thấy thực trạng nào đáng lưu tâm khi cho trẻ gia nhập sớm vào lĩnh vực hào nhoáng này?
– Tôi thấy có nhiều cách hiểu không đúng về việc cho trẻ làm mẫu. Chẳng hạn nhiều phụ huynh lo con trai sẽ bị nữ tính đi, mà không hiểu học về mẫu là giúp con hiểu thêm về trang phục, giúp con có kiến thức để lựa chọn phục trang phù hợp với tính cách và độ tuổi. Bởi bé trai sẽ được dạy catwalk bởi những nam siêu mẫu hàng đầu, nên từ dáng đi đến cách đứng luôn tuân theo tiêu chí làm thế nào để thực sự “chuẩn men”.
Còn trẻ em gái cơ xương chưa phát triển toàn diện nên tôi không chủ trương khuyến khích các con đi trên giày cao gót mà chú trọng dạy con đứng thẳng lưng, tập cho các con dáng đi không bị gù, không đi hai hàng.
Về phía phụ huynh, tôi thấy có cuộc chạy đua ngầm để các con được tham gia vào nhiều show thời trang khác nhau. Nhiều em bé 4, 5 tuổi chạy show từ trong ra ngoài nước. Chạy show đến mức không còn thời gian học tập. Việc này rất sai lầm.
– Hệ lụy có thể xảy ra với các em là gì, khi tham gia sớm vào nghệ thuật?
– Tôi rất thích casting được những em bé đến và chia sẻ: “con chưa từng học mẫu, làm mẫu bao giờ”. Vì thực tế, các em bị đào tạo sai rất nhiều. Có nhiều em bé đến casting cứ nhìn hoài vào máy quay, nhìn đến khi cất máy quay đi mới thôi, quên luôn việc nhường cho các bạn khác trên sân khấu. Các em được dạy chú trọng vào bản thân nhiều hơn sự chia sẻ, đó là nguồn gốc của sự ganh đua.
Có nhiều em bé chụp những bộ hình rất già dặn, giống hình ảnh trong các MV người lớn. Tôi không thích sự thiếu hồn nhiên đó. Tôi chủ trương mang trẻ em về gần với tự nhiên để trả các con về với sự đáng yêu, hồn nhiên vốn có đúng tuổi.
– Thực tế trẻ em đang bị lạm dụng vào mục đích của người lớn. Khi mở một trường đào tạo nghệ thuật cho trẻ, chị gửi gắm điều gì?
– Khóa chính trong trường của Xuân Lan là dạy về kỹ năng sống: làm thế nào để trẻ tự tin, để trẻ không núp sau lưng mẹ, biết cách ăn mặc hoặc giao tiếp…Làm mẫu chỉ là sân chơi để các con thể hiện kỹ năng mềm được đào tạo. Tôi vẫn cho rằng, diễn thời trang ít khắc nghiệt hơn các gameshow dài tập về âm nhạc, nhảy múa hay diễn xuất.
Trong mỗi đứa trẻ đều có sẵn tố chất nghệ thuật, đào tạo thế nào để các con có thể phát triển tố chất đó, làm giàu có hơn đời sống tinh thần cho các em là mục tiêu của chúng tôi. Đào tạo trẻ để biến các con thành công cụ kiếm tiền là điều tôi không hướng đến.
Tôi từng thấy nhiều em bé sau chiến thắng một cuộc thi đã miệt mài chạy show, không còn thời gian cho bản thân, cho việc học, và không lâu sau trở thành một em bé già dặn trước tuổi.
– Chị muốn nói thế nào với những bậc phụ huynh của những đứa trẻ đó?
– Chúng ta là cha mẹ đều yêu và tự hào vì con cái. Khi các con có cơ hội cha mẹ đều nảy sinh suy nghĩ tranh thủ, nhưng làm đảm bảo việc học hành và sống hạnh phúc mới là điều chúng ta cần hướng tới.
Xây dựng hình ảnh cho con các bố mẹ cần lưu ý: nên để trẻ lưu giữ được những ảnh đáng chứ đừng biến các con thành những bà già hoặc ông già trẻ con. Tôi đã thấy những em bé thần đồng, nhưng nhiều trong số đó bị đánh mất tuổi thơ, không có thời gian tận hưởng và cảm nhận cuộc sống.
Tôi không thích hình ảnh một em bé đánh môi thâm, mặc quần tất lưới, áo croptop. Trẻ con chỉ cần tự tin nhưng vẫn phải là trẻ con.
– Các bé gái ăn mặc hở hang là một trong những nguyên do gọi mời sự xâm hại. Chị sẽ nói gì về việc này?
– Trẻ con hay người lớn đều có những vùng hở rất đáng yêu nếu biết cách. Nhưng nếu mình không cẩn thận, chỉ cần biến con già dặn một chút, để con sexy một chút, trang điểm đậm một chút, một đứa trẻ có thể trở thành hình tượng gây ám ảnh và có thể thành nạn nhân của xâm hại tình dục bất cứ lúc nào. Tôi chỉ muốn nói, rất dễ biến trẻ trở thành đối tượng bị xâm hại nếu để con già hóa sớm nên phụ huynh cần đặc biệt lưu ý điều này.
Hiện tôi thấy có dấu hiệu tích cực là, nhiều phụ huynh đã biết quan tâm đến các vấn đề xã hội nên họ tự lập ra các hội để bảo vệ con. Trong những nhóm kín, các mẹ kêu gọi nhau nếu ai mời con chụp những bộ hình giấu mặt, nhưng hở thân sẽ ngăn cản. Các bố mẹ cho con học thêm những kỹ năng mềm để tự bảo vệ chính mình.
– Bé Thỏ được diễn thời trang cùng mẹ từ khi 5 tháng tuổi, chị làm thế nào để giữ được sự hồn nhiên cho con gái?
– Đến bây giờ Thỏ đã trình diễn trong nhiều show thời trang nhưng con vẫn là một em bé chưa biết làm mẫu chuyên nghiệp. Nếu người mẫu chuyên nghiệp phải luôn lạnh lùng thì Thỏ đến lên sân khấu vẫn đi tìm những ánh nhìn, lắng nghe từng tiếng vỗ tay của khán giả để đáp lại. Ai nhìn Thỏ – Thỏ nhìn lại, ai vẫy tay với Thỏ – Thỏ vẫy tay lại, ai vỗ tay cho Thỏ – Thỏ mi gió lại.
Tôi luôn muốn giữ cho con cuộc sống bình thường, luôn chủ trương không dạy cho con những việc khiến con già trước tuổi.
Thỏ rất yêu thời trang, từ khi lên 3 tuổi con đã tự mình lựa chọn những bộ váy con muốn. Con tự shopping chọn đồ, tự lựa trang phục mỗi khi đi học. Thỏ thích sân khấu. Thỉnh thoảng con nói với tôi: “Mẹ ơi con có thể đi một mình rồi đấy, không cần mẹ dắt nữa đâu”, lâu lâu lại nói xa nói gần: “Mẹ ơi, nếu mẹ muốn con giúp mẹ biểu diễn thì mẹ nhớ nhờ con nha, con sẽ nhận lời đó nha”. Thỏ ít khi nói: “Mẹ ơi con thích diễn, mẹ cho con diễn nhé”.
– Cảm ơn những chia sẻ của chị!