Sài Gòn, I love you

Chuyên đề: “Sài Gòn, I love you” trên tạp chí Đẹp 243 tháng 4/2019
Sài Gòn với tuổi đời không quá trẻ nhưng chắc chắn chẳng bao giờ già luôn là thành phố lý tưởng để người ta sống đến tận cùng mọi đam mê, hiện thực hóa mọi ước muốn điên rồ và tìm thấy mình ở phiên bản bùng nổ, nhiệt huyết nhất.
Đẹp giới thiệu tới bạn 7 gương mặt đại diện cho những con người đang sống và cống hiến tuổi trẻ của mình ở thành phố sôi động này. Từ những miền đất khác nhau, họ cùng chọn Sài Gòn làm nơi để trưởng thành, khẳng định bản thân và gắn bó với Sài Gòn theo những cách riêng. Lắng nghe câu chuyện của họ, bạn sẽ yêu thêm thành phố này.

Sài Gòn lúc nào cũng đẹp, và đẹp nhất trong khoảnh khắc người ta sống.

Tình yêu của tôi dành cho Sài Gòn kỳ lạ lắm

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, thời thanh xuân tôi chẳng ý thức được mình yêu thành phố. Những năm tháng ấy, choáng ngợp giữa những hăm hở tuổi đôi mươi, yêu, say và đam mê, tôi dường như không nghĩ gì đến Sài Gòn. Cho đến ngày lên đường đi học xa.

Mùa tuyết rơi ở Thượng Hải, lòng tôi quay quắt nhớ cái nắng Sài Gòn. Những con đường rợp nắng, nắng chiếu sóng sánh qua ly cà phê, nắng lung linh trong mắt người yêu đang cười rất tươi, nắng ướt đẫm trên vai những ngày ngồi vẽ ở nhà thờ Đức Bà. Dân Kiến trúc chúng tôi có cái hay, yêu hay không yêu, nhìn nét vẽ là biết. Có người vẽ Sài Gòn đẹp như tranh, đó là tay nghề vẽ đẹp chứ không phải tình yêu lớn. Yêu Sài Gòn, sẽ vẽ được cái chất phố phường vừa lãng mạn, vừa hiện đại, vừa cổ kính, vừa sầm uất, vừa buông lơi, vừa chặt chẽ. Cũng trong những ngày xa nhà ấy, tôi phát hiện ra: tôi còn yêu Sài Gòn vì Sài Gòn có… nước mắm ngon trong đĩa cơm tấm sườn bì chả. Trên cả cái thế gian này, chắc chẳng có nơi nào cơm tấm ngon bằng Sài Gòn. Và, tôi phát hiện ra, mọi đề nghị ở lại nước người ta đều không bằng nỗi nhớ và tình yêu tôi hướng về Sài Gòn, nơi tình yêu của tôi đang chờ tôi mỗi ngày qua.

TÙNG LEO

– Tên thật: Nguyễn Thanh Tùng

– Là người dẫn chương trình, nhà sản xuất chương trình truyền hình, diễn viên, nhà văn, biên tập viên

– Từng giảng dạy chuyên ngành Thiết kế Thời trang tại Đại Học Kiến Trúc Tp. HCM

– Người thành công với vai trò xây dựng nội dung cho Yeah1TV, YanTV, MTV Vietnam, Vietnam’s Next Top Model, Project Runway Vietnam và nhiều chương trình của đài HTV

– Tác giả của 4 cuốn sách: “Tìm nhau giữa Saigon” (2013), “Những con đường mang tên đừng có nhớ” (2014), “Bên này thương bên kia” (2016), “Những nụ hôn tạm biệt” (2018)

Rồi mối tình tưởng chừng khắc cốt ghi tâm của tôi tan vỡ. Tôi đâm ra ghét Sài Gòn. Ghét nhất con đường Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Tất Tố – nơi ghi dấu quá nhiều những kỉ niệm từ vui nhất đến thê thảm nhất của mối tình ngây dại ngày ấy. Sau này, bất giác có dịp đi ngang qua, tôi hình như vẫn thấy cái thằng tôi ngày xưa, hồn nhiên yêu, hồn nhiên đau khổ, hồn nhiên trách móc và hồn nhiên quên lãng. Chất Sài Gòn trong tôi là sự cháy bỏng của tình yêu và nỗi nhớ, nhưng cũng mau nguôi ngoai, mau bỏ qua những buồn đau mà đi tới.

