Eat Green: Bắt đầu bằng thói quen uống không cần hút - Tạp chí Đẹp

Eat Green: Bắt đầu bằng thói quen uống không cần hút

Sống

Chuyên gia ống hút

Ban đầu, Đặng Ân (1991) mở “Sạp hàng chàng Sen” không vì mục tiêu bảo vệ môi trường. Cậu thích đồ thủ công, chợ phiên và những thứ xưa cũ. “Mình muốn có một sạp hàng nhỏ như người ở quê. Mỗi phiên chợ, họ gom những thứ ở vườn mang ra bán. Ở các sạp hàng, họ kể cho nhau nghe chuyện con cái, làng xóm, gia đình”. Ân bán rau củ được trồng đúng mùa, giữ được hương vị riêng chứ không ưa những thứ trái mùa như bắp cải trồng vào mùa hè, vị nhàn nhạt không đủ hấp dẫn. Sạp cũng bán rổ rá tự đan do Ân mang từ Ninh Bình quê cậu lên.

Mở sạp được một năm, Ân bán thêm ống hút inox và được nhiều người biết đến nhờ sản phẩm lạ này. Sao lại là ống hút? Vì “tôi cảm thấy đau và mất mát khi xem clip chú rùa biển bị ống hút nhựa chui vào mũi”. Ân tìm hiểu thì biết có rất nhiều loại ống hút có thể tái sử dụng nhiều lần như ống hút giấy, ống hút từ thực vật (tre, nứa, trúc, cỏ bàng), ống hút thủy tinh và inox. Nhưng lúc ấy cậu chưa tìm thấy một cửa hàng nào ở Việt Nam bán mặt hàng này. Không nhiều người bán thì mình phải bán thôi.

Hành trình tìm ra ống hút inox của Ân là một câu chuyện dài và lắm nỗi phiền toái. Ban đầu, Ân thử ống hút từ thực vật do bạn bè đi du lịch ở Lào, Campuchia mang về tặng. Dùng vài lần, cậu đã lắc đầu vì ống hút loại này dễ ngấm nước, ám mùi, gây ảnh hưởng đến chất lượng đồ uống. Điều này tối kị bởi Ân là đầu bếp, cậu rất nhạy cảm với hương vị.

uong-khong-can-hut-2

Việc bảo quản ống hút tre, nứa cũng rất khó, nhất là đối với khí hậu ẩm thấp của miền Bắc và miền Trung, ống hút chỉ dùng được 3-6 tháng là cùng. Loại ống hút này chỉ hợp sử dụng ở miền Nam hoặc trong các nhà hàng lớn có hệ thống máy sấy chuyên dụng. Mặt khác, Ân cho rằng: “Việc khai thác tre, nứa, trúc, cỏ bàng nếu không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái thực vật”. Vì quá nhiều điều phải cân nhắc, mọi thứ tắc lại cho đến khi cậu tìm ra nguồn hàng ống hút inox.

“Tôi đến hỏi về nguồn cung cấp, kiểm định an toàn, giá cả và lại tiếp tục đấu tranh rất nhiều”. Đấu tranh vì ống hút inox là hàng nhập khẩu làm tiêu hao năng lượng vận chuyển, việc sản xuất ống hút inox cũng có tác động tiêu cực nhất định đến môi trường, để lại dấu chân cacbon. Nhưng loại ống hút này lại có nhiều ưu điểm như không ảnh hưởng đến mùi vị, chất lượng đồ uống, dễ bảo quản, dễ vệ sinh và tuổi thọ rất lâu. Cuối cùng, nó vẫn là giải pháp ít hệ quả nhất và phù hợp nhất với điều kiện khí hậu cả 3 miền.

Càng bán ít hàng, càng mừng

“Sạp hàng chàng Sen” rất lạ, ai không kiên nhẫn dễ cảm thấy mua hàng kiểu này phiền phức. Nếu khách mua quá 5 chiếc ống hút inox, Ân sẽ hỏi ngay xem họ mua cho nhà dùng hay cho cửa hàng, có cần mua nhiều thế không.

