Live Green: “Nói không với túi nylon” và nỗ lực của người trẻ xây dựng lối sống bền vững

Luôn ra đường với nhiều túi vải và hộp đựng, có khi nào chị bị mọi người cười vì cầu kì quá?

Tôi mang túi vải để từ chối túi nylon ở các hàng quán, hộp nhựa lúc nào cũng có sẵn để đựng thực phẩm. Nghe có vẻ cồng kềnh nhưng nếu biết sắp xếp thì cũng gọn gàng. Ban đầu mọi người thấy lạ nhưng rồi cũng quen vì biết tôi kiên định không dùng túi nylon.

Mọi người thường bảo tôi cầu kì, mất thời gian. Cũng có người hỏi không có túi nylon thì sống sao? Ông bà mình xưa đâu cần đến túi nylon, vẫn có làn nhựa, túi cói, giỏ mây, gói đồ bằng lá sen lá chuối. Mỗi chúng ta đều có thể lựa chọn hành xử tử tế với môi trường hay chọn tiện lợi cho bản thân.

noi-khong-voi-tui-nylon-2

Từ khi nào chị quan tâm đến câu chuyện môi trường để cho ra đời dự án “Nói không với túi nylon”?

Khi còn là sinh viên, tôi đã tham gia các tổ chức xã hội. Năm 2016, tôi đang học cao học ở Nhật, đó cũng là lúc vấn đề môi trường, ô nhiễm nguồn nước được quan tâm tại Việt Nam. Thời điểm đó, tôi lập fanpage “Nói không với túi nylon”.

Lúc đó, nguồn tin về môi trường rất ít, tôi nghĩ mình cần lập một địa chỉ cung cấp thông tin thật chính xác, dễ hiểu và dễ làm theo. Dần dần fanpage được chú ý nhiều hơn. Sau một tháng đã có người tìm đến, muốn cùng tôi gây dựng dự án. Giờ nhìn lại, tôi thấy chỉ cần quyết tâm nói lên vấn đề là sẽ có nhiều người ủng hộ và chung tay giải quyết.

Có nhiều dự án bảo vệ môi trường hoạt động theo thời điểm và không mang lại kết quả như mong muốn. Theo chị, vì sao “Nói không với túi nylon” lại đi được chặng đường hơn 2 năm và ngày càng lớn mạnh?

Nguyễn Hoàng Thảo

– Sinh năm 1985, hiện là giảng viên tiếng Nhật tại Đại học Hà Nội.

– Tháng 5/2016, Thảo sáng lập ra dự án “Nói không với túi nylon”. Đến nay, dự án đã có trang fanpage hơn 52.000 người theo dõi, tổ chức được 12 workshop, sự kiện với nhiều chủ đề thú vị xung quanh câu chuyện sống xanh, bảo vệ môi trường.

Tôi cho rằng mình đã xây dựng được một cộng đồng những người cùng chung mục đích và phong cách sống. Thông tin về môi trường có ở khắp nơi, song đều là lý thuyết khô cứng. Ngay từ những post đầu tiên trên fanpage, tôi đã cố gắng viết sao cho thật đơn giản để ai cũng cảm thấy đó là vấn đề sát sườn, gây nguy hại cho mình. Người này nói với người kia, thế là cộng đồng ngày càng lớn mạnh.

Thời điểm mới làm fanpage, tôi rất vất vả tìm kiếm thông tin, chia sẻ, giải đáp câu hỏi của mọi người, nhưng sau đó nhàn hơn vì một câu hỏi đặt ra có nhiều người cùng vào đóng góp. Các bạn cũng tự chia sẻ cách mình phân loại rác, hạn chế túi nylon, sống xanh hơn.

Từ đầu năm 2017, tôi và nhóm điều hành dự án gồm 5 người đã tổ chức các buổi workshop, sự kiện để mọi người cùng gặp gỡ, thảo luận. Khi mình tạo ra những hoạt động thiết thực, ắt sẽ kêu gọi được nhiều người đứng cùng chiến tuyến.

Nhiều người hiểu rõ tác hại của túi nylon, đồ nhựa nhưng vẫn sử dụng, họ nói rằng quá khó để sống xanh. Các buổi workshop, sự kiện của chị có đưa ra những phương án giải quyết vấn đề?

Chúng tôi thực hiện các chủ đề gần gũi, dễ làm theo như mang theo túi vải, ống hút, thìa dĩa, cách phân loại rác nhanh hay sử dụng cốc nguyệt san… Song, cách hay không phải là giải quyết vấn đề mà tốt nhất là đừng tạo ra vấn đề. Không dùng túi nylon thì sẽ không phải lo xử lý chúng.

Nhiều người nói mình bận rộn, gọi đồ ăn đóng hộp về nhà hoặc do không để ý mà lấy thêm một chiếc túi nylon khi mua hàng. Tôi phải chấp nhận sự thật là không dễ để giải quyết triệt để bất cứ vấn đề xã hội nào. Tự thân mỗi người phải có ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng phong cách sống xanh. Tôi chỉ cố gắng cung cấp thông tin tích cực và xây dựng cộng đồng lớn mạnh.

noi-khong-voi-tui-nylon-3
Cửa hàng Go Eco Hanoi do Thảo mở ra với tiêu chí zero waste

Chị làm thế nào để thay đổi nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp về việc dùng túi nylon và hộp nhựa?

