Sài Gòn, I love you - Nguyễn Ngọc Tiến: “Sài Gòn cho phép ta làm tất cả những gì mình muốn” - Tạp chí Đẹp

Sài Gòn, I love you – Nguyễn Ngọc Tiến: “Sài Gòn cho phép ta làm tất cả những gì mình muốn”

Sống
Chuyên đề: “Sài Gòn, I love you” trên tạp chí Đẹp 243 tháng 4/2019
Sài Gòn với tuổi đời không quá trẻ nhưng chắc chắn chẳng bao giờ già luôn là thành phố lý tưởng để người ta sống đến tận cùng mọi đam mê, hiện thực hóa mọi ước muốn điên rồ và tìm thấy mình ở phiên bản bùng nổ, nhiệt huyết nhất.
Đẹp giới thiệu tới bạn 7 gương mặt đại diện cho những con người đang sống và cống hiến tuổi trẻ của mình ở thành phố sôi động này. Từ những miền đất khác nhau, họ cùng chọn Sài Gòn làm nơi để trưởng thành, khẳng định bản thân và gắn bó với Sài Gòn theo những cách riêng. Lắng nghe câu chuyện của họ, bạn sẽ yêu thêm thành phố này.

Tiến phải thuộc về Sài Gòn chứ không phải Hà Nội hay bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam này. Bởi chỉ ở Sài Gòn, cậu mới có thể tự do thể hiện con người mình, sống tới cùng với đam mê làm drag queen và thực hiện ước mơ có phần kỳ khôi: một ngày làm bố, một ngày làm công chúa.


Biết ơn mình đã sinh ra trong gia đình khó khăn

Em sinh ra ở Sài Gòn, học đại học chuyên ngành marketing được 1 năm thì bỏ. Năm 2011, em bắt đầu làm thời trang, tự thiết kế, tự in áo phông để bán, chủ yếu bán ra nước ngoài. Nhưng sau cú shock từ cuộc chia tay với mối tình 3 năm, em không còn tâm trạng để làm đồ, suốt 6 tháng trời ngày nào em cũng khóc, em bỏ hết công việc để đi du lịch. Em qua Thái, qua Sing, Malaysia, Indonesia, ở mỗi nước vài tháng rồi về Việt Nam làm marketing đến giờ.

Mô tả người Sài Gòn?

Hiếu khách, nhiệt tình, chất phác, chịu chơi.

Món ăn yêu thích ở Sài Gòn?

Chè (ăn chè mẹ nấu từ 3 tuổi đến giờ), cơm tấm, bột chiên, tất cả các loại bún.

Địa điểm yêu thích ở Sài Gòn?

Ban công quán cà phê Katinat Đồng Khởi.

Một điều không thích ở Sài Gòn?

Nạn giựt đồ.

Âm thanh đặc trưng của Sài Gòn?

“Bánh chưng bánh giò, chưng gai bánh giò đây…”.

Người khiến em thương Sài Gòn nhiều hơn?

Gia đình.

Gia đình em không giàu có, ba mẹ và cả dòng họ đều làm lao động chân tay. Từ nhỏ em đã rất thích thời trang, thích học ngoại ngữ, học kiến trúc… nhưng gia đình không có điều kiện nên mọi thứ em đều phải tự học: từ tiếng Anh, trang điểm, thiết kế quần áo đến làm trang sức… Em vẫn còn nhớ như in cái cảnh ngày nhỏ hay cắt giấy làm quần áo búp bê, lật ngược cái ghế nhựa, chằng dây thun qua 4 chân ghế thành móc treo mấy bộ đồ bằng giấy, tự nhủ đấy là shop thời trang của mình.

Ngày xưa ba em đánh em kinh hoàng lắm. Ba hay cầm chổi quật em đến lúc cán chổi bung dây kẽm, lâu lâu còn xích em vô bàn học, đánh đến mức em căm thù ba em luôn. Nhưng rồi em nghĩ chắc ba mẹ mình đi làm quá vất vả, cả ngày quần quật ngoài đường, nhiều chuyện ức chế nên tối về nhà mới trút vào con. Năm 14 tuổi, em “come out” trước ba mẹ, em nói: “Con không thích con gái, con thích con trai!”. Ba em nghe xong lật nguyên cái bàn ăn rồi lao vào đánh em túi bụi. Những ngày sau đó em còn bị đánh nhiều hơn nữa, hôm nào cũng ăn đòn.

