Đạo diễn phim "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi": không ép ai cứu phim của mình - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn phim “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”: không ép ai cứu phim của mình

Chat

Lời kêu cứu của đạo diễn Chung Chí Công vô tình đẩy “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” trở thành đề tài tranh cãi của dư luận. Dù thật lòng, với anh, mong muốn khán giả ra rạp chỉ là “mơ ước bình thường và rất đỗi tự nhiên của bất cứ ai dốc lòng làm ra một sản phẩm”.

Từng được biết đến là nhà sản xuất, biên kịch và giám đốc mỹ thuật của “Nhắm mắt mùa hè” nhưng “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” như một cú liều của Chung Chí Công. Bởi đây là lần đầu tiên anh ngồi ghế đạo diễn, sớm hơn 10 năm so với dự tính.

Phim có kinh phí thấp, vắng bóng ngôi sao hạng A cũng chẳng PR rầm rộ trước khi ra rạp, nội dung phim được đánh giá là giản đơn, nhẹ nhàng. Đúng tiêu chí của phim độc lập, yên phận mình giữa màn bạc đầy ắp kỹ xảo, kịch tích. Vậy mà, “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” lại khơi lên những ồn ào, điều mà đạo diễn Chung Chí Công chưa từng muốn có. Đẹp đã có buổi trò chuyện thẳng thắn cùng anh xoay quanh những vấn đề này.

“Nếu yêu phim thì hãy yêu phim bây giờ”

Sau lời kêu gọi cần 1.500 bạn trẻ cứu phim, anh nhận thấy số lượng khán giả có tăng lên đáng kể?

Sau lời chia sẻ đó trên trang cá nhân, lượng khán giả yêu mến phim quyết định ra rạp sớm đã tăng gấp đôi so với hôm trước. Vừa là tín hiệu vui cho bộ phim, cũng là áp lực cho cả ekip tiếp tục cố gắng làm việc để không phụ lòng tin yêu của mọi người.

Nhưng lời kêu gọi ấy cũng gây phản ứng trái chiều. Có một câu hỏi được đặt ra “Tại sao phải cứu một sản phẩm khi bản thân nó chưa tốt?”. Lời đáp của anh là gì?

Trong phần chia sẻ đó, tôi có viết rất rõ là mình thật sự cần trước hết là những ai có quan tâm đến bộ phim, biết tới nó và có ý định xem nhưng chưa ra rạp thì hãy dành thời gian cho phim vì biết đâu ngay ngày mai nó sẽ không còn ở đó nữa. Tôi thật sự cần mọi người “nếu có yêu phim thì hãy yêu phim bây giờ”, chứ không “muốn” mọi người phải làm như vậy, hay bắt ép mọi người bỏ tiền ra cho một sản phẩm không tốt để cứu nó.

Đạo diễn Chung Chí Công

–  Vẻ như nhiều người đã hiểu sai ý anh?

Tôi cần mọi người nếu đã tin và yêu bộ phim thì hãy hành động bằng cách chia sẻ về phim đến bạn bè mình, đến những cộng đồng yêu phim Việt. Bản thân bộ phim vào ngày ra rạp đã là của khán giả chứ không còn là của tôi và ekip nữa. Nếu phim may mắn được ai đó thương thì những người làm cha làm mẹ này cũng mong nó được khôn lớn đủ đầy.

Tôi nghĩ đó là một mơ ước bình thường và rất đỗi tự nhiên của bất cứ ai dốc lòng làm ra một sản phẩm và mong đứa con của mình đến được với công chúng. Bản thân tác phẩm phải sống được thì nhà làm phim mới sống được và có thể tiếp tục hành trình làm nghề của mình. Niềm tin vào những điều tốt đẹp là quan trọng, sự ghi nhận những nỗ lực là quan trọng nhưng cơm áo gạo tiền cũng không đùa với khách thơ.

Từ chuyện yêu cho đến chuyện làm phim: quan trọng là phù hợp!

Tại sao lại là “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”?

Có bao giờ bạn trằn trọc cả đêm vì vài chuyện cần phải suy nghĩ. Đến khi mặt trời mọc, nghĩ thông được mọi việc thì bản thân thở phào nói: “OK trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi!”. Tựa phim bắt đầu đơn giản như vậy.

