Nguyễn Phan Linh Đan – nữ d.o.p hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam

Bộ phim điện ảnh “Bí mật của gió” ra mắt cuối năm 2019 là một sản phẩm do Linh Đan làm đạo diễn hình ảnh và cha cô – đạo diễn lừng danh Nguyễn Phan Quang Bình chỉ đạo. Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tiên hợp tác giữa hai cha con. “Tôi không nhận được bất kỳ sự ưu ái nào của bố mẹ để BHD quyết định thực hiện dự án này. Và tôi cũng không muốn được nói đến chỉ với danh xưng con gái ông bà chủ BHD”, Linh Đan nhấn mạnh trước khi bắt đầu buổi trò chuyện.

Người thân Linh Đan từng phản đối cô theo đuổi con đường trở thành đạo diễn hình ảnh.

Nền tảng nghệ thuật của bạn xuất phát từ đâu?

Tôi sinh trưởng trong một gia đình mà phụ nữ là phái mạnh, kiếm tiền và nuôi gia đình. Cả ba chị em gái tôi đều được học tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếp xúc với sơn mài, âm nhạc từ khi còn nhỏ. Những người phụ nữ thế hệ trước phải sống với sự im lặng và chịu đựng, có lẽ vì vậy, họ đã chuẩn bị cho bọn tôi những công cụ để bày tỏ suy nghĩ của mình trong một xã hội gia trưởng.

NGUYỄN PHAN LINH ĐAN
– Sinh năm 1996
– Đạo diễn hình ảnh (DOP)
– Theo học ngành điện ảnh ở Đại học New York University Tisch School of the Art, Mỹ

Vì sao là nữ, bạn lại có niềm đam mê đặc biệt với công việc đạo diễn hình ảnh – điều mà rất ít nữ giới theo đuổi kể cả trên thế giới?

Tôi chưa từng nghĩ tới công việc này như một công việc của đàn ông. Theo tôi, trước giờ có ít phụ nữ theo đuổi nó có lẽ vì họ không được chào đón và cũng không có đủ cơ hội.

Đã có nhiều người, thậm chí cả thầy giáo của tôi ngăn cản tôi theo đuổi công việc này vì cho rằng tôi sẽ không làm được. Đã phải có những nỗ lực lớn để giờ này tôi vẫn chưa bỏ cuộc.

Là một nữ DOP hiếm hoi ở Việt Nam, bạn thấy mình khác biệt gì với các nam DOP khác?

Trước giờ, Việt Nam trong phim ảnh mới được nhìn qua con mắt của đàn ông thôi. Điều đó khiến nền điện ảnh trở nên thiếu thốn. Có nhiều góc nhìn mà đàn ông không thấy được từ chỗ đứng của họ. Tôi muốn bình đẳng hóa nghề làm phim nói chung và công việc DOP nói riêng, góp phần làm đa dạng hình ảnh và câu chuyện được kể bởi điện ảnh Việt Nam.

Ngoài điện ảnh thì đam mê lớn nhất khác của Linh Đan là điêu khắc. Cô từng là nghệ sĩ của Hội Điêu khắc BKLYN CLAY ở New York.

Với bạn, việc có ba là ông chủ của một trong những hãng phim lớn nhất Việt Nam có ý nghĩa ra sao?

Tôi đã rất đắn đo khi quyết định về Việt Nam tham gia dự án “Bí mật của gió” vì muốn tránh cái bóng của bố. Bố luôn vắng mặt trong suốt thời gian tôi lớn lên nên có thể nói, cuộc sống của tôi không bị ảnh hưởng bởi việc bố làm công việc gì. Tôi lớn lên ở Hà Nội cùng ông bà, còn bố làm việc ở TP. HCM. Tôi biết, có nhiều người chưa công nhận tôi vì tôi là nữ và cũng vì tôi là con bố…

Sau tác phẩm đầu tay, bạn dự định sẽ ở lại Việt Nam làm phim hay quay lại Mỹ?

Điều tôi thích ở công việc làm phim là nó không bị bó buộc ở một nơi mà mang tính quốc tế. Nơi nào có câu chuyện phù hợp với mình thì tôi sẽ làm ở đó. Việt Nam luôn là nhà và là nơi tôi muốn quay về, kể câu chuyện đất nước mình cho thế giới. Nhưng tôi sẽ vẫn làm việc ở nước ngoài nếu có cơ hội. Tôi nghĩ tôi còn có thể học được rất nhiều từ ngành điện ảnh Mỹ và các nước khác.

Bạn có sở thích đặc biệt nào ngoài phim ảnh không?

Đam mê lớn nhất của tôi chắc là điêu khắc. Tôi đã là một nghệ sĩ của Hội Điêu khắc BKLYN CLAY ở New York. Nhưng tôi không dám theo đuổi con đường này vì các bức tượng không nuôi sống được tôi. Mong là khi về hưu tôi có thể sống thoải mái với đam mê này.

THE NEXT GENERATION

Ngành công nghiệp giải trí Việt Nam đang được định hình bởi một thế hệ mới. Sinh ra và lớn lên trong bầu khí quyển đậm đặc của kỷ nguyên công nghệ, họ là lớp người sở hữu những góc nhìn văn minh và tiếng nói cá nhân đầy quyết liệt.

Đọc thêm:
 Nân – sinh ra từ tình yêu kỳ dị tuyệt vời
– Minh – chàng nghệ sĩ trưởng thành từ YouTube
– Mỹ Anh – đã đến lúc bước thẳng vào nỗi sợ
– Lê Hữu Khương – đọc sách, cưỡi ngựa, khiêu vũ và ăn kiêng
– Marzuz – cây xương rồng mong manh
– Amélie Ngọc Linh – từng muốn bỏ nghề mẫu ngay sau buổi chụp đầu tiên
– Nghệ sĩ saxophone An Trần: “Em phải tìm một con đường khác, không giống ba”
– Cece Trương – giọng ca giàu nội lực
– Otis Nhật Trường – “nam thần học đường” lột xác
– Lý Đạt Thành – làm sáng tạo luôn cần trở về vạch xuất phát
– Nguyễn Phan Linh Đan – nữ d.o.p hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam
– Samuel An – trưởng thành từ lời phê bình
– Trần Lãng Khê – bước từng bước để tới được LHP Cannes
 TLinh – đừng ưu ái chỉ vì tôi là phái nữ
– Emma Lê – “bông hồng lai” luôn thích thử thách bản thân

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Chỉ đạo mỹ thuật và sản xuất: Hellos.

Nhiếp ảnh: Khánh Nguyễn
Stylist: Mega Blonde
Trang phục: DANGHAIYEN – Giày, túi & khăn: Burberry – Tượng thỏ điêu khắc: Phan Linh
Trang điểm: Sam
Làm tóc: Dương Đăng Minh


From the same category