“Làm đĩ”, hoàng bào và Lưu Quang Vũ đương thời - Tạp chí Đẹp

“Làm đĩ”, hoàng bào và Lưu Quang Vũ đương thời

Review

Sân khấu: buồn vui sau Lưu Quang Vũ

Sân khấu Hà Nội tuần qua sôi động hơn bao giờ hết. Đã từ rất lâu, các rạp Công Nhân, Tuổi Trẻ, Đại Nam mới được đón một lượng khán giả đến xem đông tới mức ấy.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, đó là độ lùi cần thiết để những đóng góp của Lưu Quang Vũ được đánh giá đúng hơn. Có lẽ những vấn đề cố tác giả này đặt ra trong tác phẩm của mình như sự tử tế, lòng can đảm, tính trung thực… không bao giờ cũ, thậm chí còn trở nên thời sự hơn ở thời điểm hiện tại.

Liên hoan các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã khép lại, và mong ước những khoảng trống trong rạp được lấp đầy lại trở về với sân khấu miền Bắc. Không chỉ gặp khó khăn chung từ suy thoái kinh tế, bản thân nghệ thuật sân khấu đang phải đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình nghệ thuật khác, và đặc biệt là sự thay đổi thị hiếu của công chúng.

Chùm bài “Sân khấu: buồn vui sau Lưu Quang Vũ” của mục Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả các ý kiến bình luận, chia sẻ của những nghệ sĩ, người xem,… với mong muốn góp một tiếng nói đồng cảm với những khó khăn, đồng thời khích lệ những tìm tòi, đổi mới để hấp dẫn khán giả của người làm nghề.

Bài liên quan: Từ liên hoan đến cuộc chiến

Tổ chức: Đinh Phương Linh

1. Trên nền nhạc oai hùng lẫn tiếng sấm chớp, màn hình sân khấu cũng nổi giông tố đè lên những chiến thuyền. Nhưng tả quân Lê Văn Duyệt vẫn đứng đó, chỉ đạo quân tướng tiến về thành Gia Định, trị tội tên Phó Tổng trấn tàn ác. Trong màn múa mà Tấn Lộc dàn dựng để mô tả chuyến đi giông bão, những người lính trụ chèo, rồi ngã xuống, rồi lại đứng lên thẳng tiến về Gia Định – nơi nhân dân đang chờ.

Bi hùng là thế, vượt giông bão là thế, vậy mà cuối cùng “Tả quân Lê Văn Duyệt” của Nhà hát Tp.HCM đã không thể đến Liên hoan sân khấu kịch mới nhất năm 2012.

Nói cho đúng, vở diễn thậm chí còn “trượt từ vòng gửi xe” vì theo quy chế liên hoan, chỉ những vở kịch có đề tài hiện đại mới có thể tham dự. Do đó, vở diễn về nạn tham nhũng – một đề tài không thể nói là không hiện đại – đành ngậm ngùi đứng bên lề hội diễn. Một Quyền Linh rất có uy, khác hẳn với những vai bụi bặm thường thấy của anh, đã không thể khoe tài với anh em làm nghề trong cả nước.

Ông Lê Quý Hiền, Chủ tịch CLB Nhà báo Sân khấu cho rằng, quy định “cấm vở lịch sử” có cái lý của nó. Bởi trong những hội diễn trước đây, khi đời sống còn nhiều vấn đề bức xúc, thì trên sàn diễn lúc nào cũng chỉ lóng lánh hoàng bào, vua chúa đi lại. Sân khấu quá xa rời thực tiễn, không dám nói thẳng mà chỉ dám nói vòng.

Nhưng ông Hiền, cũng như quy định dựng hàng rào với kịch lịch sử, vẫn không có lý. Sân khấu có cách riêng để gửi thông điệp. Cũng như lịch sử, luôn chọn cách trao giá trị qua những bài học quá khứ. Thêm vào đó, việc chỉ chấp nhận kiểu đề tài hiện đại, mà chối bỏ đề tài lịch sử, lại khiến sân khấu rơi vào “chủ nghĩa đề tài”. Mà chủ nghĩa đề tài chắc chắn sẽ khiến sân khấu phát triển lệch – điều phải tránh nếu muốn nó đi lên. Chưa kể, nếu ai đó muốn sân khấu nói thẳng, cũng phải nghĩ thêm rằng làm sao để sàn diễn có thể không cần đi vòng mà vẫn gửi được lời muốn nói.

2. Gửi một thông điệp với sân khấu chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Thậm chí chỉ là thông điệp qua một cái tên. Vở kịch dựa trên tác phẩm “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng đáng lẽ đã phải có một cái tên đúng như nhà văn nổi tiếng này đặt. “Làm đĩ” cũng là cái tên mà cả đạo diễn NSƯT Hồng Vân và nhà biên kịch Chu Thơm đã chọn, đã ưng. Cũng theo nhà biên kịch này, cho tới khi kết thúc buổi diễn, báo cáo tại Hội đồng phúc khảo thành phố, vở diễn vẫn mang tên như vậy.

