Khánh Ly tiết lộ lá thư Trịnh Công Sơn gửi trước ngày cưới Nguyễn Hoàng Đoan

Ông Sơn không bao giờ yêu ai đã có gia đình

  • Người ta vẫn đặt câu hỏi về mối quan hệ của bà với ông Trịnh Công Sơn, bà có thể một lần bày tỏ?

Người phụ nữ mà ông Sơn yêu nhất là mẹ ông ấy, một tình yêu tuyệt đối. Nhưng ngoài mẹ, tôi nghĩ chắc ông Sơn cũng yêu một ai đó chứ. Nếu ông Sơn yêu ai, hoặc ai đó yêu ông Sơn tôi đều cho rằng đó là một diễm phúc, vì người như ông Sơn trên cuộc đời này hiếm lắm.

Nhiều người đặt câu hỏi giữa tôi và ông Sơn là tình gì, tôi nghĩ, một người khôn sẽ không yêu một người quá nổi tiếng. Tình yêu không là mãi mãi, người yêu nhau rồi sẽ đến lúc chán nhau, sẽ dời nhau, nên chúng tôi không yêu nhau cũng là một điều may. Tôi chỉ là một người đi bên cạnh Trịnh Công Sơn, đi dưới bóng mát tỏa ra từ ông ấy, thế tôi là người may mắn chứ.

“Tại sao tôi với ông Sơn không thể yêu nhau, giờ tôi nói lý do nhé. Thực ra là không yêu đâu, nhưng nếu yêu được cũng không yêu vì ông Trịnh Công Sơn không bao giờ yêu một người đã có gia đình, tuyệt đối không.”

Tại sao tôi với ông Sơn không thể yêu nhau, giờ tôi nói lý do nhé. Thực ra là không yêu đâu, nhưng nếu yêu được cũng không yêu vì ông Trịnh Công Sơn không bao giờ yêu một người đã có gia đình, tuyệt đối không.

Lúc gặp ông Sơn tôi đã có chồng và có con nên không bao giờ ông Trịnh Công Sơn yêu tôi được cả. Và tôi cũng không thể yêu ông Sơn vì tôi đã có chồng, ít nhiều gì tôi cũng yêu người chồng của mình chứ. Khi gặp tôi chưa biết gì nhiều về ông Trịnh Công Sơn nên tôi không thể hi sinh gia đình đó cho ông Sơn được. Rồi thời gian qua, tình cảm nó bị trượt đi rồi tan biết.

khanh-ly5
Danh ca Khánh Ly trong một show diễn tại Hà Nội.
  • Nên người ta gọi tình giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là tình tri kỷ. Bà hẳn đồng tình chứ?

Tôi yêu bố tôi lắm mà ông chết sớm quá, lúc tôi mới có 3 tuổi. Tôi vẫn luôn nhớ, mỗi lần đi trên đường làng bố lại ghé quán lá mua cho con chiếc kẹo bột, hoặc có lần đi qua trại gà ghé trại lấy trái trứng đục hai lỗ cho con gái hút. Rồi bố chơi Mandolin, ông thường hát cho tôi nghe những “Chiều vàng”, “Con thuyền không bến”, có lẽ từ thời đó âm nhạc thấm vào tôi. Sau này gặp ông Trịnh Công Sơn, tôi tìm được ở ông ấy tình yêu của một người cha.

Ông Sơn viết “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và ông ấy dạy tôi cách sống ấy. Có lần tôi đùa ông: “Tiền không có, lòng đâu có luộc ăn được đâu”, thì ông nói lại với tôi một cách đầy bình thản: “Thì Mai cứ sống bằng một tấm lòng đi, dù chẳng để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi thôi”. Tôi càng ngày sống càng ngẫm câu nói đó, ráng sống theo như vậy.

Ông Sơn viết “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và ông ấy dạy tôi cách sống ấy. Có lần tôi đùa ông: “Tiền không có, lòng đâu có luộc ăn được đâu”, thì ông nói lại với tôi một cách đầy bình thản: “Thì Mai cứ sống bằng một tấm lòng đi, dù chẳng để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi thôi”. Tôi càng ngày sống càng ngẫm câu nói đó, ráng sống theo như vậy.

