TS. Nguyễn Nữ Hoài Vi: Là phụ nữ ai cũng cần một bờ vai

HUẤN LUYỆN VIÊN NGUYỄN THỊ NHUNG & TIẾN SĨ KHOA HỌC NGUYỄN NỮ HOÀI VI: BÔNG HỒNG THÉP
Súng, hoa hồng và… thép không liên quan gì đến “Súng, vi trùng và thép”, cuốn sách của nhà khoa học Mỹ Jared Diamond. Nếu Jared Diamond đưa ra những lập luận về khuôn mặt lịch sử của loài người trong tác phẩm của mình, thì câu chuyện của Huấn luyện viên bắn súng Nguyễn Thị Nhung và nhà khoa học nữ về thanh sát hạt nhân – Tiến sĩ Nguyễn Nữ Hoài Vi – lại minh chứng cho một điều hiển nhiên rằng: Lịch sử dẫu có phát triển thế nào thì bản chất của nữ giới không bao giờ thay đổi. Dù công việc họ chọn là súng hay… thép. Bởi sinh ra họ đã là những đóa hồng.

Tôi nguyên tắc và hiếu chiến…

– Cuộc “kết duyên” với năng lượng hạt nhân của chị bắt đầu từ đâu?

– Tôi theo học và trở thành tiến sĩ chuyên ngành hóa tại Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. Đến năm 2006, tôi tiếp quản công việc về an ninh và thanh sát hạt nhân tại Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực hẹp, chuyên ngành của tôi là an ninh hạt nhân và thanh sát hạt nhân còn ít người biết hơn nữa. Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân có hơn 150 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Công việc về thanh sát hạt nhân của tôi là xây dựng các báo cáo của Việt Nam đầy đủ, chính xác và đảm bảo các báo cáo này được gửi đến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đúng thời hạn. Nếu công việc này không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực hạt nhân trên thế giới.

– Cuộc đời làm khoa học thường được đánh dấu mốc bằng các công trình khoa học. Với chuyên ngành của chị thì sao?

– Là các thỏa thuận, hiệp định quốc tế mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực hạt nhân nguyên tử, cũng như việc tham gia các phái đoàn của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa ra những đề xuất phù hợp, thể hiện ý chí chính trị và bảo đảm lợi ích quốc gia của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.

Tôi từng trực tiếp xây dựng phương án đàm phán về công nghệ điện hạt nhân giữa Việt Nam với Mỹ. Việt Nam đã đạt được thỏa thuận cao nhất trong cuộc đàm phán này. Với tôi, đó là điều rất đáng tự hào.

tien-si-du-ngoc-hien2
“Tôi thấy không có công việc nào chỉ của đàn ông hoặc phụ nữ. Tôi hay nghe đến việc giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới, nhưng theo quan điểm của tôi, bình đẳng thực sự là khi phụ nữ có quyền được lựa chọn như nam giới. Người ta chỉ đòi hỏi sự bình đẳng khi chưa đạt tới điều đó. hấy mình đang làm một công việc bình thường. Trong công việc nếu có đam mê thì ai cũng có thể thành công được.”

– Trong các hội nghị quốc tế chị từng tham gia, có nhiều nhà nữ khoa học không, thưa chị?

– Rất ít. Trong nhiều cuộc họp chỉ có mình tôi là nữ, nhưng tôi chưa bao giờ thấy sự khác biệt.

– Vậy có ưu tiên nào không?

– Ưu tiên thì không rồi. Thậm chí, khi đi công tác, nếu có thêm một bạn nữ trong đoàn, cánh đàn ông bao giờ cũng thay nhau kéo va li cho cô gái kia mà không phải tôi, kể ra cũng có vài lần tôi thấy tủi (cười).

– Chị có gặp khó khăn nào không khi làm việc trong môi trường ít phụ nữ như vậy?

– Khó khăn thì không đâu, bởi khi làm việc, tôi không để ý đến việc là nam hay nữ, tôi luôn là chính mình: quyết đoán và thẳng thắn. Công việc này đòi hỏi chúng tôi phải đưa ra phương án tốt nhất cho lợi ích và vị thế quốc gia. Để làm được điều đó chỉ có một cách duy nhất là phải tìm hiểu và đọc rất nhiều, hiểu rõ quyền và lợi ích của đất nước đến đâu, đặt trong so sánh với các quốc gia khác. Trong khi đó, tài liệu về những vấn đề này không dễ tìm kiếm. Những lúc như vậy thì chính sự linh cảm của phụ nữ đã giúp tôi tìm ra nguồn thông tin cần thiết.

– Từ mô tả chị rõ nhất trong công việc là…

– Nguyên tắc và “hiếu chiến”.

