Trình Tuấn: “Đối với nhiều người, tôi là kẻ phản diện trong hành trình nuôi con” - Tạp chí Đẹp

Trình Tuấn: “Đối với nhiều người, tôi là kẻ phản diện trong hành trình nuôi con”

Men's Talk
img_0235
Anh Trình Tuấn và con gái, bé Ủn

– Anh từng gọi hành trình đi xin sữa cách đây hơn 5 năm của mình là một cuộc chiến. Còn bây giờ?

– “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, ai cũng có cuộc chiến riêng của mình. Cách đây hơn 5 năm, cuộc chiến của tôi lúc đó là làm sao duy trì được dòng sữa hàng ngày cho con. Nhưng đó không phải là cuộc chiến duy nhất tôi gặp phải trên hành trình nuôi con. Trên hành trình đó, tôi còn phải chiến đấu để con khỏe mạnh mà không lạm dụng thuốc và kháng sinh.

Không có đứa trẻ nào không ốm, trẻ em phải ốm thì mới ngày càng lớn lên, khỏe mạnh được. Bởi vì mỗi lần bệnh, cơ thể tạo ra kháng thể giúp tấn công lại mầm bệnh và xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vai trò của người mẹ trong việc chăm sóc và phòng bệnh cho con quan trọng không kém gì bác sĩ nên ở phương Tây, người ta ví von người mẹ như một bác sĩ gia đình. Tuy nhiên, đối với xã hội Á Đông thì việc nuôi dạy con có sự ảnh hưởng và can thiệp của nhiều bên trong gia đình. Sự khác biệt đó khiến nhiều khi tôi đóng vai “ác” trong mắt người thân trên hành trình hướng con tới khả năng tự lập.

img_0216
“Điều khiến tôi bị áp lực nhất chính là xung đột về quan điểm nuôi con với thế hệ trước.”
Bố: anh Trình Tuấn
Con: bé Ủn (5 tuổi

– “Hậu cuộc chiến” là những gì, thưa anh?

– Đó là hành trình mới với những vấn đề liên quan đến giáo dục, nhất là giai đoạn bé bắt đầu có những thay đổi mà người ta thường gọi là “khủng hoảng tuổi lên 3”. Vai trò của tôi lúc này là giúp con xây dựng và duy trì những thói quen tốt như đánh răng, rửa mặt, thay đồ,… cũng như trò chuyện và giao tiếp thường xuyên với bé, cho bé tiếp xúc nhiều với thiên nhiên và những người xung quanh, hạn chế ti vi và thiết bị điện tử để phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp cho bé.

 – Việc cai sữa cho con với anh có vất vả không?

– Bú mẹ không chỉ là vấn đề về dinh dưỡng mà còn là sự kết nối sợi dây tình mẫu tử. Bé Ủn bú bình nên không có sự kết nối đó, vì vậy việc cai sữa cũng không đến nỗi quá khó khăn. Chủ yếu tôi chuẩn bị tâm lý trước cho bé và giảm dần cữ sữa trong ngày lại.

– Anh từng chia sẻ, sai lầm của mọi người là không có sự chuẩn bị trước khi làm bố mẹ. Còn anh thì sao?

– Tôi cũng không có sự chuẩn bị nào cả. Quá trình làm cha của tôi hoàn toàn bắt đầu từ con số 0. Lúc mẹ bé mất, tôi cố gắng tìm mua loại sữa tốt nhất về cho con. Hồi vợ mang bầu, tôi còn cố ép cô ấy uống sữa bầu. Nhưng ở những nước phát triển thường không có sữa bầu vì họ luôn khuyến khích người mẹ ăn đa dạng thực phẩm.

img_0176
“Quá trình làm cha của tôi hoàn toàn bắt đầu từ con số 0”

– Kinh nghiệm không có, lại sớm rơi vào tình cảnh “gà trống nuôi con”. Có lúc nào anh bế tắc?

– Bế tắc chủ yếu về tâm lý. Tôi không biết cái gì là quan trọng nhất với con mình. Nhưng nhờ tìm hiểu trên internet kết hợp với sự tư vấn của các bác sĩ mà tôi bắt đầu có chút hiểu biết. Tuy nhiên, điều khiến tôi bị áp lực nhất thời điểm đó chính là xung đột về quan điểm nuôi con với thế hệ trước. Thế hệ cha mẹ mình có quan điểm chăm con khác, đến thế hệ mình lại có quan điểm khác. Đôi khi những vất vả từ việc giặt giũ, nấu nướng lại không bằng việc phải đấu tranh để được nuôi con theo cách của mình. Đôi lần không dung hòa được, tôi chỉ muốn thu xếp để mẹ tôi về quê sớm! (cười)

“Mất đi người vợ không chỉ là nỗi đau mà còn mất đi điểm tựa tâm lý, là vết thương khó nguôi ngoai. Mỗi ngày đều có đứa con thơ và những đứa trẻ khát sữa đang chờ tôi, đó là lúc tôi tìm thấy giá trị của bản thân giữa cuộc đời này. Và nỗi đau của sự mất mát dần nguôi ngoai mà tôi cũng không kịp nhận ra.” – anh Trình Tuấn.

