Năm Tỵ tản mạn chuyện rắn rồng - Tạp chí Đẹp

Năm Tỵ tản mạn chuyện rắn rồng

Review

Theo tử vi thì tôi chẳng hạp cũng chắc khắc với bác Tỵ nhưng trong thực tế rắn vốn là khắc tinh của loài ngặm nhấm như tôi mặc dù cùng âm Tý – Tỵ. Thế nên, thịt rắn làm ra bao nhiêu món thì tôi tranh thủ ăn bấy nhiêu như để “trả thù” cho giống nòi. Từ lẩu rắn đến thịt rắn nấu cháo đậu xanh, xào lăn, chiên giòn, nướng trui, nem rắn … tôi đều nếm thử. Quả là không chê vào đâu được, mỗi món lại mang một hương vị độc đáo riêng. Những người ở Hà Nội dù không mê thịt rắn đều biết đến làng Lệ Mật nổi tiếng với các món đặc sản này. Có thể nói, ở rắn chẳng bỏ đi phần nào: da rắn chiên giòn ăn thì hết xảy, thịt rắn xào lăn ngon không kể, rắn nguyên con nướng trui thì đậm đà hương vị đất phương Nam, xương rắn có thể băm nhỏ, rang giòn với vừng và lá chanh cũng là món ngon đáng thèm. Chỉ kể riêng về rượu thì cũng có đến vài cách pha chế từ rắn, đó là rượu tiết rắn, rượu mật rắn hay rượu ngâm rắn nguyên con, ngâm “ngẩu pín” hay đầu rắn. Theo “dân” nhậu thì chung rượu tim rắn sẽ được dành cho người nhiều tuổi nhất trong bàn. Nhìn chung, rắn là một thức ăn giàu chất dinh dưỡng và có một số chất đạm mà loài khác không có. Còn rượu được chế biến từ các bộ phận của rắn lại tốt cho hệ gân cơ, bổ thận.

 

Ở Việt Nam được ghi nhận là nơi cư ngụ của 193 loài rắn, trong đó có 53 loài rắn độc. Riêng ở phía Nam có hẳn trại nuôi rắn Đồng Tâm, cách thành phố Mỹ Tho đi về phía Tây khoảng 9km. Nơi đây có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nuôi trồng các loại rắn quý và điều trị rắn độc cắn. Tại trại rắn Đồng Tâm, hoảng nhất là loài rắn hổ mang chúa, số lượng lên đến 200 con chưa kể các con con dưới 1 tuổi. Rắn hổ mang là loại rắn cực độc, quý, được xếp bậc E trong sách đỏ Việt Nam. Chúng bò nhanh như mây gặp gió nên còn được gọi là rắn hổ mây.

Nói đến loài rắn không ai xa lạ gì nhưng cũng thật hiếm người biết một sự tích rất hay về loài rắn. Xưa kia, có một phụ nữ rất xinh đẹp nhưng cũng vô cùng độc ác. Nàng có khả năng đoán được vận mệnh trong ánh trăng và biến người khác thành loài vật. Nàng lấy một vị vua rất khôi ngô, tuấn tú nhưng lại biến chàng thành một con gấu chỉ vì ganh tỵ với sắc đẹp của chồng mình. Ít lâu sau, nàng nhận ra mình sắp làm mẹ, nàng leo lên ngọn tháp và hỏi ánh trăng: “Ngươi có tin rằng con ta sẽ đẹp hơn ta?”. Nhưng mặt trăng không trả lời. Rồi nàng hạ sinh một bé gái tuyệt đẹp. Nàng lại hỏi mặt trăng thì được trả lời: “Nàng đẹp nhưng con nàng là thiên thần ánh sáng. Nó dịu ngọt như mật ong và xinh đẹp hơn nàng gấp ngàn lần”. Thế là nàng tức giận đem đứa bé vào rừng hầu để thú dữ ăn thịt nó. Nhưng rất may có một con gấu đã cứu sống và nuôi dưỡng đứa bé. Thời gian sau đứa bé lớn lên thành cô gái xinh đẹp, khi nàng ngủ trong rừng thì gặp một vị hoàng tử nước láng giềng đi ngang qua. Cảm mến trước sắc đẹp và tính nết của nàng nên hoàng tử muốn đưa nàng về chung sống. Nàng xin phép con gấu đã nuôi dưỡng nàng.

Lúc gặp gấu, hoàng tử hoảng sợ nhưng con gấu biết nói tiếng người đã năn nỉ nàng chém đầu nó để nó lại được làm người. Quả thực khi đầu gấu rơi xuống cũng là lúc vị vua ngày xưa hiện lên và kể lại câu chuyện bị người đàn bà ác độc hãm hại. Mọi người tìm cách trừng trị mụ với kế hoạch loan tin rằng trong rừng có người xinh đẹp hơn mụ. Thế là mụ nhanh chóng đem cây gậy giết người vào rừng. Vua cha định dùng bột thần vốn là bảo bối phòng vệ của mình rắc lên người mụ nhưng chẳng may lại rơi trúng cây gậy. Nó biến thành con rắn khổng lồ rồi nuốt chửng mụ và lẩn vào cỏ dại mà chạy mất.