– Chị biết huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung – người cùng với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang huy chương vàng Olympic bộ môn bắn súng về cho Việt Nam năm 2016 chứ?

– Tôi biết chứ. Một người phụ nữ đặc biệt khó có người thay thế.

– Cũng như chị, chị Nhung đã lựa chọn một công việc không phải thế mạnh của phụ nữ.

– Tôi thấy không có công việc nào chỉ của đàn ông hoặc phụ nữ. Tôi hay nghe đến việc giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới, nhưng theo quan điểm của tôi, bình đẳng thực sự là khi phụ nữ có quyền được lựa chọn như nam giới. Người ta chỉ đòi hỏi sự bình đẳng khi chưa đạt tới điều đó.

Tôi thấy mình đang làm một công việc bình thường. Trong công việc nếu có đam mê thì ai cũng có thể thành công được.

… nhưng vẫn nhiều lúc yếu mềm

– Chị có hình mẫu nào để theo đuổi trong nghề nghiệp không?

– Tôi không thần tượng ai cả. Ngày còn trẻ, tôi rất thích Marie Curie, tôi mơ ước mình sẽ làm được điều gì đó giống bà, có lẽ vì thế nên tôi đã theo học về khoa học. Sau này khi đi làm, va chạm với cuộc đời và biết về mình hơn, tôi thấy mình chỉ như một hạt cát trong biển cả mênh mông, cố gắng làm sao để làm tốt phần mình đã là tốt lắm rồi.

– Hóa học và năng lượng hạt nhân giúp chị nhìn thấy điều gì trong thế giới?

– Nhìn chiếc bàn này bạn nghĩ nó là một vật vô tri, là một vật thể chết, thực ra thì không phải vậy. Hóa học giúp tôi nhìn thấy sự sống động trong những vật mà người ta tưởng là tĩnh tại, giúp tôi hiểu thế giới này, và công tác nghiên cứu giúp tôi làm phong phú thêm trí tuệ của mình.

– Nhưng tôi cũng không tin chị chỉ thích nói chuyện về phân tử, nguyên tử và bức xạ hạt nhân đâu!

– À tôi thích hoa nữa, nhất là hoa cúc vì nó đằm thắm.

– Phụ nữ hay được ví với hoa hồng, cứng rắn hơn thì gọi là… “hồng thép”!

– Chắc tôi vẫn chỉ là hoa hồng, dù quyết liệt nhưng vẫn nhiều lúc yếu mềm. Là phụ nữ ai cũng thích được sẻ chia, nương tựa, tôi cũng vậy. Chất thép nếu có là do cuộc sống tôi luyện mà thành, để bao bọc những yếu mềm khó thổ lộ.

– Giống như những vỏ bọc bằng chì khóa chất phóng xạ bên trong?

– Chắc là như thế. Trong công việc, bao giờ tôi cũng giữ khoảng cách “business like”. Còn trong cuộc sống, việc nuôi con một mình bắt buộc tôi phải trở nên cứng rắn. Gần đây khi có nhiều thời gian hơn, tôi nhận ra mình phải lắng lại để nhìn vào lòng mình.

tien-si-du-ngoc-hien1
“Chắc tôi vẫn chỉ là hoa hồng, dù quyết liệt nhưng vẫn nhiều lúc yếu mềm. Là phụ nữ ai cũng thích được sẻ chia, nương tựa, tôi cũng vậy. Chất thép nếu có là do cuộc sống tôi luyện mà thành, để bao bọc những yếu mềm khó thổ lộ.”

Không li hôn, tôi sẽ không làm được nhiều việc như bây giờ

– Sống một mình sao nhà chị có nhiều gạt tàn thế?

– Tôi hút thuốc từ những năm 80, khi con gái lên 6 tuổi do những căng thẳng trong đời sống riêng. Đây là một thói quen không tốt nhưng tôi không bỏ được.

– Nhưng lại có cả tấm bảng: “No smoking” (Không hút thuốc) nữa!

– Cái đó là con gái tôi mang về (cười).

– Chị hút thuốc – khá bất ngờ đấy!

– Thật ra tôi giống tính bố, nóng tính và quyết liệt. Trong cuộc sống, tôi luôn có một tâm niệm: Người khác làm được thì mình cũng làm được.

– Xin phép chị khi khơi lại chuyện cũ, nhưng liệu có phải do tính cách đó mà chị đánh mất người đàn ông bên cạnh?

– Chúng tôi chia tay nhau năm 1990 khi tôi còn rất trẻ và tôi là người lựa chọn.

– Vậy là “lời nguyền” phụ nữ đam mê công việc sẽ đánh mất hạnh phúc gia đình vận vào chị?

