NSƯT Chí Trung: 84% sinh viên chưa từng tới nhà hát - Tạp chí Đẹp

NSƯT Chí Trung: 84% sinh viên chưa từng tới nhà hát

DELETED

Theo kết quả điều tra của Nhà hát Tuổi trẻ, 40% sinh viên các trường đại học không hề biết Nhà hát Tuổi trẻ ở đâu, 84% chưa từng đến Nhà hát một lần nào (mặc dù biết và rất muốn vào), và 16% sinh viên không biết Nhà hát Tuổi trẻ là gì.

Đây có lẽ là một trong những lý do thúc đẩy Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện dự án “Chắp cánh niềm tin” – tổ chức 100 buổi biểu diễn miễn phí vở kịch “Mùa hạ cuối cùng” của cố tác giả Lưu Quang Vũ, phục vụ đối tượng là các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên và học sinh, sinh viên các trường phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 luu-quang-vu, kịch, nhà hát tuổi trẻ, chí trung

Một cảnh trong vở “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ 

Nhà hát Tuổi trẻ sẽ phát 550 vé miễn phí mỗi đêm biểu diễn vở kịch “Mùa hạ cuối cùng” của cố tác giả Lưu Quang Vũ cho các giảng viên, học sinh, sinh viên của 120 trường trên địa bàn Hà Nội trong dự án “Chắp cánh niềm tin”.

“Mùa hạ cuối cùng” là vở kịch gửi gắm thông điệp “Lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực phải là những giá trị tuyệt đối”. Tác phẩm có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục học sinh, sinh viên đức tính trung thực, ngay thẳng trong học tập và rèn luyện, tạo niềm tin cho giới trẻ vào lẽ phải, bên cạnh những bất cập vẫn còn tồn tại trong cuộc sống.

NSƯT Chí Trung chia sẻ: “Chúng tôi vẫn tự hào rằng mình là một trong những nhà hát có thương hiệu, có sự ảnh hưởng tới khán giả, nhưng đối tượng người xem mà chúng tôi đang muốn hướng tới thì lại chưa hề biết chúng tôi là ai và chưa bao giờ tới rạp.  

Chúng tôi muốn mang nghệ thuật tới với các em học sinh, sinh viên. Đây chính là đối tượng khán giả có học thức, cảm thụ nghệ thuật và nhận thức xã hội khá tốt, nhưng do điều kiện kinh tế, điều kiện sống khó khăn nên chưa có điều kiện thưởng thức nghệ thuật. Chúng tôi cố gắng kết nối nhà hát với doanh nghiệp để đưa nghệ thuật tới nhà trường, tới đối tượng khán giả này, vì khi ra trường, khi có công ăn việc làm ổn định, họ sẽ tiếp tục thói quen tới thưởng thức nghệ thuật ở nhà hát”.

Vốn không ủng hộ chuyện phát vé mời cho khán giả xem kịch, nghệ sĩ Chí Trung giải thích về dự án: “Nếu chúng tôi mở cửa cho tất cả mọi người tới xem kịch, thì đó là điều ngu ngốc. Vừa rồi, khi Liên hoan các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ diễn ra, có báo đặt câu hỏi: Nếu 12 đêm diễn ấy không miễn phí thì liệu khán giả còn đông không?

Dù không ai hỏi tôi, nhưng tôi xin trả lời luôn: Sẽ không đông như thế, nhưng cái lửa vẫn như thế, cái tinh thần vẫn như thế, thậm chí tiếng vỗ tay của khán giả còn nhiều hơn. Tôi hiểu rằng, khi dựng một vở diễn mà chỉ có khán giả là các khách mời, thì chỉ 60, 70% người xem vỗ tay, mà đấy là vở diễn hay. Còn nếu là vở diễn bán vé, thì 100% tiếng vỗ tay giòn giã, bởi họ đã bỏ tiền ra mua niềm vui, mua giấc mơ của họ.

Một cảnh trong vở “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ 

Tuy nhiên, với đối tượng khán giả là thanh thiếu niên, nhất là thanh niên tới từ các tỉnh ở các trường đại học, thì các dự án nghệ thuật miễn phí là rất hay. Điều này ngày xưa tôi vẫn nói: nếu các em ngay từ nhỏ không có thói quen đến nhà hát, thì sau này lớn lên các em vẫn không có thói quen ấy. Các em sẽ thuần túy thích game, chứ không muốn thưởng thức nghệ thuật.

Chúng tôi muốn mang tấm lòng, sự chia sẻ, đóng góp, dù là nhỏ bé tới với các em học sinh, sinh viên. Chúng tôi hiểu rằng, nếu người trẻ được trang bị kiến thức, hiểu biết về nghệ thuật, về cái đẹp, sau này họ cũng sẽ truyền lại cho con cháu”.

Theo ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, hướng đi mới của nhà hát sẽ có những sự kết hợp để vừa đảm bảo được hiệu quả nghệ thuật, hiệu quả xã hội, đồng thời cũng thu được hiệu quả về kinh tế. Bước đi đầu tiên trong chiến lược phát triển này là tiếp cận đối tượng khán giả thanh thiếu niên, sinh viên tại các trường đại học, với dự án “Chắp cánh niềm tin” –  tổ chức 100 buổi biểu diễn miễn phí vở kịch “Mùa hạ cuối cùng”.

 

Một cảnh trong vở “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ   

Theo NSND Lê Khanh, trong dự án này, một mặt, Nhà hát Tuổi trẻ mời sinh viên các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội tới thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật liên quan tới chủ đề nhà trường, thanh niên, mặt khác, cố gắng phát triển nguồn khán giả trẻ cho nhà hát. Mục tiêu ban đầu của dự án là nhằm giúp các khán giả trẻ biết về một loại hình sân khấu độc đáo, ý nghĩa. Hiện tại, NSND Lê Khanh đã trực tiếp tới 10 trường ĐH để thành lập các câu lạc bộ kịch, huấn luyện, đào tạo, dàn dựng tiểu phẩm cho các sinh viên.

Khi được hỏi rằng liệu dự án này “có dài hơi, hay sẽ đứt hơi?”, nghệ sĩ Chí Trung khẳng định: “Tôi có thể nhìn thẳng vào bạn mà nói rằng: chúng tôi không bao giờ làm cho vui. Đây là Nhà hát Tuổi trẻ, và cứ 3 tháng một lần, bạn hãy gặp tôi để biết rằng dự án đang đi tới đâu. Sau 100 đêm diễn này, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ để thực hiện những kế hoạch tương tự tại miền Trung và miền Nam”.

Bài: Phương Linh

Ảnh: Nguyễn Thế Toàn

Liên hoan các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ bỗng nhiên trở thành một hiện tượng của đời sống văn hóa Hà Nội thời gian qua. Rồi từ đấy, một câu hỏi nhức nhối lại bật lên….

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

07/10/2013, 15:28