Với một người được ông Trịnh Công Sơn yêu, tôi cố gắng để không mất đi tình yêu ấy. Phải sống thế nào xứng đáng để không bao giờ ông ấy bỏ mình đi, dẫu không phải là tình yêu, không phải là tình nhân người ta vẫn có thể bỏ mình đi chứ. Ông Sơn hay nói tôi đang lao động mỗi khi tôi hát và tập hát, thành ra tôi biết tất cả những gì mình làm ông ấy đều chú ý, để ông ấy chọn những thứ ông có để cho mình.

  • Thế còn bài hát “Yêu dấu tan theo”, nhiều người cho rằng đó là ca khúc Trịnh Công Sơn viết vì giận Khánh Ly, sự thật là thế nào, thưa bà?

Mọi người hay hỏi ông Sơn có viết bài nào cho tôi không, tôi không biết vì không thấy ông ấy khoe như vậy bao giờ, và tôi cũng chưa từng hỏi vì sợ mình vô duyên. Nhưng nhiều người chỉ rành rẽ bài này, bài kia viết cho Khánh Ly, chẳng hạn như bài “Yêu dấu tan theo” có những câu: “Em theo đời cơm áo, Mai ra cùng phố xôn xao, bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo/Ta ốm tình nặng trĩu, nghe quanh đời mưa bão, ôi những ngày cơm áo bọt bèo”.. ông Sơn viết hoa chữ Em, chữ Mai.

Ông Sơn là đàn ông, ông ấy không đẻ nên không biết phụ nữ có con họ cần tiền nuôi con (cười). Ông Sơn không biết tôi khó khăn, chỉ cần tôi nói ra ông ấy sẽ cho nhưng mình không nói được.

Và khi cần tiền phải nghĩ cách kiếm. Mà tôi chẳng biết làm việc gì ngoài hát quyết định mở phòng trà. Ông Sơn chán lắm, tôi mời ông ấy lên ông không bao giờ lên hết. Và thời gian đó ông viết bài “Yêu dấu tan theo” này. Tôi nghĩ bài hát là một lời trách rất nặng, dù thoạt nghe thấy vẫn rất nhẹ nhàng.

Sau này không vì lời trách của ông Sơn mà tôi đóng phòng trà, cũng không phải vì không cần tiền, mà vì không làm được (cười).

khanh-ly0
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là một cặp bài trùng, họ sinh ra trong cuộc đời là dành cho nhau. Giữa họ là một thứ tình lớn hơn tình yêu, rộng hơn tình bạn.
  • Và có lần vì Khánh Ly cắt tóc nên Trịnh Công Sơn giận, có không, thưa bà?

Khi có gì vui, ông Sơn cười như một đứa con nít, hồn nhiên lắm. Mà khi giận, ông cũng giận ghê lắm. Nhưng ông Sơn rất hiền, hiếm khi giận ai, nếu có giận cũng không giận được lâu, vì ông là người không thể sống thiếu bạn bè. Có điều người ông giận hẳn là người ông yêu quý.

Ông Sơn thích những cô gái tóc dài, không mập, hay mặc áo dài. Ngày xưa có lẽ tôi là người đầu tiên mặc áo dài mini (tà ngắn) với quần một màu, ông Sơn hài lòng lắm.

“Ông Sơn thích những cô gái tóc dài, không mập, hay mặc áo dài. Ngày xưa có lẽ tôi là người đầu tiên mặc áo dài mini với quần một màu, ông Sơn hài lòng lắm.”

Lần đó ở Đà Lạt, tôi cãi nhau với chồng, lúc đi ngang Hồ Xuân Hương tôi rút nhẫn cưới ném xuống hồ, ghé vào vào tiệm cắt luôn đi mái tóc dài. Ngày đó sáng nào tôi cũng đi chợ rồi hẹn ông Trịnh Công Sơn ở một quán quen trong khu Hòa Bình uống cafe hoặc để ông ấy dạy hát. Hôm đó, vừa ló đầu đến khu Hòa Bình bên này đã thấy ông Sơn ở khu bên kia. Ông nhìn thấy tôi cái quay người đi ngay, không nói năng, chào hỏi gì hết. Tôi tức quá chạy đuổi theo ông ấy hỏi tại sao, ông Sơn mới nói: “Anh không muốn gặp người điên” (cười).