– Không hẳn, vì có thể nếu không li hôn, tôi sẽ không làm được nhiều việc như bây giờ. Tôi luôn nghĩ mình không giỏi và thông minh hơn người khác, nên những điều đạt được đều do sự chăm chỉ, cần cù. Sự chăm chỉ đó cần nhiều thời gian. Trong suốt những năm tháng đi làm, tôi luôn là người dời công sở rất muộn.

Trong đời cái gì cũng phải trả giá

– Làm con của một phụ nữ đam mê công việc thì có thiệt thòi không?

– Tôi nghĩ là có, vì tôi mất 6 năm xa con (2 năm làm thạc sĩ, 4 năm làm tiến sĩ ở nước ngoài), để con gái lại cho ông bà ngoại chăm sóc. Nhưng trước khi đi học xa, tôi dành tất cả thời gian cho con, đến nỗi có lúc tôi cảm thấy sợ khi con đang dựa vào mình quá nhiều. Vì thế, việc tôi đi học phần nào đó tốt cho con, giúp con có không gian để tự lập hơn.

Tất nhiên không vì thế nỗi nhớ con và sự day dứt giảm đi. Ngồi trên máy bay sang Úc, tôi đã khóc rất nhiều. Ngày đó chưa có thư điện tử, hầu như toàn bộ tiền học bổng tôi dùng hết để gọi điện về cho con mỗi tuần.

– Việc con chị cũng theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học (chuyên ngành sinh học), liệu có ảnh hưởng nào từ mẹ?

– Lần sang tham dự lễ bảo vệ luận văn tiến sĩ của con tại Thụy Sĩ, trong lời cảm ơn cuối cùng, con đã nói: “Cảm ơn mẹ đã truyền cảm hứng để con đủ sức mạnh đi theo con đường này”.

Trong một lá thư con gửi trong thời gian tôi đi học xa nhà, con viết thế này: “Khi con viết, con nhìn thấy cách mẹ viết” (cười).

– Chị dành lời khuyên nào cho con?

– Làm khoa học hay bất cứ công việc nào muốn thành công thì phải kiên trì. Có nhiều giai đoạn, công việc của người làm khoa học rất buồn tẻ, chỉ có một mình trong phòng thí nghiệm, nhiều ngày lặp đi lặp lại đúng một thí nghiệm như nhau, nếu biết chờ đợi, sẽ có ngày nhận được trái ngọt.Tôi từng chia sẻ với con những điều như vậy trong các câu chuyện thường ngày.

Tôi luôn mong con hạnh phúc, và sẽ tốt hơn nếu con có một gia đình bình yên. Là phụ nữ ai cũng cần một bờ vai.

– Nghĩa là chị có nuối tiếc?

– Nếu có thì là những nuối tiếc trong đời sống riêng. Tôi nhận ra trong đời cái gì cũng phải trả giá. Dù thế nào, gia đình vẫn luôn quan trọng nhất.

Cảm ơn chị, chúc chị đạt được nhiều thành tựu hơn trong cả sự nghiệp và cuộc sống!

TS. Dư Ngọc Hiền – Con gái TS. Hoài Vi: Mẹ tôi rất thích cắm hoa

“Mẹ sang Úc nghiên cứu khoa học khi tôi mới học lớp bốn. Bốn năm sau mẹ quay về. Tôi nhớ hôm mẹ về đã là 12 giờ đêm, nhưng vừa đến nhà, quên hết mệt mỏi của chặng đường dài và sự chênh lệch múi giờ, mẹ mở ngay luận án và cho tôi xem công trình nghiên cứu của mình.

con-gai-tien-si-du-ngoc-hien
Tình yêu với khoa học của tôi bắt nguồn từ mẹ. Mẹ và tôi đều có đam mê với những phân tử nhỏ bé. Các phản ứng hóa học hay các hiện tượng sinh học xảy ra đều do sự vận động của các phân tử. Hiểu sự vận động của chúng để giải thích các hiện tượng thiên nhiên tạo ra thế giới chúng ta đang sống. Cả hai chúng tôi đều hiểu làm khoa học không có gì cao siêu, nhưng cần phải có tình yêu.

Phụ nữ Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi, vì thế, để đi được đến cùng đam mê không phải dễ dàng. Hai mẹ con vẫn duy trì thói quen viết thư hàng ngày cho nhau. Trong mỗi lá thư, chúng tôi nói đủ chuyện, từ chuyện cuộc sống đến những thí nghiệm tôi đang làm gặp khó khăn hay thuận lợi.

Tôi biết mẹ mong tôi hạnh phúc, mong tôi có một gia đình riêng đủ đầy hơn cả một sự nghiệp thành công. Và tôi cũng biết những thiếu hụt về tình cảm là điều không ai có thể bù đắp cho mẹ.”


From the same category