“Sắm sửa” tủ thuốc tại gia trong ngày Tết - Tạp chí Đẹp

“Sắm sửa” tủ thuốc tại gia trong ngày Tết

Sức Khỏe

1. Thuốc giảm đau, hạ sốt

Giờ giấc sinh hoạt thất thường, đi chơi nhiều, cơ thể mệt mỏi, mất nước, sức đề kháng yếu là những nguyên nhân khiến nhiều người nhiễm bệnh, trong đó thường gặp nhất là đau đầu và sốt. Vì vậy, cần bổ sung vào tủ thuốc nhà bạn hai loại thuốc dạng sủi có tác dụng giảm đau, hạ sốt hiệu quả là Paracetamol 500mg, Elferalgan 500mg. Người lớn có thể dùng 2 – 3 viên/ ngày. Nhớ hỏi kỹ bác sĩ nếu muốn dùng cho trẻ em.

 

2. Thuốc trị tiêu chảy

Nếu tiêu chảy nặng gây mất nước nhiều thì nên dùng Loperamid 2mg. Lúc đầu uống 2 viên/ lần, sau đó uống mỗi lần một viên, ngày hai lần. Trường hợp nhẹ hơn, có thể dùng Smecta 3g dạng gói (hai lần/ ngày, mỗi lần 1 gói) để làm cô đặc phân. Ngoài ra nên uống Orezol để bù nước. Không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy trừ đi tiêu nhiều, kéo dài, vì tiêu chảy cũng là một phản ứng tự nhiên giúp loại bỏ độc tố ra ngoài cơ thể.

3. Thuốc trị đầy bụng, khó tiêu

Việc ăn uống linh đình, nhất là thức ăn nhiều dầu mỡ, chất ngọt vào ngày Tết có thể khiến cho nhiều người bị đầy bụng, khó tiêu. Do vậy tủ thuốc gia đình nên có Motilium 10mg, liều uống 2 – 3 viên/ ngày giúp điều hòa nhu động ruột. Bên cạnh đó, thuốc chống đầy hơi Simethicone cũng rất cần thiết.

4. Thuốc chống dị ứng

Dị ứng ngày Tết có thể do thời tiết, phấn hoa, thức ăn, côn trùng… Cần chuẩn bị thuốc Fexofenadine 60mg trong nhà, dùng từ 2 – 3 viên/ ngày khi cần.

5. Thuốc hỗ trợ dạ dày

Tình trạng viêm dạ dày thường sẽ nặng hơn vào dịp Tết nếu chế độ ăn uống thiếu khoa học. Gia đình nào có bệnh nhân đau dạ dày nên dự trữ thuốc Phosphalugel dạng gói giúp trung hòa axit dạ dày, giảm đau nhanh. Liều dùng một gói cho ba lần mỗi ngày. Ngoài ra, có thể dùng Maalox dạng viên để nhai từ 2 – 3 viên/ ngày.

 

6. Thuốc chống say tàu xe

Rất cần thiết nếu gia đình bạn có kế hoạch đi chơi bằng ô tô, tàu. Có thể lưu ý dùng Diphenylhydramin, Cinnarizine, hoặc Promethazine trước khi lên xe ít nhất 30 phút. Nếu thời gian di chuyển lâu, kéo dài nhiều giờ thì có thể uống thêm theo hướng dẫn của thầy thuốc.

7. Các dụng cụ y tế khác

Ngoài ra nên trang bị thêm các dụng cụ y tế để sơ cứu khi bị chấn thương, trầy xước hoặc chăm sóc vết thương tại nhà. Đó là bông gòn, gạc vô khuẩn, băng thun, băng cuốn vải, băng keo cá nhân, dung dịch sát khuẩn Povidine và găng tay cao su.

Sử dụng tủ thuốc gia đình an toàn

– Khi mua thuốc, cần nhờ dược sĩ tư vấn về cách dùng, liều dùng. Luôn xem kỹ hạn sử dụng (ít nhất còn 1 – 2 năm), không mua thuốc bị vỡ vụn, bao bì bị nhàu nát.

– Đặt tủ thuốc ở xa tầm tay trẻ em, nên có khóa. Cất giữ thuốc nơi thoáng mát, cao ráo, nhiệt độ lý tưởng là 25 độ C.

– Cất giữ thuốc còn nguyên bao bì kèm bảng hướng dẫn sử dụng. Đối với thuốc rời nên để trong chai lọ, đậy kín nắp. Mỗi loại thuốc nên dán nhãn ghi tên thuốc, cách sử dụng cụ thể.

– Trường hợp trong nhà có người bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… thuốc chuyên khoa nên được bảo quản riêng trong tủ thuốc.

– Sau khi dùng thuốc tại nhà mà tình trạng không bớt, nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Theo Thế giới Gia đình

Thực hiện: depweb

11/01/2013, 17:51