Và lá thư ngắn ngủi trước ngày cưới

  • Sau này có thêm lần nào bà phạm vào những điều ông Sơn không mong muốn nữa?

Lúc tôi chuẩn bị cưới ông Đoan (ông Nguyễn Hoàng Đoan – chồng thứ ba của Khánh Ly – PV), ông Sơn viết cho tôi một lá thứ ngắn ngủi: “Hết người rồi hay sao mà lấy Nguyễn Hoàng Đoan”!

  • Đó là một cơn ghen, có thể không, thưa bà?

Năm 97 tôi và chồng về Việt Nam, ngày nào tôi cũng tới ăn cùng ông Sơn. Một cái bàn ăn khoảng trên dưới 20 người, ngày nào cũng vậy, mình đến mà ông chồng mình không hề giận. Ông ấy còn yêu ông Trịnh Công Sơn một cách lạ lùng nữa. Ở bên Mỹ, tất cả những cuốn sách về ông Sơn bày ở nhà sách, gặp là ông Đoan mua hết. Tôi hỏi: “Ủa, sao kỳ vậy, mua một cuốn đủ rồi, mua hết làm chi vậy?”, ông nói: “Anh mua để ai quý ông Sơn thật anh cho, anh không muốn để chúng lay lất dưới tiệm sách”. Đó là một cách yêu của ông chồng quái đản của tôi.

Khi về Việt Nam gặp nhau, chồng tôi kể với ông Sơn về lá thư đó, ông Sơn mới nói: “Moa không biết về Đoan, moa chỉ nghe người ta nói thôi. Nhưng bây giờ moa biết Đoan làm được cho Mai nhiều điều tốt. Tại vì Mai khổ nhiều rồi, moa không muốn cho Mai khổ thêm nữa”. Lúc đó mình mới hiểu chứ khi viết lá thư cho tôi ông đâu có nói lý do. Đó là cái tính ông Sơn, ông nghĩ gì không ai biết được.

  • Gần 50 đi bên cạnh, lúc gần gụi, lúc xa xôi, cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa hai người, bà còn nhớ chứ?

Ông Sơn có thói quen hay vời một người bất chợt, vào một lúc bất chợt nào đấy đến ngồi trước mình, và vẽ. Nhiều lúc mình cũng muốn nhõng nhẽo bắt để ông vẽ, nhưng mình biết ông Sơn không có thói quen như thế, phần nữa cũng sợ mình vô duyên nên chưa bao giờ đề nghị. Tranh ông Sơn vẽ không thể đặt hàng, vì ông không hẹn trước được với khách bao giờ.

Khi đi xa, mỗi lần về thăm ông Sơn, hai anh thương ít khi khi trò chuyện. Ông Sơn sẽ uống rượu còn mình ngồi yên lặng.

Bao nhiêu năm biết tính, chúng tôi thường giữ những khoảng lặng quý gia đó bên nhau. Thế mà lần về thăm ông cuối năm 2000, chẳng hiểu sao mình bày đặt nhõng nhẽo: “Anh vẽ bao người, nhưng chưa bao giờ vẽ Mai”, thế là ông ấy nổi giận: “Em đó, cũng giống mấy đứa mô” (chỉ mấy người em gái của ông Trịnh Công Sơn – PV). Đang ngồi thế mà mình thấy tay chân thừa thãi không biết để đâu cho hết, vừa quê, vừa tủi thân nên vội vã đứng lên về khách sạn. Cái cảm giác vừa giận, vừa buồn vừa đau khiến tôi quyết định đổi vé máy bay về Mỹ luôn ngày mai.

Sáng hôm sau chưa đến giờ bay tôi vẫn tức lắm bèn gọi một người cháu đi cafe. Nhưng ngồi cafe mà ruột gan cồn cào dữ lắm, vừa muốn chạy đến gặp ông Sơn vừa nghĩ rằng mình không thể gặp người này nữa, đã làm mình trở thành người vô duyên vì một chuyện chẳng vào đâu. Đang giằng co những suy nghĩ đó thì ông Sơn gọi điện, chỉ cần nghe nhắc “sao Mai không tới”, thế là tôi đứng lên chạy thẳng đến nhà ông. Tôi coi như không có chuyện gì ngày hôm qua, và ông Sơn cũng vậy (cười).