Khi nghe câu chuyện, ít nhiều người cũng sẽ liên tưởng mụ đàn bà ác độc ấy với loài rắn bởi chỉ có loài rắn mới nỡ ăn thịt con mình. Theo tài liệu khảo cứu mới đây của hai vị giáo sư Estrella Morcino và Krik Setser của  Đại học Granada, Tây Ban Nha, rắn mẹ sau khi sinh nở, vì còn yếu không đủ sức và thời giờ đi tìm mồi, sẽ ăn những rắn con không sống sót (chết yểu) để lấy lại sinh lực. Kết quả cho thấy, trung bình rắn mẹ ăn độ 11% số trứng và rắn con bị chết sau khi sinh nở. Người ta bảo “Hùm dữ không nỡ ăn thịt con”, có những loài ăn cả thịt đồng loại như cá sấu, bọ ngựa, nhện … nhưng chỉ duy nhất rắn là loài ăn thịt con mình. Quả là ác như rắn độc!

 

Đó là phát hiện về loài rắn mà tôi mới có dịp biết đến gần đây nhưng chuyện rắn lột da thì thưở ấu thơ tôi đã được bà kể cho nghe trong những đêm gối đầu trong lòng ngoại. Trong ý nghĩ non nớt của một đứa trẻ, tôi cứ ngỡ rắn là một động vật có phép thần thông, “lột da sống lại” nhưng khi lớn lên tôi mới biết da đối với rắn cũng như quần áo của một đứa trẻ. Càng lớn lên thì quần áo càng chật, phải cởi bỏ và thay chúng đi để phát triển thể xác hơn. Đó là đặc điểm sinh học riêng của giống loài này mà kỳ thực chẳng có một phép lạ nào cả.

Ly kỳ hơn là chuyện rắn hổ giao phối cùng mèo cái đen sẽ sinh ra linh miêu. Chẳng hiểu giữa hai con vật này có đặc điểm gì giống nhau mà dân gian lại đồn đãi nhau rằng chúng mây mưa để sinh ra linh miêu?!

Nhưng bấy nhiêu lời bà kể vẫn chưa đủ rùng rợn để dù dọa một đứa bướng bỉnh như tôi bằng những câu chuyện rắn báo thù mà tôi được nghe ở đâu đó, đặc biệt là vụ án Lệ Chi Viên. Đó là năm học cuối cấp 2, dù đã chừng ấy tuổi nhưng tôi vẫn tin sái cổ vào câu chuyện ly kỳ mà thầy dạy văn đã kể. Chuyện vắn tắt rằng, trong lúc xây nhà, cụ đồ Nhị Khê cứ nằm mơ thấy có một phụ  nữ van xin đừng giết mẹ con mình. Sáng ra, cụ đồ bèn hỏi gia nhân có thấy gì lạ trong lúc xây nhà không thì được trả lời chỉ thấy dưới đất có mấy con rắn con đã bị chết trong khi đào đất. Rồi một đêm nọ, bỗng nhiên cụ thấy ba giọt máu nhỏ từ trên mái nhà xuống trang sách cụ đang đọc và biến thành chữ “báo thù”. Thời gian sau, Nguyễn Trãi – cháu cụ đồ phải lòng cô bán chiếu tài hoa Nguyễn Thị Lộ và lấy làm thiếp. Sau đó, ông đưa nàng vào hầu cho vua Lê Thái Tông. Một hôm vua bị đau lưỡi, Nguyễn Thị Lộ đề nghị vua thè lưỡi ra để Thị Lộ chữa. Lộ cắn vào lưỡi vua (được hiểu là tiêm nọc độc rắn). Vua chết ngay không kịp kêu một tiếng. Sau đó cả nhà Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Nhưng sự thực của dòng lịch sử này đã được vua Lê Thánh Tông minh oan vào năm 1464. Và như vậy, chẳng có chuyện rắn báo thù gì cả!