Tôi từng thực hiện dự án kêu gọi các nhà hàng hạn chế tối đa dùng túi nylon, đồ đựng một lần. Gọi đến 60 cửa hàng, chỉ có hơn 20 nơi đồng ý chuyển qua dùng túi giấy và thêm sự lựa chọn cho khách hàng của mình: khách hàng được trừ 5.000-10.000 đồng khi không lấy túi hoặc tự mang hộp thực phẩm, chai đựng đồ uống đến. Những người khác thì sợ bị khách hàng than phiền, cho rằng mình gây khó dễ. Tôi buồn vì không thuyết phục được tất cả song cũng vui vì ít nhất vẫn có người ủng hộ mình.

Các chiến dịch thành công đều đã được nhắc nhiều trên fanpage, nhưng có thất bại nào làm chị nhớ?

Nói thất bại thì không hẳn, chỉ là không được như ý muốn. Tôi và các bạn tình nguyện viên đã từng thực hiện chiến dịch đề xuất một thương hiệu cà phê lớn sử dụng cốc thủy tinh hoặc cốc sứ khi bán đồ uống tại chỗ thay cho việc chỉ dùng cốc nhựa một lần. Đại diện của hãng cũng gửi thư và trực tiếp gặp chúng tôi để trả lời thắc mắc, lắng nghe ý kiến nhưng vẫn không có sự thay đổi.

Lý do họ đưa ra là khách hàng muốn được dùng cốc nhựa một lần vì vừa nhẹ, vừa tiện, có thể dễ dàng mang đi khi có việc gấp. Như tôi đã nói, thay đổi thói quen cần quá trình lâu dài. Hi vọng các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn thay đổi, bởi cộng đồng cũng đang quyết liệt hơn trong việc lựa chọn các thương hiệu quan tâm đến vấn đề môi trường.

Mục tiêu mà “Nói không với túi nylon” hướng đến trong thời gian tới là gì?

Sẽ có một triển lãm nhỏ vào đầu năm 2019 để mọi người đến tìm hiểu thông tin, học cách tái chế đồ nhựa, túi nylon… Chúng tôi cũng cố gắng duy trì đều đặn các workshop, sự kiện hàng tháng và chia sẻ thông tin hữu ích.

Cách đây không lâu, tôi mở Go Eco Hanoi – một cửa hàng tạp hóa nhỏ bán đồ dùng thân thiện với môi trường, thực phẩm theo mùa theo tiêu chí zero waste (không rác thải), mong mọi người có thêm một địa chỉ mua hàng tin cậy, được đóng gói, bảo quản trong túi giấy, chai thủy tinh và có nguồn gốc thuận tự nhiên. Lợi nhuận từ cửa hàng sẽ được dùng để duy trì các hoạt động của “Nói không với túi nylon”, như vậy dự án mới có thể tồn tại lâu dài.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

GO GREEN

Nếu sống ở thời đại này, Bạch Tuyết có lẽ không cần đợi đến lúc ăn quả táo của phù thủy mới bị ngộ độc, còn nàng tiên cá Ariel có lẽ đã không thể bơi giữa đại dương ngập rác nhựa để đến gặp hoàng tử trong mơ.

Những vấn nạn môi trường giờ đây không còn là việc xảy ra trên chương trình thời sự mà đã len lỏi đến tận mâm cơm gia đình, khi hạt vi nhựa cuối cùng cũng được tìm thấy trong cơ thể con người vào cuối tháng 10/2018.

Nhà thám hiểm người Mỹ Sylvia Alice Earle từng nói: “Phần còn lại của thế giới có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”. Mọi nỗ lực cứu trái đất thật ra chính là giải cứu bản thân mình. Bạn đã sẵn sang sống xanh ngay từ ngày hôm nay?

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Ảnh: Phú Đào – Sắp đặt: Nha Đam

Bài cùng chuyền đề
– Eat Green: Bắt đầu bằng thói quen uống không cần hút
– Eat Green: “Về nhà ăn cơm” đi để được dùng những món đồ thật tự nhiên
– Eat Green: Đi tìm những chốn xanh trong lòng Hà Nội
– Eat Green: Nhật ký mỗi ngày của những người sống xanh
– Live Green: KTS An Việt Dũng: Người may “khẩu trang” xanh cho những ngôi nhà
 Live Green: Nhà tự thở – Kiểu kiến trúc ra đời phù hợp với biến đổi khí hậu
– Live Green: “Nói không với túi nylon” và nỗ lực của người trẻ xây dựng lối sống bền vững
– Live Green: “Ông tây móc cống” James Joseph Kendall: “Thấy tội lỗi mỗi khi dùng một chiếc túi nylon”
– Live Green: Đừng vội vứt bỏ khi rác thải cũng có thể tìm kiếm “cuộc đời mới”
– Wear Green: Khi “tuyên ngôn xanh” hiện diện trên thảm đỏ
– Wear Green: Ông lớn “Versace” cùng lời cam kết bền vững
– Wear Green: Stella McCartney – Định nghĩa về thời trang nhân đạo
– Wear Green: Levi’s – Phát kiến tiết kiệm nước
– Wear Green: Phát động chiến dịch thu gom quần áo cũ cùng H&M
– Go Grenn: Cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của những “quả bom li ti”
– Go Green: Khi những bao bì cũng cần đẹp & thân thiện
– Helly Tống: “Mỗi khi bắt buộc phải dùng đồ nhựa, tôi sẽ tự hối lỗi bằng cách trồng một cây xanh!”
– Wear Green: 20 điều nhỏ bé mà tôi và bạn có thể làm để cứu Trái đất


From the same category