“Họ nghĩ ra mọi sáng kiến để đưa phụ nữ Iran… trở về căn bếp”  - Tạp chí Đẹp

“Họ nghĩ ra mọi sáng kiến để đưa phụ nữ Iran… trở về căn bếp” 

Women Empower Women

Ngôn từ có sức mạnh riêng của nó. Chúng định hình tư tưởng, nói lên ý chí và mong cầu của một cá nhân nào đó. Cũng bằng ngôn ngữ, phụ nữ và trẻ em gái Iran đã sử dụng 3 từ để nói cho thế giới biết mong cầu của họ: Women Life Freedom (Tạm dịch: Sự tự do trong đời sống phụ nữ). “Tôi tin rằng sự tự do của phụ nữ là cái cốt yếu để dựng nên sự tự do của một đất nước”, một phụ nữ người Iran nói với tờ EuroNews. Cách đất nước đáp lại mong cầu của họ? Đó là loay hoay tìm giải pháp trong khi nhiều phụ nữ bị trừng phạt, đàn áp, bắt giam và thậm chí là đầu độc khi họ đứng lên giành lại quyền lợi của mình.  

Women Life Freedom – Sự tự do trong đời sống phụ nữ
“Chúng tôi bị loại khỏi hệ thống giáo dục của đất nước”

Iran là quốc gia Trung Đông đầu tiên cho phép phụ nữ học đại học. Dưới sự cai trị của vua Mohammad Reza Pahlavi – vốn nổi tiếng vì sự độc đoán nhưng lại theo đuổi con đường hiện đại hóa kiểu Tây Phương, phụ nữ không cần phải mang tấm che mặt và được ăn mặc thoái mái kể cả khi ra ngoài. Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, chính quyền Mohammad bị lật đổ, tuy vậy nước này vẫn có nhiều nỗ lực nhằm khuyến khích phụ nữ học đại học. Khoảng cách giữa học sinh nam và học sinh nữ dần được thu hẹp. Năm 2001, lần đầu tiên tại Iran tỉ lệ nữ sinh lấn át hẳn nam sinh, chiếm hơn 60% tổng số sinh viên. Phụ nữ cũng chiếm đa số trong nhiều ngành nghề. Việc một phụ nữ làm việc trong ngành khoa học, y học, kỹ sư không còn hiếm gặp tại Iran. 

Phụ nữ Iran từng được khuyến khích đi học đại học

“Với phụ nữ Iran, giáo dục là cách giúp họ có một cuộc sống độc lập hơn, có sự nghiệp, gỡ bỏ áp lực phải kết hôn từ gia đình”, trích dẫn từ hãng thông tấn BBC. Tuy nhiên, con đường đó bắt đầu bị chính phủ thu hẹp lại kể từ tháng 9 năm 2012. Bấy giờ, hơn 30 trường đại học đã đưa ra quy định mới cấm sinh viên nữ tham gia gần 80 khóa học khác nhau. Trong 80 môn học đó có bao gồm các ngành nghề liên quan tới kỹ thuật, khoa học máy tính, ngôn ngữ Anh, kinh doanh, khảo cổ học và vật lý hạt nhân. Không có lý giải chính đáng nào cho động thái này, nhưng Shirin Ebadi, nhà vận động nhân quyền từng đoạt giải Nobel cho rằng đây là một kế hoạch có chủ ý nhằm “loại trừ phụ nữ khỏi giáo dục”.

Con đường học tập của nữ sinh Iran vẫn còn trắc trở mãi đến tận ngày nay, nếu không muốn nói là khắc nghiệt hơn. Những ngày vừa qua, truyền thông thế giới nổi sóng trước tin tức hàng trăm nữ sinh bị đầu độc nhắm vào 10 thành phố tại Iran. Con số nạn nhân tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới hơn 800 nữ sinh, theo số liệu của The New York Times. Các nạn nhân khi nhập viện đều có cùng một triệu chứng là khó thở, tim đập nhanh, buồn nôn và tê bì chân tay.

ST_BROWN_IRAN_POISONING_MPX.png (1279×720)
Nữ sinh nhập viện tới tình trạng khó thở, buồn nôn, tê bì chân tay

Trong buổi họp báo ngày 26/2, Thứ trưởng Bộ Y Tế Younes Panahi đã đưa ra xác nhận chính thức: “Sau vụ đầu độc một số học sinh tại các trường học ở Qom, chúng tôi xác nhận được rằng một số cá nhân muốn đóng cửa tất cả trường học, đặc biệt là trường nữ sinh”, hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời. Trao đổi với tờ Guardian với điều kiện giấu tên, một bác sĩ chuyên điều trị các nạn nhân bị ngộ độc cho biết: “Với dữ liệu hiện có, nguyên nhân khả dĩ nhất của vụ ngộ độc này có thể là do chất lân hữu cơ yếu. Tôi tin rằng động cơ là để ‘làm những người biểu tình sợ hãi bằng cách sử dụng các nhóm (Hồi giáo) cực đoan trong và ngoài nước’.Chính quyền Iran muốn trả thù các nữ sinh, những người tiên phong trong các cuộc biểu tình gần đây, những người đã cầm biểu ngữ xuống đường phố và hét lên rằng ‘Chết đi đồ độc tài’”, ông nói. 