Tôi có linh tính lạ lắm, cảm thấy có gì rất khác trong lần gặp đó với ông Sơn. Khi về Mỹ, chồng tôi hỏi: “Em thấy ông Sơn có khỏe không”, tôi trả lời: “Anh Sơn yếu lắm”.  Tôi rõ ràng không thấy ông bệnh trọng, nhưng lúc gặp thấy có điều gì rất khác. Rồi ông Sơn đi sau đó không lâu, tôi nghĩ̃ ông đã chọn ngày, chọn giờ để về cõi khác.

khanh-ly3
Khánh Ly cho biết, chồng bà yêu ông Sơn bằng tình yêu đặc biệt, mặc dù trước khi làm đám cưới với ông Đoan, Trịnh Công Sơn đã viết cho bà một lá thư ngắn ngủi với nội dung “Hết người rồi hay sao mà cưới Nguyễn Hoàng Đoan”.
  • Lần này bà trở về Việt Nam đúng dịp tưởng nhớ ngày mất Trịnh Công Sơn (1/4) bằng chương trình thiện nguyện “Vòng tay nhân ái”. Đó là cách bà vẫn tiếp tục học cách ông Sơn sống: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”?

Lòng từ tâm người ta không học được vì trong mỗi con người đều có chút từ tâm đó, có cơ hội nó sẽ phát triển. Những đứa trẻ mồ côi nhìn cuộc đời khác với những đứa trẻ hạnh phúc bên cha mẹ. Nó biết thân biết phận, biết chia sẻ với mọi người từ cuộc sống của chính mình. Tôi cũng đã từng như vậy.

Từ nhỏ, cứ ở đâu có thua thiệt tôi đều chạy đến, có đám cháy cũng chạy đến giúp dù không ai gọi, chẳng ai xui. Sau này sang Mỹ cũng vậy. Nhưng khi nhà tôi mất, thật tình lúc đó tôi muốn bỏ hết, dẹp hết, tại lúc đó mình cũng lớn tuổi rồi, có làm vậy cũng chẳng ai chú ý mình nữa, cũng chẳng cần phải nổi tiếng nữa, đủ rồi. Nhưng chẳng lẽ cứ như thế mà héo hắt đi.

Giữa lúc đó Quang Thành (trợ lý hiện tại của danh ca Khánh Ly) đến và nói:“Đi chị”, tôi hỏi Thành: “Đi đâu”, Thành bảo: “Đi hát nhà thờ”, và thế là chúng tôi đi. Tôi đến hát ở các nhà thờ, cha cho chúng tôi bao nhiêu thì cho, không cho cũng được. Từ đó tôi vừa đi vừa nhớ lời chồng nói: “Em cứ tiếp tục làm những việc như em đã làm, vì những người đó sẽ cho em niềm vui, cho em hạnh phúc”. Tôi được cái hồi nhỏ không vâng lời mẹ nhưng khi đi lấy chồng thì rất vâng lời chồng. Và bây giờ khi không có chồng nữa thì vâng lời con, vâng lời bạn bè.

Tôi cùng Quang Thành đi, đi qua một ngôi làng, thấy mấy đứa trẻ phải lội suối đi học, Thành bảo mình phải xây một cây cầu. Nhưng rồi chúng tôi tự hỏi lấy tiền ở đâu, nên tôi lại hát. Có lần tôi hát cho một ông giàu lắm, nhà xây tận mấy quả đồi, ông ấy hứa sẽ cho bọn trẻ một cây cầu. Nhưng hát xong thì ông ấy quên luôn lời hứa. Tôi lại nghĩ, ừ thôi, mấy đứa trẻ đã quen với cái nghèo, đâu cần biết đến ông ấy mới thấy mình nghèo hơn, mấy đứa trẻ đã quen với việc lội suối, đâu cần biết ông ấy mới thấy lội suối là cơ cực. Và chúng tôi lại đi vì tin rằng nếu làm được điều gì đó bé thôi thì đấy là niềm vui cho chính mình, không phải cho những đứa trẻ nghèo.

Tôi mỗi ngày thêm hiểu sống với một tấm lòng thì mình vui, mình không cô quạnh nữa.

  • Cảm ơn những chia sẻ của bà!

From the same category