Tình yêu của tôi với Sài Gòn cũng khá khó chịu

Tôi không đồng tình với cách nhìn cũ kỹ và thủ cựu về Sài Gòn. Sài Gòn lúc nào cũng đẹp, và đẹp nhất trong khoảnh khắc người ta sống. Có bận, tôi xem một chương trình về Sài Gòn. Họ kể trước năm 75 đẹp lắm, vui lắm, rồi xoẹt một cái đến sau năm 90, 2000 cũng đẹp lắm, vui lắm. Tôi tự hỏi: họ bỏ thành phố đẹp của tôi đi đâu những năm 80-90? Những kẻ cố tình khoác cái áo thời cuộc và cái nhìn u ám đầy phiến diện không phải là những kẻ yêu Sài Gòn. Khi bạn yêu một thành phố, hãy chắc chắn là bạn yêu những gì đã diễn ra trong đôi mắt trần gian của bạn. Đừng bắt thành phố phải chịu những suy nghĩ tiêu cực hoặc cố tình cổ điển của bạn. Có nhiều nghệ sĩ yêu Sài Gòn cực đoan tới mức cái gì cũ thì khen, cái gì mới thì chê. Họ chê Sài Gòn mất cây xanh, mất nhà cổ, mất những ngôi trường úa vàng theo năm tháng. Họ quên thấy Sài Gòn thay da đổi thịt mỗi ngày, họ quên rằng mỗi thời đại sẽ phải có những câu chuyện riêng của thời đại đó, họ quên luôn cái cổ kính kia nếu không đổi thay có khi sẽ sụp đổ vì già cỗi. Và họ cũng quên những giá trị người Tây để lại, dù là trăm năm, cũng không phải của Sài Gòn. Tôi nghĩ vậy đấy, chân phương và thẳng thắn. Là người Sài Gòn thì yêu cái con hẻm có tiếng hủ tíu gõ buổi tối, có lá me bay như bài hát rung lên theo gió những buổi trưa, có ly cà phê đen hơi khen khét nhưng thơm đậm đặc chất Đông Dương – thứ cà phê hôm nay nhiều người chê là uống sai, uống độc. Yêu Sài Gòn, đừng có đem giá trị của người Tây người Tàu ra mà trách những đổi thay. Yêu Sài Gòn, cũng đừng nhân danh cái mới để chê nước mắm hôi dơ, cà phê độc đắng.

Yêu Sài Gòn, thì yêu luôn cái chất tứ xứ một nhà của nó. Lạ kỳ là người Sài Gòn ít khi so đo: ai là người Sài Gòn gốc? Nhưng người ở xa đến, thỉnh thoảng hay so sánh thành phố này với quê hương họ, theo kiểu: dù Sài Gòn giàu có sầm uất, dù cái gì cũng có, nhưng phở Bắc ở Sài Gòn chán lắm, chẳng Bắc tí nào, đồ ăn miền Trung dở tệ hơn ở miền Trung, người Sài Gòn ồn ào bỗ bã không sang cả hiền lành, không mộc mạc thật thà như miền Tây miền Thượng… Ai chê trách, tôi chịu. Nhưng đã chọn nơi đây để sống và thụ hưởng, thì đừng có AQ, mượn việc chê Sài Gòn để nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà. Không ai chọn giùm ai nơi sống. Không ưng thì đi, không nên nói lời cay đắng…