Truyền thuyết và thực tế thì loài rắn cũng khá độc nhưng cũng phải cảm ơn chúng vì chính nó đã khai sinh ra loài người. Nói như thế chắc nhiều người sẽ “nhảy dựng”, bởi lẽ người Việt Nam với nòi giống “con Rồng cháu Tiên” thì làm gì có thể được khai sinh bởi loài rắn ác độc, tầm thường như thế. Thế thì chúng ta nên truy tìm nguồn gốc sâu xa hơn nữa khi loài người chỉ có mỗi Adam và Eva. Rắn không sinh ra loài người nhưng theo truyền thuyết thì chính nó đã xui nàng Eva ăn trái cấm trong vườn địa đàng để rồi khơi gợi trong lòng Eva dục vọng trần thế. Và nàng đã tìm cách quyến rũ Adam, xui chàng ăn quả cấm dể cả hai cùng mây mưa xác thịt. Thượng đế biết chuyện nên đày cả hai xuống trần gian thực hiện chức năng cao quý của loài người là duy trì nòi giống. Thế là có chúng ta. Còn Adam và Eva vì bị con rắn xảo quyệt xui ăn trái cấm khiến bị đày xuống trần khổ cực nên lấy cây đập đầu nó. Từ đó, loài rắn đều có đầu bẹp dí và thường hay lẩn khuất trong bụi rậm để tránh sự truy đuổi.

Hẳn nhiều người cũng sẽ ngạc nhiên vì sao con rắn hung ác lại nằm trong biểu tượng của ngành Y dược cao quý. Theo truyền thuyết thì mẹ của thần Esculape qua đời khi còn đang mang thai ông và cha ông dã phải mổ lấy ông ra khỏi bụng mẹ. Vì mẹ mát nên ông lớn lên nhờ bú sữa dê và được thần Nhân Mã nuôi dạy. Do bản tính ưa quan sát và lớn lên trong khung cảnh thiên nhiên nên Esculape sớm nhận ra các loại cây cỏ có dược tính chữa bệnh hoặc có thể cải tử hoàn sinh. Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy nên cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn nhưng sau đó ông lại thấy một con khác bò tới, miệng ngậm một loại thảo dược bò đến cứu và làm cho con rắn đã bị chết sống lại. Từ đó, ông để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người. Esculape được xem như thần bổn mệnh của các thầy thuốc và hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape trở thành biểu tượng của ngành này. Con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, còn có biểu tượng con rắn quấn quanh một cái ly có chân cao. Chiếc ly tượng trưng cho chén thuốc của nữ thần sức khỏe Hygia, bên trong có chứa đựng chất dịch được chiết xuất từ các loại cây cỏ.

Không những thế, rắn còn là linh vật của người Khmer và của Phật giáo Nam Tông Khmer. Người Khmer thờ thần rắn để được thần rắn che chở, phù hộ độ trì cho người dân Khmer diệt trừ ma quỷ. Chúng ta vẫn thường thấy tại một số ngôi chùa có tượng đức Phật ngồi trên tòa sen, bên trên là hình con rắn 7 đầu. Tương truyền rằng, khi Phật đang tịnh dưới cội bồ đề thì mưa to gió lớn nổi lên, nước dâng lên sắp ngập cả chỗ Phật ngồi. Khi ấy, có một con rắn hiện ra lấy thân mình cuộn tròn lại, bảo toàn cho đức Phật ngồi nhập định khỏi bị ngập nước và vươn cao 7 cái đầu phình to ra tạo thành cái tán che mưa cho Đức Phật khỏi sự tấn công của Ma Vương mưu phá.

Kết thúc bài viết, tôi xin lạm bàn về tử vi của người tuổi Tỵ, hầu mua vui trong những ngày đầu xuân. Người tuổi Tỵ gây ấn tượng, bí ẩn, khôn ngoan, hấp dẫn và khá lãng mạn. Những người này thường dễ bị rơi vào trạng cái căng thẳng khi cuộc sống của họ không theo đúng trình tự. Họ thích một cuộc sống bình yên và thích loại công việc dễ xử lý hơn là loại công việc bận rộn. Tuổi Tỵ hợp với tuổi Dậu, Sửu, khắc với Dần, Thân, Hợi. Trong đó Tỵ và Hợi được xem là hai tuổi khắc nhau nhất trong vòng quay tử vi. Dân gian có bài đồng dao rất vui: Rắn sợ lợn, Cua sợ ếch, Rết sợ ốc sên … Không phải ngẫu nhiên là trong dân gian lại đúc kết như thế bởi trong cuộc sống động vật, quả thật rắn rất sợ lợn. Khi một con rắn dù hung hãn đến mấy nhưng khi gặp lợn thì chỉ còn biết cuộn tròn lại và chú lợn cứ việc tới nhai con rắn ngon lành như nhai kẹo. Điều này đã từng có người giải thích, do lợn có khả năng miễn dịch với nọc độc rắn lại hay bới xới tìm kiếm thức ăn nên rắn và các loại bò sát khác là mồi ngon cho lợn. Khi gặp được hang rắn thì lợn không bỏ qua mà đào bắt cho bằng được.

Chuyện cũng đã dài, tôi xin mượn hai câu thơ của cụ Nguyễn Du để thay cho lời kết:

“Lời quê chắp nhặt dông dài


Mua vui cũng được một vài trống canh”

Khải My (theo Yong Style)

Thực hiện: depweb

07/02/2013, 14:46