– Hỏi thật, có bao giờ anh rơi nước mắt vì quá áp lực với vai trò này không?

– Tôi khóc nhiều nhất vào những ngày sau khi vợ mất, bởi cảm giác bất lực và dằn vặt bản thân. Nếu hôm đó tôi không đi xa thì mọi chuyện đã khác.

Và cũng đến lúc tôi không còn khóc được nữa, tưởng chừng bất hạnh cũng chỉ đến thế thôi. Nhưng rồi những xung đột do khác biệt quan điểm nuôi dạy con đôi khi khiến tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi thấy mình không được chia sẻ, không được thông cảm ngay từ người thân.

Khi con ngủ, tôi lang thang trên đường khuya, tuyệt vọng đến bất cần; tôi nhắm mắt để xe trôi qua đèn đỏ, tiếng gió và còi xẹt ngang tai. Tôi chợt nhận ra mình thật ngu xuẩn, điều gì sẽ xảy ra với con khi tôi nằm xuống. Tôi khóc. Rồi tôi lại tự vực dậy tinh thần để có thể tiếp tục làm những điều tốt nhất cho con. Và tôi sẽ bất chấp tất cả để làm điều đó!

img_0252

– Dù không ai muốn, nhưng từ trải nghiệm của anh, liệu một người bố có thể thay thế vai trò của người mẹ?

– Mọi người vẫn nói tôi vừa làm cha vừa làm mẹ nhưng thực chất tôi chỉ cố gắng thực hiện tốt nhất vai trò làm cha của mình. Có thể trong hoàn cảnh và khả năng của mình, tôi làm tốt hơn so với nhiều ông bố khác. Nhưng để nói thay thế được vai trò người mẹ thì chắc chắn không.

– Tự chấm điểm ở vai trò làm cha, anh thấy mình xứng đáng được bao nhiêu điểm?

– Để tự đánh giá mình thì rất khó, không khách quan và mình không nhìn được những thứ mà người khác nhìn thấy. Nhưng nếu để chấm điểm, tôi nghĩ chắc mình cũng đạt điểm khá. (cười)

– Anh mong muốn bé Ủn sau này sẽ là người như thế nào?

– Tôi không có mong muốn gì bởi từ khi con còn nhỏ, tôi không áp đặt mà luôn tôn trọng sự phát triển của con. Chỉ có tôn trọng mình mới có cách làm đúng. Tôi tôn trọng con, để cho con có ý kiến. Tôi làm những gì tốt nhất cho con từng ngày nhưng tôi không kỳ vọng. Tôi chỉ cố gắng làm sao để xây dựng cho con một nền tảng tốt, để một mai không còn tôi, con vẫn có thể đi được trên đôi chân của mình. Tôi muốn con sống cuộc đời của con.

Cảm ơn anh. Chúc anh và gia đình luôn hạnh phúc!

img_0236
“Tôi làm những gì tốt nhất cho con từng ngày nhưng không kỳ vọng con báo đáp.”
                                                        Chuyên đề: NỖI SỢ CỦA BỐ
Đối với đàn ông, trên đời này có vô vàn nỗi sợ, như sợ trễ giờ làm, sợ tắc đường, sợ bị (vợ) cấm không cho xem World Cup hay sợ không vào được Facebook để “chém gió”… Nhưng có lẽ những điều đó cũng không bằng nỗi sợ khi các anh bắt đầu một chương mới trong cuộc đời mình – làm bố với những ám ảnh từ chuyện bỉm sữa cho đến trọng trách nuôi dạy con cái.
Nhân Ngày của Cha, mời bạn cùng Đẹp làm một cuộc hành trình để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: liệu rằng làm bố có thật sự đáng sợ?
Đọc thêm:
Đạo diễn Lê Thanh Sơn: “Tôi không ngại nếu con gái yêu người gần bằng tuổi tôi”
Phan Hiển: “Trước đây tôi sợ làm bố lắm…”
Đinh Trần Tuấn Linh: “Tôi sợ bị đánh tráo con trong viện, sợ con không có đủ lông mày,…”
Minh Hoàng: “Tôi sợ con mình trở thành người đàn bà xương rồng”
Anh Tú: “Các ‘ông con rể’ sau này nên sống tốt và yêu thương con gái tôi, nếu không là mệt mỏi với ông bố vợ này đấy!”
Trình Tuấn: “Đối với nhiều người, tôi là kẻ phản diện trong hành trình nuôi con”

 

Thực hiện: depweb

15/06/2018, 13:10