Sài Gòn không hời hợt như nhiều người vẫn nghĩ. Sài Gòn không sến sẩm như nhiều người vẫn nghĩ. Sài Gòn không cũ kỹ như nhiều người vẫn nghĩ. Yêu Sài Gòn một cách qua loa, sẽ chỉ thấy Sài Gòn loang loáng như mặt đường mùa mưa. Sẽ chỉ thấy hai mùa nắng mưa và những chuyện tình đi qua. Sẽ vội vàng nghĩ vì Sài Gòn đa màu sắc nên có lúc nhìn như Hội An, có lúc như Cần Thơ, lúc như Đà Nẵng. Sài Gòn nhiều dân tứ xứ, nhưng đặc trưng của Sài Gòn thì nhiều vô kể. Sài Gòn có tiếng rao, có hủ tíu gõ, có đạo Phật, đạo Chúa hòa vào nhau. Sài Gòn có những cái nắm tay cúi đầu miệng cười cười đi dọc các con hẻm nhỏ. Sài Gòn có ly chè ngon, lá me bay, có quán nhậu vỉa hè hay căn chung cư nửa xưa nửa mới nằm giữa trung tâm, với những bức vẽ che kín lối lên cầu thang. Sài Gòn vừa mưa đã nắng. Sài Gòn có tiếng karaoke nhà bên vang ong óc cả khu. Sài Gòn có những bức tường chi chít chữ khoan cắt bê tông. Sài Gòn có mấy người lính cũ đi hát rong mỗi tối, kéo cuộc đời vừa buồn vừa tiếc nuối qua những bản nhạc vàng…

Sài Gòn dễ gặp nhau, dễ quen nhau, dễ xa nhau. Nhưng Sài Gòn không ép ai phải ở lại với Sài Gòn thì mới là yêu Sài Gòn. Tình yêu Sài Gòn phải sâu hơn thế. Sài Gòn luôn được yêu bằng rất nhiều cách. Nhưng Sài Gòn khác miền Tây ở chỗ Sài Gòn có chất đô thị trong từng hoạt động văn hóa cổ truyền. Sài Gòn khác Hà Nội vì Sài Gòn cũng lãng mạn nhưng thực tế và hiền từ, không phô trương, không quá đặc biệt. Sài Gòn khác Hội An vì Sài Gòn không có màu đặc trưng của phố cổ. Cái cổ của Sài Gòn đã phải mới lắm rồi. Sài Gòn không cần người ta đứng giữa đám đông và gào lên tôi yêu Sài Gòn. Sài Gòn là cái ghì chặt vào tay nhau, nhìn nhau cười là đủ. Chất Sài Gòn nằm trong sự hiện đại nhẹ nhàng của một thành phố chưa bao giờ có quá nhiều nuối tiếc.

Nói là nói vậy, chứ tôi biết, người ta yêu Sài Gòn lắm. Chả phải hàng quán, tác phẩm nghệ thuật mang tên Sài Gòn ngày một nhiều hơn? Người nước ngoài chọn sống ở Sài Gòn cũng nhiều hơn, nói và hát tiếng Việt sõi hơn hẳn người bản xứ. Nếu có được một đề nghị, tôi cầu xin đừng ai nhân danh điều gì quá khiên cưỡng và quy kết để bắt bỏ lãng quên hai chữ “Sài Gòn”. Tôi – một người Sài Gòn thế hệ 8X – vẫn muốn gọi nơi đây bằng 2 cái tên đều quen thuộc và yêu thương: Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn không phải là cái tên của một giai đoạn thời gian nào cả. Sài Gòn là tên gốc của mảnh đất này, như ta về nhà vẫn mãi được gọi là cu Tý, cu Tèo dù đã lớn tồng ngồng đang là ông này bà nọ. Ai ghét gì của thành phố hôm nay, thôi, hãy sống bao dung hơn. Ghét quá chán quá thì tìm cách lẳng lặng mà rời đi. Chỉ sợ là giận mấy thì giận, rời đi cũng không nỡ đành. Em gái tôi lấy chồng xa, về là như muốn ôm chầm lấy thành phố. Bạn tôi mặc kệ chồng cản ngăn, chịu không nổi, vừa đẻ xong là bế con về thăm Sài Gòn ngay. Ai nói tìm được cuộc sống hay hơn vui hơn khi từng là người Sài Gòn, thì tôi chắc chắn đó là lời nói dối.

Đi dạo một vòng đêm Sài Gòn, tôi thấy sao mà khoan khoái thế.

Viết xong đoạn này, mai dậy phải gọi ngay ly cà phê sữa đá mới được!

Bài: Tùng Leo


From the same category