Em biết ơn mình đã sinh ra trong một gia đình khó khăn, vì khó khăn mà em có động lực để tự học. Lúc nào em cũng nghĩ mình phải làm ba mẹ tự hào. Ngày xưa ba em “anti-gay” kinh hoàng, nhưng từ lúc em thể hiện cho ba thấy là em biết nói tiếng Anh, em lên TV, biểu diễn trong nhiều chương trình lớn, giờ ba mẹ tự hào về em lắm. Cả khu chợ nơi mẹ em bán chè, ai cũng biết em, họ nói con bà Bế nói tiếng Anh giỏi lắm, nó dắt mấy đứa bạn nước ngoài vô đây ăn chè kìa. Mỗi lần em đưa đám bạn nước ngoài đến là nguyên cái chợ các cô các bác xúm vào vui lắm. Giờ ba coi mấy đứa bạn gay của em như con, mỗi lần chúng nó đến là ba nói mẹ nấu thật nhiều đồ ăn cho chúng nó. Rồi ba ngồi coi show “Rupaul’s Drag Race” của Mỹ với tụi em luôn, bình luận quá trời: “Trời ơi thằng nhóc này đẹp quá ha, nó là con trai mà nó đóng con gái đẹp kinh hoàng luôn!”.

Tên: Nguyễn Ngọc Tiến
– Tuổi: 28
– Nghề nghiệp: Marketing cho Tê Tê Craft Beer, drag queen
– Thời gian sống ở Sài Gòn: 28 năm

Drag queen là phải lố!

Có một câu “thành ngữ” trong giới drag queen: “Drag is expensive”. Làm drag rất đắt đỏ vì mình phải tự thiết kế, tự may đồ, đầu tư make up, làm tóc… rất công phu. Em lại có cái tính đã làm là phải làm cho tới, một bộ đồ không bao giờ mặc đến hai lần, nên bao nhiêu tiền lương đi làm marketing em dồn vào drag hết, nhiều khi ăn mì gói muốn chết. Chị thử tính sơ sơ nhé: tóc giả phải đặt mua ở nước ngoài, 2-3 triệu/bộ, ở nhà em có mười mấy bộ; giày cao gót cũng mua ở nước ngoài luôn vì chân nam to, ở Việt Nam không có size; đá đính lên quần áo giá 100 ngàn/50 hột, mỗi bộ cần 500–1000 hột mới đẹp… Ở nước ngoài, drag queen là một nghề, nhưng ở Việt Nam thì em không cho là như vậy, vì cái nghề này ở đây không nuôi sống được ai, drag queen phải đầu tư quá nhiều tiền mà thù lao thì rất thấp.

Nhiều người còn nhầm lẫn rằng cứ mặc đồ con gái là làm drag, nhưng không phải, drag là một nghệ thuật. Em đến với drag vì quá mê show “Rupaul’s Drag Race”, những người trong show đó rất giỏi, họ còn đẹp hơn cả một người phụ nữ bình thường. Quan trọng nhất khi trình diễn drag chính là thần thái. Nhiều đứa bạn em từng hỏi: “Sao lúc đó mày khác quá vậy, đi đứng, khuôn mặt, cử chỉ đều không giống mọi ngày?”. Khoác bộ đồ drag lên người, em biến thành con gái. Người ta nói đây là cái nghề sống vì hào quang, đúng đó, mỗi lúc ánh đèn sân khấu chiếu vào mình, em như bước đi trên mây dù trước đó rất run.

Lần đầu trông thấy em làm drag, ba em hỏi cái này là cái gì. Em mở YouTube cho ba xem, ba bảo cũng được, nhưng mày đừng làm lố quá kẻo người ta nói. Ba mẹ em mắc cười lắm, thương con nên chỉ sợ em ra đường ăn mặc vậy bị người ta chửi. Nhưng drag yêu cầu mình phải thật lố, nếu không lố mà chỉ đẹp thì đừng làm drag queen! Vả lại em làm drag không phải vì muốn gây sự chú ý, những người đến xem em cũng luôn coi đó là nghệ thuật – một công trình mà em đã vắt kiệt sức lực để làm nên chứ không phải thứ gì đó mua vui cho đám đông tạm thời. Khi những điều mình làm ra được người ta công nhận, em lại cảm thấy có động lực để bỏ hàng tuần làm đồ, thức đến 4-5 giờ sáng thêu cái này, đính cái kia và tập hát nhép, tập catwalk.

Một ngày làm bố, một ngày làm công chúa

Em thích Hà Nội nhưng em yêu Sài Gòn. Sài Gòn cho em không gian, sự tự do để em làm mọi điều em muốn, dù nơi này có rất nhiều đố kị. Sài Gòn lúc nào cũng bận rộn và nhiều màu sắc nên cuộc sống chẳng bao giờ buồn.

Em sống đơn giản lắm. Hàng ngày hết giờ làm là về nhà may đồ hoặc đọc sách, cứ có tiền là đổ vào du lịch, làm drag và mua sách thời trang. Cuộc sống tương lai lý tưởng của em là được làm đám cưới với bạn trai, 4-5 năm nữa thì sinh con, sinh 2 đứa để em và anh ấy đều có máu mủ của mình trong ấy. Có thể sau khi có con, em sẽ vẫn làm drag. Một ngày em làm bố, một ngày em làm công chúa, vì em thích đóng công chúa lắm (cười).

Bài: Hương Thủy (ghi)

Thực hiện: Đỗ Thị Minh Khang

26/04/2019, 07:00