Sài Gòn, I love you – Nguyễn Minh Nhật: “Người nghe hết chuyện Sài Gòn”

Chuyên đề: “Sài Gòn, I love you” trên tạp chí Đẹp 243 tháng 4/2019
Sài Gòn với tuổi đời không quá trẻ nhưng chắc chắn chẳng bao giờ già luôn là thành phố lý tưởng để người ta sống đến tận cùng mọi đam mê, hiện thực hóa mọi ước muốn điên rồ và tìm thấy mình ở phiên bản bùng nổ, nhiệt huyết nhất.
Đẹp giới thiệu tới bạn 7 gương mặt đại diện cho những con người đang sống và cống hiến tuổi trẻ của mình ở thành phố sôi động này. Từ những miền đất khác nhau, họ cùng chọn Sài Gòn làm nơi để trưởng thành, khẳng định bản thân và gắn bó với Sài Gòn theo những cách riêng. Lắng nghe câu chuyện của họ, bạn sẽ yêu thêm thành phố này.

Làm một người thợ hớt tóc giữa thành phố này có nghĩa là bạn chỉ cần đứng một chỗ cầm kéo mà mỗi ngày vẫn được cập nhật đủ loại tin tức từ kinh tế chính trị phương Tây đến tình hình sầu riêng trái mùa Cai Lậy, không cần đọc báo vẫn có thể bắt kịp thời cuộc bởi mỗi người khách đến đây đều mang theo chuyện mới mỗi ngày. Barber shop cho đàn ông không giống hair salon cho phụ nữ – ở chỗ đàn ông thì đơn giản còn phụ nữ thì cầu kỳ, nhưng phần nào đó cũng có cái giống – ở chỗ ai vào đó cũng nhằm đi ra với một bộ dạng đẹp hơn và rồi vô tình đánh rơi vài bí mật. Đàn ông tuy không quá nhiều chuyện nhưng cũng có những bí mật của đàn ông.

Rất may Nhật là một người kín tiếng. 27 tuổi và là chủ kiêm thợ chính của một tiệm cắt tóc kiểu cũ ở Sài Gòn, Nhật nói chuyện điềm tĩnh và có dáng vẻ khá chững chạc. Cậu yêu thích phong cách retro, thích sưu tầm đồ cổ, từ quần áo, kính mắt, giày dép đến kiểu tóc của cậu đều toát lên điều đó.

5 năm trước, một lần nghe được giai điệu “Ly rượu mừng” của ca sĩ Thái Thanh, thấy giọng ca và cách phối âm kiểu xưa rất hay, Nhật bắt đầu tìm hiểu về đời sống văn hóa trước 1975. Kiểu tóc cổ điển của những người đàn ông giai đoạn này ngay lập tức cuốn hút cậu. Nhật muốn một kiểu đầu như thế, nhưng đi khắp nơi, những người thợ cắt tóc đều không thể cắt cho ra. Nhật lên mạng tìm hiểu cách cắt, thử nghiệm trên tóc những người bạn của cậu, rồi cắt cho anh em, chú bác của họ. Những người bạn học cùng đại học ở Sài Gòn không tin tưởng tay nghề Nhật nên cậu phải đợi những ngày cuối tuần chạy xe máy về Biên Hòa, cắt cho đám bạn ở quê rồi lại chạy ngược về Sài Gòn.

Lý do chọn Sài Gòn?

Đông vui, nhiều tầng lớp.

Mô tả người Sài Gòn?

Dễ thương, dễ gần.

Địa điểm yêu thích ở Sài Gòn?

Các khu chợ đồ cũ.

Quán bar yêu thích ở Sài Gòn?

Đông Triều.

Hình ảnh và âm thanh đặc trưng của Sài Gòn?

Những xe bán hàng rong và tiếng rao trên đường phố.

Người khiến bạn thương Sài Gòn nhiều hơn?

Các khách hàng của tôi.

