Năm 2016 và.. thất bại chưa tiết lộ của Phi Anh

Không còn quá háo hức trước thành công

– 25 tuổi với một dự án “khủng” cả về ý tưởng và sự đón nhận bất ngờ của khán giả. Anh hài lòng đến mức nào với những điều đạt được sau khi công chiếu hai vở trong dự án “Mộng ước”?
– Những đêm diễn cháy vé, tất nhiên là tôi vui. Tôi vui không phải vì những con số ghi nhận được mà hạnh phúc khi chứng kiến thành quả của mình, chứng kiến cộng sự, diễn viên của hoan hỉ với thành công đó. Tôi nhìn thấy những “đứa con” của mình đã trở thành một công trình thực sự. Lần đầu tiên tôi thấy nó lớn thật. Nó vẫn “sống” và có một đời sống khác, sau bốn năm. Điều đó đặc biệt có nhiều ý nghĩa.

Nhưng để có thành công nửa cuối năm, tôi thực sự đã từng sụp đổ ở nửa năm trước đó. Năm 2015 tốt nghiệp bên kia, tôi trở về vì lời hứa của một nhà tài trợ. Tôi xây dự án này với đầy lòng hăm hở, và khi mọi thứ chuẩn bị phải “chạy”, thì nhà tài trợ “rút ván”. Tôi thực sự phát điên, suy sụp hoàn toàn. Rồi nhà tài trợ mới xuất hiện, họ chính là người đã giúp tôi đưa các vở diễn ra công chúng thời gian vừa rồi. Giờ tất nhiên tôi mừng vì nhà tài trợ đầu tiên đã bỏ mình. Nhưng sự cố đó khiến tôi nhận ra rằng, cuộc sống này điều gì cũng có thể xảy ra, tôi bình thản hơn trước cả thành công và thất bại <nếu điều đó xảy ra một lần nữa>.

phi_anh_b_yxjr-copy
Đạo diễn trẻ Phi Anh

– Bốn năm kể từ ngày giới thiệu vở diễn đầu tiên “Góc phố danh vọng”, Phi Anh vẽ một hành trình thế nào về giấc mơ của chính mình?
– Với riêng mình, tôi gọi “Góc phố danh vọng” là câu chuyện của những con chim, “Đêm hè sau cuối” là chuyện của người ngoài hành tinh, và “Mộng ước” có thể là câu chuyện tám trên xe Uber.
– Vẻ như mỗi ngày anh gần với hiện thực hơn.

– Đó là kết luận của một người thích quan sát về người khác. Tôi thừa nhận “Góc phố danh vọng” là tác phẩm chứa đựng rất nhiều mơ mộng của mình, nó cũng là tác phẩm tôi viết ra ở thời điểm mình trong sáng nhất, nên nó là một kỷ niệm đặc biệt. “Đêm hè sau cuối” đã là sự chứng tỏ của một kẻ hám danh rồi. <cười>. Tuy vậy, tôi luôn muốn các tác phẩm của mình vẫn chứa đựng những mơ mộng hoặc suy tưởng khác thường. Nên khán giả hãy đợi xem “Mộng ước” của tôi.

Và lời thề chỉ sử dụng diễn viên không chuyên
– Có tới vài chục đêm diễn cháy vé nhưng nhạc kịch của Phi Anh vẫn bị gọi là… nghiệp dư. Anh có buồn?
– Tôi không bao giờ giận hay buồn khi ai đó gọi sản phẩm của mình là nghiệp dư, vì quả thực các diễn viên của tôi nghiệp dư thật. Và sự nghiệp dư ấy gây ra rất nhiều sự bực mình, stress trong quá trình dựng vở. Nhưng dẫu vậy tôi vẫn có lời thề sẽ chỉ sử dụng diễn viên nghiệp dư và tôi vô cùng yêu quý họ. Tôi nghĩ rằng, về chuyên môn có thể họ không hiểu từ những điều đơn giản nhất, nhưng họ có năng lương và sự tử tế. Tôi thích điều đó. Trong các buổi tập, điều duy nhất tôi khuyến khích diễn viên của mình là: hãy “mặn” hơn nữa, và tất cả cùng nhau sáng tạo. Đó là cách duy nhất tôi tạo ra vở diễn của mình. Thực tế, đây là công việc “siêu tập thể”, nên bản thân tôi không thể đề cao mỗi cá nhân mình.

