Sân khấu sau Lưu Quang Vũ: Từ liên hoan đến cuộc chiến - Tạp chí Đẹp

Sân khấu sau Lưu Quang Vũ: Từ liên hoan đến cuộc chiến

Review

Sân khấu: buồn vui sau Lưu Quang Vũ

Sân khấu Hà Nội tuần qua sôi động hơn bao giờ hết. Đã từ rất lâu, các rạp Công Nhân, Tuổi Trẻ, Đại Nam mới được đón một lượng khán giả đến xem đông tới mức ấy.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, đó là độ lùi cần thiết để những đóng góp của Lưu Quang Vũ được đánh giá đúng hơn. Có lẽ những vấn đề cố tác giả này đặt ra trong tác phẩm của mình như sự tử tế, lòng can đảm, tính trung thực… không bao giờ cũ, thậm chí còn trở nên thời sự hơn ở thời điểm hiện tại.

Liên hoan các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã khép lại, và mong ước những khoảng trống trong rạp được lấp đầy lại trở về với sân khấu miền Bắc. Không chỉ gặp khó khăn chung từ suy thoái kinh tế, bản thân nghệ thuật sân khấu đang phải đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình nghệ thuật khác, và đặc biệt là sự thay đổi thị hiếu của công chúng.

Chùm bài “Sân khấu: buồn vui sau Lưu Quang Vũ” của mục Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả các ý kiến bình luận, chia sẻ của những nghệ sĩ, người xem,… với mong muốn góp một tiếng nói đồng cảm với những khó khăn, đồng thời khích lệ những tìm tòi, đổi mới để hấp dẫn khán giả của người làm nghề.

Bài liên quan:“Làm đĩ”, hoàng bào và Lưu Quang Vũ đương thời

Tổ chức: Đinh Phương Linh

Người ta kéo đến kín rạp để xem kịch Lưu Quang Vũ. Ở trong đó, họ xúc động thực sự. Người già cười tủm tỉm, người trẻ cười sảng khoái. Nàng thiếu phụ vừa dỗ con vừa khóc, anh đầu trọc đưa cánh tay cơ bắp quệt đôi mắt đỏ hoe. Bao nhiêu người rời rạp, sau những “Điều không thể mất” hay “Lời thề thứ 9”, mà môi vẫn còn mằn mặn.

Một cảnh trong vở “Lời thề thứ 9” của Nhà hát Tuổi trẻ
Một cảnh trong vở “Điều không thể mất” của Nhà hát Kịch Quân đội
Hầu hết các vở diễn đều mở cửa miễn phí. Đó tất nhiên là một nguyên nhân quan trọng cho việc các rạp kín chỗ. Nhưng không ai khóc vì vào cửa miễn phí cả. Phải chứng kiến không khí đầy xúc động trong các khán phòng ấy, mới thấy được rằng: sân khấu vẫn còn đủ sức lay động và cuốn hút người Hà Nội. Và ngược lại, người Hà Nội vẫn còn đầy xúc cảm trước sân khấu.
Và nhận ra điều đó rồi thì lại bật lên một câu hỏi nhức nhối cũ. Nói như một câu hát nổi tiếng của Tuấn Hưng, tại sao yêu nhau không đến được với nhau? Tại sao, sân khấu kịch phía Bắc lại nguội lạnh như là nó chưa bao giờ tồn tại. Tại sao, người Hà Nội, người Hải Phòng, tiền thì có, gu thưởng thức cũng có, mà chẳng có chỗ nào để tiêu, suốt ngày ngồi vỉa hè uống trà chanh nước mía nói nhăng cuội ngày này qua tháng khác?
Hãy thử tưởng tượng về một hoạt cảnh trên sân khấu, do các nhân vật theo đúng phong cách của Lưu Quang Vũ tham gia. Về chân lý, về việc chân lý không được thừa nhận.
Châu: Tại sao không ai đến với sân khấu? Những nghệ sỹ giỏi vẫn còn, những kịch bản hay vẫn có, những giá trị cũ chưa hề mất đi. Tại sao con người ta có thể thờ ơ đến thế trước những điều tốt đẹp cho chính họ?
Trác: Đời là một cuộc chiến, cậu trai trẻ ạ. Bây giờ là thời của bán hàng, là thời của marketing. Cho dù hàng hóa của cậu có tồi tệ, cậu biết cách nói dối, cậu vẫn bán được nó. Còn hàng hóa của cậu tốt đến đâu, mà không biết bán, vẫn ế ẩm thôi.
Châu: Tôi không tin vào điều đó. Tại sao chân lý lại phải phụ thuộc vào những lời đường mật để được người ta quan tâm?

Cuộc cãi nhau kiểu như thế tưởng như không bao giờ có hồi kết. Nhưng Lưu Quang Vũ sẽ giải quyết một mâu thuẫn tương tự như thế nào nhỉ? Phải có một bên đấu tranh. Đấu tranh và đưa ra những tuyên ngôn sắt đá về cuộc đấu tranh của họ. Để thuyết phục bên kia.

Một cảnh trong vở kịch hình thể”Hồn Trương Ba, da hàng thịt” – Nhà hát Tuổi trẻ
Cho dù điều gì đã tạo ra câu chuyện ngày hôm nay, cho dù lý do là gì, thì bây giờ mọi thứ không quan trọng nữa. Quan trọng là giải pháp. Quan trọng là trước mắt những người làm sân khấu đang có một cuộc đấu tranh.
Và nhân vật của Lưu Quang Vũ chắc chắn sẽ không một năm lên báo hai lần than thở những chuyện cũ rích như các nghệ sỹ bây giờ hay làm. Họ sẽ nhảy lên vũ đài, giữa đám đông, mà hét lên: Sân khấu kịch muôn năm! Hãy đến rạp đi, hỡi những kẻ thờ ơ kia.
Hãy nhìn Broadway của nước Mỹ. Nhắc đến kịch, là người ta nhắc đến tổ hợp sân khấu kịch Broadway như một huyền thoại. Huyền thoại ấy, trong cái thời gian khó khi công nghệ giải trí đa phương tiện phát triển vũ bão, cũng đã phải chiến đấu đủ mọi đường.
Broadway phải mời các ngôi sao lớn, từ điện ảnh, từ âm nhạc sang để câu khách. Tất nhiên, họ đã mời ngôi sao thì họ cũng làm truyền thông cực mạnh quanh ngôi sao ấy. Và để cho các ngôi sao ấy có thể nhanh chóng hoàn thành cái phi vụ tay ngang, họ phải rút ngắn tối đa thời gian dựng vở. Từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Một cảnh trong vở “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ
Nói đến đây mới nhớ, Minh Thuận, Nguyên Vũ và Nguyễn Phi Hùng hình như ngày xưa cũng là ca sỹ, về sau mới lên sân khấu kịch. Ai mời họ nhỉ? À, những nhà tổ chức sân khấu miền Nam nhanh nhạy đấy mà.
Đó chỉ là một cách thôi. Còn rất nhiều con đường, nếu có những người xác định được việc kéo lại khán giả đến rạp là một cuộc chiến, cuộc chiến lớn, cuộc chiến dài, cuộc chiến cần đầy trí tuệ, và sẽ đổ mồ hôi vì nó.

Thực hiện: depweb

14/09/2013, 17:57