Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng để tạo nên một thói quen mới con người ta phải mất tối thiểu 66 ngày, tối đa khoảng 254 ngày. Thời gian này sẽ còn thay đổi dựa vào hành vi, tích cách và hoàn cảnh của chủ thể. Nghĩa là chúng ta sẽ cần từ 2 đến 8 tháng để thay đổi một hành vi nào đó. Trong quyển sách yêu thích của nhiều tỷ phú mang tên “Sức mạnh của thói quen”, tác giả Charles Duhigg lật giở những câu chuyện kỳ diệu về thói quen và tuyệt đối nhấn mạnh rằng: thành công của một người phụ thuộc phần lớn vào những thói quen tích cực của họ. Chuyên đề “Bao lâu cho một thói quen mới?” hi vọng sẽ giúp bạn gạt bỏ những hoạt động tùy hứng lặp đi lặp lại liên tục, để sẵn sàng tạo nên những thói quen tích cực có thể thay đổi bản thân đồng thời đưa bạn đến gần hơn với những mục tiêu vốn đã đeo đuổi từ lâu.
Đọc thêm các bài trong chuyên đề:
Xây dựng và duy trì các thói quen có lợi liệu có thực sự khó?
“Bỏ túi” bí kíp học nhảy tại nhà từ gợi ý của biên đạo Quang Đăng
Cùng Lifestyle & Food Blogger Lê Ngọc “Nhà có hai người” “phá vỡ” lời nguyền hôm nay ăn gì
Jay Quân – Chúng Huyền Thanh gợi ý cách tập luyện tại nhà hiệu quả dành cho các couples
Haruki Murakami từng nói: “Viết lách tương tự như khi cố gắng tán tỉnh một người phụ nữ”. Những người có tài năng thiên bẩm thường viết rất dễ dàng, còn không, bạn buộc phải làm việc thật chăm chỉ, đào sâu và đổi mới các nguồn cảm hứng sáng tạo.
Viết lách được nhiều người tìm đến như một cách “trị liệu”, một người bạn có thể chia sẻ những căng thẳng, nỗi niềm khó có thể nói ra. Hàng loạt những CLB, hội nhóm những người yêu thích việc viết lách là chứng minh rõ ràng nhất cho điều này.
Dẫu vậy, không phải ai cũng có thể duy trì lâu dài thói quen viết. Trong đó, việc khó duy trì cảm hứng viết là nguyên nhân khiến đa số người cầm bút dễ “nản chí”. Theo Liêu Hà Trinh, viết lách nên là một “khoái lạc”, là cơ hội để tâm hồn phiêu lưu hơn là ép bản thân bước vào một hành trình thử thách lòng kiên nhẫn. “Hãy thử viết vài tấm bưu thiếp khi đi du lịch, vài dòng ghi chú nhanh trong nhật ký ngày, vài tờ giấy note cho chính mình đính trên tủ lạnh, vài cái thiếp sinh nhật viết tay, dăm ba dòng suy nghĩ vu vơ trên Facebook về những thứ bạn quan tâm nhất… Mỗi thứ chẳng mất đến 3 phút, nhưng tác dụng thì thật sự tuyệt vời!”, MC chia sẻ.
“Detox” tâm hồn chính là lợi ích to lớn nhất cho tinh thần của việc viết lách. Cùng chung suy nghĩ này, Liêu Hà Trinh đã từng cậy nhờ vào con chữ để giải toả một khối lượng khổng lồ những cảm xúc bị dồn nén của mình. Cô cho rằng, khi trải qua những bất an trong tâm lý đến từ một cuộc chia ly, một vết thương lòng, sự hao hụt niềm tin, cảm giác bị bỏ lại… là lúc chúng ta có thể vỡ ra nhiều khám phá mới mẻ.
Đừng bỏ qua những lúc cảm xúc đang hỗn loạn này chỉ vì nó đau đớn hay khó lòng chấp nhận, bởi những khoảnh khắc này là chất xúc tác tuyệt vời để mỗi người tạo nên những trang viết tuyệt vời cho riêng mình, hoặc để tìm về với sự bình yên – điều chúng ta luôn muốn khi tìm đến “liệu pháp” viết lách. Theo cô, người càng hay quan sát, suy nghĩ càng phải viết nhiều. Bởi viết là cơ hội để tập trung kết nối với chính mình: được trình bày mọi thứ trung thực và cốt lõi nhất.