Tôi ghét nhất khi ai đó gọi tác phẩm của mình là… thử nghiệm, hoặc họ gọi những lao động nghiêm túc của chúng tôi là.. cuộc chơi. Không, tôi không chơi và cũng không thử.

goc_pho_b_ltyx-copy
Một cảnh trong “Góc phố danh vọng”

– Điều nhất định phải có trong tác phẩm của anh ..?

– Tính thời sự. Tôi thích tạo ra một tác phẩm mà mọi người xem đều thấy đây là cuộc sống của mình, nên tôi không ngại đưa tình tiết thời sự vào các vở diễn, dù có những chuyện chỉ người xem năm nay mới hiểu được, sang năm phải thay đi bằng các tình tiết khác.
– Yếu tố quan trọng nhất trong một vở nhạc kịch của Phi Anh …?
– Nhân vật phải đáng nhớ. Giọng điệu của tôi đối với các nhân vật thường không có gì nghiêm trọng, tôi muốn các nhân vật của mình sống trong một thế giới mà chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đôi khi tôi muốn gây bất ngờ chỉ vì tôi thích thế. Vì vậy khi viết kịch bản tôi luôn đặt ra câu hỏi: có làm gì để bất ngờ hơn được không? Tôi chọn điều khác biệt gây ấn tượng hơn là sự an toàn. Chặt chẽ không phải là ưu tiên của tôi. Cái chính nhân vật phải đáng nhớ, và logic câu chuyện phải luôn thay đổi bất ngờ.
– Anh nghĩ thế nào về nhận xét: “Có ba Phi Anh, sân khấu Việt sẽ thay đổi”?
– Tôi không nghĩ gì. Tôi làm nhạc kịch vì tôi quan sát thấy những người xung quanh tôi hiểu biết về thể loại này khá đông. Tôi cũng biết Việt Nam rất nhiều người giỏi, chỉ là họ chưa làm hoặc họ vẫn ở nước ngoài. Tất nhiên tôi cũng biết khán giả Việt có sự phân tầng rất lớn, điều này phải chấp nhận. Trên thế giới có “brexit” “Donal Trump” thì Việt Nam lúc nào cũng sẽ có điều tương tự.

dem_he_tdht-copy
Một cảnh trong “Đêm hè sau cuối”

– Nhưng anh sẽ không chỉ mãi ở Hà Nội, anh có kế hoạch chinh phục khán giả ở các vùng miền khác tại Việt Nam thế nào?

– Tôi chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng tôi không ngại đối tượng khán giả nào. Tôi tin với hai vở đã diễn, thì “Đêm hè sau cuối” ở đâu cũng thắng.

Chủ sân khấu Idecaf đã nói chuyện với tôi, họ cử người ra xem “Góc phố danh vọng” và muốn tôi hỗ trợ họ làm kịch bản, đạo diễn hoặc hợp tác cùng nhau theo cách thức nào đó. Tôi rất trân trọng thái độ này nhưng cũng chưa nghĩ ra một việc nào cụ thể. Lúc này tôi chỉ nghĩ làm thế nào để vở diễn thứ ba ra mắt khán giả và nhận được sự háo hức như hai vở trước đó. Sau nữa, tôi nghĩ rằng mình cứ làm thật tốt công việc của mình, việc gì đến sẽ đến.

– Điều gì anh muốn nói trước khi khép lại năm cũ?

– Tôi hài lòng với những điều đạt được dù tôi cũng mất mát nhiều. Tôi hạnh phúc không phải vì những thành tích mà tôi nhận ra mình có những kỷ niệm. Khi mình thất bại có những người như thế này đứng bên cạnh, và rồi cùng họ mình đi tới thành công, cảm giác đó nó quý vô cùng. Cạnh đó tôi có những thay đổi trong bản thân, tôi thấy mình lớn hơn. Mẹ tôi vô cùng hài lòng. Tôi đã nghĩ nếu mình hiếu thắng hơn thì mình đã đau khổ nhiều lắm.

– Cảm ơn những chia sẻ của Phi Anh

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Leave a Comment


From the same category