“Săn hàng hiệu” tại Sài Gòn Square - Tạp chí Đẹp

“Săn hàng hiệu” tại Sài Gòn Square

DELETED

Thượng vàng hạ cám


Nếu chưa đặt chân đến Sài Gòn Square thì không thể xem là đã shopping ở Sài Gòn, đó là lí do khu mua sắm này lúc nào cũng tấp nập phần lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Hầu hết những người bán hàng ở đây có thể trao đổi lưu loát bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài. Nhiều Việt kiều về nước cũng không quên tranh thủ dặt chân đến đây dạo vài vòng và thỏa mãn rước về vài túi đồ. Khách trong nước cũng đa dạng: từ học sinh, sinh viên đi tìm đồ phù hợp với mình đến các tín đồ hàng hiệu, chẳng ai bỏ qua hàng giá rẻ, chất lượng cao. Có thể tìm thấy được nhiều mặt hàng ở SGS từ đồ trẻ con đến người lớn, từ những chiếc váy đầm hàng độc lạ cho đến những mẫu mã bình dân. Chất lượng sản phẩm thì vô chừng: có hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan, hàng Việt Nam. Giá tiền vô chừng, từ vài chục ngàn một món đồ như chiếc áo thun, áo sơ mi, phụ kiện đến hàng triệu cho một món đồ hàng hiệu.

Nếu gọi SGS là một khu chợ cao cấp thì cũng không sai, bởi các cửa hàng ở đây phần lớn cũng bày sạp trưng bày như ở các khu chợ. Có vài gian hàng cao cấp thì trình bày đặc biệt hơn. Không gian ở đây mát mẻ, sáng sủa và sạch sẽ, quần áo dường như được bài trí cũng bắt mắt và sang trọng hơn.

Hàng hiệu giá rẻ


Điều thu hút nhất của SGS là món hàng hiệu giá rẻ với những thương hiệu quen thuộc như Zara, Mango, Gap, Abercrombie & Fitch, Banana Republic, Calvin Klein, Levi’s, Polo … mà nếu mua sắm trong các trung tâm thương mại giá không thể dưới hàng triệu thì ở đây áo thun, áo thể thao, quần jean, váy đầm … chỉ có giá vài trăm  ngàn đồng có nhãn mác hẳn hoi. Hàng này thường được gọi là hàng xuất khẩu, do các xưởng ở Việt Nam (hay các nước như Cambodia, Malaysia …) gia công theo đơn đặt hàng. Hàng này được nhiều người ưa thích do bền, đẹp và rẻ hơn rất nhiều so với ở trung tâm thương mại lớn.

SGS còn thu hút ở hàng “fake” nhằm thỏa mãn những ai  đam mê hàng hiệu mà không thể bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu để rinh về. Ở đây có những chiếc túi nhái LV, Hermes, Burberry, Emporio Armani … phân chia “nước một”, “nước hai” … cho đến “nước bảy”. Những hàng nước đầu thì được nhái đến từng chi tiết mà chỉ có những con mắt cực sành sỏi mới có thể phân biệt được, dĩ nhiên giá cũng khá cao so với hàng “nước bảy” trông chỉ giông giống có giá vô cùng bình dân. Hàng fake ở đây chủ yếu bắt nguồn từ Trung Quốc.

Tinh tai tinh mắt


Có thể bắt gặp những chiếc biển sale treo đâu đó, những món đồ đã qua mùa được gắn bảng “sale off” giá từ vài chục đến hơn trăm ngàn trong SGS, mặt hàng này vừa mắt thì mua, không đổi, không trả.

Lâu nay, giới sành mua sắm đều kháo nhau rằng phải là dân sành hàng hiệu thì mới biết và tìm thấy ra hàng tốt giá rẻ trong hàng đống đồ ở đây. Ngoài ra, còn phải nắm “bí quyết” trả giá: 50% mức giá người bán đưa ra bởi người bán ở đây thường nhìn mặt khách mà ra giá. Nếu không giỏi trong lĩnh vực trả giá này, tốt nhất nên đi kèm với người quen để khỏi bị hớ. Dân sành hàng hiệu thường hay có những “mối quen” ở đây mỗi khi có hàng mới về để khỏi mắc công tốn sức truy lùng và cũng đỡ phải kì kèo giá cả hơn.

Tuy nhiên, mua đồ ở đây cũng đòi hỏi các nàng phải thật tinh mắt để phân biệt hàng nào chất hay hàng nào là nhái, hàng nhái loại nào. Đôi khi hàng xuất khẩu cũng có hàng lỗi, hàng chưa đạt chất lượng bị thải ra được bày bán chung với những hàng bình thường, mà phải săm soi thật kĩ mới phát hiện ra. Nói chung, càng “tinh”, càng “cáo” thì càng có lợi. Nhiều người thích SGS bởi ngoài việc mua được hàng giá rẻ còn được thỏa mãn cái cảm giác “thắng lợi mĩ mãn” khi trả giá thành công một món hàng.

Chọn lựa của người mua


Sài Gòn Square hiện nay có hai địa điểm: một nằm trên ngay khúc đường Nam Kì Khởi Nghĩa – Lê Lợi và một điểm mới mở số 7 Tôn Đức Thắng, là điểm tham quan ưa thích của nhiều người khi đặt chân đến Sài Gòn. Là nơi thỏa mãn được nhu cầu mua sắm của các tín đồ thời trang, nếu như ở các trung tâm thương mại cao cấp, cần phải bỏ ra vài triệu đồng để mua được một món đồ, thì ở đây các nàng có thể tha hồ “vung tay” mà chưa đén nỗi “quá trán”! Giới sinh viên, văn phòng cũng thỏa mãn được niềm đam mê mua sắm của mình với những món hàng đẹp, giá cả trong tầm với.

Tuy nhiên, vấn đề hàng nhái được bày bán công khai như hiện nay gây thiệt hại cho các thương hiệu ai là người quản lý và chịu trách nhiệm? Người mua và người bán ở đây hầu như không quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, ở các nước trên thế giới đều siết chặt việc thi hành luật chống hàng giả, nhất là các nước Châu Âu, khách du lịch có thể bị phạt nặng nếu sử dụng hay mang theo bên mình hàng nhái cho dù họ vô tình hay cố ý. Nhưng ở Việt Nam, vấn đề này dường như vẫn còn bỏ ngỏ …

Theo Mỹ thuật và đời sống

Thực hiện: depweb

05/02/2013, 13:21