Nhưng rồi, chỉ vài ngày sau, mọi chuyện đã khác. “Làm đĩ” đã chỉ còn cái tên ngắn gọn “Làm…”.  Đương nhiên, dấu chấm lửng khó có thể giúp khán giả hiểu ý tưởng chính của vở kịch là gì.

Sau này nhớ lại, nhà biên kịch Chu Thơm đã giải thích về sự thay đổi đó- sự thay đổi nhạy cảm trong thời điểm cũng nhạy cảm không kém khi đường dây người mẫu bán dâm giá cao bị phát hiện. Đây cũng chính là lưu ý của một số thành viên hội đồng phúc khảo. “Các anh ấy chỉ gợi ý chứ không hề bắt ép chúng tôi đổi tên. Tôi và Hồng Vân đã ngồi lại với nhau để bàn bạc về việc này. Cả đêm đó, sau khi trao đổi qua điện thoại, chúng tôi đã quyết định đổi tên ‘Làm đĩ’ thành ‘Làm…’”, nhà biên kịch chia sẻ với báo chí. Cùng lúc, ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng cho rằng đây là sự coi thường tác phẩm, thiếu tôn trọng nhà văn.

“Làm…” của kịch Hồng Vân sau đó dự Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012, có giải, được đánh giá như một tác phẩm xã hội hóa có hiệu quả. Tuy nhiên, một số người vẫn quen miệng gọi vở là “Làm đĩ” như ngày đầu, vì ấn tượng với tác phẩm cùng tên của Vũ Trọng Phụng quá mạnh. Hơn nữa, việc giữ nguyên tên không làm khán giả nhầm tưởng đó là vở kịch ám chỉ vụ án cùng thời gian. Vì thế, câu chuyện của sự đạo đức giả, câu chuyện bình đẳng giới mà vở diễn mang lại có thêm một điều khó nói. Liệu một vở diễn động chạm đến hiện tại thế nào thì được chấp nhận, thế nào thì không?

Một cảnh trong vở “Ông không phải là bố tôi” của Nhà hát Kịch Hà Nội

3. Lưu Quang Vũ là một nhà viết kịch thời đại. Những bức xúc của những ngày ông sống đều có thể thấy trong các vở diễn ông viết. Thời đại đó cũng đặc biệt. Đó là thời người ta có nhu cầu nhìn lại những giá trị, và rồi sau đó cả đất nước đã dũng cảm bước tới Đổi Mới. Và trong sự nhìn lại mình ấy, Lưu Quang Vũ đã đụng chạm nhiều.

Đụng chạm tới mức, ngày nay, xem lại các vở diễn dựng trên kịch bản đều đã trên dưới ba chục năm tuổi, khán giả vẫn còn bàng hoàng vì mức độ công phá. “Chúng ta đã qua thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và bước vào thời kỳ đồ đểu” (“Ông không phải là bố tôi”). “Tôi muốn làm một con người, nhưng tại sao làm một con người khó thế” (“Nàng Sita”). “Cán bộ là đầy tở của nhân dân. Đầy tớ mà không tốt thì nhân dân sẽ thay đầy tớ khác”,“Tổ quốc ta tươi đẹp. Nhân dân ta anh hùng. Không, tổ quốc ta không tươi đẹp. Nhân dân ta không anh hùng. Nhân dân nhát” (“Lời thề thứ chín”). “Cái tốt phải tuyệt đối” (“Mùa hạ cuối cùng”)…

Chưa kể, những câu nói trào lộng kiểu Chủ tịch xã chỉ tay vào biển “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân” rồi ra lệnh: “Sao lại viết chữ to thế kia. Thay ngay kẻo nhân dân người ta lại tưởng thế là thật” thì rất nhiều trong các vở diễn của Lưu Quang Vũ. Cũng chính vì thế, 25 năm sau ngày mất, công chúng vẫn đến để xem kịch của ông.

Một cảnh trong vở “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ

Sự khao khát nói thẳng được ươm mầm từ thời Lưu Quang Vũ tới nay, thậm chí còn khiến chương trình Gặp nhau cuối năm cũng được mong chờ như một tác phẩm chính kịch. Ở đó, những “lụt từ ngã tư đường phố”, “học sinh đạt 100% khá và giỏi”… không còn chỉ dừng ở mức độ hài. Nó là hiện thân rõ rệt của những điều công chúng mong sân khấu có, công chúng muốn sân khấu làm. Sân khấu phải nói lên vấn đề của thời đại, của nhân dân.

Mà để nói thẳng, nói thật, nói được việc như Lưu Quang Vũ cần nhiều lắm. Cần tài năng. Cần những người ủng hộ. Cần cơ chế. Sân khấu Việt đang thiếu điều gì để có thể có một nhà viết kịch thời đại Lưu Quang Vũ thứ hai thì còn nhiều điều phải bàn. Nhưng chắc chắn, khi sân khấu cũng là sản phẩm của thời đại, thì việc chưa có một nhà viết kịch như vậy, hoặc kiểu như vậy, cũng là một dấu hỏi lớn.

Thực hiện: depweb

16/09/2013, 14:58