Viết lách không phải là thử thách rèn luyện sức chịu đựng
Là một thói quen, không phải quy củ để rèn luyện sức chịu đựng, vậy nên thay vì “ép” bản thân ngồi 2-3 tiếng đồng hồ mỗi ngày, ngồi viết bao lâu là tuỳ vào mỗi người. Cảm giác bế tắc không biết tâm sự cùng ai và bắt đầu như thế nào bỗng nhờ trang giấy, bàn phím, con chữ mà tâm tư được sắp xếp rõ ràng không nên bị gò bó trong một khoảng thời gian cố định. “Cảm giác ấy miễn phí, hồn nhiên, thinh lặng và không phán xét. Chúng chỉ ở đó chờ ngón tay bạn làm thuyền và lòng bạn là nước để được phiêu du khắp nơi: về thời thơ ấu, về thuở học sinh, về lại mối tình đầu, về những ngày còn nhau, đến những vùng đất trong tưởng tượng, đột nhập vào tâm trí ai đó, và có thể đến cả tương lai chưa xảy ra”, Trinh chia sẻ. Chuyến phiêu lưu vào dòng thời gian trong tiềm thức chỉ có thể xảy ra khi đặt bút viết, và việc tận hưởng hành trình ấy trong 5 phút, 15 phút hay thậm chí cả ngày đó là tùy nhu cầu.
Nguồn cảm hứng cho việc viết đến từ những suy nghĩ được khuyếch đại. Để có thể nghe được những tiếng nói bên trong đôi khi rất thầm thì ấy, bạn phải đủ tĩnh lặng. Một không gian sống cho bản thân nhiều hơn, một mình với sự yên ắng và bao bọc bởi những sở thích rất cá nhân thì mới mong tìm được chính mình. Hãy tập một mình đi cafe, một mình đọc sách, một mình nghiên cứu thứ gì đó và im lặng nhiều hơn khi lắng nghe câu chuyện từ người khác, bạn sẽ nghe được suy nghĩ bên trong rất thú vị của chính mình. Hãy ghi nhận, viết ra những quan điểm đầy cảm tính đó. Sau cùng, hãy tiến hành phân tích, dặm vá, chứng minh nó với tư duy logic hơn bằng con số, trích dẫn và những trường hợp cụ thể. Để khả năng viết được cải thiện, chúng ta không thể chú tâm vào sự náo nhiệt bên ngoài, mà là nhìn sâu vào bên trong để đi tìm chất liệu.
Đó là lời khuyên của cô MC đa tài, hoạt ngôn đã xuất bản 3 đầu sách dành cho những ai đang đứng trước câu hỏi “hôm nay viết gì?”. Nếu bạn không biết nên viết gì, hãy khoanh vùng 2 chủ đề: thứ bạn thật sự bị ám ảnh lúc này, thứ bạn cần phải viết cho xong. Còn lại, thứ bạn cần viết cho có thì rất nhiều: kế hoạch công ty cần hoàn thành; nhật ký mỗi ngày; content trả nợ cho nhãn hàng; trả lời tin nhắn nhờ tư vấn tình yêu của nhỏ bạn, soạn email xin tài trợ cho dự án mới của bản thân; viết một bản tóm tắt lại những thứ đã học trong tuần như từ vựng tiếng Anh mới, phiên âm bài hát tiếng Nhật yêu thích, cách để “lên tim” nhanh trên Tiktok, bí quyết giảm cân bằng phương pháp KETO… Những thứ đó đều là thứ bạn chưa chắc có hứng thú hoàn thành nhưng lại cần thiết để giải quyết, hãy bắt đầu từ những việc này trước, tập viết một cách logic và chặt chẽ, cơ bản và dễ hiểu.
Tất tần tật mọi thứ bạn quan tâm, đều có thể được tập hợp lớp lang rõ ràng và đầy giá trị giải trí, thông tin lẫn thông điệp. Chỉ cần bạn tuân theo đúng trình tự:
3. Đưa điều cần viết ra ánh sáng bằng các bước tuần tự như khi nấu ăn:
+ Sơ chế: Thứ nào không cần thiết thì bỏ vào tủ đông, chỉ lấy những phần tươi ngon nhất để rửa sạch và tẩm ướp, cắt gọt. Để riêng từng phần gọn gàng, chuẩn bị làm Master Chef.
+ Múa chảo: Kiên nhẫn đi đúng các trình tự Mở bài – Thân bài – Kết luận trong công thức nấu ăn cơ bản. Đừng cố chế ra cái mới khi bạn chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu. Viết lách giai đoạn này cần sự vừa phải hơn là sáng tạo. Hãy chắc chắn bạn biết mình đang làm gì, ở bước nào và nó có liên quan đến tổng thể của chủ đề hay không.
+ Trang trí: Phong cách sang chảnh hay bình dân dễ cảm thụ là do bạn chọn. Đây mới là lúc “công tắc” Biên tập viên nên được bật lên. Bạn sẽ phải đóng vai một khách hàng khó tính đang thưởng thức, đánh giá và phán xét thành phẩm mình vừa tạo ra. Hãy chắc chắn là sẽ không còn một lỗi chính tả, morat chấm phẩy, hay ý tứ thừa vụn vặt, khó hiểu nào còn sót lại. Cắt hết hoặc viết thêm cho rõ nghĩa, miễn sao cuối cùng ta có sự hài lòng của người thưởng thức nó.