Hẳn anh quá rõ công thức làm phim ở xứ mình, chí ít cũng phải có người nổi tiếng hay một cái tên hút phòng vé nào đó?

Nói thật, khi bắt đầu làm phim này, tôi luôn mang một nỗi tự ti. Dù từng sản xuất “Nhắm mắt thấy mùa hè” nhưng ở vị trí đạo diễn, tôi chỉ là con số 0. Nếu như mời Hoàng Thùy Linh, Tóc Tiên cho đúng chuẩn phim âm nhạc có ca sĩ hát hay thì chắc gì mấy cổ chịu đến. Mà nếu đến cast thật thì chắc cũng vì lịch sự thôi.

Quốc Hoàng (vai Tâm) và Thúy Vy (vai Thanh)

Vậy bằng cách nào anh tìm ra Thúy Vy và Quốc Hoàng?

Bằng 2 post trên facebook “Em ơi, em ở đâu?”“Anh ơi, em ở đâu?”. Vy là nhân viên cũ của tôi cách đây 5,6 năm lúc còn mở quán ăn. Còn Hoàng là một ca khác. Khi đó, tôi có yêu cầu nam chính từ 22-26 tuổi. Một người bạn của tôi hỏi “18 tuổi mà mặt già được không?” và giới thiệu Hoàng cho tôi.

Tôi thấy anh quá liều khi anh chọn hai cái tên mới toanh chưa từng diễn xuất cho bộ phim đầu tay của mình. Quá nhiều rủi ro…

 Tôi thích gương mặt của Hoàng, nó lạ so với mặt bằng chung diễn viên hiện nay. Hôm casting, tôi cũng không đặt máy quay hay yêu cầu các bạn diễn thử gì cả. Chúng tôi cứ thoải mái ngồi nói chuyện với nhau và đàn hát vài ca khúc. Tôi chọn Vy và Hoàng không phải vì hai bạn hát hay nhất, ngoại hình sáng nhất hay dựa vào tiêu chí facebook có nhiều người theo dõi trong danh sách ứng cử viên. Lý do chỉ vì Vy và Hoàng hợp với nhau nhất và hợp với câu chuyện mà tôi muốn kể. Đối với tôi, phù hợp thì ưu tiên hơn là tốt nhất.

Nhạc Indie (độc lập), bản thân nó đã là thể loại khá kén người nghe, vì sao anh lại chọn làm chất liệu chính của phim?

Tôi tự hỏi, nhạc gì hợp với phim Indie, trong đầu nảy ra ngay lập tức: “nhạc Indie”. Cả hai vốn dĩ sinh ra là cho nhau. Dù trước đây, tôi chưa thấy ai làm.

 “Hợp” thì quan trọng hơn cả chuyện “hút khách”, đúng không?  

Khi xem đến cuối phim, khán giả sẽ thấy một câu hỏi hiện lên: “Làm sao để tìm được đúng người?”. Mỗi người hẳn sẽ có cho mình một lời đáp riêng. Còn đối với tôi chỉ có một câu trả lời, đó là hợp với nhau. Nam chính hợp nữ chính. Nhạc hợp với thể loại phim. Dù “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” sẽ hơi kén khán giả, nhưng tôi tin vẫn có nhiều người nhìn thấy chính mình trong phim.

“Bản thân tôi cũng đã từng muốn kết thúc cuộc sống của mình”

 Điểm nào trong phim mà anh sẽ giữ trong những phim “cộp mác” Chung Chí Công?

Trong phim có khá nhiều cú máy dài khoảng 3-4 phút, quay liên tục không cắt máy. Tôi quan điểm, nếu mình cắt máy, chuyển sang cảnh gần hơn, giống như ép khán giả thấy cái mà đạo diễn sắp đặt ví dụ như vài giọt nước mắt đang rớt xuống chẳng hạn. Trong các phim của mình, tôi muốn giữ những gì chân thật và tự nhiên nhất có thể.

Anh tin điều gì ở “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” sẽ chạm đến khán giả?