“Vị khách mà tôi nhớ nhất là thằng bạn ở Biên Hòa, cuối tuần nào nó cũng ngồi cho tôi cắt từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều, không hiểu cắt gì mà lâu thế, cũng không hiểu sao bảy ngày tôi bắt nó cắt một lần mà lần nào nó cũng đồng ý”.

Cửa tiệm đầu tiên của Nhật là chính căn phòng trọ của cậu thời sinh viên. Một cái ghế, một cái gương, một cây kéo, trong căn phòng nhỏ đến nỗi “thằng bạn ở cùng nằm ra tận cửa, khách đến phải bước qua người nó rồi mới đến chỗ ghế ngồi cắt tóc”. Ngày đó, một kiểu đầu cổ điển cậu cắt với giá 50 ngàn đồng. Chiếc kéo đó cậu thừa hưởng từ người dì trước đây cũng làm nghề cắt tóc và vẫn dùng đến tận giờ. Có cậu khách quen của Nhật từ cái ngày còn đăng kí cắt trong căn phòng chật chội ấy, sau này đã thành học trò, rồi giờ thành đồng nghiệp ngày ngày đứng cắt tóc cùng cậu trong cửa tiệm Old Fashioned Barber Shop trên đường Phan Kế Bính, quận 1.

“Trước khi làm nghề cắt tóc, bạn có từng thích làm nghề gì không?”
“Chưa!”.

Là chưa kịp biết mình thích gì thì Nhật đã thích cắt tóc rồi, dù cậu từng học ngành quản trị kinh doanh và gia đình cũng có công việc kinh doanh riêng ở Biên Hòa. Suốt 5 năm nay, mỗi ngày đến cửa hàng đối với cậu không phải là đi làm, mà là đi thăm đứa con tinh thần của mình, vì thế chưa bao giờ thấy chán. Ngay cả cái nguyện vọng muốn mở rộng quy mô cửa tiệm cũng được Nhật diễn giải thế này: “Tôi đặt mục tiêu cho ‘thằng con’ mình và giúp nó đạt được”.

Tên: Nguyễn Minh Nhật
– Tuổi: 27
– Nghề nghiệp: Thợ hớt tóc
– Thời gian sống ở Sài Gòn: 5 năm

Nhật thuê một căn nhà ở quận 1 và sống cùng những người cộng sự của mình. Mỗi sáng họ đi làm cùng nhau. Sáng nào thức dậy, Nhật cũng háo hức khi nghĩ đến chuyện không biết hôm nay mình sẽ gặp được ai, nghe những chuyện gì.

“Thích nhất Sài Gòn vì Sài Gòn đông vui, người từ bốn phương đều tụ về đây cả. Mỗi ngày tôi gặp mấy chục người khác nhau, mỗi người mang đến một câu chuyện. Tôi không cần đọc báo vì có người đọc thay, và cũng nắm giữ bí mật của rất nhiều người”, Nhật nói.

Nhiều barber shop ở Sài Gòn được gọi là đặc khu đàn ông, phụ nữ không được bước chân vào đó, họ cũng theo đuổi nhiều giá trị ngoài chuyên môn như trang trí đẹp, barber chất, đồ ăn và rượu vang ngon… Tiệm hớt tóc của Nhật thì không theo đuổi những điều đó. “Với chúng tôi, giá trị quan trọng nhất chính là sự hài lòng với đầu tóc của quý khách khi ra về”.

Bước vào Old Fashioned Barber Shop của Nhật, cảm giác như mình đang ở trong một bộ phim thuộc về nhiều thập niên trước. Không gian và thời gian dường như hoàn toàn ngưng đọng ở đây, không riêng những chàng thợ cắt tóc có khuôn mặt hiền lành và phong cách ăn mặc đậm chất retro mà cả những vị khách của tiệm hớt tóc này cũng như bước ra từ một thước phim kinh điển. Dù chỉ cần đi thêm hai chục mét nữa, ngay ngoài kia là quận 1 với bao hàng quán đông đúc thời thượng của giới trẻ, thì ở góc nhỏ này vẫn là một Sài Gòn rất tĩnh và rất xưa.

Bài: Hương Thủy


From the same category