Cậu nhắc đi nhắc lại: “Ống hút inox dễ vệ sinh, các bạn mua càng ít càng tốt, không cần dự trữ làm gì”. Nhiều chủ nhà hàng muốn mua ống hút inox của Ân, cậu khuyên họ không nên mua hàng loạt ngay lập tức mà cần xem lại quy trình bảo quản và hành vi khách hàng.

Với kinh nghiệm làm nhà hàng nhiều năm, Ân không thích quan điểm gò ép hay cố gắng thuyết phục khách hàng. “Các nhà hàng không nên chủ động cắm ống hút vào đồ uống nữa, thay vì thế, hãy để cả ống hút nhựa và ống hút inox cho khách hàng lựa chọn. Họ sẽ chọn vì hiểu chứ không vì buộc phải dùng”.

Trên fanpage cửa hàng, Ân thường chia sẻ những bài viết nhẹ nhàng để mọi người hiểu rằng việc sống xanh, hạn chế đồ nhựa trước hết là cho bản thân mình, sau đó mới vì môi trường. “Khi để ý hơn đến các vấn đề môi trường, mình sẽ sống chậm lại, không còn tiện tay lấy thêm túi nylon, đi đâu cũng nhớ mang theo túi vải, ống hút, mà nếu có lỡ quên thì thôi, đừng dùng ống hút nữa!”.

GO GREEN

Nếu sống ở thời đại này, Bạch Tuyết có lẽ không cần đợi đến lúc ăn quả táo của phù thủy mới bị ngộ độc, còn nàng tiên cá Ariel có lẽ đã không thể bơi giữa đại dương ngập rác nhựa để đến gặp hoàng tử trong mơ.

Những vấn nạn môi trường giờ đây không còn là việc xảy ra trên chương trình thời sự mà đã len lỏi đến tận mâm cơm gia đình, khi hạt vi nhựa cuối cùng cũng được tìm thấy trong cơ thể con người vào cuối tháng 10/2018.

Nhà thám hiểm người Mỹ Sylvia Alice Earle từng nói: “Phần còn lại của thế giới có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”. Mọi nỗ lực cứu trái đất thật ra chính là giải cứu bản thân mình. Bạn đã sẵn sang sống xanh ngay từ ngày hôm nay?

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Ảnh: Phú Đào – Sắp đặt: Nha Đam

Bài cùng chuyền đề
– Eat Green: Bắt đầu bằng thói quen uống không cần hút
– Eat Green: “Về nhà ăn cơm” đi để được dùng những món đồ thật tự nhiên
– Eat Green: Đi tìm những chốn xanh trong lòng Hà Nội
– Eat Green: Nhật ký mỗi ngày của những người sống xanh
– Live Green: KTS An Việt Dũng: Người may “khẩu trang” xanh cho những ngôi nhà
Live Green: Nhà tự thở – Kiểu kiến trúc ra đời phù hợp với biến đổi khí hậu
– Live Green: “Nói không với túi nylon” và nỗ lực của người trẻ xây dựng lối sống bền vững
– Live Green: “Ông tây móc cống” James Joseph Kendall: “Thấy tội lỗi mỗi khi dùng một chiếc túi nylon”
– Live Green: Đừng vội vứt bỏ khi rác thải cũng có thể tìm kiếm “cuộc đời mới”
– Wear Green: Khi “tuyên ngôn xanh” hiện diện trên thảm đỏ
– Wear Green: Ông lớn “Versace” cùng lời cam kết bền vững
– Wear Green: Stella McCartney – Định nghĩa về thời trang nhân đạo
– Wear Green: Levi’s – Phát kiến tiết kiệm nước
– Wear Green: Phát động chiến dịch thu gom quần áo cũ cùng H&M
– Go Grenn: Cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của những “quả bom li ti”
– Go Green: Khi những bao bì cũng cần đẹp & thân thiện
– Helly Tống: “Mỗi khi bắt buộc phải dùng đồ nhựa, tôi sẽ tự hối lỗi bằng cách trồng một cây xanh!”
– Wear Green: 20 điều nhỏ bé mà tôi và bạn có thể làm để cứu Trái đất

Thực hiện: depweb

27/12/2018, 07:00