Tri thức vốn nên là một nguồn dữ liệu mở để bất kì ai cũng có quyền lĩnh hội. Giáo dục đáng nhẽ nên là bước đệm để giúp học sinh/sinh viên có cuộc sống tốt hơn họ từng có. Thế nhưng, cả tri thức và giáo dục đối với phụ nữ Iran đều là một loại xa xỉ mà họ có thể bị trừng phạt vì dám mảy may có ý nghĩ chạm tới nó. 

“Họ bịt miệng chúng tôi bằng miếng hijah”

Một tuần trước, Hội nghị hiệp hội kỹ sư chuyên nghiệp diễn ra tại Tehran, Iran. Giữa sự kiện, một nữ kỹ sư sải bước lên sân khấu trong trang phục quần bó sát và áo sơ mi sành điệu. Cô cột tóc đuôi ngựa. Lớp tóc dài nâu theo nhịp chân tung bay tự do phía sau. Cô cầm chặt micro và hướng về phía đám đông, nói rằng: “Xin chào, tôi là Zeinab Kazempour. Tôi lên án những ai ủng hộ quy tắc khăn trùm đầu tại Iran”. Sau đó cô cởi bỏ chiếc khăn choàng quanh cổ và ném nó xuống dưới nền đất, ngay trước nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei. Hành động đấy của cô chính là công khai thách thức chính quyền Iran. Thế nhưng cô rời đi trong một khán phòng đầy tiếng reo hò, vỗ tay và huýt sáo. Video ghi lại cảnh tượng này sau đó đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. 

np_file_212704.jpeg (2000×1333)
Khắp Iran vẫn bắt gặp những phụ nữ nhất quyết không muốn dùng khăn trùm đầu khi ra ngoài

Khắp Iran có rất nhiều phụ nữ giống Zeinad Kazempour. Trong 100 bức ảnh của năm do tạp chí The Time bình chọn, có tấm hình một người phụ nữ cột khăn trùm đầu vào một cây gậy, đứng giữa đám đông lố nhố. Có những cô gái nhất quyết không đội khăn trùm đầu ra đường, dù họ biết kết cục cho hành động đó tại đất nước này. Hoặc là bị phạt hoặc chết tức tưởi giống như Mahsa Amini (22 tuổi), khi đang bị cảnh sát đạo đức của đất nước giam giữ vì “mang khăn trùm đầu không đúng cách”. 

Họ không sợ chính quyền sẽ trừng phạt sao? Hẳn là họ sợ, nhưng thứ đáng sợ hơn cả chính là sống trong một đất nước không phải là của họ. Vì nếu đất nước đó là của họ, hẳn Mahsa Amini đã không bị hành hạ đến chết vì “mang khăn sai quy chuẩn”. Nếu đất nước tôn trọng nhân quyền của họ, hẳn đã không có 500 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình (trong đó có 70 là trẻ em), 15.000 người bị bắt giữ và 5 người bị kết án tử hình. Nếu đó là Iran của họ, hẳn sẽ không có câu chuyện nào được kể ẩn danh trên The New York Times, rằng “Họ (lực lượng an ninh) đã đánh tôi liên tục trong buổi phỏng vấn. Họ trùm khăn lên mặt tôi và tôi không thể nhìn thấy gì. Tôi bị lột trần truồng và được nói rằng sẽ có một nữ bác sĩ vào phòng và khám vết thương cho tôi. Vài phút sau, có người đến phòng và khi họ chạm vào tôi, tôi biết đó là một người đàn ông”. 

Chính vì đất nước đấy từ lâu đã vuột mất khỏi bàn tay của phụ nữ Iran. Vậy nên họ mới cởi, xé, đốt khăn trùm đầu và hét lên trong đám đông biểu tình rằng: “Chúng ta sẽ chiến đấu! Chúng ta sẽ chết! Chúng ta sẽ giành lại Iran!”. 

2022-10-16T000000Z_1130406560_MT1NURPHO000AP4GX8_RTRMADP_3_NETHERLANDS-PROTEST-scaled.jpg (2560×1704)
Chúng ta sẽ chiến đấu! Chúng ta sẽ chết! Chúng ta sẽ giành lại Iran!

Hơn 100 năm phụ nữ Iran đứng lên giành lại những quyền lợi của mình. Họ mong mỏi những điều vốn được coi là bình thường ở những quốc gia khác. Làn da có thể chạm được ánh nắng. Mái tóc dài xõa trên vai. Gương mặt không bị che chắn bởi bất kì một tấm vải nào. Một cuộc sống độc lập tự do do tri thức mang lại. Nhưng hãy nhìn xem, chính quyền đã làm gì với họ. Một thế kỷ trước đây, vị trí của phụ nữ Iran thuộc về nhà bếp. Trong khi các quốc gia đều đang tìm mọi cách để tiến về phía trước, “chính phủ Iran lại sử dụng nhiều sáng kiến khác nhau… để hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục của phụ nữ, ngăn cản họ leo cao trong nấc thang địa vị xã hội và đưa họ.. quay trở về nhà”.

Tác giả: Hằng Trần

22/05/2023, 13:27