Bên cạnh âm nhạc, tôi mong câu chuyện của phim sẽ khiến khán giả cảm thấy gần gũi. Tôi tin sau khi rời khỏi rạp, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng như thể bình yên sau cơn giông bão. Trên thế giới, có hẳn dòng phim như vậy được gọi là “feeling good”.

Anh từng chia sẻ mỗi lần làm phim là một cơ hội chắt chiu. Vậy đối với dự án này, sau áp lực kinh phí, sự đón nhận của khán giả còn điều gì khiến anh phải nặng lòng?

Mấy anh em có bàn với nhau nếu may mắn phim có lời một chút sẽ lập một cái quỹ dành cho những người bị trầm cảm. Đây cũng là chủ đề thực sự của phim. Bản thân tôi cũng đã từng trải qua những ngày muốn kết thúc cuộc đời của mình. Tôi biết, ở ngoài kia, cũng có nhiều người như vậy. Trầm cảm như một cơn sóng ngầm. Có những người bạn của tôi không bao giờ đi hết hành trình tuổi trẻ, họ dừng lại ở tuổi 19, 20. Tôi luôn đau đáu về những cái chết như vậy…  

– Cám ơn những chia sẻ của anh!

HÀ QUỐC HOÀNG – TRẦN LÊ THÚY VY: KHI HAI MẢNH GHÉP ĐẶT CẠNH NHAU

Điều thú vị là thời gian đầu khi quay phim cùng nhau, Hoàng và Vy đều không biết tên hay tuổi thật của đối phương. Cả hai gọi nhau bằng tên nhân vật trong phim. Đây là cách đạo diễn Chung Chí Công giúp hai diễn viên tay ngang hòa nhịp với mạch phim tốt nhất.

Trong “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”, hai diễn viên chính cùng đóng góp vào kịch bản của phim. Nói một cách khác, luôn có câu chuyện thật của Hà Quốc Hoàng và Thúy Vy được hiện lên màn ảnh. Nếu điểm giống nhau giữa Hoàng và Tâm là từng có một ban nhạc thì những mối tình dang dở không hồi kết là điều Vy phác họa lên nhân vật Thanh của mình.

Là sinh viên ngành Kinh doanh thương mại năm 2 Đại học Văn Lang, Hà Quốc Hoàng chưa từng nghĩ mình sẽ bén duyên với điện ảnh. Thậm chí, đến ngày quay đầu tiên của “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”, Hoàng vẫn đinh ninh mình đang đóng clip quảng cáo chiếu trên Youtube. Sự thật mình sắp xuất hiện trên màn ảnh rộng khiến chàng trai sinh năm 2000 ngỡ ngàng đôi chút nhưng nhanh chóng “xốc” lại tinh thần.

Trong khi đó, diễn xuất là ước mơ được Vy nuôi dưỡng từ thuở bé. Để chuẩn bị cho vai diễn, Vy xem đi xem lại khá nhiều lần series phim “Before” (“Before Sunrise”, “Before Sunset”, “Before Midnight”) cũng như đọc các bài báo phân tích phim. Vy bắt chước cả cách tập hát trong toilet để giọng vang hơn hay hát trên đường giúp khẩu hình miệng được rõ.

“Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” không chỉ đánh dấu lần đầu tiên Hoàng diễn xuất mà còn là những trải nghiệm thú vị. “Đây cũng là lần đầu tiên, mình phải hát một bài hát mấy chục lần liền hay ngồi đàn trên nóc nhà dưới cái lạnh 11 độ”, Quốc Hoàng chia sẻ. Còn đối với Vy, xuất phát điểm là người sản xuất chương trình của một kênh truyền hình, Vy hiểu rõ cái vất vả phía hậu trường khiến cái áp lực phải diễn tròn vai nhân lên nhiều lần.

Sau “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”, Hà Quốc Hoàng và Thúy Vy không vụt sáng thành sao. Nhưng cú chạm ngõ này cũng đủ để giới thiệu cho điện ảnh Việt hai gương mặt mới hoặc có khi là tân binh cho làng nhạc.

Thực hiện: Mỹ Khánh

08/10/2019, 11:54