Sài Gòn, I love you - Phạm Thanh Toàn: “Nơi những người dưng thương nhau đến kỳ lạ” - Tạp chí Đẹp

Sài Gòn, I love you – Phạm Thanh Toàn: “Nơi những người dưng thương nhau đến kỳ lạ”

Sống
Chuyên đề: “Sài Gòn, I love you” trên tạp chí Đẹp 243 tháng 4/2019
Sài Gòn với tuổi đời không quá trẻ nhưng chắc chắn chẳng bao giờ già luôn là thành phố lý tưởng để người ta sống đến tận cùng mọi đam mê, hiện thực hóa mọi ước muốn điên rồ và tìm thấy mình ở phiên bản bùng nổ, nhiệt huyết nhất.
Đẹp giới thiệu tới bạn 7 gương mặt đại diện cho những con người đang sống và cống hiến tuổi trẻ của mình ở thành phố sôi động này. Từ những miền đất khác nhau, họ cùng chọn Sài Gòn làm nơi để trưởng thành, khẳng định bản thân và gắn bó với Sài Gòn theo những cách riêng. Lắng nghe câu chuyện của họ, bạn sẽ yêu thêm thành phố này.

“Nếu sống ở một nơi khác, hẳn tôi đã không đủ may mắn để gặp những người sẵn lòng giúp đỡ mình đến vậy” – họa sĩ Phạm Thanh Toàn.

Anh có thấy Sài Gòn dễ sống?

Sài Gòn với tôi dễ sống theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khí hậu không quá lạnh hay nóng gắt, lại chẳng mấy khi bão lũ. Ở Sài Gòn muốn ăn ngon không cần vào nhà hàng, thèm cà phê cứ ra vỉa hè là có.

Nếu không dễ sống, Sài Gòn đã chẳng nhào nặn nên tôi của bây giờ. Năm 18 tuổi, tôi từ Quảng Bình vào Sài Gòn học Đại học Kiến trúc ngành Xây dựng được vài tháng thì nghỉ ngang. Sau đó tôi cắp sách qua Đại học Văn hóa Quân đội với tương lai thành ông thầy dạy vẽ theo nguyện vọng của bố, nhưng cũng bỏ nửa chừng. Đến lúc tôi quyết tâm theo nghiệp vẽ vời cũng đồng nghĩa với việc bị gia đình từ mặt. Một mình tôi phải xoay sở mọi thứ ở thành phố này, may mà được nó yêu thương.

Sài Gòn trong mắt anh?

Thành phố đẹp nhất Việt Nam.

Quán cà phê anh thích ngồi nhất ở Sài Gòn?

The Coffee Bean đối diện nhà thờ Đức Bà.

Những con đường anh thích đi nhất Sài Gòn?

Đường Võ Văn Tần, đường Hoàng Sa – Trường Sa, đường Đồng Khởi.

Sài Gòn đẹp nhất lúc nào?

Khoảng 4 rưỡi đến 5 giờ sáng.

Ở Sài Gòn, buồn thì đi đâu?

Ra Bùi Viện uống bia.

Hình ảnh đặc trưng nhất của Sài Gòn?

Những người bán hàng thân thiện.

Anh sẽ vẽ gì về Sài Gòn?

Những người đi lễ chiều cuối tuần ở nhà thờ Đức Bà.

Yêu thương, ngay cả khi người ta không có tiền?

Ngày ấy tôi chẳng có đồng nào trong túi. Muốn thi đậu thì phải luyện vẽ, tôi đánh liều mò vào trường Đại học Mỹ thuật, thấy người nào trông già già, áo sơ vin giống giảng viên thì chạy đến xin thầy hướng dẫn. Tôi luyện thi 8 chỗ thì đến 6 nơi dạy miễn phí cho. Các thầy thấy tôi nghèo quá còn giấm giúi cho thêm ít tiền mua gạo, mua dụng cụ. Trở thành sinh viên rồi, lúc thiếu thốn quá tôi cũng thật thà nói với thầy là cho em đi làm kiếm cơm, thầy sẽ châm chước cho chuyện nộp bài muộn.

Tên: Phạm Thanh Toàn

– Tuổi: 27

– Nghề nghiệp: Họa sĩ

– Thời gian sống ở Sài Gòn: 9 năm

Ở Sài Gòn, dường như người ta bao dung và dễ thương nhau hơn nhỉ?

Tôi đã gặp được rất nhiều người tốt như vậy. Có một bà má người miền Tây thấy tôi hiền lành, lanh lẹ, từng dạy tôi nấu ăn để làm đầu bếp. Một người thầy từng giúp tôi tham gia triển lãm quốc tế ở Hàn Quốc để tôi bán được những tác phẩm đầu tiên khi mới năm 2 đại học. Một người thầy khác thì trả luôn tiền thuê bảo tàng để tôi có thể làm triển lãm tranh của mình và bán sạch 15 bức. Thành phố này đầy những người dưng nhưng thương nhau đến kỳ lạ.

Bài: Mỹ Khánh

Thực hiện: Đỗ Thị Minh Khang

26/04/2019, 07:00